Pages

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Trung, Nhật khiêu khích nhau, giông bão sắp nổi lên?

(VnMedia) - Nhật Bản chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận tấn công đổ bộ quy mô lớn được cho là sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lần đầu tiên đưa tàu ra đảo tranh chấp với Nhật kể từ sau hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước. Những hành động mang đầy tính khiêu khích giữa Bắc Kinh và Tokyo đang báo hiệu khả năng về “một trận giông bão” mới sắp nổi lên trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á. 

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi đang chứng kiến cuộc tranh giành quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Nhật Bản tập trận với Mỹ, Australia 


Nhật Bản được cho là sẽ lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trận chung quy mô lớn diễn ra hai năm một lần giữa Mỹ và Australia. Trong cuộc tập trận này, các binh lính sẽ tham gia vào bài diễn tập tấn công-đổ bộ rầm rộ ở Queensland. Nội dung tập trận này chắc chắn sẽ khiến người Trung Quốc nổi giận. 



Trong khi lực lượng quân đội Autralia từ chối xác nhận việc Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận lớn mang tên Talisman Sabre thì Mỹ lại vui mừng xác nhận rằng họ đã chính thức đưa ra lời mời với phía Tokyo.

Theo tờ The Australian đưa tin, Nhật Bản sẽ phái một nhóm gồm khoảng 30 sĩ quan và binh lính đến tham gia các cuộc diễn tập quân sự chung với Mỹ và Australia với nội dung là thực hiện một cuộc đột kích vào bờ biển đang “nằm trong sự kiểm soát của kẻ thù”.

Ông John Lee – một chuyên gia về Trung Quốc ở trường Đại học Sydney nhận định, sự tham gia của phía Nhật Bản là một phần trong xu hướng hướng tới sự hợp tác giữa các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đây là xu hướng mà Bắc Kinh khó có thể cảm thấy dễ chịu bởi nước này đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Được biết, sẽ có khoảng 30.000 binh lính của Mỹ, Nhật và Australia tham gia vào cuộc tập trận Talisman Sabre, trong đó có bài diễn tập đổ bộ, tấn công nhảy dù với sự tham gia của trực thăng, tàu đệm khí và máy bay chiến đấu. Các bài diễn tập này rất dễ được hiểu là một cuộc tập trận chiếm lại một hòn đảo bị một thế lực nước ngoài chiếm đóng.

Trung Quốc đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở biển Hoa Đông với Nhật Bản và ở Biển Đông với các nước láng giềng Đông Nam Á. Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết liệt, hung hăng trong tham vọng tranh giành lãnh thổ, lãnh hải với các nước xung quanh.

Kể từ khi cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc nóng lên, Nhật Bản bắt đầu tăng cường các cuộc tập trận với đồng minh Mỹ và việc tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre được Tokyo xem là cơ hội để rèn luyện thêm cho lực lượng của họ.

Học giả về quốc phòng của Trường Đại học NSW – ông Alan Dupont, cho rằng việc Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận Talisman Sabre sẽ chỉ là bước đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác quân sự 3 bên giữa Australia, Nhật Bản và Mỹ.

“Việc đưa một nước khác vào cuộc tập trận đó là một điều có ý nghĩa và nó là tín hiệu cho thấy Nhật Bản đang tiến dần tới hàng đầu tiên trong đối tác quốc phòng của Australia”, Giáo sư Dupont nhận định.

Theo ông Dupont, Bắc Kinh và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chắc chắn sẽ cảm thấy lo ngại về diễn biến trên. “Họ không hề thích thú khi chứng kiến mối quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia bởi điều đó khiến họ lo sợ và họ nghĩ rằng họ đang bị bao vây vởi các cường quốc khác”.

Trong khi đó, Giáo sư Lee của trường Đại học Sydney cho rằng, việc tăng cường sự hợp tác về quân sự giữa 3 nước Mỹ, Australia và Nhật Bản là điều mà “khu vực đang cần bởi nó cho thấy một hệ thống liên minh đang được dựng lên và tôi tin đó là điều vô cùng cần thiết cho sự ổn định”.

Trung Quốc đưa tàu đến vùng tranh chấp chọc tức Nhật Bản 

Liên quan đến quan hệ Trung-Nhật, Bắc Kinh hôm nay (25/11) cũng đã khiến Tokyo nổi xung khi lần đầu tiên đưa tàu thuyền trở lại khu vực tranh chấp kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật được tổ chức mới đây nhằm làm dịu căng thẳng song phương.

3 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã lượn lờ xung quanh khu vực 12 hải lý tính từ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư lúc khoảng sau 10h sáng ngày hôm nay, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết. Những con tàu này đã rời đi 2 giờ sau đó.

Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố được đăng tải trên website của cơ quan này rằng, các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc “đã đi tuần tra khu vực lãnh hải của Trung Quốc ở gần quần đảo Điếu Ngư trong ngày hôm nay”.

Động thái trên đã trở nên quen thuộc trong hơn 2 năm qua khi hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á tranh chấp nhau chủ quyền đối với quần đảo không có người sinh sống ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, hành động này đã không diễn ra kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 10/11 mới đây. Điều này đã làm dấy lên hy vọng về một sự hòa dịu giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Tuy nhiên, sự trở lại vùng tranh chấp của tàu thuyền Trung Quốc đã khiến tình hình nóng trở lại. Nhật Bản đã ngay lập tức gửi văn bản phản đối chính thức đến Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao. Nhật Bản cho biết, nước này phản đối mạnh mẽ việc tàu tuần tra Trung Quốc đi vào khu vực xung quanh quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông mà Tokyo khẳng định thuộc chủ quyền của họ./Vân Linh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét