Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Trung Quốc bất ngờ xuống nước với ASEAN?

(VnMedia) - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua (13/11) đã bất ngờ đưa ra đề nghị ký hiệp ước thân thiện với các nước Đông Nam Á, đồng thời đề xuất cung cấp cho ASEAN khoản vay ưu đãi trị giá 20 tỉ USD. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tỏ rõ lập trường về việc chỉ giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trực tiếp với những nước có liên quan. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với Vùng lãnh thổ Đài Loan và 4 thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các cuộc tranh chấp đang diễn ra theo chiều hướng ngày một nóng bỏng, có nguy cơ leo thang thành những cuộc xung đột. 



"Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành đối tác đối thoại đầu tiên ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua đã phát biểu như vậy với lãnh đạo các nước tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở thủ đô của Myanmar.

Hiệp ước nói trên được xem như là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xoá tan đi những hoài nghi, lo ngại về việc Trung Quốc đang là một mối đe doạ đối với khu vực và thế giới. Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẵn sàng ký hiệp ước thân thiện và láng giềng tốt với thêm nhiều nước khác.

Thủ tướng Lý Khắc Cường còn đề xuất cung cấp cho ASEAN những khoản vay đặc biệt, và ưu đãi trị giá lên tới 20 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Đây được xem là một lời đề nghị hấp dẫn trong bối cảnh ASEAN đang cần vốn để phát triển mạng lưới đường xá, cầu cảng và hệ thống đường sắt phục vụ cho sự phát triển của khu vực này.

Tuy nhiên, sau những đề nghị thể hiện sự “ve vãn” của Trung Quốc đối với ASEAN, cường quốc Châu Á này cũng thể hiện một lập trường cứng rắn, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Thủ tướng Lý Khắc Cường tái khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc “bảo vệ chủ quyền” của nước này cũng như lập trường mà Bắc Kinh luôn khăng khăng giữ là các cuộc tranh chấp hàng hải nên được giải quyết song phương tay vì đa phương hoặc qua toà án.

Philippines - một trong những người thành viên ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc, đã khiến Bắc Kinh nổi xung khi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế vì đòi hỏi chủ quyền thái quá đến gần 90% Biển Đông của cường quốc này.

Phản ứng trước đề xuất mang tính “ve vãn” của Bắc Kinh về việc ký hiệp ước thân thiện với ASEAN, các nguồn tin ngoại giao từ Philippines tỏ ra rất thờ ơ, lạnh nhạt, nói rằng đề nghị đó thiếu về chất và nó tương tự như một đề nghị mà Philippines đưa ra hồi năm 2012 mà Trung Quốc khi đó đã từng phớt lờ.

Lãnh đạo các nước ASEAN bày tỏ hy vọng sẽ thuyết phục được nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc áp dụng một phương pháp tiếp cận bớt hung hăng, hiếu chiến hơn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông khi họ có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày hôm qua (13/11) trong một cuộc họp kín.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng xung quanh đặc biệt lo ngại vì cách hành xử của nước này trơng các cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực. Bắc Kinh đang thể hiện một thái độ, lập trường quyết liệt trong việc theo đuổi tham vọng chiếm trọn Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, bất chấp việc xâm phạm đến các vùng lãnh thổ, lãnh hải của các nước láng giềng xung quanh. Đó là lý do khiến các cuộc họp ASEAN trong vài năm trở lại đây luôn đưa vấn đề Biển Đông nóng bỏng vào chương trình nghị sự để thảo luận.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 và các Hội nghị cấp cao liên quan vừa diễn ra ở Nay Pyi Taw, Myanmar đã chứng kiến việc các nước, trong đó có nhiều nước lớn, đồng loạt bày tỏ quan điểm về Biển Đông.

Tại các Hội nghị nói trên, Lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Các Nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, vì thế cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Lãnh đạo các nước ASEAN tiếp tục quan ngại về tình hình trên Biển Đông. ASEAN tái khẳng định các cam kết chung về bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực.

(tổng hợp) Kiệt Linh

Không có nhận xét nào: