Pages

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Trung Quốc phản công, Mỹ sẵn sàng chưa?

RFA

fiery-cross-reef

Không ảnh chụp hoạt động tân tạo của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập
Courtesy of IHS























Phía nam, chỉ xâm lấn Việt Nam, vì sao?

Hôm thứ ba Philippines bất chấp  lời kêu gọi của Trung Quốc, đã đưa ra toà xét xử 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt rùa biển trong hải phận tranh chấp, tuyên phạt mỗi người 102 ngàn đô la hoặc phải chịu 6 tháng tù.  Hình như Việt Nam chưa làm như vậy bao giờ, trong khi Trung Quốc vẫn bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc. Lý do vì sao?

Có thể là vì giữa Việt Nam với Trung Quốc còn có mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản cầm quyền. Hai nước đã nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải dựa trên mối quan hệ đó hơn là trên căn bản mối quan hệ ngoại giao thông thường. Khi đã giải quyết một cách khác thường như vậy thì cũng có thể có những cam kết khác thường mà ngoài hai đảng Cộng sản ra không ai được biết.
Nhưng giả sử có sự cam kết như vậy thì vì sao phía Trung Quốc vẫn bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc mà không cần một phán quyết tư pháp nào, và Việt Nam phải đóng tiền mới chuộc được dân của mình về?
Thực ra, không thể đoan chắc hai bên có cam kết điều gì và cam kết ra sao; nhưng hành động độc đoán như vậy của Trung Quốc mới cho thấy rõ bản chất hiếp bức nước nhỏ của một xứ chuyên hành xử theo kiểu bá quyền nước lớn. Và qua đó người ta cũng thấy cái thế khó xử của Việt Nam, ở vị thế một nước nhỏ yếu hơn nhiều mà lại nằm vào vị trí “môi hở răng lạnh”, luôn luôn hứng chịu mọi sự áp chế từ hằng ngàn năm nay.
Tuy nhiên, nhìn lại, Miến Điện cũng ở vào vị trí sát cạnh nước lớn Trung Quốc không khác gì Việt Nam, nhưng tại sao Bắc Kinh không hiếp bức được như đối với Việt Nam?
Vị trí địa lý và mối quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc, so ra có những điểm khác biệt rất căn bản. Trước hết về yếu tố địa chính trị,
Miến Điện không nằm ở vị trí chắn đường thuỷ lộ và vùng biển phía nam của Trung Quốc.  Địa thế biên giới Miến-Hoa rất hiểm trở, không dễ tiến quân xâm chiếm. Miến Điện vốn là một vương quốc hùng mạnh, nhiều lần có chiến tranh với Thái Lan. Cho đến thế kỷ trước Trung Quốc cũng chưa phát triển được như ngày nay, nên mãi đến nay Trung Quốc mới nhắm vào Miến Điện vì cần đầu tư vào những đập thủy điện ở Miến, và muốn có những căn cứ nhìn ra Ấn Độ Dương.
Trong khi đó giữa Việt Nam với Trung Quốc, ngày nay thì mang nặng
mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản, và từ xưa đã có những đặc tính văn hoá, xã hội, văn minh, chủng tộc gần gũi. Dân tộc Lạc Việt vốn thuộc giòng Bách Việt, là chủng tộc phát xuất từ chủng Nam Á từng chiếm hữu từ Indonesia đến  bờ nam sông Dương tử. Chủng Nam Á hình thành từ sự hoà nhập cách nay 5 ngàn năm giữa chủng Cổ Mã Lai và Đại chủngÁ từ phía bắc sông Dương Tử tràn xuống. Vì thế dân tộc Việt và dân tộc Nam Trung Hoa có nguồn gốc chủng tộc rất gần gũi, cho nên  người Trung Hoa luôn luôn muốn thu phục chủng tộc Việt mà họ coi là cùng nguồn gốc với họ. Ngược lại, người Việt, vào những thời kỳ hưng thịnh và chiến thắng như trong triều đại ngắn ngủi của vua Quang Trung, nhà vua cũng từng ngỏ ý muốn chiếm lại lãnh thổ cổ xưa của Việt tộc từ Lưỡng Quảng rồi lấn dần tới bắc Hồ Nam, vì cổ sử của Việt Nam ghi rõ Động Đình Hồ trên sông Dương tử là nơi phát xuât truyền thuyết Lạc Long Quân.
Như vậy ta mới thấy mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rất tế nhị và cũng rất phức tạp, vừa thân thiết như cùng huyết thống vừa hận thù nhau truyền kiếp, khiến Việt Nam luôn luôn phải chịu cái ách và phải giải cái ách bành trướng xâm lấn của Trung Quốc từ ngày lập nước Văn Lang cách nay mấy ngàn năm.

Không thể chung đường

Dù sao chăng nữa, đó cũng không phải lý do Trung Quốc đòi cưỡng chiếm cả biển Đông, và không phải chỉ biển Đông mà còn cả thị trường châu Á và xa hơn nữa, theo con đường tơ lụa thế kỷ 21 mà Bắc Kinh đang quảng bá.
Muốn thế, Trung Quốc phải tìm mọi cách không chế Nhật Bản và đẩy bật ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ ra khỏi châu Á. Có phải nhân lúc Hoa Kỳ vướng bận ở Trung Đông và Ukraine, mà Chủ tịch Tập Cận Bình vừa khai mào cuộc phản công ở hai hội nghị thượng đỉnh APEC và G-20?  Trong khi Hoa Kỳ còn “mắc cạn” với Hiệp định TPP cho thị trường tự do châu Á Thái Bình Dương thì ông Tập Cận Bình tung ra đề nghị về FTAAP tạo thị trường tự do cho cả 21 quốc gia APEC. Sau đó ở Brisbane, Australia, hai nhà lãnh đạo Úc-Hoa hân hoan công bố hiệp ước thị trường tự do song phương, trong ý đồ rõ ràng của Bắc Kinh nhằm lôi kéo châu Đại dương ra khỏi mối quan hệ với Hoa Kỳ cùng liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Úc-Ấn được cho là đang manh nha hình thành.
Tử những hành động của Trung Quốc, khung cảnh thế giới ngày nay tựa như tình hình thế giới hồi gần giữa thế kỷ 20  khi các thế lực quân sự kinh tế hùng mạnh đi đến chỗ đối đầu nhau, tranh giành thuộc địa, giành thị trường, nguồn nguyên liệu, khởi phát chiến tranh...
Nhưng vẫn còn mối hy vọng rằng ngày nay thế giới đã học được nhiều bài học lớn về chiến tranh trong thế kỷ 20, con người cũng lãnh hội được bài học về tinh thần thực tế, không đặt nặng lý tưởng về chủ nghĩa, hay quốc gia, chủng tộc, tôn giáo. Tinh thần thực tế là ý hướng theo đuổi cuộc sống hoà bình, thịnh vượng, hạnh phúc bằng mọi cách, mọi giá, không đặt nặng tự ái dân tộc, quốc gia, chỉ nhắm tới phúc lợi kinh tế và cuộc sống hưng vượng. Ngoại trừ những khu vực ở Trung Đông và Phi châu còn bị kích động và ép buộc bởi những kẻ hoạt đầu chính trị, tôn giáo cực đoan, còn hầu hết Âu Á Mỹ chỉ nhắm đến cạnh tranh kinh tế trong hoà bình như mục tiêu hàng đầu.
Tuy vậy, trở lại vấn đề biển Đông, người ta thấy có nhiều điều kém lạc quan vì chính sách bành trướng ngang nhiên của Trung Quốc.
Tuần qua Philippines đã hành động rất tế nhị và khôn khéo. Khi đưa ngư dân Trung Quốc ra tòa xử, Philippines đã giữ được thể diện quốc gia và cho Trung Quốc thấy rõ lập trường bảo vệ chủ quyền, đồng thời khi tuyên phán một bản án để có thể thả ngay các bị cáo, Manila vẫn tỏ ra chấp thuận và thi hành yêu cầu của Bắc Kinh đòi trả tự do vô điều kiện cho ngư dân của họ.
Tuy nhiên, nói đến cạnh tranh hoà bình, người ta thấy những hành động nhằm giải quyết hoà bình của Philippines và Việt Nam không hề ngăn được Trung Quốc trong sách lược vươn cánh tay dài ra tới Trường Sa, nằm trong chiến lược bành trướng xa hơn nữa để thực hiện con đường tơ lụa thế kỷ 21. Trung Quốc đang bồi đắp đá Chữ Thập mà họ chiếm của Việt Nam ở Trường Sa thành căn cứ có sân bay và hải cảng, cùng lúc cũng tân tạo nhiều cồn đá thành đảo lớn và những căn cứ kiên cố ở giữa Trường Sa, sau khi Đài Loan tái tạo đảo Ba Bình thành căn cứ quân sự có đường băng cho máy bay lên xuống.
Cùng lúc, tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc cao giọng quảng bá cho cái gọi là cấu trúc an ninh mới dựa trên quan niệm "người châu Á lo việc an ninh cho châu Á".

Mùi khói súng?

Song song với màn khai pháo kinh tế thương mại ở thượng đỉnh APEC và G-20, có phải Bắc Kinh đang mở màn trận phản công chiến lược và quyết đẩy Hoa Kỳ ra khỏi châu Á?
Hoa Kỳ dường như đã dự phòng tình huống nay từ khi thực thi chiến lược chuyển trục sang châu Á. Nhưng Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel lại vừa từ chức sau những trì trệ về an ninh quốc phòng ở Iraq, Afghanistan, giữa lúc Liên Bang Nga quyết tâm giành chiếm Crimea và đông Ukraine. Bộ trưởng Hagel là người thay mặt cho Hoa Kỳ khẳng định chính sách chuyển trục sang châu Á trong những lúc hành pháp Mỹ không rảnh tay để khẳng định lập trường ở những hội nghị liên quan đến an ninh quốc phòng châu Á. Sự ra đi của ông khiến dậy lên mối lo ngại Hoa Kỳ lơ là vói châu Á vì tình hình Trung Đông và Ukraine.
Tuy nhiên, xét lại, chính sách chuyển trục ấy đã được hình thành từ trước nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nhưng chỉ được chính thức công bố cách nay ba năm. Bộ trưởng Hagel từng thay mặt hành pháp Mỹ khẳng định chính sách chuyển trục, chính điều đó đã nói lên rằng Hoa Kỳ không lúc nào lơ là với châu Á.
Vậy phải chăng nay là lúc Hoa Kỳ điều chỉnh, củng cố chiến lược an ninh quốc phòng để hỗ trợ chính sách kinh tế thương mại nhằm giành thị trường ở châu Á, đối đầu với Trung Quốc, đồng thời củng cố phòng thủ châu Âu?
Mùi khói súng dường như phảng phất đâu đây. Trung Quốc phát triển hùng mạnh và nhanh chóng không khác Đức, Nhật thời xưa, gợi lại ký ức rất mới của loài người về những cuộc chiến tranh giành chiếm thuộc địa và thị trường từ cuối thập niên 1930.  Đức vươn nhanh như Phù Đổng chỉ trong hơn hai thập niên sau thể chiến thứ nhất, rồi khai chiến ở châu Âu, sau đó Nhật tung quân chiếm các thuộc địa của Anh-Pháp-Mỹ ở Đông Nam Á, các hạm đội hàng không mẫu hạm dưới bóng cờ Mặt Trời tung hoành khắp Thái Bình Dương... Cho đến năm 1945 thì khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh, mà Việt Nam là một xứ sở nạn nhân, mãi đến 1975 mới tắt đi mồi lửa nồi da xáo thịt. Nhưng người Việt lại tiếp tục đổ máu vì Trung Quốc, do hậu quả của những sai lầm tồn tại từ thời chiến tranh lạnh, trong khi mối thương đau của dân tộc chưa hề có dấu hiệu ngưng lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét