Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Việt Nam xem xét sửa đổi luật bầu cử

Sáng 5/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội CSVN, ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày về dự Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân tại nghị trường.
Trong buổi thảo luận ở tổ chiều cùng ngày, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, trong luật cần phải cụ thể hoá tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội đã ghi trong Hiến pháp. Theo ông Nghĩa, luật Bầu cử phải có tiêu chuẩn lựa chọn rõ ràng. Ngoài hồ sơ ứng cử, lý lịch tư pháp, thì phải có phiếu khám sức khoẻ.

Ông Nghĩa nói thêm: “Khám sức khoẻ cho người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải như khám sức khoẻ lái xe, mà phải có trắc nghiệm về trình độ và thần kinh, tâm lý. Nếu tâm thần mà không ổn định thì hậu quả nhiều khi khó giải quyết vì nhiệm kỳ kéo dài tận 5 năm”. Ông Nghĩa cho rằng, nhiều hoạt động chung của đoàn đại biểu sẽ bị ảnh hưởng khi có người trình độ thấp và thần kinh không đảm bảo.
Nhiều Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) đồng ý với đề xuất của ông Nghĩa. Ông Phạm Văn Gòn nói: “Những người tưng tưng không được cho vào danh sách giới thiệu hoặc ứng cử, vì đại biểu Quốc hội đóng vai đặc biệt, đại diện cho nhân dân cho ý kiến và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”. Còn ông Trần Du Lịch nhấn mạnh hơn rằng không thể có người mất năng lực hành vi dân sự làm đại biểu Quốc hội.
“Những người được bầu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội phải không được có tiền án, tiền sự. Nếu chỉ quy định là “trung thành với đất nước” thì ai chẳng tự nhận là trung thành. Ngoài ra, người ứng cử phải có bản kê khai tài sản minh bạch. Hiện nay tôi thấy tự kê khai ông nào cũng nghèo hết”, ông Lịch nói.
Đề xuất của ông Trương Trọng Nghĩa được đưa ra sau khi ông Nghĩa bị ông Hoàng Hữu Phước viết bài, đưa lên blog cá nhân của ông Phước, mà ông Nghĩa cho rằng các bài viết đó “một là công kích cá nhân, hai là lời lẽ có tính chất thóa mạ, quy chụp, vu khống, nặng nề.” và “chỉ phục vụ cho sự bực tức, hằn học nào đó của cá nhân ông ấy.”. Sau đó, ông Nghĩa đã gửi đơn yêu cầu ông Phước phải xin lỗi tới Đoàn ĐBQH Sài Gòn. Hai ông có những bài trả lời phóng vấn báo chí qua lại, chứ không có đối thoại trực tiếp. Sau cùng, ông Phước đã có bài viết xin lỗi ông Nghĩa trên blog cá nhân.
Hồi năm ngoái, sự việc tương tự cũng xảy đến với ông Dương Trung Quốc, khi ông Quốc bị ông Phước viết bài công kích, cùng kiểu như mới làm với ông Nghĩa. Sau đó, ông Phước cũng phải xin lỗi ông Quốc. Tuy vậy, ông Phước năm nay không rút kinh nghiệm, mà vẫn lặp lại “scandal” như cũ. Nhiều người nghi ngờ về “thần kinh” của ông Phước “có vấn đề”.
Về vận động bầu cử, dự thảo luật quy định Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Uỷ ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương. Nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử.
Dự thảo luật xác định rõ hai hình thức vận động bầu cử: Thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
ĐBQH Võ Thị Dung nhận xét, những cuộc bầu cử gần đây sôi động vì có các hoạt động tranh cử, vận động bầu cử. “Những người được giới thiệu thì bình thường, nhưng những người ứng cử hoặc có điều kiện thì vận động rất nhộn nhịp. Điều này gây mất công bằng. Vì vậy, tôi đề nghị phải đảm bảo sự công bằng giữa những người có tổ chức giới thiệu và những người tự tham gia ứng cử”, bà Dung nói.
ĐBQH Nguyễn Văn Minh đề xuất, luật nên quy định không được sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin để vận động bầu cử. Bởi ông Minh cho rằng: “Lập blog, website để tuyên truyền, vận động bầu cử sẽ có rất nhiều hệ luỵ. Tôi đề nghị cấm !”
Nhưng xét cho cùng, với cơ chế “Đảng (CSVN) cử, dân bầu” và việc “cơ cấu, thành phần Đại biểu Quốc hội” từ Đại hội Toàn quốc ĐCSVN như hiện nay thì mọi cuộc vận động tranh cử sẽ chỉ như là phù phiếm, hình thức che đậy, chứ không có thực chất ! Mặt khác, các cuộc vận động tranh cử vẫn còn rất hạn chế về mọi mặt. Do vậy, tính dân chủ trong vận động tranh cử nói riêng và cả cuộc bầu cử nói chung đều không được đảm bảo.
Việc sửa đổi Luật Bầu cử hiện hành vẫn chỉ là một hình thức tô vẽ cho cái “dân chủ” kiểu Xã hội chủ nghĩa, nhà nước “Pháp quyền XHCN” mà CSVN muốn người dân nhìn thấy và nghĩ đến, cũng như để trưng ra cho Thế giới thấy Việt Nam có “cải cách chính trị”. Nhưng thực tế, vấn đề căn bản vẫn chưa được giải quyết, đó là cơ chế bầu cử vẫn như cũ !
Nhật Nam / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét