Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

VN Airlines IPO: Vắng bóng vốn ngoại

Việc chào bán cổ phiếu của Vietnam Airlines là một phần trong nỗ lực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam
Các nhà đầu tư trong nước sở hữu phần lớn số cổ phiếu được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chào bán trước công chúng lần đầu tiên (IPO) hôm 14/11.

Vietnam Airlines đã huy động được 1,09 nghìn tỷ đồng (khoảng 51,2 triệu đôla) thông qua việc bán 3,47% cổ phần trong đợt IPO ngày thứ Sáu, hãng thông tấn Reuters dẫn thông tin từ Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết.
Hai tổ chức và 1.575 cá nhân đã mua toàn bộ 49 triệu cổ phiếu với giá trung bình khoảng 22.307 đồng, cao hơn so với giá khởi điểm là 22.300 đồng, theo Reuters.
Tuy nhiên, chỉ có 120.173 cổ phiếu lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, tin cho biết thêm.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm Vietnam Airlines chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán.
Báo điện tử Tin nhanh Chứng khoán ngày 14/11 cho biết trong phiên đấu giá, có lệnh đặt mua với khối lượng đến 22,5 triệu cổ phần và một lệnh khác đặt mua 25,76 triệu cổ phần từ hai tổ chức trong nước.
Hai tổ chức này được cho là VietcomBank và TechcomBank, ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP Vietnam, nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 13/11.
Báo Người Lao Động trong tin ngày 13/11 cho biết cả hai ngân hàng trên, vốn là hai nhà tài trợ trong nước lớn nhất cho Vietnam Airlines, đã đăng ký hơn 98% lượng cổ phiếu IPO của Vietnam Airlines.
Bên cạnh phần bán đấu giá công khai, Vietnam Airlines sẽ bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược và 1,5% cho người lao động.
Tổng số vốn huy động từ việc bán cổ phần Vietnam Airlines được ước tính là vào khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên nhiều ý kiến từ giới chuyên gia đang đặt nghi vấn về việc liệu Vietnam Airlines có thể tìm một hãng hàng không khác làm đối tác chiến lược hay không.
"Ở châu Á, chỉ có một vài cái tên nhất định xuất hiện khi một hãng hàng không này muốn bán cổ phần cho hãng hàng không khác, và rất ít thương vụ thực sự được chốt lại," ông Brendan Sobie, một nhà phân tích tại Trung tâm Hàng không CAPA, được AFP dẫn lời nói trong tin ngày 12/11.

Thất bại trong thu hút vốn ngoại

Tình trạng thiếu vắng nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO của Vietnam Airlines, theo báo điện tử Bloomberg trong tin ngày 14/11, là một thách thức đối với chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua tổng cộng 178 triệu đôla cổ phiếu Việt Nam tính từ đầu năm nay cho đến ngày 12/11, báo này cho biết.
Tuy nhiên, các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước vẫn bị lảng tránh trước lo ngại sức thanh tiêu (đổi ra tiền mặt) kém và tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư phi chính phủ quá nhỏ để tác động đến công tác điều hành.
"Tình trạng thiếu vắng sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là một thách thức đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang tìm cách thúc đẩy cổ phần hóa sau khi các khoản vay khổng lồ từ các doanh nghiệp nhà nước khiến hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu và đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây", Bloomberg bình luận.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn ngày 13/11 với BBC, ông Kevin Snowball cho rằng cách huy động vốn tư nhân qua IPO cho doanh nghiệp nhà nước không có kết quả và chính phủ Việt Nam thiếu rõ ràng về cách phát triển thị trường chứng khoán.
"Thứ nhất là giá cổ phiếu là quá đắt. Thông tin cũng không thật đầy đủ và rõ ràng, nói cách khác đi là thiếu minh bạch. Đây là IPO nhưng lại không có ngày cụ thể cho việc khi nào trong tương lai mới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tức là đó không phải là cách người ta thực hiện IPO như bình thường", ông nói.
"Đối với nhà đầu tư nước ngoài thì để có thể tham gia vào IPO thì hẳn phải có triển vọng thực sự là họ sẽ kiếm được tiền từ đó. Đó là một trong những đặc điểm của thị trường chứng khoán. Còn nếu bán cổ phiếu ra để giới đầu tư trông đợi 100 năm nữa mới có lãi thì khả năng để người ta huy động được vốn là rất ít."
Ông cũng cho rằng việc nhà nước vẫn duy trì quyền kiểm soát đa số đối với cổ phần tại Vietnam Airlines cũng như trong các doanh nghiệp nhà nước cho thấy Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng để tạo những thay đổi lớn cho nền kinh tế.
"Thực tế rằng Việt Nam giới hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức tối đa là 49% cho thấy là Việt Nam chưa sẵn sàng để cho thị trường chứng khoán vận hành theo cách mà đáng ra phải vận hành như tại những nơi khác. Có nhiều công ty được niêm yết trên sàn giao dịch tại Việt Nam nhưng đa số vẫn thuộc quyền sở hữu thuộc về nhà nước", ông nói.
"Chúng ta đang đối diện rủi ro là cứ để tình trạng này càng kéo dài bao lâu thì nó chỉ càng thêm tiêu cực. Rồi sẽ đến lúc người ta sẽ hỏi rằng liệu có cần phải có thị trường chứng khoán không và làm gì với nó."
"Tức là chính phủ Việt Nam không có chính sách rõ ràng việc họ muốn phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam như thế nào."

Không có nhận xét nào: