Pages

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Vụ Ilham Tohti : 7 sinh viên Duy Ngô Nhĩ bị xử kín

mediaCảnh sát Tân Cương chống bạo động đứng canh gác chung quanh toà án - Reuters
    Bốn ngày sau phiên phúc thẩm với phán quyết chung thân đối với ông Ilham Tohti, một trí thức nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 26/11/2014, bảy sinh viên của giáo sư Tohti đã bị đưa ra xử kín tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, cũng với tội danh « ly khai ».






    Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc cho biết sáu sinh viên trong số họ là người Duy Ngô Nhĩ, người thứ bảy thuộc một dân tộc thiểu số khác. Các sinh viên nói trên đã giúp ông Ilhama Tohti duy trì một trang mạng song ngữ Hán-Duy Ngô Nhĩ, nhằm khuyến khích các giao lưu giữa người Hán, dân tộc đa số, với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
    Bảy sinh viên bị chính quyền cáo buộc  kích động « hận thù sắc tộc » và cổ vũ cho « nền độc lập của khu Tân Cương ». Một luật sư của ông Ilham Tohti cho biết phiên tòa đã diễn ra hết sức bí mật.
    Tòa án Urumqi từ chối trả lời các câu hỏi của AFP hôm nay. Thời điểm tòa sẽ ra phán quyết cũng không được xác định rõ. Vẫn theo Hoàn cầu thời báo, 7 sinh viên này có thể bị kết án từ năm đến 15 năm tù.
    Giáo sư Ilham Tohti – giảng dạy tại Đại học trung ương các dân tộc (Bắc Kinh) - là một nhà kinh tế học nổi tiếng tại Trung Quốc. Ông cũng được coi là một người có quan điểm ôn hòa.
    Đã từ lâu ông phản đối các đàn áp của chính quyền nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng không đòi hỏi độc lập cho xứ « tự trị » này. Trong phiên tòa xét xử ông, giáo sư Ilham Tohti đã bác bỏ mọi cáo buộc đòi ly khai, và khẳng định chỉ đơn giản bày tỏ các quan điểm của mình trong thời gian giảng dạy.
    Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã nhiều lần lên án phiên tòa, và kêu gọi trả tự do cho nhà giáo Ilham Toti, nhưng đòi hỏi này đã không được chính quyền Trung Quốc đáp ứng.
    Theo các nhà quan sát, bản án hết sức khắc nghiệt đối với nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng cho thấy khó có triển vọng hòa dịu được tình hình tại Tân Cương, vùng đất cư trú lâu đời của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, và nơi mà bạo lực và các đàn áp của chính quyền khiến hàng trăm người thiệt mạng kể từ mùa hè năm ngoái.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét