Pages

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Vụ iPhone 6: Dân Singapore có đoàn kết?

Người chủ cửa hàng bán điện thoại ở Singapore đang phải chịu áp lực khủng khiếp từ chính những người đồng bào của mình. Quan sát những gì xảy ra bên Singapore khiến tôi suy ngẫm về cái gọi là tình đoàn kết ở đó cũng như ở ngay trên đất nước mình.
Thế nào là đoàn kết?
Khi mà một nhóm người cùng đứng bên nhau để bảo vệ một điều đúng đắn, đó là đoàn kết. Còn khi cùng nhau thực hiện một việc không tốt thì phải gọi là đồng lõa. Tôi đã nói như thế với nhiều bạn người Việt. Dù cũng là người Việt, nhưng tôi thấy trong tính cách dân tộc mình còn rất nhiều điểm không hợp lý.

Vụ việc tại Singapore, nếu xảy ra tại Việt Nam, liệu xung quanh có hàng quán nào dám tỏ thái độ như những người bán hàng Singapore đã làm? Có lẽ là không. Đặc biệt nếu người bán điện thoại lại là “dân” của một vùng có tư tưởng cục bộ địa phương thì lại càng không nữa.
Ở Việt Nam có những nơi mà chỉ cần nghe người xuất thân ở vùng đó có xô xát là những người cùng quê kéo đến rất đông để bênh vực dù không biết đồng hương mình đúng hay sai. Điều đó không bao giờ nên coi là đoàn kết, nó để lại hậu quả rất xấu.
Khi nhìn thấy những quan chức trên truyền hình bị phạt tù vì che dấu tội cho họ hàng thì chúng ta phê phán, nhưng nếu chính ta ở hoàn cảnh đó thì chúng ta có thể hiện được một thái độ khách quan với người họ hàng của mình hay không? Với tư tưởng “thân quen” đã bám rễ sâu thì tôi nghĩ là quá khó.
Sai vẫn cứ bênh
Trong một tập thể khi có một người sai thì nhiều khi không ai chịu lên tiếng, họ nghĩ che dấu cho người đó là một việc tốt, nhưng họ không biết rằng thực ra là làm hại cho bản thân chính người mà mình coi là bạn kia.
Ngay cả khi một việc làm của cá nhân ảnh hưởng đến tập thể, như đi muộn làm thầy giáo phạt cả lớp chẳng hạn; thay vì phải có sự nhắc nhở để khỏi ảnh hưởng đến người khác (và ảnh hưởng đến chính người đi muộn), cái tập thể đó lại tìm cách đứng về phía người mắc lỗi để bênh vực dù biết bạn mình không có lý do nào chính đáng. Trong cái tập thể ấy sẵn sàng có những tiếng nói cất lên: “Thôi tha cho bạn ấy lần này đi…”.
Singapore có nền kinh tế dựa nhiều vào tài chính và dịch vụ.
Sự khác biệt giữa đúng và sai ở đây chỉ là người mắc lỗi kia có đáng được bênh vực hay không. Nếu đó là một nỗi oan ức thì bênh vực là đúng, nhưng biết là có lỗi thật mà vẫn bênh vực thì cái tập thể tưởng chừng đoàn kết ấy thực ra lại có vấn đề.
Sửa sai và ghi điểm
Người Singapore không phân biệt quốc tịch đã đứng ra bênh vực một người ngoại quốc, họ làm hành động đó có phải chỉ để đòi công bằng cho người Việt Nam? Không đâu, họ làm cho chính họ. Chỉ cần câu chuyện chàng thanh niên Việt Nam này được lan truyền trên mạng thôi, hình ảnh một đất nước hoàn hảo để mua sắm sẽ tan biến và khi khách du lịch không đến nữa, chính các cửa hàng của họ sẽ không bán được hàng.
Thế rồi “chỉ” bằng một vài hành động của một số người Singapore lương thiện, hình ảnh đất nước này không những không bị hạ thấp mà còn được nâng cao hơn, rồi đây người Việt sẽ còn “cuồng” Singapore hơn nữa – đất nước mà nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu từng mơ ước có một ngày được như Sài Gòn của chúng ta.
Tính cách dân tộc quyết định tương lai của dân tộc đó. Sự phân biệt giữa đúng và sai có thể không gây hậu quả trước mắt nhưng sẽ là sự khác biệt về lâu dài. Nếu chúng ta suy nghĩ đúng đắn và có chiến lược đúng đắn, Singapore – đất nước với xuất phát điểm từng thấp hơn sẽ còn phải chạy theo Việt Nam dài dài.
Lúc đó thì người Singapore sẽ phải sang Sài Gòn để mua hàng chứ không phải người Việt Nam đi máy bay đến mảnh đất chỉ bé bằng đảo Phú Quốc để rồi không may bị lâm vào tình thế phải quỳ lạy người nước ngoài như chàng trai kia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét