Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

2015 - Thế Giới Đứt Neo và Giảm Phát

Việt long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Kinh tế thế giới (ảnh minh họa)

Kinh tế thế giới (ảnh minh họa)
 RFA



Chấm dứt loạt tổng kết về kinh tế năm 2014, kỳ này, Diễn đàn Kinh tế sẽ nói về chân trời 2015. Tổng hợp những dự báo của quốc tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đưa ra viễn ảnh đáng ngại của kinh tế toàn cầu tử năm tới, với hai điểm nổi bật là sự hỗn loạn của các thị trường tài chính như bị đứt neo và nguy cơ giảm phát toàn cầu, bắt đầu từ Trung Quốc.


Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Từ đã lâu trên diễn đàn này, ông thường nói kinh tế là môn học u ám vì ta chỉ đế ý đến kinh tế học vào lúc khó khăn. Cũng vì thế mà thính giả của chúng ta thấy ông có xu hướng cảnh báo trước những khó khăn hầu người ta có thể tránh được. Sau ba bài trong loạt tổng kết và những dự báo trước đó về giá dầu thô, hay đồng Mỹ kim và về nguy cơ chiến tranh ngoại hối giữa nhiều quốc gia, xin đề nghị ông trình bày cho viễn ảnh của năm 2015.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về bối cảnh. Để quý thính giả mường tượng ra cơ sở suy luận của tiết mục chuyên đề này thì chúng ta phải theo dõi nhiều nguồn tin và tiếp cận công trình nghiên cứu của nhiều nơi thì hiểu ra và rút tỉa được vài kết luận về sự vận hành của kinh tế. Kế tiếp là trình bày một sự thể chuyên môn và phức tạp như vậy một cách đơn giản. Lý do là truyền thông đại chúng có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho đám đông với ngôn từ thông dụng để đa số nghe thấy thì hiểu liền và suy đoán ra hoàn cảnh của mình.
- Chuyện thứ hai là khi tổng kết để dự báo thì tiết mục của chúng ta phải mở tầm quan sát về thời gian, cụ thể là ít nhất trở ngược lên biến động từ sáu năm trước, và về không gian là hiểu ra tác động biện chứng của nhiều nền kinh tế khác nhau chứ không chỉ ngó vào Châu Á hay Việt Nam. Một quy tắc chỉ đạo ở đây là càng mở rộng tầm quan sát thì khả năng dự báo rủi ro sẽ càng cao, thí dụ như nói về kinh tế Đông Á thì ta không thể quên được hậu quả của vụ khủng hoảng kinh tế của Liên bang Nga, như nước Nga đã từng bị khủng hoảng năm 1998 vì chấn động từ Đông Á. Nếu thính giả  hiểu ra những khó khăn của việc thu thập tin tức để giải trình thì sẽ thông cảm cho việc chúng ta còn phải nhắc lại nhiều lần những gì đã trình bày.
Việt Long: Xin cám ơn ông đã nhắc lại phương pháp làm việc cho một tạp chí chuyên môn như vậy của chúng ta. Bước qua năm 2015, ông nhìn thấy gì từ các công trình nghiên cứu của quốc tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ khung cảnh chung vào năm 2008. Thời đó, khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật bị khủng hoảng vì vay quá sức trả từ nhiều thập niên trước nên đến hồi trả nợ. Vụ khủng hoảng gây ra nạn Tổng suy trầm với hàng loạt biện pháp kích cầu để cứu nguy, như tăng chi, hạ lãi suất và bơm tiền kích thích kinh tế. Ngày nay, hiện tượng tiền nhiều và rẻ quá lâu dẫn tới hậu quả bất lường là chính các nước đang phát triển lại vay mượn quá nhiều và chất lên một núi nợ, đa số là nợ bằng Mỹ kim khi đô la lại lên giá và sẽ còn lên giá vùn vụt! Năm 2015 mở đầu thời trả nợ hay vỡ nợ của các nước đang phát triển.
Ngày nay, hiện tượng tiền nhiều và rẻ quá lâu dẫn tới hậu quả bất lường là chính các nước đang phát triển lại vay mượn quá nhiều và chất lên một núi nợ, đa số là nợ bằng Mỹ kim khi đô la lại lên giá và sẽ còn lên giá vùn vụt! Năm 2015 mở đầu thời trả nợ hay vỡ nợ của các nước đang phát triển
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Việt Long: Thưa ông, đấy là sự mô tả về nguyên nhân và hậu quả của các nền kinh tế với nhau. Đi vào cụ thể thì tình hình của từng khối kinh tế hay từng nước sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Qua năm 2015, viễn ảnh chung là kinh tế thế giới có thể lại bị Tổng suy trầm, là tăng trưởng thấp hơn, đi cùng nạn giảm phát là hàng họ dù hạ giá vẫn bán không chạy. Giữa khung cảnh đó, Mỹ kim vẫn lên giá vì kinh tế Mỹ đã khá hơn cả, còn Nga đã bị khủng hoảng, Âu Châu mấp mé suy trầm, Trung Quốc trôi vào suy trầm và bị giảm phát lan rộng qua nhiều xứ khác, Nhật bị suy trầm và là yếu tố dẫn tới nạn phá giá của nhiều nước khi đồng Yen mất giá quá nặng vì biện pháp kích thích kinh tế của Nhật. Nạn thi đua phá giá như vậy là trận chiến ngoại hối rất đáng ngại mà chúng ta đã nói tới. Trong khi đó, các nước đang phát triển thì chết kẹt vì nợ quá nhiều khi Mỹ kim lên giá và kẹt nhất là các nước xuất khẩu thương phẩm, là  nguyên nhiên vật liệu như đồng thau hay dầu khí. Khi kinh tế suy trầm thì thương phẩm sẽ còn mất giá nữa, trường hợp của dần thô không là duy nhất.
Việt Long: Xin hỏi ông một câu là nếu tình hình chung quả thật u ám như vậy thì các nước có thể nào hợp tác để cùng đối phó chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất hay vì cho thấy một chi tiết nhỏ mà nguy là dù kinh tế thế giới đã "nhất thể hóa" khi buôn bán chằng chịt với nhau nhưng lại thiếu một cơ chế phối hợp chính sách chung trước bao khó khăn dồn dập như vậy. Hậu quả là phản ứng "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ" đã từng thấy từ năm 2008 và qua các thượng đỉnh của nhóm G-20, là 20 nước có nền kinh tế mạnh nhất. Sự thật thì vì chẳng ai bảo được ai nên xứ nào cũng tự cứu mình trong ngắn hạn mà bất kể tới hậu quả lâu dài và lan rộng qua xứ khác. Năm 2015 sẽ thấy con tầu đứt neo và gieo vào bão tố có thể kéo dài nhiều năm.
Việt Long: Ông giải thích thế nào về hoàn cảnh giông tố toàn cầu mà Hoa Kỳ lại vượt qua sóng gió khiến tiền Mỹ lên giá và nay sẽ gây khủng hoảng cho các nước vay tiền bằng đô la? Liệu Hoa Kỳ có thể là cái neo cứu nguy thiên hạ được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra Hoa Kỳ có thể là hòn đảo giữa một đại dương nổi sóng, nhưng vẫn bị ảnh hưởng kể từ cuối năm tới chứ không thể yên bình được lâu.
Qua năm 2015, viễn ảnh chung là kinh tế thế giới có thể lại bị Tổng suy trầm, là tăng trưởng thấp hơn, đi cùng nạn giảm phát là hàng họ dù hạ giá vẫn bán không chạy. Giữa khung cảnh đó, Mỹ kim vẫn lên giá vì kinh tế Mỹ đã khá hơn cả
Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Về câu hỏi kia thì ta nhớ lại rằng sau Thế chiến II vào năm 1945 khi cả thế giới bị chiến tranh tàn phá thì Hoa Kỳ vẫn là giàu mạnh nhất. Khi ấy, Mỹ viện trợ cho các nước và lập ra hệ thống tiền tệ quốc tế chủ yếu dựa vào đồng đô la mà đô la lại giàng giá vào vàng. Trong hơn 20 năm gọi là "hậu chiến" mà là thời Chiến tranh lạnh thì tiền Mỹ tương đối ổn định, các nước thoải mái sử dụng đô la như ngoại tể phổ biến và phát triển rất khả quan.
- Nhưng từ quãng 1960 thì Hoa Kỳ tăng chi cho yêu cầu xã hội bên trong rồi cho cuộc chiến tại Việt Nam ở bên ngoài nên cứ in bạc ra xài. Vì vậy, nhiều nước hết tin vào giá trị của đô la mà đòi đổi Mỹ kim lấy vàng cho chắc. Khi bị mất vàng do đòi hỏi của các nước thì giữa Tháng Tám năm 1971, Hoa Kỳ bứt luôn cái neo vàng, là không tính giá đô la bằng vàng mà thả nổi đồng bạc. Từ đó, tiền Mỹ mất giá nặng qua biên độ thăng trầm rất lớn đi cùng lạm phát rất cao vì tăng chi bừa phứa. Sau khi Hoa Kỳ kịch liệt nâng lãi suất để giảm trừ lạm phát thì đô la tăng giá gấp đôi trong có năm năm với đỉnh cao là thời Tổng thống Ronald Reagan.
Việt Long: Như vậy, ta thấy cái dây neo của Hoa Kỳ cũng dài ngắn thất thường và đô la lên xuống là do quyết định tài chính để giải quyết vấn đề kinh tế của nước Mỹ. Có phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và nước nào có lợi thì nói rằng ta khôn, khi bị thiệt hại lại cho là Mỹ nó ác. Nói đến chuyện ngày nay thì Hoa Kỳ cũng ào ạt bơm tiền cứu nguy kinh tế sau nạn suy trầm 2008 mà tiền Mỹ vẫn vững giá rồi tăng vọt không phải vì chủ đích của Hoa Kỳ mà vì tình hình các xứ khác lại còn tệ hơn Mỹ. Khi ấy, nhiều nước nhiều người tưởng là khôn mà vay tiền Mỹ với lãi suất hạ để kiếm lời ở nơi có lãi suất cao hơn. Ngờ đâu tiền Mỹ lại lên giá, nhất là từ Tháng Năm 2013 khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tuyên bố quyết định giảm dần việc bơm tiền vì kinh tế đã tạm hồi phục.
Việt Long: Còn một câu hỏi nữa thưa ông, vì sau kinh tế Hoa Kỳ lại phục hồi sớm nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế Mỹ tạm hồi phục chủ yếu là do tư doanh tìm cách thoát hiểm bằng sự sáng tạo chứ không do sự nâng đỡ của nhà nước. Một thí dụ nay ai cũng thấy là các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để khai thác kỹ thuật tìm dầu khí trong đá phiến và nâng số cung nên góp phần làm giảm giá dầu thô. Cho đến năm 2013, chính khu vực dầu khí mới tạo thêm công việc tại Texas hay Louisiana và làm giảm mức thất nghiệp tại Mỹ.
- Cũng xin nói thêm là nếu dầu thô sụt giá quá mạnh và quá lâu vì số cung vẫn tăng mà số cầu lại hạ vì nạn suy trầm năm tới thì nhiều doanh nghiệp dầu khí Mỹ cũng gặp khó khăn và giảm số cung vào cuối năm tới. Tức là nước Mỹ cũng bị hiệu ứng suy trầm của toàn cầu chứ không thể nào được vô hại mãi mãi.
Việt Long: Vào đầu chương trình ông có nhắc đến bối cảnh u ám của năm 2008. Bây giờ ta lại thấy một viễn ảnh u ám hơn cho các nước đang phát triển vào năm 2015 đang tới. Khi nhìn lại sự thể như vậy và nghĩ đến hình ảnh con tầu bị bứt neo thì người ta có thể kết luận thế nào?
Nếu dầu thô sụt giá quá mạnh và quá lâu vì số cung vẫn tăng mà số cầu lại hạ vì nạn suy trầm năm tới thì nhiều doanh nghiệp dầu khí Mỹ cũng gặp khó khăn và giảm số cung vào cuối năm tới. Tức là nước Mỹ cũng bị hiệu ứng suy trầm của toàn cầu chứ không thể nào được vô hại mãi mãi
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi khủng hoảng 2008 bùng nổ, nhà nước nào cũng duy ý chí nhảy vào can thiệp với liều thuốc đổ bệnh. Kết quả là các ngân hàng trung ương nhập cuộc và thi đua bơm tiền mà chẳng phối hợp được với nhau tiến trình trả nợ để tránh giao động và lại con gây ra hậu quả bất lường. Bây giờ thì chính là thị trường mới vận hành và gây nhiều chuyển động trái chiều theo hoàn cảnh riêng của từng nước, thí dụ như xuất hay nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, hoặc mắc nợ nhiều hay ít bằng đô la.
Việt Long: Câu hỏi cuối thưa ông. Hồi nãy ông có nhắc đến việc ngày xưa Hoa Kỳ giàng giá đô la vào vàng. Ngày nay, hiện tại thì nhiều thính giả muốn biết là trong sóng gió của thị trường năm tới thì đô la sẽ lên tới đâu và ngược lại vàng có còn xuống giá hay chăng? Căn cứ trên những dự đoán ông đã theo dõi từ lâu thì ta có thể trả lời cho thắc mắc rất thiết thực đó không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kỳ trước, tôi có nói đến chỉ số DXY về trị giá đô la so với một số ngoại tệ chính và lời dự báo Mỹ kim có thể tăng giá từ 30 đến 40% nữa. Thật ra người ta còn nhiều chỉ số đo lường khác, như Ngân hàng Trung ương Mỹ có một chỉ số bao quát hơn, gồm có đồng Euro và 25 ngoại tệ khác chứ không thu hẹp vào sáu đồng bạc với sức gia trọng rất cao của đồng Euro như chỉ số DXY. Khi so tiền Mỹ với đồng bạc của 26 quốc gia trao đổi nhiều nhất với kinh tế Hoa Kỳ, kể cả các nước đang phát triển, thì người ta còn thấy sự tăng vọt đáng kể hơn nữa. Vì thế, khủng hoảng tài chính càng dễ bùng nổ năm tới vì xứ nào cũng bán xới đi tìm đô la.
- Câu hỏi thứ hai liên hệ đến giá vàng thì sau khi lên tới đỉnh cao là 1.800 đô la vào Tháng Chín 2012 thì vàng sụt giá mạnh. Tôi nghĩ là còn sụt nữa trong ba tháng tới. Nhưng khi khủng hoảng tài chính bùng nổ thì vàng vẫn là phương tiện bảo toàn giá trị tài sản phổ biến. Từ cái đáy vào khoảng 900 đô la, giá vàng sẽ tăng vọt.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này với lời Chúc mừng Giáng sinh cùng gửi tới quý vị
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét