Pages

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Bài bào chữa của Luật sư cho bị cáo Hồ Duy Hải trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm

 VRNs (04.12.2014) – Sài Gòn – Mấy ngày qua, báo lề dân và báo nhà nước dấy lên vụ Hồ Duy Hải (SN 1985) bị kết tội tử hình do giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An  vào ngày 13.01.2008, được cho là oan sai, có nhiều chứng cứ, tang chứng, vật chứng chưa được điều tra xác minh làm rõ, cũng như kết luận điều tra và bản cáo trạng có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Điều này càng thể hiện rõ hơn trong bài bào chữa cho bị cáo Hồ Duy Hải của Luật sư Nguyễn Văn Đạt trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 28.11.2008 và trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 28.04.2009.

Trong bài bào chữa, Ls Đạt khẳng định, những bằng chứng cơ bản để kết tội Hồ Duy Hải phạm tội giết người như, dấu vân tay -“không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”, theo Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh Long An; Hay các tang vật như con dao và cái thớt bị tiêu hủy và sau đó cơ quan cảnh sát điều tra sai dân quân ra chợ mua về để làm tang chứng; Hoặc vỏ dao màu vàng, cái ghế, đôi dép xốp màu trắng, tóc, dấu vết máu… chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ. Thậm chí, các cơ quan chức năng đã để các ‘dấu vết máu’ thu được ở hiện trường kéo dài hơn 5 tháng (13.01.2008 – 14.05.2008) mới đem đi giám định khiến cho Phân viện KHHS tại TP.HCM của Tổng cục CS phải kết luận rằng, “mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh của Bưu cục Cầu Voi là máu người. Nhưng không xác định được nhóm máu do mẫu đã bị phân hủy”. Tức là các dấu vết máu người này thuộc nhóm máu nào, của ai vẫn chưa được xác định. Hoặc tang vật là ‘tóc’ được thu giữ tại hiện trường cũng không được mang đi giám định ADN.
Bà Nguyễn Thị Loan mẹ Hồ Duy Hả
Bà Nguyễn Thị Loan mẹ Hồ Duy Hả
 Kết luận điều tra và  cáo trạng cho rằng, động cơ Hồ Duy Hải  sát hại cô Hồng và cô Vân -nếu có- để cướp đoạt tài sản. Thế nhưng, trong bài bào chữa, Ls Đạt đưa ra những lập luận và nhận định, chưa đủ chứng cớ để xác định hung thủ có động cơ cướp tài sản. Do đó, Ls Đạt yêu cầu các cơ quan chứng năng cần phải xác minh làm rõ động cơ giết người này. Tuy nhiên, Ls Đạt cũng nhấn mạnh: “Phải chăng các hành vi lấy một ít tài sản chỉ để đánh lạc hướng điều tra???”.
Cũng trong bài bào chữa, Ls Đạt đưa ra những điểm khác nhau và mâu thuẫn giữa kết luận điều tra và cáo trạng hay trong chính nội dung cáo trạng, cũng như những kết luận không đúng với chứng cư có trong vụ án.
Qua quá trình nghiên cứu vụ án thì Ls Đạt khẳng định, vụ án có nhiều sai phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự như là: biên bản bị sửa chữa nghiêm trọng mà không có chữ ký xác nhận của “bị can và Điều tra viên” được quy định khoản 2 Điều 132 BLTTHS; Hoặc Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam ba ngày (kể từ 20 giờ ngày 25/3/2008 đến 20giờ ngày 28/3/2008) nhưng không có lệnh tạm giữ…
Xin được nhắc lại, hai cô nhân viên Bưu cục Cầu Voi bị giết hại vào khoảng chiều tối ngày 13.01.2008. Một ngày sau đó vào ngày 14.01, Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh Long An khám nghiệm hiện trường. Sau đó, theo thông tin báo chí, có 23 đối tượng bị triệu tập, tạm giữ, nhưng không lưu lại hồ sơ. Hơn hai tháng sau, vào ngày 21.03, Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam. Vào ngày 07.04.2008, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Long An mới trưng cầu giám định. Đặc biệt, trong vụ án này Hải không bị bắt quả tang mà chỉ bị bắt sau hơn 2 tháng mà không có nguyên nhân liên quan, vụ án không có nhân chứng nào nhìn thấy.
Sau đây VRNs xin được trích dẫn bài bào chữa của Ls Nguyễn Văn Đạt cho bị cáo Hồ Duy Hải trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Nguồn tư liệu được lấy trên facebook Kenji Tonoko.
Pv.VRNs
…………….
Ý KIẾN CỦA LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐẠT BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO HỒ DUY HẢI TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM
I-       VỀ TỘI DANH GIẾT NGƯỜI
1)      Xác định giờ chết của các nạn nhân:
Trong toàn bộ hồ sơ vụ án, chúng tôi không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào xác định thời gian chết của 2 nạn nhân Vân và Hồng.  Việc xác định thời gian chết này rất quan trọng để có thể xác định lời khai nhận tội của bị cáo có phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án hay không?  2 nạn nhân chết giờ nào? Có phải vào thời điểm 9 giờ – 9giờ30 tối như lời khai của bị cáo không?  Nạn nhân nào chết trước?  Có phải như lời khai của bị cáo rằng giết nạn nhân Hồng trước rồi mới giết nạn nhân Vân sau hay không?  Thiếu chứng cứ này thì chưa đủ cơ sở kết tội bị cáo.  Chúng tôi có tự tìm kiếm và có được 2 giấy chứng tử số 02 và số 03 cùng quyển số 1, cùng do UBND Phường Tân Khánh, xã Tân An cấp cho 2 nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân cùng ngày 22/1/2008 thì cả 2 giấy chứng tử này đều bỏ trống giờ, phút chết của 2 nạn nhân.
2)      Dấu vân tay
Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường (BL 44, 45, 46, 47) “Trên kính (cửa vào buồng ngủ) có dấu vết đường vân… ở mặt trong của kính trên cánh cửa (buồng vệ sinh) có 1 số dấu vết đường vân.  Trên labô rửa có một dấu vết đường vân ở trên tay nắm mở vòi nước…”. Và cơ quan chức năng đã “thu được một số dấu vết đường vân”. Thế nhưng, tại BL 53 Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh Long An thì “các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án, xảy ra ngày 14/1/2008, … không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải“.
Như vậy, lời nhận tội của bị cáo về việc đi vào buồng ngủ của Hồng, ra nhà vệ ainh và quan trọng là mở vòi nước lavabô nhà vệ sinh để rửa dao, rửa tay, rửa quần áo… không phù hợp với chứng cứ quan trọng của vụ án là kết luận giám định kể trên. Lời nhận tội của bị cáo trong trường hợp này không thể được xem là chứng cứ để kết tội bị cáo.
Nếu các dấu vân tay này không phải của Hải thì của ai? Cơ quan điều tra chưa làm rõ, chứng minh cụ thể, mà theo chúng tôi, chứng cứ này có thể xác minh, làm rõ được từ tàng thư căn cước.
3)      Về tang vật của vụ án: CON DAO
Theo Bản giám định pháp y số 21/PY.08 và 22/PX.08 ngày 17/1/2008 của Phòng Giám định pháp y BV đa khoa Long An (BL 60 và 61) thì nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân đều tử vong do “bị vết thương hở làm đứt ngay vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp”.  Và tại văn bản số 37/GT.PX08 ngày 7/4/2008 của Phòng Giám định Pháp y Bệnh viện Đa khoa Long An (BL 63) v/v trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể nạn nhân đã xác định: “Cả 2 nạn nhân đều bị vết thương hở, có bờ mép sắc gọn làm cắt đứt phần cổ trước…  Tất cả những điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ là vật sắc bén“.
Nhưng vật sắc bén ấy là gì?  Có phải là con dao như lời nhận tội của bị cáo Hồ Duy Hải hay không?  Có phải là “con dao mà bị can sử dụng trong lúc gây án có đặc điểm… phù hợp với các lời khai của anh Nguyễn Văn Thu – Nguyễn Văn Vàng – Nguyễn Tuấn Ngọc – Võ Văn Hùng là những người phát hiện con dao mà bị can sử dụng gây giết chết 2 nạn nhân” như Cáo trạng kết luận (BL 523) hay không? Thưa không. Tất cả các lời khai tại BL (132, 133, 134, 142, 144, 147) là lời khai của Hồ Duy Hải về các vấn đề khác, BL 226, 228, 229, 231, 232, 235. 242, 243, 244, 245, 246, 247, 248, 249 mà Cáo trạng nêu ra cho rằng phù hợp hoàn toàn không có bất kỳ lời khai nào của các anh này rằng đã phát hiện con dao và con dao ấy đã được bị can sử dụng gây giết chết 2 nạn nhân như Cáo trạng quy kết. Quy kết này là suy diễn, chủ quan, không dựa vào chứng cứ nào cả. Sự thực ở đây là các anh này (Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc, Võ Văn Hồng) chỉ có lời khai là phát hiện con dao khi dọn dẹp hiện trường. Có báo cho Ông Sơn Công An, nhưng không thu giữ lại mà đem đốt đi và sau đó có lẽ là người mua ve chai đã lượm cái lưỡi dao đi mất.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là có phải 2 nạn nhân bị giết bằng dao như lời nhận tội của bị cáo hay không? Và con dao ấy có phải là con dao được các anh dân phòng phát hiện ra hay không?  Vì lẽ kết luận giám định chỉ chỉ ra là vật sắc bén, còn các anh này chỉ khai phát hiện con dao.  Còn việc xem lời nhận tội của bị cáo rằng bị can sử dụng con dao để gây án và con dao ấy chính là con dao mà các anh dân phòng phát hiện là suy diễn và không phù hợp. Sau này, cơ quan điều tra có tổ chức nhận dạng con dao, nhưng như chúng tôi trình bày ở phần sau, các Biên bản nhận dạng này vi phạm thủ tục tố tụng nên không thể được xem là chứng cứ.  Hơn nữa, nếu có cũng chỉ là chứng cứ là phù hợp về con dao tức loại dao, kích thước con dao, vị trí phát hiện con dao chứ không phải tình tiết sử dụng con dao để cắt cổ 2 nạn nhân.  Xin nhắc lại không có bất cứ chứng cứ nào xác định hung thủ có sử dụng dao hay không? và nếu có thì dao nào?, có phải con dao được các nhân chứng phát hiện hay không?
Chúng tôi cũng xin lưu ý, theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì cơ quan chức năng đã rất cẩn thận, xem xét rất kỹ từng đồ vật, dấu vết, đặc biệt là khu vực cầu thang, chung quanh nơi có 2 thi thể nạn nhân, kể cả khu vực trong gầm cầu thang.  Và đã phát hiện rất nhiều đồ vật như hạt cơm, bún phơi khô, bịch cơm khô, bộ phận bếp dầu, thau nhựa, tô, chén, dĩa, rổ nhựa, bình nước…………, thùng mì gói, … Và đã kết luận “Chúng tôi không phát hiện thấy dấu vết đồ vật nào khác có liên quan đến vụ việc”. Như vậy, lời khai phát hiện con dao cũng là không phù hợp với kết luận khám nghiệm hiện trường.
Chưa kể những lời khai và nhận dạng này có dấu hiệu vi phạm tố tụng nên không thể được xem là chứng cứ như chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau.
4)      Vỏ dao màu vàng
Liên quan đến con dao, có chi tiết quan trọng mà các anh dân phòng khi dọn dẹp hiện trường cũng tìm thấy cùng lúc với con dao đó là vỏ dao màu vàng.  Nhưng vỏ dao này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với con dao bị phát hiện.  Vỏ dao này liên quan gì đến vụ án cũng chưa được làm rõ. Và vỏ dao màu vàng, theo nhân chứng Nguyễn Văn Váng thì vỏ dao này được phát hiện dưới nền xi măng cạnh hàng rào trước cửakhu nhà vệ sinh (BL 243); còn nhân chứng Võ Văn Hùng thì khai: anh Công an ấp 7 phát hiện vỏ dao nàydưới đáy tủ (BL 234).  Và nhân chứng Nguyễn Văn Thu thì lại khẳng định: “Chúng tôi phát hiện vỏ dao…nằm dưới kẹt trong hông tủ để gần 2 xác nạn nhân” (BL 226).  Xin lưu ý là theo sơ đồ hiện trường khu vực (BL 48) thì xác 2 nạn nhân được phát hiện ở khu vực cầu thanh bên cạnh nhà bếp, hoàn toàn không có cái tủ nào.  Như vậy để thấy ngay cả các nhân chứng cũng không có những lời khai thống nhất và đáng tin cậy.
5)      Thớt gỗ
Cũng vậy, về tấm thớt gỗ mà cáo trạng dựa vào lời khai của bị cáo để xác định bị cáo Hải đã cầm để đánh Hồng là suy diễn và không phù hợp khách quan.
(i)      Thứ nhất, tại Biên bản khám nghiệm hiện trường BL số 46 có ghi nhận một tấm thớt gỗ.  Nhưng cơ quan chức năng đã không thu giữ để giám định nên không có cơ sở xác định.
(ii)     Thứ hai, theo Biên bản giám định pháp y (BL 60 và 61) và Công văn số 37/GT.PY.08 (BL 63) trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể nạn nhân thì: “vùng đầu, mặt có nhiều vết bầm tụ máu diện rộng, đồng thời có những vết rách da bờ mép sắc gọn. Điều đó chứng tỏ: vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập vào vật vừa có bờ mép hình thù cứng, trơn nhẵn, đồng thời ở đó có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần”. Như vậy, giải trình này của Phòng giám định pháp y không phù hợp với kết luận của Cáo trạng rằng bị cáo đã dùng tấm thớt gỗ để gây án.  Vì thiếu chi tiết “ở đó có các vật cứng sắc gọn“.
(iii)    Thứ ba, theo Biên bản khám nghiệm tử thi (BL 56) và Bản giám định pháp y (BL 60) thì nạn nhan Hồng bị “Dập da đầu vùng đỉnh 6cm x 4cm, vùng đỉnh phải kích thước 4,5cm x 3cm).
Mặt có vết rách đa sắc gọn… mí mắt trên cạnh khóe mắt ngoài mắt trái có vết rách da… Cạnh đầu lông mày trái có vết rách da sắc gọn… rách da vùng lông mày phải…
Mắt:       … mắt trái sưng nề thâm quầng
Miệng:   dập môi trên, vùng cằm bên trái có vết rách da, bờ mép sắc gọn… xung quanh vết thương có nhiều vết trầy sướt da không rõ hình”.
Như vậy, với tấm thớt gỗ và tư thế gây án như cáo trạng kết luận là: Hải thấy cái thớt gỗ tròn ở cạnh đó liền cầm lấy bằng 2 tay đập mạnh vào vùng đầu, vào mặt cho đến khi Hồng bị ngất”. (BL 520) và Kết luận điều tra (BL 386) thì kết luận: Hải… cầm 2 tay giơ cao đập từ trên xuống dưới vào vùng đầu, mặt Hồng 2 cái…” không phù hợp với dấu vết trên thi thể nạn nhân. Vì lẽ ở đây, chưa xác định rõ 2 tay giơ cao cái thớt gỗ để đập xuống đầu và mặt nạn nhân 2 cái là giơ cao mặt thớt hay phần sống của cái thớt? Chỉ đập 2 cái thì dù có bằng mặt thớt hay phần sống thớt trong khi nạn nhân nằm cũng không thể gây ra các dấu vết vừa dập da đầu vùng đỉnh, lại tụ máu cơ thái dương trái, gây ra các vết rách da sắc gọn ở mắt, ở đầu lông mày, ở cằm được.
(iv)    Cũng vậy, theo kết luận điều tra (BL 386) thì cái thớt gỗ này có hình tròn, đường kính 27cm, độ cao 4cm.
Như vậy, nếu đập mạnh thớt gỗ này vào mặt nạn nhân đến độ rách da mí mắt, rách da lông mày, tụ máu vùng trán, dập môi trên, rách da vùng cằm… mà cái mũi lại không bị thương tích gì là vô lý, không phù hợp.
Hơn nữa, tôi đề nghị HĐXX xem xét lại bản ảnh chụp nạn nhân (BL ……………) sẽ thấy rõ các vết sắc gọn ở dưới cằm và trên trán nạn nhân.
6)      Về cái ghế mà Cáo trạng kết luận Hải 2 tay cầm chân ghế đưa lên cao và đập thật mạnh xuống đầu Vân làm Vân té ngã xuống nền gạch nằm bất tỉnh. Về chứng cứ này có những điểm cần lưu ý như sau:
(i)      Một là, đến nay, chưa có chứng cứ nào xác định vết thương tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh, kích thước 6cm x 3cm của nạn nhân Vân là do bị tác động bởi vật gì? Có phải là cái ghế hay không? Và nếu là cái ghế thì là phần nệm ghế hay phần sắt lưng ghế? Theo bản ảnh thực nghiệm điều tra thì bị cáo dùng phần nệm ghế.
Vì lẽ, theo BL 63, Công văn số 37/GT.PY.08 trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể nạn nhân thì “Da đầu nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân không bị rách, chỉ bị tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh, kích thước khá rộng (6cm x 3cm) xương hộp sọ nguyên vẹn. Điều đó chứng tỏ: đỉnh đầu của nạn nhân bị va đập vào một vật có bề mặt lớn và vật đó không quá cứng (chỉ tổn thương ở mức độ nhẹ), còn nếu vật đó cứng thì lực tác động phải nhẹ, mới không gây rách da đầu và vỡ xương hộp sọ”. Như vậy, chưa có chứng cứ nào khác để xác định lời khai của bị cáo là dùng ghế đập lên đầu nạn nhân Vân.
(ii)     Hai là, theo Cáo trạng và KLĐT thì sau cú đập vào đầu này, nạn nhân Vân ngã xuống bất tỉnh.  Tình tiết này cũng không có chứng cứ khách quan nào xác định. Trái lại theo kết luận giám định pháp y số 22/PY.08 thì hoàn toàn không xác định nạn nhân Vân bị choáng do vết đập trên đỉnh đầu này. Giám định chỉ xác định “phát hiện tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh, mức độ nhẹ”.  Khác hoàn toàn với Giám định pháp y của nạn nhân Hồng (BL 60) rằng nạn nhân Hồng có thể bị choáng do máu tụ dưới da đầu và vùng cổ.
(iii)    Ngay cả vị trí ghế, cũng hoàn toàn theo suy diễn chủ quan, và suy diễn này là không phù hợp:
+   Tâm lý tội phạm cho thấy không thể sau khi đập đầu nạn nhân Vân ở phòng khách, lại mang ghế đi ngược về khu nhà bếp, đặt bên cạnh xác của Hồng, rồi mới đi trở lại nhà khách để kéo xác Vân…
+   Ghế này, theo BBKNHT (BL 46) thì trên mặt nệm ghế vẫn còn dính những hạt cơm khô.  Điều này là không phù hợp khách quan. Bởi lẽ, nếu ghế này đã ở vị trí nhà bếp từ trước, nên khi xô xát với Hồng, hạt cơm khô rơi vãi lên nệm ghế thì không thể kết luận là hung thủ dùng ghế đập đầu Vân. Vì lẽ, nếu đập bằng ghế thì hạt cơm khô đã rơi ra. Ngược lại, nếu sau khi đập đầu Vân, hung thủ mang ghế vào khu vực nhà bếp thì sao các hạt cơm khô (rơi ra khi xô xát với Hồng) lại có trên nệm ghế được?
Chúng tôi cũng đã tham khảo một chuyên gia trong lĩnh vực y khoa thì được khẳng định: nếu vết thương được kết luận là “mức độ nhẹ” thì không thể choáng, ngất được. Còn giả sử có choáng, ngất và ngã ngửa như kết luận Cáo trạng nêu thì phải bị chấn thương nặng vùng đầu.
Như vậy, kết luận nạn nhân Vân bị choáng do bị đập vào đầu là không phù hợp chứng cứ giám định pháp y của vụ án.
7)      Về đôi dép xốp màu trắng: Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường có xác định thu giữ “một đôi dép xốp màu trắng” (BL 47), nhưng hoàn toàn không giám định mà kết luận rằng đôi dép xốp màu trắng ấy là của Nguyễn Thị Thu Vân (BL 384) là không phù hợp.
Hồ sơ vụ án có thể hiện lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu (BL 197) về đôi dép xốp. Nhưng là đôi dép xốp 2 quai màu trắng chứ không phải đôi dép màu trắng. Theo chúng tôi, chỉ lời khai này thì không đủ cơ sở để xác định đôi dép xốp màu trắng thu được tại hiện trường là của Nguyễn Thị Thu Vân. Vậy đôi dép này của ai chưa được làm rõ. Hiện tang vật vẫn còn được lưu giữ nên việc làm rõ là cần thiết.
8)         Tóc
Về một số sợi tóc dính trong lọc rác của bồn rửa mà nếu xem trên bản ảnh (BL ……………….) thì có thể thấy rất rõ được cơ quan chức năng thu giữ tại hiện trường (BL 47), sau đó được kết luận giám định số 3126/C21B ngày 16/4/2008 của phân viện KHHS tại TP.HCM Tổng cục Cảnh sát (BL 69) là khả năng bị đứt do tác động ngoại lực. Như vậy, số sợi tóc này bị đứt là do đâu?
Chúng tôi có tìm thấy sự quan tâm của Cơ quan điều tra (tại BL 117) Biên bản hỏi cung bị can ngày 11/7/2008, khi hỏi bị cáo: “Lúc cắt cổ bị can có cắt tóc không?”. Nhưng rất tiếc sau đó, không có câu trả lời của bị cáo về câu hỏi này. Đồng thời, chúng tôi cũng không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào khác xác định được tình tiết này của vụ án. Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời.
9)         Dấu vết máu
Cũng vậy, về các dấu vết thu được ở cửa nhà sau và nhà vệ sinh của Bưu cục Cầu Voi, rất tiếc cơ quan chức năng đã để các dấu vết này kéo dài hơn 5 tháng (tức đến ngày 14/5/2008) mới đem đi giám định khiến cho Phân viện KHHS tại TP.HCM của Tổng cục CS phải kết luận (BL 68) rằng: Mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh của Bưu cục Cầu Voi là máu người.  Nhưng không xác định được nhóm máu do mẫu đã bị phân hủy”.  Như vậy, dấu vết máu người này thuộc nhóm máu nào, của ai vẫn chưa được xác định.
10)    Về mẫu tàn than tro mà Cơ quan CSĐT đã phát hiện và thu giữ từ lời khai và kết luận của Cáo trạng “bị can sợ bị phát hiện mới lấy quần áo đã mặc lúc gây án và 1 sợi dây nịt bằng da ra phía sau vườn nhà Chị Len (dì bị can) đốt để phi tang (BL 54). Và Cáo trạng cho rằng phù hợp với Bản giám định số 3200/C21B ngày 8/5/2008 của Viện KHHS rằng “Số tro than trên có thành phần vải và nhựa poliester…”. Kết luận này là suy diễn và không phù hợp. Vì lẽ, theo kết luận giám định số 3200/C21B (BL 70) thì đúng là “trong mẫu tàn than tro gửi đến giám định có thành phần vải và nhựa Poliester”. Nhưng kết luận giám định cũng nêu rõ “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card”.
Như vậy, lời khai của Bị cáo Hải về việc đốt quần áo và dây nịt với số tàn tro thu và gởi đi giám định là không phù hợp với chứng cứ kết luận giám định nên không được coi là chứng cứ.
Cũng xin lưu ý, theo KLĐT (BL 387) thì “sau khi gây án khoản 1 tuần, sợ bị phát hiện, Hồ Duy Hải lấy số quần áo mặc gây án và dây thắt lưng đem ra vườn phía sau nhà bà Nguyễn Thị Len (dì ruột của Hải) đốt”. Nhưng tại Quyết định trưng cầu giám định ngày 27/3/2008 (số 01 của CQĐT – BL 67) thì số tro, than gởi đi giám định lại là thu “tại phía sau nhà của Hải“. Và việc thu này là vào ngày 21/3/2008. Như vậy, hơn 3 tháng sau mới thu kể từ ngày được xem là Hải đốt. Và thu ở được vị trí khác với vị trí xác định là Hải đốt.
11)    Đồ vật khác
Ngoài ra, tại Biên bản khám nghiệm hiện trường, các nhân chứng là dân quân dọn dẹp hiện trường có nêu ra các đồ vật khác liên quan, nhưng chưa được cơ quan chức năng xem xét có liên quan vụ án hay không và có ý nghĩa gì đối với việc xác định sự thật vụ án, đó là một miếng mút xốp màu trắng và vài mảnh mút xốp đã bị cắt vụn trên mặt bàn và rải rác vài mảnh dưới nền nhà (BL 45), một cái dũa móng tay (BL 47), vỏ bọc dao bằng nhựa màu vàng (BL 234, 226) mà chúng tôi đã nêu ở trên.
Liên quan đến các đồ vậy này, chúng tôi cũng xin lưu ý là theo lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu (BL 198) người được xem là ở lại hiện trường với 2 nạn nhân đến 17 giờ ngày 13/1/2008 (BL 197) khi được hỏi đã trả lời: “xác định trên bàn (trước khi nhân chứng ra về) không có loại xốp màu trắng nào bỏ rải rác trên bàn kể cả từ trước đến nay. Tôi cũng không thấy loại xốp này bao giờ (BL 197). Như vậy những mút xốp này ở đâu có? Có ý nghĩa gì với vụ án chưa được làm rõ.
12)    Nước trong nhà vệ sinh
Về tình tiềt nước ở lavabô trong nhà vệ sinh: Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng thì sau khi giết 2 nạn nhân, hung thủ đã ra nhà vệ sinh rửa tay và con dao gây án… (BL 521). Và nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu – người được xác định là có mặt tại hiện trường tận lúc 5:30 chiều ngày 13/1/2008 xác định: “Hệ thống nước sinh hoạt trong nhà vệ sinh tại Bưu điện có đầy đủ nước, hoạt động bình thường, … 3 vòi nước đều còn hoạt động bình thường không có bị hư hỏng… (BL 201). Và tại BL 259, nhân chứng Nguyễn Thị Kim Tuyền ở cạnh Bưu cục xác định “ngày 13/1/2008, nhà vệ sinh Bưu cục có nước không nhưng tôi nghĩ là không có bị cúp nước ở bên Bưu cục vì Bưu cục có giếng nước và ngày 13/1/2008 không có cúp điện”. Tôi cũng có trực tiếp hỏi Bưu cục thì được xác định, Bưu cục có hệ thống rờ le tự động, hễ nước hết trên bồn thì tự động bơm nước đầy bồn.
Thế nhưng, vấn đề chúng tôi đặt ra là tại sao khi khám hiện hiện trường lại xác định “Khi mở vòi trên lavabô thì không thấy có nước chảy” (BL 47). Tình tiết này chưa được làm rõ. Xin lưu ý là Biên bản khám nghiệm hiện trường cũng xác định bồn rửa khô ráo, nền nhà (vệ sinh) cũng khô ráo, tức không bị mở vòi nước. Vậy ai đã sử dụng hết nước trên bồn sau khi hung thủ rửa dao và rửa tay như Cáo trạng nêu? Và tại sao nước không tự động bơm lên bồn?
13)    Tiếng la
Về tiếng la của các nạn nhân: Chúng tôi sẽ làm rõ mâu thuẫn của Cáo trạng và KLĐT về các tiếng la của nạn nhân ở phần sau. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên tình tiết lạ tại BL 258, nhân chứng Hùynh Thị Kim Tuyền có nhà ở cạnh phía sau bên phải Bưu cục Cầu Voi có lời khai: “Khoảng 20:30 thì tôi nghe âm thanh của tiếng người ta phát ra “ướt, ướt”… “tôi nghe có cảm giác là ở khu vực nhà ở ngay cửa lên xuống khu cầu thang và quầy bán hàng phía trước”. Và “dạng âm thanh của tiếng nấc khi bị nghẹt thở…”. Như vậy, chỉ âm thanh của tiếng nấc khi bị nghẹt thở mà nhân chứng Tuyền còn nghe thấy và xác định rõ vị trí phát ra âm thành này thì sao các tiếng kêu la á á… rất lớn (BL 520, BL 383) của các nạn nhân mà KLĐT và Cáo trạng nêu ra thì nhân chứng Tuyền lại không nghe.  Tình tiết này chưa được làm rõ. Không có câu hỏi nào xác định sao không nghe.


14)    Vết cắt trên cổ nạn nhân
Liên quan đến vết cắt trên cổ nạn nhân: Theo Cáo trạng thì tư thế, động tác của hung thủ khi thực hiện dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân đều giống nhau là cả 2 nạn nhân đều nằm, bất tỉnh, hung thủ tay phải cầm dao, tay trái nắm tóc nạn nhân và cắt thật mạnh 2 cái vào cổ nạn nhân (BL 520). Thế nhưng, theo Bản giám định pháp y (BL 60 và 61) thì đường cắt lại có hướng khác nhau. Cụ thể đường cắt trên vùng cổ của nạn nhân Hồng là từ trái sang phải, còn đường cắt trên vùng cổ của nạn nhân Vân lại từ phải sang trái. Liệu một người thuận một tay, trong cùng tư thế hành động lại có hướng cắt theo phản xạ khác nhau hay không? Điều này chưa được làm rõ.
15)    Về tình tiết số tiền mua trái cây:  Theo cáo trạng thì Hải đưa tiền cho nạn nhân Vân đi mua trái cây (BL 519) và KLĐT xác định “Hải lấy tiền (một tờ tiền polime mệnh giá 50.000 đồng hay 100.000 đồng không nhớ rõ) đưa cho Vân nhờ đi mua trái cây về ăn” (BL 382). Còn tại BL 189, nhân chứng Nguyễn Thị Diệu Hiền xác định “Tôi xác định 2 người nữ ở Bưu cục Cầu Voi không còn tiền trong người”. Và Biên bản khám nghiệm hiện trường cũng không ghi nhận có tiền trong túi của nạn nhân Vân. Cũng không xác định hung thủ lấy tiền từ túi nạn nhân. Và cũng không có chứng cứ nào khẳng định bị cáo khai hay lấy tiền không.
Thế nhưng, theo lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Bích Ngân – người được xác định là bán trái cây cho nạn nhân Vân thì “Khi tính tiền tất cả là 41.000đồng. Cô gái kêu bớt 1.000 đồng còn 40.000 đồng. Cô gái trả cho tôi tiền gồm 2 tờ giấy polyme mệnh giá 20.000 đồng và 10.000 đồng cùng một tờ giấy bạc mệnh giá 10.000đ”. Cô gái còn nói “có người đưa tiền kêu em mua nên em mua nhiều vầy nè” (BL 241). Như vậy, lời khai của bị cáo và kết luận điều tra không phù hợp với chứng cứ lời khai nhân chứng về loại tiền sử dụng mua trái cây.
16)                                        Dấu vết khác trên người nạn nhân:
          Ngoài ra, tại Biên bản khám nghiệm tử thi (BL 56) và Bản giám định pháp y (BL 60) đều ghi nhận “Có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái”. Vết thương này do đâu mà có thì chưa có chứng cứ nào làm rõ.
II-     VỀ TỘI DANH CƯỚP TÀI SẢN
17)    Dấu hiệu tội cướp tài sản:
Theo quy định tại Điều 133 BLHS thì dấu hiệu của tội cướp tài sản là “dùng vũ lực, đe dọa, dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cứ được nhằm chiếm đoạt tài sản…”. Ở đây, theo KLĐT và Cáo trạng bị cáo Hồ Duy Hải đã dùng vũ lực giết chết nạn nhân Hồng vì động cơ tức giận do không đạt được ý định quan hệ sinh lý với Hồng. Còn động cơ giết Vân vì sợ bị Vân phát hiện (BL 523).  Như vậy, hoàn toàn không nhằm mục đích cướp tài sản. Ngoài ra, theo Biên bản khám nghiệm hiện trường (B45) thì “két sắt điện tử hiệu Hòa Phát… còn chùm chìa khóa đang còn ghim trong ổ khóa” (mà sau nay khi mở niêm phong phát hiện còn tiền, còn nhẫn…) và “dãy tủ 3 cái… không có vết cạy phá hay xáo trộn đồ đạc bên trong”… Điều này cho thấy động cơ cướp tài sản của hung thủ còn cần phải được làm rõ. Phải chăng các hành vi lấy 1 ít tài sản chỉ để đánh lạc hướng điều tra???
Do vậy, theo chúng tôi, hành vi lấy tài sản sau đó (nếu có) chỉ là trộm cắp hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản.
18)    Về số tài sản bị xem là chiếm đoạt: Hiện vẫn còn nhiều mâu thuẫn về số lượng và mẫu mã nhất là trong trường hợp có nhiều chứng cứ liên quan – theo chúng tôi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng – mà chúng tôi xin được nêu rõ ở phần sau. Theo chúng tôi, chưa đủ căn cứ xác định số, loại tài sản, trị giá tài sản bị chiếm đoạt.
19)       Bán tài sản: Còn về nội dung lời khai nhận và Cáo trạng xác định bán tài sản tại TP.HCM:
BL 520, Cáo trạng xác định Hải lấy vàng vòng, điện thoại bán tại tiệm “Thiện Mỹ” ở số 124 Hùng Vương, Quận 5 và Cửa hàng vàng bạc đá quý Chợ An Đông với giá 3.500.000 đồng, theo chúng tôi là suy diễn và không phù hợp.
Cụ thể, Cáo trạng có trích dẫn các BL 169, 171, 173, 174, 175, 176, 178 để cho rằng lời khai nhận của Bị cáo Hải là phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Thế nhưng, theo chúng tôi là không phù hợp, vì lẽ:
(i)      Về điện thoại, không có lời khai nhân chứng nào xác định đã mua điện thoại của Hải. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ tiệm “Thiện Mỹ” ở số 124 đường Hùng Vương, Quận 5 là người được Cáo trạng kết luận là đã mua điện thoại của bị cáo thì chỉ có lời khai: “Tôi xác định loại Nokia đời 1100 mà cửa hàng của tôi từ khi hoạt động cụ thể từ tháng 1/2008 đến nay thì tôi có mua vào loại điện thoại di động Nokia đời 1100 đặc điểm như nói trên khoảng 2-3 cái, nhưng tôi không thể nhớ được người bán và người mua vì họ là khách” (BL 179). Như vậy, không có cơ sở để xác định như Cáo trạng nêu.
(ii)     Về vòng vàng, cũng không có lời khai nào xác định mua vòng, vàng của bị cáo Hải. Đặc biệt không có chứng cứ nào xác định giá vòng, vàng là 3.500.000 đồng như Cáo trạng kết luận.  Tại BL 171, Bà Đặng Thị Liên, chủ quầy vàng bạc hoàn toàn không có lời khai cụ thể về việc mua vàng liên quan đến vụ án.
Còn tại lời khai của cô Nguyễn Thị Kim Chi, con gái Bà Đặng Thị Liên, người trực tiếp đứng giao dịch tại quầy, khẳng định “Do hàng ngày phải tiếp xúc, giao dịch với rất nhiều khách hàng nên thời điểm tháng 1/2008 đã lâu nên tôi không thể nhớ, xác định được. Vả lại khi giao dịch thì tôi chỉ chú ý loại hàng đó giá cả thế nào, có lời không chứ không để ý kiểu dáng, không để ý đặc điểm người đến bán nên không thể xác định, nhớ được” (BL 169, 170). Như vậy, Cáo trạng xác định quầy số 2 Cửa hàng vàng bạc đá quý Chợ An Đông của Bằng Đặng Thị Liên mua vòng, vàng của bị cáo căn cứ vào BL 169, 171 là không phù hợp.
III-    NHỮNG KHÁC NHAU VÀ MÂU THUẪN GIỮA KLĐT VÀ CÁO TRẠNG HOẶC MÂU THUẪN NGAY TRONG CHÍNH NỘI DUNG CÁO TRẠNG, CŨNG NHƯ NHỮNG KẾT LUẬN KHÔNG ĐÚNG VỚI CHỨNG CỨ CÓ TRONG VỤ ÁN; CỤ THỂ:
20)    Mâu thuẩn về thu giữ tiền:
Mâu thuẫn đầu tiên là tại BL 384, KLĐT xác định Thu giữ tại hiện trường: 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 5 hột, 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 2 hột, tiền Việt Nam 893.000đ.
Còn Cáo trạng (BL 522) xác định: Qua kiểm tra trong két sắt điện tử có 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 5 hột đá trắng và 1 nhẫn cẩn 2 hột đá trắng và 893.000 đồng thu giữ tại nhà bị can Hồ Duy Hải.
21)    Về tiếng kêu la:
(BL 383) KLĐT xác định nạn nhân Hồng không kêu la, còn nạn nhân “Vân hoảng hốt la “á… á…” nhiều tiếng lớn”.  Trong khi Cáo trạng (B520) lại khẳng định nạn nhân Vân không la mà nạn nhân “Hồng kêu la a á… rất lớn”.
Ở đây, chúng tôi cũng xin lưu ý là việc xác định nạn nhân nào la có phần quan trọng đến tình tiết phù hợp với lời khai của nhân chứng Huỳnh Thị Kim Tuyền vào thời điểm 20:30 (BL 258) có nghe tiếng “ướt… ướt” ở khu cầu thang.  Ngoài tình tiết chúng tôi đã nêu là cả Cáo trạng và KLĐT đều xác định tiếng kêu rất lớnnhưng nhân chứng lại không nghe được mà chỉ nghe được tiếng “ướt, ướt” dạng âm thanh của tiếng nấc khi bị nghẹt thở thì còn tình tiết khác là có tiếng la lớn hay không?  của ai? vào thời điểm nào? Có trùng với âm thanh “ướt, ướt” mà nhân chứng Tuyền nghe được hay không?  Điều đáng nói nữa là theo Cáo trạng, nạn nhân Hồng chưa bị ngất khi bị đập bằng thớt gỗ, như vậy sao nạn nhân lại không la lớn tiếng.
22)    Về hành vi bóp cổ nạn nhân Hồng:
BL 382 BLĐT xác định Hải tiếp tục bóp cổ Hồng ở trên li văng… và sau đó Hồng bỏ chạy xuống nhà dưới… Còn trước khi giết Hồng ở tại khu vực gầm cầu thang thì không bóp cổ Hồng mà chỉ dùng tay đánh vào mặt Hồng, tiếp đến lấy cái thớt gỗ giơ cao, đập và lấy dao cắt vào vùng cổ.  Trong khi tại BL 520, Cáo trạng lại khẳng định, lúc ở trên đi-văng, Hải không bóp cổ Hồng mà 2 tay của Hải đè nắm trên 2 tay Hồng.  Còn tại khu vực chân cầu thang thì Hải mới dùng tay bóp vào vùng cổ của Hồng, nhưng không thể hiện dùng tay đánh Hồng.
Việc xác định nạn nhân Hồng có bị bóp vào vùng cổ hay không, ở địa điểm nào quan trọng ở chỗ có phù hợp chứng cứ khách quan khác của vụ án là Bản Giám định pháp y.  Vì lẽ, theo Bản giám định pháp y (BL 60) thì tổn thương máu tụ dưới da đầu và vùng cổ có thể dẫn đến choáng cho nạn nhân Hồng.  Như vậy, nếu do bóp cổ dẫn đến choáng, ngay ở đi-văng thì nạn nhân không thể chạy ra nhà sau được.  Ngược lại nếu bóp cổ đã dẫn đến choáng ở chân cầu thang rồi thì cần lấy thớt đập cho đến khi bị ngất làm gì?
23)    Về mục đích dùng vũ lực:
Để bảo vệ cho kết luận của mình nêu trên, KLĐT và Cáo trạng đã mâu thuẫn khi đề cập đến mục đích của hành vi dùng vũ lực của bị cáo.  Cụ thể:
(i)      KLĐT (BL 382) xác định mục đích bóp cổ Hồng ở trên li văng là để thực hiện ý định muốn quan hệ tình dục với Hồng khi bị Hồng chống cự.  Còn Cáo trạng (BL 520) lại xác định mục đích dùng tay bóp vào vùng cổ của nạn nhân Hồng là do Hồng la lớn tiếng nên sợ bị phát hiện.
(ii)     Cũng vậy, KLĐT (BL 383) cho rằng khi thấy xác Hồng nằm và thấy bị can Hải đứng cầm ghế, nên Vân hoảng hốt la “á… á…” nhiều tiếng lớn.  Còn Cáo trạng (BL 520) lại xác định “Hồng kêu la á á… rất lớn” là do bị Hải đuổi theo phía sau, dùng tay nắm kéo tay Hồng, xô đẩy vào góc tường gần chân cầu thang…
Như vậy là mâu thuẫn ngay cả về mục đích.
24)    Bỏ chạy
Ngay cả hành vi bỏ chạy của nạn nhân Hồng cũng có điểm khác nhau giữa KLĐT và Cáo trạng.  Tại BL 382, KLĐT khẳng định “Hồng bỏ chạy xuống nhà dưới, mở cửa đi ra nhà vệ sinh…”.  Còn Cáo trạng (BL 520) lại xác định “Hồng ngồi dậy và đi ra ngoài hướng xuống phía nhà sau cầu thang của cơ quan là khu vực bếp nấu ăn của Vân và Hồng”.
25)    Mâu thuẫn ngay tại nội dung Cáo trạng:
Cáo trạng cũng mâu thuẫn ngay trong nội dung của mình.  Cụ thể tại BL 523, ở phần trên, cùng trang 10 Cáo trạng khẳng định bị can Hồ Duy Hải đã có mặt tại Bưu cục Cầu Voi lúc 19:39:22 do nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy.  Thế mà ngay dòng đầu tiên của KẾT LUẬN cùng trang 10 này, Cáo trạng lại nêu: Khoảng 20h ngày 13/1/2008, bị can Hồ Duy Hải, điều khiển xe mô tô số 62F5 – 0842 chạy đến Bưu điện Cầu Voi”.  Chỉ có phép tàng hình của Tề Thiên Đại Thánh mới có thể cùng lúc 7:40 tối đã có mặt tại Bưu cục mà đến khoảng 8:00 tối, tức sau gần 20 phút mới lại bắt đầu điều khiển xe đến Bưu cục.  Với những mâu thuẫn giữa KLĐT với Cáo trạng và mâu thuẫn ngay trong nội dung Cáo trạng như vậy thì làm sao xác định sự thật của vụ án 1 cách khách quan, toàn diện và đầy đủ như Điều 10 Luật TTHS quy định.
26)    Nội dung không đúng thực:
Ngoài ra, Cáo trạng còn thể hiện có nội dung không đúng sự thực, không phù hợp với tình tiết khách quan khác của vụ án.  Cụ thể: tại BL 520, Cáo trạng nêu “lời khai bị can Hải… phù hợp với lời khai của Đinh Vũ Thường người gọi điện thoại cuộc cuối cùng cho bị can”.  Điều này không đúng.  Vì lẽ, theo hồ sơ vụ án, nhân chứng Đinh Vũ Thường không quen biết bị can Hải và không hề gọi điện thoại cho bị can.
27)    Cũng vậy, BL 520, Cáo trạng khẳng định Hải bán điện thoại cho tiệm “Thiện Mỹ” ở 124 Hùng Vương, Quận 5, TP.HCM và sau đó có ghi chú các BL phù hợp, trong đó có BL 176.  Nhưng BL 176 – là Biên bản ghi lời khai của chị Trần Thị Thu Huyền – nhân viên giao dịch mua bán ĐTDĐ tại cửa hàng ĐTDĐÁnh Sương, số 126 Hùng Vương, Q.5, TP.HCM chứ không phải cửa hàng Thiện Mỹ.           Còn trên thực tế, không ai xác định có mua ĐTDĐ của Hải cả.
28)    Về ghi hóa đơn
Còn BL 520, Cáo trạng khẳng định Cửa hàng vàng bạc đá quý khi mua vòng, vàng của bị can Hải có làm hóa đơn, nhưng Hải đã vất bỏ sau đó.  Cáo trạng cũng ghi lại các BL phù hợp là 169, 171, 173.  Trong khi các lời khai tại các BL này: BL 169 của chị Nguyễn Kim Chi, BL 171 của bà Đặng Thị Liên, BL 173 Báo cáo xác minh của Bà Trương Thị Phương đều khẳng định: chỉ khi bán hàng ra mới ghi hóa đơn còn mua vàng vào thì không ghi hóa đơn.
Cũng tại BL 521 này, Cáo trạng tùy tiện suy diễn sai sự thực lời xác định của bà Đặng Thị Liên.  Cụ thể, tại BL 171, Bà Đặng Thị Liên khai: “Khi vàng bạc, nữ trang của cửa hàng tôi bán ra cho khách hàng thì tôi ghi hóa đơn bán và ghi vào sổ…”.  Còn khi mua vào thi không ghi hóa đơn (phù hợp với lời khai của Bà Nguyễn Kim Chi – BL 169 và Báo cáo xác minh (BL 173).  Thế vậy mà, Cáo trạng tùy tiện nêu ra là “Chị Liên xác định nếu hàng mua vào do Cửa hàng bán ra thì không làm Giấy hóa đơn, nếu không phải của cửa hàng bán ra thì có giấy hóa đơn” để rồi tùy tiện kết luận: ở điểm này phù hợp với Hồ Duy Hải trình bày.
29)    Nhân chứng thường:
BL 523 Cáo trạng kết luận: “Đến khi nhân chứng Đinh Vũ Thường, sinh năm 1984, phát hiện thấy bị can Hải…” kết luận này là suy diễn và áp đặt vì nhân chứng Thường không hề phát hiện thấy bị cáo Hải.  Tại BL 251, nhân chứng thường khẳng định “tôi không thể nhận dạng chính xác được…”.
Cũng vậy, như chúng tôi đã nêu ở trên, lời khai về đưa 1 tờ tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng là không phù hợp với lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân bán trái cây chứ không phải là phù hợp như Cáo trạng nêu.
IV.    VỀ NHỮNG VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG THỦ TỤC TỐ TỤNG:
30)    Trước hết, khoản 2 Điều 132 BLTTHS quy định “Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa Biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận”. Nghiêm cấm ĐTV tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. (khoản 1 Điều 132).
Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện rất nhiều nội dung trong các Biên bản ghi lời khai hoặc hỏi cung bị can bị bớt, sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của bị can và ĐTV. Cụ thể tại BL 85, BL 87, BL 92, BL 117, BL 337, BL 339. Đặc biệt tại BL 339 tôi phát hiện được sửa chữa thành “hoàn toàn đúng”, trong khi dấu mực cũ bị sửa chữa không xác định được nhưng thấy được chữ g. Điều này là vi phạm.
31)    Sửa chữa Biên bản nghiêm trọng:
Cũng vậy, hồ sơ khác của vụ án cũng có bị sửa chữa mà không có xác nhận của người khai. Trong đó có 2 trường hợp chúng tôi cho rằng nghiêm trọng vì có thể làm sai lệch nội dung. Cụ thể tại BL 197, 198 Bản ghi lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu bị sửa chữa phần nội dung về kích thước con dao. Xin lưu ý là Biên bản ghi lời khai này được thực hiện vào ngày 19/1/2008, tức chỉ sau 5 ngày phát hiện vụ án. Lời khai về 2 con dao với kích thước ban đầu đã bị sửa chữa lại cho phù hợp kích thước phần dài con dao, phần dài lưỡi của dao với các lời khai sau nay về con dao được coi là gây án. Sửa chữa này hoàn toàn không có chữ ký xác nhận của Bà Hiếu.
32)    Sửa chữa Biên bản nhận dạng:
Thứ hai là BL 219 Biên bản nhận dạng của nhân chứng Nguyễn Mi Sol. Với phương pháp nhận dạng được đưa ra là 4 tấm ảnh nhẩn có kiểu dáng khác nhau, được đánh số thứ tự từ 1 đến 4 và cho nhân chứng nhận dạng. Trong đó, mẫu số 4 được xem là phù họp, đúng. Thế nhưng phần kết quả, nội dung nhận dạng ở vị trí đã bị sửa thành số 4 cho phù hợp kết quả.

33)    Không ghi nội dung bắt buộc ở phần số (3)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 139 BLTTHS thì “nếu người làm chứng hay người bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, ĐTV phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc giải trình đó phải được ghi vào biên bản”. Nhưng chúng tôi không thấyBiên bản nhận dạng nào có ghi nhận nội dung bắt buộc này. Mặc dù ngay tại mẫu Biên bản nhận dạng, đều có ghi chú ở dưới và dành phần trống số (3) để ghi nội dung giải thích này.
34)    Cũng khoản 4 Điều 139 BLTTHS quy định “Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến“.
Tuy nhiên, toàn bộ 6 Biên bản nhận dạng của nhân chứng Nguyễn Mi Sol các ngày 21/6/2008 và 24/8/2008 (BL 211, 213, 215, 217, 219, 221) đều không có người chứng kiến.
35)    Tại Biên bản nhận dạng ngày 25/3/2008 (BL 244) của Nguyễn Tuấn Ngọc không có người chứng kiến. Biên bản nhận dạng ngày 31/3/2008 (BL 253) của Đinh Vũ Thường không có người chứng kiến. Biên bản nhận dạng ngày 24/3/2008 của Nguyễn Văn Vàng, Biên bản nhận dạng của Võ Văn Hùng đều không có người chứng kiến.
            Cũng vậy, Biên bản nhận dạng của Nguyễn Tuấn Ngọc, Đinh Vũ Thường, Nguyễn Văn Vàng, Võ Văn Hùng.
36)    Biên bản nhận dạng của Bị cáo Hồ Duy Hải:
Đáng chú ý là tại Biên bản nhận dạng ngày 10/7/2008 (BL 142) của Hồ Duy Hải, phần đầu không ghi người chứng kiến là ai. Nhưng ở trang cuối, phần ký tên người chứng kiến lại có chữ ký, họ tên của ông Lê Ái Dân (KSV). Còn có chữ ký và họ tên của LS Võ Thành Quyết được ký tên vào phần Lời trình bày của người nhận dạng. Như vậy, LS Võ Thành Quyết có tham gia không và tham gia vào thành phần nào trong Biên bản này?
Cũng vậy, tại Biên bản nhận dạng ngày 10/7/2008 (BL 140) thì KSV Ông Lê Ái Dân cũng ký tại phần người chứng kiến, còn Luật sư Võ Thành Quyết thì ký và ghi họ tên ở phần nội dung nhận dạng.
Điều đáng chú ý là tại Biên bản nhận dạng ngày 22/7/2008 (BL 150; BL 152; BL 154; BL 156) của Hồ Duy Hải khi có LS Võ Thành Quyết chứng kiến thì trong phần đầu của Biên bản đều ghi rõ thành phần “Ông Võ Thành Quyết – LS là người chứng kiến” và phần cuối khi ký tên, KSV Lê Ái Dân đều ký tên ở trên còn LS Võ Thành Quyết ký tên vào đúng phần dành cho người chứng kiến.  Điều này có thể dẫn đến suy diễn phải chăng ở Biên bản trên, LS Võ Thành Quyết đã ký sau và chỉ nhằm hợp thức hóa.
37)    Biên bản nhận dạng không có người chứng kiến:
Cũng vậy, Biên bản nhận dạng ngày 10/7/2008 (BL 144) của Hồ Duy Hải không có người chứng kiến.
38)    Không có chữ ký Điều tra viên: Theo quy định tại khoản 2 Điều 132 BLTTHS, “Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì ĐTV và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó”. Thế nhưng, tại Bản tường trình (BL 115) ngày 15/7/2008 của Hồ Duy Hải không có chữ ký xác nhận của ĐTV.
39)    Phê chuẩn sai: Theo lệnh bắt khẩn cấp số 03 ngày 21/3/2008 của Cơ quan CSĐT (BL 19) thì CQĐT đã ra lệnh Bắt khẩn cấp đối với Hồ Duy Hải. Thế nhưng, tại Quyết định số 105/KSĐT ngày 22/3/2008 của VKSND tỉnh Long An (BL 23) đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Duy Hải.
40)    Tạm giữ không có lệnh: Tại Quyết định tạm giữ ngày 21/3/2008 (BL 25) Cơ quan CSĐT đã Quyết định tạm giữ Hồ Duy Hải 3 ngày, kể từ 20 giờ ngày 21/3/2008 đến 20 giờ ngày 24/3/2008.
Sau đó, tại BL 26, CQ CSĐT đã ra Quyết định gia hạn tạm giữ (lần thứ 1( 3 ngày kể từ 20 giờ ngày25/3/2008 đến 20giờ ngày 28/3/2008 đối với Hồ Duy Hải. Như vậy, bị cáo Hồ Duy Hải đã bị tạm giữ từ 20giờ ngày 24/3/2008 đến 20 giờ ngày 25/3/2008 mà không có lệnh tạm giữ. Xin lưu ý là sau đó, VKS cũng đã phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần thứ I này với cùng thời gian từ 20 giờ 25/3/2008 đến 20 giờ ngày 28/3/2008.

41)    Quyết định tạm giữ không có người ký nhận: Quyết định gia hạn tạm giữ lần thứ I (BL 26) đã không được giao cho người bị tạm giữ và người bị tạm giữ đã không ký nhận quyết định này.
42)    Biên bản khám nghiệm hiện trường cũng không có người chứng kiến là vi phạm khoản 2 Điều 150 BLTTHS. Tại BL 44, không ghi người chứng kiến, nhưng ở cuối có chữ ký của ông Đinh Phú Hùng. Tại phiên tòa, ông Đinh Phú Hùng đã xác định và được Tòa án triệu tập (là nguyên đơn dân sự).
V-     VỀ NHỮNG VI PHẠM, KHÔNG PHÙ HỢP, KHÔNG RÕ RÀNG DIỄN RA TRONG QUÁ TRÌNH XÉT XỬ SƠ THẨM VÀ TẠI BẢN ÁN SƠ THẨM:
43.     Về giám sát bị cáo tại phiên tòa theo quy định tại Điều 188 BLTTHS; “Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của Chủ tọa phiên tòa”. Thế nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm, tôi (LS Nguyễn Văn Đạt) là người bào chữa đã không được Cán bộ dẫn giải bị cáo Hải cho tiếp xúc với bị cáo. Tôi trực tiếp làm đơn gởi HĐXX, nhưng Chủ tọa phiên tòa cũng không cho.
Đây là vi phạm tước bỏ quyền của người bào chữa theo Điểm e, khoản 2 Điều 58 và Điều 188 BLTTHS.
44.     Vi phạm thủ tục sau phiên tòa: Theo quy định tại Điều 229 BLTTHS và khoản 1 Điều 236 BLTTHS, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho người bào chữa trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án.  Nhưng Tòa án, tỉnh Long An đã không giao bản án sơ thẩm cho tôi. Cũng vậy, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã không thông báo việc kháng cáo cho tôi đúng quy định pháp luật. Điều này là tước bỏ quyền có ý kiến về nội dung kháng cáo theo luật định của người bào chữa.

  1.      Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đã công bố nhiều nội dung và gởi tài liệu cho Hội đồng xét xử. Nhưng những nội dung điều tra (cụ thể như về nội dung điều tra liên quan đến Công an viên xã Nhị Thành tên là Nguyễn Thanh Hải) được VKS cung cấp cho HĐXX tại phiên tòa nhưng không thể hiện trong hồ sơ vụ án.
46.     Tại Tờ tường trình đề ngày 24/12/2008 của Bà Nguyễn Thị Rưởi thì Luật sư Võ Thành Quyết đã tuyên bố: “Xin kháng cáo kêu oan là ở đây không ký đâu, xin giảm nhẹ hình phạt thì mới ký…“.  Như vậy phải chăng đã có sự ép buộc bị cáo phải kháng cáo xin giảm nhẹ chứ không cho bị cáo viết đơn xin kháng cáo kêu oan?
  1.      Bản án sơ thẩm số 97/2008/HSST: số 97/2008/HSST của TAND tỉnh Long An xác định “Ông Võ Thành Quyết – Đoàn LS Long An bào chữa chỉ định cho bị cáo Hồ Duy Hải”. Thế nhưng, theo Hợp đồng Dịch vụ pháp lý lập ngày 18/6/2008 giữa Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của bị cáo Hồ Duy Hải với Ông Võ Thành Quyết – Trưởng VPLS Võ Thành Quyết thì LS Quyết sẽ tham gia tố tụng trong vụ án (bào chữa) cho bị cáo Hải (Điểm 1, Điểm 6). Và Bà Loan có trách nhiệm thanh toán thù lao cho LS Quyết là 10 triệu đồng đưa 1 lần ngay khi ký Hợp đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra là:
(i)      Đã có tôi (LS Nguyễn Văn Đạt) là người bào chữa cho bị cáo Hải, sao Tòa án vẫn mời LS Quyết bào chữa chỉ định (không phù hợp khoản 2 Điều 57 BLTTHS).
(ii)     Tại sao LS Quyết đã ký HĐDVPL để nhận bào chữa theo lời mời (yêu cầu) của bà Loan và Bà Loan đã phải đóng phí 10 triệu đồng, Tòa án lại xác định Luật sư Quyết bào chữa chỉ định (không phù hợp Điều 57 BLTTHS).
(iii)    Nếu Tòa án xác định LS Quyết là LS chỉ định thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thanh tóan tiền thù lao và các khoản chi phí theo quy định… Nhưng LS Quyết vẫn nhận 10 triệu đồng của mẹ bị cáo Hồ Duy Hải.
Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có xem xét, làm rõ tư cách LS Quyết? Và Điều này cũng là vi phạm Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp số 66/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 19/6/2007. “Ngoài khoản thù lao và chi phí do Cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, Luật sư không được nhận thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét