Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Bình Lê - Có công thức nào cho dân chủ?

Với thất bại trong phát triển của một số nước dân chủ đa Đảng ở Nam Á và Châu Phi và sự vượt lên của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu, chính trị và hoạt động xã hội bắt đầu đặt câu hỏi về sự liên quan giữa dân chủ và phát triển. Dân chủ là nguyên nhân, động cơ hay kết quả của phát triển? Liệu phát triển có phải hy sinh dân chủ? Dù câu trả lời là gì thì gần đây có nhiều chỉ trích về các lý thuyết và thực hành dân chủ, có thể mục đích nhằm tăng cường hiểu biết giúp cho quá trình dân chủ hóa tốt hơn hoặc vì lợi ích nhóm của một số người bị đe dọa bởi dân chủ mà họ phản đối dân chủ. 

Ảnh: Sinh viên Hongkong biểu tình đòi được bầu cử tự do (nguồn: internet)

Như vậy, có hai câu hỏi quan trọng cần trả lời, một là “dân chủ là gì?” và “làm thế nào để chúng ta có dân chủ?”

Về cơ bản, dân chủ là “do dân và vì dân”. Nói cách khác, dân chủ là nhân dân lựa chọn người đại diện cho mình. Có hai trường phái về dân chủ, một đặt nặng khía cạnh thể chế và một thì coi trọng kết quả.

Trường phái coi trọng thể chế thì quan tâm đến quy trình mang lại dân chủ. Với họ, bầu cử tự do và công bằng nơi các nhà chính trị vận động tranh cử, và người dân thì tự do lựa chọn ứng viên để đại diện cho mình là điều kiện tối thiểu của dân chủ. Tuy nhiên, bầu cử có thể dự báo được các luật lệ, quy trình, hoặc định hướng phát triển (do ứng viên hứa) nhưng kết quả thì không dự báo trước được. Có nhiều lãnh đạo được bầu một cách dân chủ nhưng cuối cùng lại trở thành một người chuyên quyền. Chính vì vậy, gần đây khi nói về dân chủ tối thiểu, ngoài bầu cử tự do và công bằng các nhà nghiên cứu lý luận còn cho thêm trách nhiệm giải trình của nhà cầm quyền vào như một phần của công thức.

Còn trường phái coi trọng kết quả thì quan tâm hơn đến bình đẳng, sự tham gia của người dân, tiếng nói của nhóm yếu thế, các chính sách phân phối phúc lợi, và trật tự cũng như an ninh xã hội.

Dù theo trường phái nào, dân chủ có thể có những đặc điểm như (i) bầu cử cạnh tranh, công bằng, và thường kỳ; (ii) pháp quyền; (iii) tự do chính trị rộng rãi; (iv) trách nhiệm giải trình của nhà cầm quyền; (v) tự do thông tin và tự do báo chí; (vi) quân đội được quản lý bởi dân sự. Cần lưu ý các tố chất này cũng không đảm bảo kết quả đầu ra. Kết quả đầu ra thường phụ thuộc vào thể chế, có nghĩa cần xây dựng thể chế.

Có ba lý thuyết khác nhau về quá trình xây dựng thể chế dân chủ, hay quá trình dân chủ hóa: Lý thuyết tính chủ thể (Agency), lý thuyết cấu trúc (structure) và lý thuyết hiện đại hóa (modernization).

Lý thuyết chủ thể cho rằng con người có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách chủ động hành động. Nói cách khác, con người là chủ thể, có khả năng tư duy độc lập, hành động và tự chịu trách nhiệm cho kết quả. Khi cá nhân hành động, có thể là riêng lẻ, không có điều phối vẫn có thể dẫn đến những thay đổi xã hội to lớn. Qua thời gian người dân có thể đặt những câu hỏi có tính trách nhiệm cao với nhà cầm quyền để họ thay đổi, hoặc phải đối mặt với những bất ổn xã hội, hoặc cách mạng.

Lý thuyết cấu trúc cho rằng các cấu trúc có sẵn trong từng quốc gia sẽ thúc đẩy hoặc ngăn cản quá trình dân chủ hóa. Những người theo trường phái này cho rằng tòa án, hành pháp, lập pháp và quân đội là các thể chế quan trọng và cần có năng lực để tạo lập xã hội và dân chủ. Nói cách khác, dân chủ có hay không tùy vào những thể chế này ủng hộ hay phản đối dân chủ.

Còn lý thuyết hiện đại hóa cho rằng mức độ phát triển, sự đa thành phần của nền kinh tế, bản chất của tầng lớp trung lưu rất quan trọng với quá trình dân chủ hóa. Trường phái này đã được thảo luận khá sâu trong bài “khi nào một quốc gia chuyển qua thể chế dân chủ?”.

Ngoài ba lý thuyết trên, nhiều người cho rằng nhóm tinh hoa cầm quyền có vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa. Trong một quốc gia chưa dân chủ, quyền lực kinh tế có thể được tập trung ở nhóm doanh nhân thân hữu thao túng nền kinh tế còn quyền lực chính trị được nắm giữ bởi một nhóm nhỏ trong xã hội. Vì bản chất của dân chủ là “do dân và vì dân” nên quá trình dân chủ hóa chắc chắn sẽ đe dọa lợi ích của các nhóm nắm quyền lực kinh tế và chính trị. Chính vì vậy, các nhóm quyền lực này sẽ phản đối dân chủ.

Kết quả của quá trình dân chủ hóa sẽ phụ thuộc vào sự có mặt/vắng mặt của phong trào dân chủ đòi thay đổi và sự đoàn kết/chia rẽ của tầng lớp tinh hoa nắm quyền lực kinh tế và chính trị. Nếu một quốc gia có phong trào dân chủ mạnh cộng với một tầng lớp tinh hoa cai trị chia rẽ thì kết quả sẽ là một nền dân chủ ra đời. Nếu phong trào dân chủ lên cao nhưng tầng lớp tinh hoa đoàn kết để bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của mình thì sẽ dẫn đến đàn áp. Còn nếu không có phong trào dân chủ nhưng tầng lớp tinh hoa bị chia rẽ sâu sắc thì có thể dẫn đến đảo chính. Còn ở một quốc gia không có cả phong trào dân chủ lẫn sự chia rẽ trong tầng lớp lãnh đạo tinh hoa thì hiện trạng sẽ được duy trì.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy để quản trị một xã hội dân chủ thành công thì cần có sự hợp tác giữa tầng lớp tinh hoa và phong trào dân chủ. Trong quá trình chuyển giao, cần phải bảo vệ quân đội và tài sản tư. Nếu trong quá trình chuyển giao mà không có sự phân bổ lại quyền lực thì sẽ không có dân chủ. Điều quan trọng là xây dựng được các thể chế dân chủ (tòa án, hành pháp, lập pháp và quân đội), các cơ quan nhà nước mạnh, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, và một xã hội dân sự chủ động, có trách nhiệm và năng lực.

Nhưng kinh nghiệm trên thế giới cũng cho thấy không có công thức nào cho dân chủ và dân chủ hóa. Chính vì vậy bất cứ sự vay mượn hoặc học hỏi nào cần trên tinh thần phê phán và khách quan. Nếu không, quá trình dân chủ hóa thành phi dân chủ hóa vì áp đặt mô hình bên ngoài vào. Đây chính là lời lưu tâm cho các nhà cầm quyền, các nhà vận động quyền, và các cơ quan phát triển thúc đẩy quyền.
 
Bình Lê
 
(Diễn Ngôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét