Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Công trình Nam Thủy Bắc Điều chỉ đáp ứng tạm thời cơn khát của Bắc Kinh

mediaNam Thủy Bắc Điều (South-to-North Water Diversion Project), công trình với hệ thống dẫn nước dài hơn 1.000 km - DR
    Thủ đô Trung Quốc hôm nay 28/12/2014 đón nhận lượng nước đầu tiên từ công trình Nam Thủy Bắc Điều (South-to-North Water Diversion Project), một trong những công trình kỹ thuật tham vọng nhất trong lịch sử nước này. Tuy nhiên các nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả, cho rằng hệ thống dẫn nước dài đến trên 1.000 km chỉ giải quyết được tạm thời cơn khát của Bắc Kinh.






    Sau nhiều thập kỷ lên kế hoạch và đầu tư xây dựng, trên một tỉ mét khối nước đã được đưa vào dòng chảy hướng về Bắc Kinh mỗi năm, thông qua hơn 1.200 km kênh đào và ống dẫn – bằng khoảng cách giữa Luân Đôn và Madrid. Khoảng 8,5 tỉ mét khối nước, tương đương 3,4 triệu hồ bơi Olympic, cũng được đưa đến các tỉnh nằm dọc theo công trình này. 
    Hồ trữ Đan Giang Khẩu (Danjiangkou), trên đập nước cao 110 m ở tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung là nơi trữ nước được đưa từ miền nam lên. Trong số các khó khăn kỹ thuật đã vượt qua được có 7,2 km đường ống ngầm chạy qua đáy sông Hoàng Hà, con sông lớn thứ hai Trung Quốc, được báo chí chính thức ca ngợi là « dự án đi dưới lòng sông vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại ». Để đưa luồng nước đi qua một con sông khác ở Hà Nam, các kỹ sư đã xây dựng 12 km thủy lộ, dài nhất thế giới. 
    Chính quyền Trung Quốc nói rằng dự án lên đến 81 tỉ đô la sẽ giải quyết được tình trạng thiếu nước của các tỉnh miền bắc. Hiện tỉ lệ nước dùng trên đầu người tại Bắc Kinh chỉ tương đương với các quốc gia Trung Đông như Israel, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, vấn đề sống còn của chế độ cộng sản Trung Quốc. 
    Nhưng các nhà quan sát cho rằng công trình này gây nguy hiểm vì làm giảm lượng mưa tại miền nam, và chỉ đáp ứng được tạm thời nhu cầu nước của miền bắc. Chiếm gần phân nửa dân số cả nước và hai phần ba diện tích đất trồng trọt, nhưng lượng nước có được ở miền bắc Trung Quốc chỉ chiếm có 1/5 toàn quốc. 
    Hồi năm 1952 khi nhìn sông Hoàng Hà, Mao Trạch Đông phán rằng miền bắc thiếu nước trong khi miền nam thì dư, cho nên phải đưa nước lên phía bắc. Vào cái thời mà chỉ một từ thốt ra từ miệng Mao chủ tịch đã có thể khởi động một dự án lớn, nghiên cứu về khả năng trên đã nhanh chóng được thực hiện. Nhưng các khó khăn về kỹ thuật và tài chính đã khiến dự án bị ngưng lại, cho đến khi được Giang Trạch Dân thông qua năm 2002. 
    Vấn đề ô nhiễm là một trở ngại lớn : đài truyền hình CCTV năm ngoái cho biết hồ trữ Đan Giang Khẩu đã trở nên dơ bẩn vì nước thải, các chất thải từ con người, xác súc vật. Hàng ngàn nhà máy trên thượng nguồn đã bị đóng cửa, và năm nay chính quyền loan báo nước hồ đã uống được. 
    Nhưng nhiều thập kỷ không đủ lượng mưa khiến chính miền nam cũng bị xem là hạn hán, và công trình Nam Thủy Bắc Điều đã làm tình trạng thêm trầm trọng. Báo cáo của Viện nghiên cứu về nước thuộc trường đại học Vũ Hán cho biết, lượng nước từ hạ nguồn cung cấp cho Đan Giang Khẩu ngày càng ít đi một cách đáng ngại. Công trình trên sẽ « đe dọa nguồn cung cấp nước uống tại địa phương, ảnh hưởng đến tưới tiêu trong nông nghiệp và sản xuất công nghiệp ». 
    Trên 330.000 người dân đã phải di dời và tái định cư vì Nam Thủy Bắc Điều. Nhưng trên 1 tỉ mét khối nước dẫn từ miền nam lên Bắc Kinh vẫn không thỏa mãn được cơn khát của đại đô thị này, vì hiện mỗi năm thủ đô Trung Quốc vẫn thiếu 1,5 tỉ mét khối nước mỗi năm. Bên cạnh đó nhu cầu ngày càng tăng vì cư dân đô thị càng giàu lên thì càng tiêu thụ nhiều nước. 
    Chuyên gia Britt Crow-Miller của Portland State University nhận định : « Mô hình phát triển hiện nay của Trung Quốc là thiển cận, khi duy trì tăng trưởng bằng mọi giá, và đùn đẩy mọi hậu quả cho tương lai ».

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét