Pages

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Giá dầu giảm mạnh, Việt Nam ảnh hưởng gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

043_dpa-pa_50236953.jpg

Một nhà máy lọc dầu tại Hamburg, Đức chụp hôm 10/7/2014
 AFP photo



Giá dầu thế giới giảm mạnh trong vài tuần qua khiến cho các nước sản xuất dầu điêu đứng. Tuy nhiên đối với Việt Nam, việc giảm giá dầu nếu có biện pháp thích nghi thì đây là cơ hội tốt để tăng trưởng kinh tế do hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu rớt giá. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
VN hưởng lợi?
Mặc Lâm: Thưa TS với việc giá dầu thế giới liên tục giảm trong mấy tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ tài chính nghiên cứu để có phương án đối phó với nó, theo TS việc giá dầu hạ có đáng lo cho nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Giá dầu giảm thì làm giảm nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu bởi vì Bộ tài chính hiện nay vẫn dự toán giá dầu là 100 đô la một thùng và dự toán đó đã được trình lên quốc hội cho dự toán ngân sách năm 2015. Giá dầu hiện nay đã giảm xuống mức 72 đô la một thùng và thậm chí có thể còn giảm hơn nữa cho nên thâm hụt ngân sách từ giá dầu sẽ rất đáng kể. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải có phương án giải quyết là điều cần thiết.
Mặc khác Việt Nam nhập khẩu xăng và nhiều sản phẩm khác được sản xuất từ dầu lửa như chất dẻo, sợi tổng hợp hay phân bón, thuốc trừ sâu và một loạt các sản phẩm khác. Hiện nay chưa có phương án tính toán nếu giá dầu hạ thì các sản phẩm kia cũng giảm và như vậy tức là phần Việt Nam được lợi từ giá dầu giảm do các nguồn nhập khẩu đó hiện nay chưa được trình ra trước Hội nghị chính phủ ngày hôm qua. Tôi cũng chưa thấy báo chí thông tin nhưng tôi nghĩ rằng phần được lợi là đáng kể bởi nó sẽ dẫn đến việc ổn định chỉ số lạm phát và dẫn đến giảm chi phí về vận tải, mà vận tải đường bộ tại Việt Nam là rất đáng kể.
Giá dầu hiện nay đã giảm xuống mức 72 đô la một thùng và thậm chí có thể còn giảm hơn nữa cho nên thâm hụt ngân sách từ giá dầu sẽ rất đáng kể.
- TS Lê Đăng Doanh
Từ đấy thì giá các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu cũng giảm và nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này có thể khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sản xuất một cách có hiệu quả với nhiều doanh nghiệp mới tham gia thì tôi nghĩ rằng nguồn thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất ra có hiệu quả hơn có thể sẽ bù đắp lại được một phần thiệt hại do giá dầu giảm kia.
Tuy nhiên cần phải có phương án tính toán một cách đầy đủ theo mô hình kinh tế hợp với định lượng thì mới có thể lượng định được mặt được và mất của việc giảm giá dầu này đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào.
Mặc Lâm: Với những hình ảnh mà TS vừa đưa ra VN rõ ràng có thể hưởng lợi với giá nhập khẩu rẻ vì giá dầu hạ, tuy nhiên các ngành xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng đặc biệt là mặt hàng thủy sản xuất sang Nga, liệu mối lợi từ nhập khẩu có bù đắp nổi với thiệt hại do xuất khẩu rớt giá hay không thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Đương nhiên việc giá dầu giảm sẽ tác động đến thị trường thế giới và nước Nga hiện nay đang chịu tác động nặng nề vì giá dầu. Người ta đã ước tính giá dầu giảm sẽ làm cho nước Nga thiệt hại từ 100 tới 150 tỷ đô la. Nếu cộng thêm những tác động từ lệnh trừng phạt và cấm vận khác của các nước châu Âu thì nền kinh tế nước Nga có thể sẽ gặp khó khăn và vì thế nhập khẩu của Nga sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng giá dầu giảm thì nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng và kéo kinh tế châu Á tăng trưởng theo. Điều này các nhà kinh tế học đã tính toán ra rồi vì vậy Việt Nam cần phải tìm cách chuyển thị trường và có phản ứng năng động, nhanh nhạy để có thể tránh được các thiệt hại từ các thị trường bị thiệt hại nhiều do giá dầu và chuyển sang các thị trường mà nền kinh tế có thể hồi phục và tăng trưởng nhờ giá dầu giảm này.
Khó khăn gì?
Mặc Lâm: Riêng về nợ xấu của các tập đoàn tổng công ty cho thấy là rất đáng quan ngại, nhất là tập đoàn dầu khí Việt Nam với món nợ xấu gần 10 ngàn tỉ đồng. Liệu số nợ này có tăng thêm mối khó khăn do giá dầu giảm mạnh như hiện nay hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị nợ xấu thì đã có lâu rồi và gần đây thì Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã chịu thiệt hại từ việc đầu tư vào khai thác dầu ở Venezuela và do đồng tiền của Venezuela bị mất giá rất nặng nề cho nên dầu khí Việt Nam phải bỏ công trình đó và chịu thiệt hại đáng kể. Ngoài ra còn có các nguồn gốc khác nữa.
Tôi nghĩ rằng vấn đề nợ của Tập đòan dầu khí Việt Nam cần phải giải quyết bằng các biện pháp trước mắt và điều cơ bản hơn là cần những bước cải thiện cách quản trị doanh nghiệp. Phải tìm ra những lỗ hổng những mặt kém hiệu quả và nguyên nhân dẫn đến thua lỗ đó
Mặc Lâm: Thưa TS nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng giá dầu như hiện nay chưa phải là mức cuối mà có thể nó sẽ rớt tới đáy như thời kỳ khủng hoảng trước đây vào năm 2009 là 45 USD một barrel. Theo ông nếu tiên đoán này trở thành hiện thực thì Việt Nam sẽ ra sao?
TS Lê Đăng Doanh: Hiện nay chưa biết được là giá dầu sẽ giảm như thế nào và đến đâu. Người ta dự báo trước mắt là giá dầu sẽ giảm đến 60 đô la một thùng và tôi nghĩ đấy là viễn cảnh mà chưa có ai dự đoán được. Thế nhưng liệu giá dầu có giảm tiếp sau đó hay không thì có lẽ cần được tính toán theo nhiều phương án và tôi nghĩ tính toán theo các phương án đó là công việc của Viện Nghiên cứu Việt Nam cần phải tiến hành và đưa cho chính phủ xem xét. Việc giảm quá đáng đến 45 đô la một thùng có thể ảnh hưởng đến công nghệ dùng áp lực thủy lực để khai thác dầu từ đá phiến của Hoa Kỳ bởi vì chi phí cho công nghệ này tương đối cao và cao hơn chi phí bơm dầu đang phổ biến thí dụ như tại Ả rập Saudi chẳng hạn, họ có thể chịu được một cái giá rẻ hơn. Đây là bài toán có những tác động khác nhau để có thể có những dự báo hiện thực rằng giá dầu sẽ hạ đến đâu.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét