Pages

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

HÃY CẢNH GIÁC VỚI CHÍNH SÁCH “CÂY GẬY VÀ CỦ CÀ RỐT” CỦA BẮC KINH

BienDong.Net: Những người lãnh đạo ở Bắc Kinh luôn lớn tiếng nói rằng họ thi hành chính sách láng giềng hữu nghị với các nước láng giềng, nhất là với các nước ASEAN, cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc, nhưng trên thực địa thì họ tiếp tục thi hành chiến lược “tằm ăn dâu” với những hành động hung hăng với các nước ven Biển Đông nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông.
Ngày 17/11/2014, trong bài phát biểu dài trước Quốc hội Úc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa lên tiếng khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng sức mạnh để đạt mục đích và Bắc Kinh luôn mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng trong hòa bình. Trên thực tế, phát biểu của ông Tập chỉ là những lời nói sáo rỗng nhằm “ru ngủ” các nước láng giềng bởi với chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không hề thay đổi, chắc chắn họ sẽ tiếp tục các hành động hung hãn ở Biển Đông.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Tuyên bố hòa hoãn của nhân vật đứng đầu Chính quyền Bắc Kinh nằm trong một loạt những động thái mềm mỏng gần đây của Bắc Kinh, kèm theo những cử chỉ thân thiện và hào phóng giả tạo là nhắm vào tất cả các nước - trong đó có Việt Nam; thái độ hòa hoãn của Trung Quốc trong thời gian gần đây là biểu hiện của chính sách "cây gậy và củ cà rốt" cố hữu của Bắc Kinh với mục tiêu cuối cùng vẫn là thâu tóm 90% Biển Đông theo yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” về mình.
Sau vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014, Trung Quốc có một số biểu hiện tỏ ra “thiện chí” để ve vãn Việt Nam kể từ giữa tháng 7/2014 khi họ rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm hơn kế hoạch 1 tháng. Thông qua một loạt chuyến viếng thăm và cuộc gặp cấp cao, trong đó Bắc Kinh cố ý dùng những lời lẽ hòa dịu và công nhận mối quan hệ hai nước đôi lúc có trục trặc, nhưng nhìn chung đều tốt đẹp và kêu gọi cả hai cần chú ý đến đại cục được tô vẽ là “rất sáng sủa“.
Sau khi chấp nhận đón ông Lê Hồng Anh, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tháng 8/2014 mà trước đó họ đã trì hoãn rất nhiều lần, chỉ trong vòng hơn hai tháng, đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ giữa Bắc Kinh với Hà Nội như chuyến công du Việt Nam lần thứ hai của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì; chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn tướng lĩnh Việt Nam hùng hậu do Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh dẫn đầu được phía Trung Quốc đón tiếp rất thân tình; chuyến thăm Trung Quốc của ông Bộ trưởng Bộ Công an và đặc biệt là cuộc gặp giữa hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu tại Milan, Italy cũng như cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.
Không khí hòa dịu giả tạo mà Bắc Kinh đang cố gắng dàn dựng với Việt Nam trái ngược hẳn với tình hình căng thẳng trong tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7 khi họ ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khi báo chí nước này liên tục nã pháo công kích Việt Nam.
Thái độ hòa hoãn của Trung Quốc cũng đặc biệt được ghi nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ngày 13/11/2014 tại thủ đô Miến Điện, khi vào giờ chót Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã xóa bỏ một số từ ngữ được cho là có khả năng làm các đối tác Đông Nam Á trong đó có Việt Nam phật ý trong bài diễn văn của mình. Bản thân ông Lý Khắc Cường đã đến cuộc họp trễ hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ so với chương trình dự kiến. Theo các nhà quan sát, lý do vì hai bên không thống nhất được nội dung bản Thông cáo báo chí chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc mà Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy. Nguyên nhân mà 2 bên không đạt được nhất trí về bản Thông cáo báo chí chung là do Bắc Kinh không muốn đưa vào nội dung về vấn đề Biển Đông, còn Việt Nam và Philippines thì kiên quyết yêu cầu có nội dung này để phản ánh thực tế quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trên phương diện ngoại giao, Bắc Kinh tỏ dấu hiệu hòa dịu, nhưng trên thực địa ở Biển Đông thì tình hình hầu như không có gì thay đổi. Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn biển, mở rộng các cấu trúc mà họ đang chiếm đóng ở Trường Sa cũng như củng cố các cấu trúc và xây dựng sân bay ở quần đảo Hoàng Sa bất chấp sự kiên quyết phản đối của Việt Nam hay Philippines, thậm chí Tư lệnh Hải quân Trung Quốc còn đích thân đi thăm quần đảo Trường Sa nơi các công trình đang được tiến hành. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn nuôi dưỡng ý đồ thôn tính Biển Đông và tình hình hòa dịu hiện nay chỉ tạm thời.
Trong một bài phỏng vấn dành cho báo chí, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định thái độ hòa dịu của Trung Quốc gần đây là tránh bị chỉ trích thêm tại các Hội nghị Thượng đỉnh APEC, ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Miến Điện tháng 11/2014. Ông Carl Thayer nói: “Trong trung và dài hạn, Trung Quốc rất có khả năng sẽ tiếp tục đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại vùng biển đang tranh chấp. Về lâu về dài, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông thông qua việc triển khai các chiến hạm của Hải quân, tàu dân sự của các cơ quan thực thi pháp luật, đội tàu đánh cá và một giàn khoan thứ hai Hải Dương 982 thậm chí mới hơn và lớn hơn chiếc Hải Dương 981.
Các vụ triển khai kể trên rất có khả năng dẫn đến các sự cố tranh chấp gây căng thẳng trên Biển Đông. Trong khi đó, Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính chất ràng buộc với quy chế của một hiệp ước không chắc sẽ được ký kết, tạo cửa ngỏ cho Trung Quốc đơn phương biện minh cho mọi hành động khẳng định chủ quyền mà họ tiến hành”.
Lý do vì sao Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn? Trước hết, hành động của Trung Quốc là quá ngang ngược bị cả cộng đồng quốc tế lên án nên Trung Quốc muốn “xì hơi” để giảm áp lực từ cộng đồng quốc tế. Riêng với Việt Nam, mục tiêu lớn nhất mà Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn với Việt Nam là để ngăn Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý như Philippines hay tham gia vào vụ kiện của Philippines để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời hạn chót Trung Quốc phải nộp Bản phản biện cho Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines. Trung Quốc đang hết sức lo ngại vụ kiện và họ hiểu rằng nếu không hòa dịu với Việt Nam sẽ đẩy Việt Nam đến sử dụng biện pháp cuối cùng là đấu tranh pháp lý. Trung Quốc hiểu rõ rằng Việt Nam không muốn làm gì để gây căng thẳng với Trung Quốc, do vậy Trung Quốc tỏ ra hòa dịu với Việt Nam để Việt Nam chưa sử dụng biện pháp pháp lý hay tham gia vào vụ kiện của Philippines. Đây là cách làm hết sức nham hiểm của Bắc Kinh.
Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước hành động lấn biển mở rộng các cấu trúc ở Trường Sa. Ngày 21/11/2014, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeffrey Pool nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng ngay kế hoạch xây đảo nhân tạo và thực hiện các sáng kiến ngoại giao nhằm khuyến khích tất cả các bên kiềm chế đối với những hành động tương tự”. Thái độ này của Mỹ là có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lấn theo hướng “nam tiến” của Trung Quốc.
Việt Nam cần hết sức tỉnh táo trước chính sách “cái gậy và củ cà rốt” của Bắc Kinh, đừng có ảo tưởng về cái gọi là “thiện chí hòa dịu” của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Nhận định về vấn đề này, giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Trung Quốc thấy rằng nếu cứ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hung hăng thì trong thời gian tới sẽ bất lợi, cho nên họ “xuống nước”. Nhưng nếu Việt Nam không khéo, để mình rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ “hết nước”. Cho nên, đây là vấn đề Việt Nam phải phân tích rất kỹ lưỡng để có đối sách phù hợp.
BDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét