neofob cập nhật các phần bị bỏ sót và chỉnh sửa từ bản của vietnamnet
Nguồn: The Atlantic
Những nỗ lực ngày càng mãnh liệt của Trung Quốc để vẽ lại biên giới hàng hải khiến vừa cả láng giềng và lẫn Hoa Kỳ lo ngại nguy cơ chiến tranh. Nhưng liệu sự gây hấn ấy là để phản ảnh một chính quyền đang lớn mạnh hay là một chính quyền đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính danh?
Tại những bến cảng thanh bình dọc bờ biển của Palawan, một hòn đảo hình thanh kiếm ở bờ tây Philippines, những chuyến phà đầy ắp hành khách di chuyển ngược xuôi giữa các thị xã tĩnh lặng, và chủ buôn mang đầy rau quả tươi. Vào những ngày Chúa Nhật, các thị trấn tràn ngập dân chúng ăn mặc sang trọng để đi dự lễ nhà thờ. Từ những cầu cảng kế cận, các ngư phủ ra khơi với những chuyến hải hành nhiều ngày trên những chiếc bancas của họ. Những con tàu hai thân thô sơ, buồm thấp mà họ đã quen dùng qua bao thế hệ.
Trong đất liền, những con phố hẹp và đông đúc râm ran với tiếng pút pút của những chiếc xe lam. Những bảng hiệu ở các cửa hiệu và nhà hàng dọc khu phố hầu hết là tiếng Triều Tiên, tiếng Việt, hoặc tiếng Hoa cũng như tiếng Tagalog của Philippines.
Những vùng biển bao bọc vùng đất này, từ mũi cực nam của bán đảo Triều Tiên cho đến quần đảo Indonesia, đã đóng vai trò như là một giao lộ rộng mở cho giao lưu văn hóa, thương mại, và di cư không ngừng. Trong quá khứ, các sử gia của khu vực đã từng gọi vùng biển bao gồm Hoa Đông và biển Đông là Địa Trung Hải của Đông Á. Thế nhưng gần đây nó đã bắt đầu được so sánh với phần khác của Châu Âu, một vùng phân mảnh mà nó nổi tiếng vì đã khai mào Đệ Nhất Thế Chiến: vùng Balkan.
Cách bờ Palawan vào quãng 25 dặm là tiền đồn của một cuộc tranh giành ngày càng nguy hiểm và khó lường. Nguồn gốc của nó là ở chỗ những nỗ lực gia tăng của Trung Quốc nhằm vẽ lại bản đồ hàng hải của vùng này chẳng khác gì Nga đang vẽ lại bản đồ chính trị ở những nơi như Crimea và Ukraine--chỉ có điều ở đây mức độ to lớn hơn nhiều, có nhiều quốc gia can dự, và phức tạp hơn nhiều.
Với động thái trơ trẽn hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đã bắt đầu khẳng định những chủ quyền với hơn 80 phần trăm của biển Nam Trung Hoa, vùng biển mà họ gọi là "đường chín đoạn", một kỷ tích thời kỳ dân tộc chủ nghĩa vào đầu thế kỷ 20, khi mà nó được khởi thủy vẽ ra để phản ảnh quan điểm của Trung Quốc về cái nhìn phiến diện truyền thống của họ. Bản đồ này không có sự nhìn nhận của quốc tế và chẳng ai để ý cho đến khi Trung Quốc vực nó dậy gần đây. Bây nó có mặt trong tất cả bản đồ của Trung Quốc. Kể từ năm 2012, nó được in trong những hộ chiếu mới cấp cho công dân Trung Quốc.
Còn được gọi là đường lưỡi bò, theo cách nó khoanh vùng biển phía nam của Trung Quốc, đường vạch bao phủ một vùng gồm khoảng 40 phần trăm giao thương của thế giới và phần lớn lộ trình của nhập khẩu dầu của Trung Quốc, qua ngõ Eo biển Malacca, như thể thông qua lỗ kim. Một câu nói từ thế kỷ 16 rằng là "Ai làm chủ Malacca thì nắm lấy yết hầu của Venice" vẫn nói lên tầm quan trọng hàng hải của khu vực này.
Cư dân ở những tiền đồn như Palawan ở rìa phía đông của "chín đoạn" đã cảm thấy bị bao vây rồi. Ngư dân ra khơi đi vào vùng biển mà tổ tiên họ bao thế hệ trước tự do hải hành nay bị đặt vào thế nguy hiểm nơi tranh chấp hỏa đầu chiến tuyến. "Dân địa phương sợ phải ra khơi về phía tây vì có nhiều tàu Trung Quốc--tàu quân sự," chủ thuyền Edwin Seracarpio ở tuổi 52 cho tôi hay vào một buổi sáng bên cầu tàu chờ đợi bạn đi biển trở về. "Người Trung Quốc nói nó luôn thuộc về sở hữu của họ."
Nếu Trung Quốc có thể áp đặt ý thích của họ ở vùng biển Đông, ít ra là năm bên đang có tranh chấp--tất cả đều là những quốc gia Á Châu nhỏ và yếu hơn--sẽ bị giới hạn vào một vùng biển nhỏ hẹp duyên hải. Trung Quốc sẽ giành được nhiều an ninh hơn cho những tuyến đường biển của việc cung cấp dầu và các hàng hóa khác; độc quyền tiếp cận những ngư trường phong phú và những mỏ dầu tiềm năng dưới lòng đáy biển; một vùng đệm lớn hơn chống lại cái mà Trung Quốc gọi là những sự xâm nhập của Hải quân Hoa Kỳ. Và sau cùng là thanh thế và vị thế mà họ đã mưu cầu để trở thành bá chủ vùng Thái Bình Dương và tự xác lập cơ sở của họ để thúc đẩy đòi hỏi hàng thập niên là Đài Loan thống nhất với Trung Quốc. Có thể nói rằng là họ sẽ đạt được sự bành trướng lãnh thổ lớn nhất hơn bất kỳ cường quốc nào kể từ sự sát nhập phần lớn những dải đất của Châu Á vào nửa đầu thế kỷ 20 của đế quốc Nhật Bản.
Sự bành trướng của Trung Quốc đã được dự đoán từ lâu. Nhiều nhà quan sát đã cho rằng một cuộc chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc đang trỗi dậy tìm cách gạt bỏ ảnh hưởng quân sự của Hoa Kỳ khỏi tây Thái Bình Dương là không thể tránh khỏi. Dĩ nhiên bất cứ một cuộc xung đột nào như thế sẽ nguy hiểm khi nó diễn ra bởi vì Hoa Kỳ chắc chắn sẽ chống trả tận lực những nỗ lực này. Thế nhưng điều ngạc nhiên--và đáng lo--là thời biểu cho cuộc xung đột này, hay ít ra là giai đoạn đầu, đã dường như tăng tốc trong quãng hai năm vừa qua. Một cách bất thình lình và hùng hổ, Trung Quốc đã bắt đầu khuếch trương các lợi ích quân sự trong khắp khu vực làm các nước láng giềng và Hoa Kỳ bị bất ngờ.
Kể từ giữa năm 2013, Trung Quốc dường như, thoạt tiên, gây hấn hầu như bừa bãi với tất cả mọi bên ở phía đông của họ. Vào tháng Bảy, một nhóm chiến hạm Trung Quốc, khởi hành từ một cảng phía bắc, lần đầu tiên đã làm một vòng hải trình quanh chu vi Nhật Bản. Bắc Kinh có vẻ như đang gửi đi hai thông điệp: rằng là họ đã sẵn sàng đương đầu với đối thủ truyền kiếp và rằng là Trung Quốc sẽ không bị giới hạn bởi cái mà họ gọi là Chuỗi Đảo thứ Nhất. Chuỗi dài những quần đảo kéo dài dọc bờ biển của Trung Quốc cản trở hải quân tiếp cận Thái Bình Dương bao la.
Ngay trước lễ Tạ Ơn năm ngoái, Bắc Kinh đã bất ngờ ra thông báo về một "vùng nhận dạng phòng không," tuyên bố kiểm soát không lưu vùng trời bao phủ hầu hết vùng biển nằm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bao gồm cả những vùng được tuyên bố chủ quyền bởi không chỉ Nhật Bản mà còn bởi Nam Triều Tiên. Vùng mà họ thông thường có mối quan hệ êm thắm giữa các bên. Ngũ Giác Đài, thường hay cử máy bay giám sát xuyên vùng này thường xuyên, ngay lập tức tuyên bố rằng họ sẽ không đếm xỉa đến đòi hỏi của Trung Quốc; tuy nhiên Hoa Kỳ đã khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng tuân theo những quy định mới của Trung Quốc.
Chỉ ít ngày sau khi vùng nhận dạng phòng không được công bố, hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh, một tàu vừa được tân trang từ tàu dùng rồi mua từ Ukraine năm 1998, lần đầu tiên làm chuyến hải hành đi theo với một nhóm đủ bộ chiến hạm tác chiến. Đó gần như là một sự tái hiện ngoại giao pháo hạm kinh điển của các quốc gia phương Tây cách đây một thế kỷ. Với sự hộ tống của hai khu trục hạm và hai chiến hạm săn ngầm, Liêu Ninh rẽ sóng trực chỉ vào vùng biển Đông đang trong tranh chấp. Vào đầu tháng 12, ngay trước khi nó có thể đến khu vực tranh chấp gần Philippines và Việt Nam, một trong những tàu hộ tống chạm trán với một tàu của Hoa Kỳ trong một cuộc thử thách nguy hiểm, tuần dương hạm Aegis Cowpens.
Tàu của Hoa Kỳ đang theo dõi việc triển khai của Liêu Ninh ở vùng biển quốc tế. Khi tàu của Trung Quốc bất ngờ rẽ lái vào hải trình và ngừng ngay phía trước tàu Cowpens buộc nó phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh một vụ va chạm. Theo báo chí nhà nước của Trung Quốc, lý do tàu Trung Quốc không nhường đường là vì Cowpens đã vi phạm "lớp phòng thủ nội tuyến" của đoàn tàu Trung Quốc, một vùng ngăn chặn chưa từng được nghe đến bao giờ che phủ hơn 2800 dặm vuông--tương đương một nửa diện tích bang Connecticut. Sau vụ rắc rối này, Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh một cách khó nhọc rằng việc cơ động tránh va chạm của Hoa Kỳ không nên được xem là một tiền lệ. "Quân đội Hoa Kỳ, lực lượng của tôi ở trong vùng trách nhiệm Thái Bình Dương sẽ hoạt động tự do ở hải phận quốc tế, " Đô đốc Samuel J. Lockler, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương tuyên bố. "Chốt lại là như vậy. Chúng tôi sẽ hoạt động ở đó...Và đó là thông điệp cho tất cả quân đội đang hoạt động trong vùng đó."
Tháng Giêng năm 2014, một nhóm tàu hải quân Trung Quốc khác đã tuần tra Bãi cạn James, vùng mà cả Đài Loan lẫn Malaysia tuyên bố chủ quyền. Trong một buổi lễ được trình chiếu công khai trên boong tàu, các thủy thủ đã cùng xướng "tuyên thệ quyết tâm" để bảo vệ những lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Vào tháng Hai, ba tàu chiến Trung Quốc tuần tra Ấn Độ Dương, lần đầu tiên đi qua ngõ hẹp Eo biển Sunda giữa quần đảo Java và Sumatra và sau cùng cơ động không báo trước đến ngay sát lãnh thổ của Úc ở Đảo Giáng Sinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, không hài lòng với thỏa thuận của đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ đã đồng ý vào năm 2011 cho phép Hoa Kỳ bắt đầu luân chuyển lên đến 2500 thủy quân lục chiến ở một căn cứ huấn luyện ở bắc Úc. Đó là một phần xoay trục trong tuyên bố của chính quyền Obama, một sự dịch chuyển các lực lượng quân đội Hoa Kỳ sang Thái Bình Dương, và là một sự phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực đối với nền kinh tế thế giới.
Thẩm Đinh Lực, một nhà phân tích an ninh nổi tiếng Trung Quốc giải thích việc tuần tra này cho một phóng viên của Sydney Morning Herald: "Hoa Kỳ đã can thiệp việc thống nhất Đài Loan với đại lục Trung Quốc, và những đồng minh khu vực đã phục vụ ý đồ can thiệp quân sự của họ. Úc nằm trên bàn cờ chiến lược cho ý đồ đó...Úc không nên mong đợi có quyền đi theo Hoa Kỳ để đe dọa Hoa Kỳ mà không tự làm hại mình."
Những tháng sau đó đều có nhịp độ tương tự, những khiêu khích của Trung Quốc chỉ có gia tăng mạnh hơn. Vào đầu tháng Năm, gần 80 tàu của Trung Quốc, có tin là có cả bảy chiến hạm, hộ tống một giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đô Mỹ được kéo ra chỉ cách 120 hải lý bờ biển Việt Nam và sẵn sàng hoạt động. Trung Quốc tuyên bố rằng là giàn khoan được triển khai trong vùng lãnh hải của họ cho dù là bờ biển của Việt Nam gần hơn--và cho dù là vị trí này nằm trong vòng 200 hải lý của Việt Nam, một phạm vi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia có bờ biển. Cuộc giằng co kéo dài, bao gồm các tàu của Trung Quốc dùng vòi rồng để đuổi đối phương và húc các tàu từ cả hai phía. Rút cục, đối diện với lực lượng áp đảo, Việt Nam chỉ còn cách điên tiết phản đối ngoại giao. (Vào giữa tháng Bảy, Trung Quốc tuyên bố rằng là giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ của nó và sẽ di chuyển đến Đải Hải Nam của Trung Quốc.)
Qua năm tháng, Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật ít gây hấn nhưng không kém phần trâng tráo để khẳng định kiểm soát ở Thái Bình Dương--nổi bật nhất là việc xây dựng những đảo nhân tạo ở vùng biển đang trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Ở những đảo mới này và các thực thể địa lý xa xôi khác, Trung Quốc đã xây dựng những căn cứ và nhà ở cho binh sĩ Trung Quốc. Họ có vẻ hy vọng là sẽ dùng sự hiện diện của họ trên những hòn đảo để yểm trợ và khẳng định những tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chung quanh.
Dù muốn hay không những hành động khiêu khích này có vẻ trông thế nào đi nữa thì cuộc tranh đấu mà Trung Quốc đã khởi động để làm bá chủ phía tây Thái Bình Dương là chẳng có ý bạt mạng tý nào. Thay vì thế nó nên được hiểu một cách hay nhất là một sự phối hợp nhuần nhuyễn từ hậu trường. Chừng nào Trung Quốc còn làm theo ý mình, những bước đầu tiên sẽ diễn ra ở biển Đông. Nơi này là nơi mà Trung Quốc hưởng lợi từ một sự chênh lệch và ngày càng gia tăng lực lượng so với những quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Indonesia. Thế nhưng sự tranh giành này sẽ trở nên kiên quyết hơn bao gồm Nhật Bản và ngoại vi của họ nếu tính toán sai lầm sẽ không mang lại xung đột trở thành hiện thực sớm hơn. Trong năm vừa rồi, tôi đã chu du khắp khu vực, nói chuyện với những nhà ngoại giao quan trọng và chiến lược gia quân sự của các quốc gia láng giềng của Trung Quốc--những quốc gia mà bây giờ đang hối hả để đối phó những vụ xâm nhập của Trung Quốc--để biết tình hình sẽ ra sao và Hoa Kỳ sẽ can dự ra sao, dù có chủ ý hay không đi nữa. Những gì sau đây là cái nhìn của họ về bàn cờ chiến lược và nước đi có thể được chơi ở Thái Bình Dương--và khi nào mà mọi thứ sẽ đi vào những nước cờ nguy hiểm.
Giết Gà Dọa Khỉ
Đối thủ chính của Trung Quốc ở biển Đông là Việt Nam và Philippines. Các nhà phân tích ở cả hai quốc gia lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tìm lấy một trong số họ ra làm gương theo câu châm ngôn của Trung Quốc là giết gà dọa khỉ. Câu hỏi đặt ra là nước nào sẽ là gà; nước nào sẽ bị Trung Quốc hiếp đáp và làm nhục để dạy một bài học cho những láng giềng khác rằng chống cự là vô ích và sẽ chẳng có yểm trợ kiên quyết từ Hoa Kỳ.
Hiện nay chỉ có Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng nỗ lực đặt ra giới hạn đáng kể lên tham vọng hàng hải của Trung Quốc nhưng lại không có một thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ. Điều này đưa đến việc họ là một mục tiêu hấp dẫn. Mặt khác, ngay cả khi họ dường như chỉ nhỉnh hơn một phần ba mươi của Trung Quốc, Việt Nam có một truyền thống tranh đấu đám gờm như Hoa Kỳ đã từng nếm trải vào thập niên 60. Trung Quốc cũng vậy, họ chắc phải quen với thiên hướng chống ngoại xâm: Việt Nam đã đẩy lui cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc vào năm 1979 làm Trung Quốc thiệt hại hơn 20000 binh sĩ. Dẫu vậy sự kiện này đã bị kiểm duyệt khỏi ý thức của quốc gia từ lâu. Và cũng như họ đã làm vào lúc bắt đầu cuộc chiến bị lãng quên đó, truyền thông của Trung Quốc gần đây đã nói đến nhu cầu cần "dạy cho Việt Nam một bài học" hoặc bắt nó phải "trả một giá đắt."
Cho dù hai quốc gia là đồng minh về ý thức hệ, mối quan hệ của họ qua nhiều thế kỷ trải qua những đợt sóng xâm lăng và đô hộ làm ảnh hưởng sâu đậm thái độ họ nghĩ về nhau. "Xâm lược nằm trong máu của họ, và chống ngoại xâm nằm trong máu của chúng tôi" là cách một nhà phân tích chính trị Việt Nam đúc kết lịch sử đau thương hai ngàn năm giữa hai nước trong một bài báo trên The New York Times vào tháng Năm.
Không một ai trong hàng tá các nhà ngoại giao và quan chức mà tôi gặp ở Việt Nam có bất cứ ảo tưởng nào về một chiến thắng trong một cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc về hải quân hay về mặt khác. Thế nhưng Việt Nam đã nhiều lần tìm ra những phương cách độc đáo để đương đầu với kẻ thù được vũ trang tốt hơn và lớn hơn. Lịch sử của việc vượt qua những thời khắc ngặt nghèo này đã đem lại cho Hà Nội một thái độ tự tin mà đôi khi phảng phất vẻ ngạo mạn.
"Chúng tôi là một nước nhỏ nhưng mỗi khi Trung Quốc muốn dùng vũ lực nhắm vào Việt Nam, chúng tôi đã chặn đứng họ," một nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Việt Nam cho tôi hay ở Kuala Lumpur vào đầu năm nay. Chúng tôi gặp gỡ tại một phòng tiếp tân ở tòa đại sứ của nước ông. Phòng được trang hoàng với ghế nệm, máy điều hòa không khí ồn ào, và tranh cổ động phai màu. Cao trên tường, một nơi trang nghiêm, treo một chân dung của Hồ Chí Minh đang cười. "Trong cuộc xung đột Malvinas, Argentina bắn chỉ có ba hỏa tiễn Exocet; một trong số đó đánh chìm một tàu của Anh," ông nói. "Nếu người Trung Quốc đến với Liêu Ninh, chúng tôi sẽ đánh bại họ."
Hà Nội vừa mới tiếp nhận hai tàu ngầm do Nga chế tạo, lớp Kilo--bốn chiếc nữa sẽ được giao trong nay mai--và nhà phân tích quân sự giải thích rõ ràng việc tậu hàng đắt đỏ đối với một đất nước với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1900 USD: nước của ông cần có thể đánh chìm tàu của Trung Quốc nhằm đẩy cái giá phải trả cho sự gây hấn của Trung Quốc đến mức không chấp nhận được cho Trung Quốc. "Từng tý một, chúng tôi đang gỡ bỏ dây thòng lọng" mà Trung Quốc đã tròng vào cổ của nước của ông, ông nói với tôi.
Việt Nam phải cân nhắc việc họ đáp trả khiêu khích của Trung Quốc vì hai nước có sự mối quan hệ kinh tế ngày càng gắn bó. Vào năm 2012, trong một cuộc thời điểm căng thẳng với Manila, Trung Quốc đã dừng việc nhập khẩu chuối từ Philippines làm hàng đống hàng bị thối rữa ở cảng. Ngay khi những căng thẳng dâng cao lúc dàn khoan dầu được kéo vào vùng biển của Việt Nam, giao dịch thương mại giữa hai nước giảm đột ngột với truyền thông Trung Quốc cảnh cáo khả năng về những hậu quả kinh tế lâu dài.
Đối với Việt Nam, sự kiện dàn khoan dầu đã không đạt đến ngưỡng cửa của chiến tranh. Nhiều quan chức Việt Nam đã nói với tôi rằng một nỗ lực chiếm lấy những đảo đang trong tranh chấp của Việt Nam (như họ làm vào năm 1974 và 1988) sẽ dẫn đến chiến tranh. Việc triển khai dàn khoan dầu đã dấy lên những cuộc biểu tình dữ dội ở Việt Nam nơi mà những cuộc biểu tình là hiếm có. Vào ngày đầu tiên, 11 tháng Năm, hàng trăm người có mặt một cách ôn hòa ở Hà Nội, mang theo biểu ngữ với khẩu hiệu "Bảo vệ chủ quyền đất nước." Vào những ngày tiếp theo, những đám đông đổ đến những khu công nghiệp, tấn công doanh nghiệp Trung Quốc. Các nhà phân tích Việt Nam nói rằng sự kiện bất ổn, mà nhiều ngưòi biểu tình thiệt mạng, đã cho thấy một cảnh báo rõ rệt là tính chính danh của chính quyền sẽ sụp đổ nếu nó không đáp trả bất cứ một cuộc chiếm đảo mới nào của Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích phương Tây xem cách tiếp cận của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là một kiểu gia tăng có tính toán. Trong đó một sự hiện diện của Trung Quốc và những quyền lợi trên thực tế của Trung Quốc trong những vùng tranh chấp được củng cố từ từ trong một chuỗi những khiêu khích mà chúng vừa nhỏ để làm cho những sự chống đối khó khăn về chính trị nhưng về lâu dài thì chúng tạo ra tiền lệ cho nguyên trạng. Người Trung Quốc tất nhiên là có tên cho phương pháp này: chiến lược bắp cải. Một vùng bị bao vây từ từ bởi những "lá cải" riêng rẽ--một chiếc tàu đánh cá chỗ này, một chiếc tàu hải giám chỗ kia--cho đến khi nó bị bao phủ bởi nhiều lớp như một cây bắp cải.("Salami slicing"--cắt lát salami--là tên gọi khác cho chiến lược này.)
Dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ thỏa mãn nếu Việt Nam đơn giản chấp nhận những mở rộng từ từ về đòi hỏi lãnh hải và lãnh thổ của họ. Thế nhưng nhịp độ và cường độ của những hành động của Trung Quốc gần đây cho thấy là Bắc Kinh có thể sẵn sàng chiến đấu với Hà Nội đặc biệt là nếu Việt Nam bị nhận thấy là nước sẽ bị đánh trước tiên. Điều này rút cục cho thấy là việc Trung Quốc triển khai dàn khoan dầu, hậu thuẫn bởi một đội tàu nên được hiểu ra sao: nó sẽ hỗ trợ cho việc hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nếu Việt Nam chẳng làm gì, và nó sẽ cho một cơ hội đập ruồi với một trận chiến giới hạn--và có lẽ sẽ ban hành những cấm vận làm tê liệt kinh tế--nếu Hà Nội quật lại.
Tất nhiên, đương đầu với lực lượng áp đảo của Bắc Kinh, một số quan chức Việt Nam gần đây đã cảnh báo rằng cho dù hành động quân sự từ phía họ là hấp dẫn về cảm xúc, và có lẽ không tránh khỏi, nó có thể không làm gì hơn là sụp bẫy của Trung Quốc. Nếu câu hỏi của việc đương đầu với Trung Quốc trở nên gắn chặt với sự tồn tại của chế độ thì tất cả những gì đạt được từ chiến tranh là sự thất bại dư luận, mỉa mai thay, và việc thay đổi chế độ ở Việt Nam.
Nếu Trung Quốc đang tìm kiếm một đối thủ nhỏ hơn để làm gương ở biển Đông--để cho thấy là kẻ bắt nạt sẽ chắc chắn muốn gì được đó, rằng nhân nhượng thì tốt hơn là chống cự--Philippines là một mục tiêu khả dĩ khác. Cho đến gần đây, Philippines nổi bật vì sự yếu kém của nó. Lấy ví dụ phi đội vận tải C-130 đã có thời là lớn của quốc gia nay chỉ còn hai hay ba chiếc còn hoạt động. Trong vòng 20 năm, Philippines đã bỏ lơ quân đội của họ mà vốn dĩ nó chẳng mạnh từ đầu.
Bắc Kinh đã bắt đầu bận rộn thay đổi nguyên trạng ở vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Ở những hòn đảo trong tranh chấp, họ đang xây dựng các cầu tàu hải quân, đường băng, và thậm chí trường học cho trẻ em của binh sĩ Trung Quốc đồn trú. Song song, họ đã dùng các tàu hải giám hay những tàu cá về hình thức để chiếm lĩnh những bãi cạn hay bãi ngầm đang trong tranh chấp. Các tàu cá được trang bị GPS và điện đài,và các thuyền trưởng nhận trợ cấp vì họ đóng vai trò một hệ thống cảnh báo sớm cho Bắc Kinh về động thái của những tàu nước khác. Trung Quốc phản ứng với hầu hết những vụ xâm nhập vào vùng biển tranh chấp bằng việc sử dụng ngày càng tinh vi và mạnh mẽ lực lượng cảnh sát biển để tránh vẻ quân sự hóa bề ngoài. Philippines, cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực, không thể đọ sức với những tàu như vậy ngoài việc dùng tàu hải quân, điều mà trông có vẻ như làm xung đột leo thang đối với thế giới bên ngoài. Để chắc ăn, những tàu hải quân Trung Quốc thường lãng vãng ở phía sau để khuyếch trương thanh thế và sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.
Những nỗ lực đối phó của Manila để khẳng định chủ quyền của họ ở những đảo nhỏ và bãi cạn ngoài khơi của họ cũng tài tình không kém thế nhưng rốt cuộc lại phản ánh sự tuyệt vọng. Nổi tiếng nhất là vụ năm 1999, quốc gia này ủi bãi một con tàu rỉ sét thừa hưởng từ Hoa Kỳ, còn được biết đến với tên Sierra Madre, ngay ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal--ND) ở Trường Sa, 105 hải lý về phía Tây của Palawan. Các thủy thủ vẫn trú trên tàu đang tan vỡ là bằng chứng khẳng định quyết tâm của Manily về chủ quyền ở bãi cạn. Dẫu vậy sự tồn tại của họ ngày càng phụ thuộc vào trò mèo vờn chuột với Hải quân Trung Quốc vì nó tìm cách cắt đứt tiếp tế của các thủy thủ này.
Vào tháng Giêng, Gilberto G.B. Asuque, lúc đó là trợ lý thư ký về các vấn đề hải dương, gặp tôi ở một phòng hội nghị với đầy bản đồ hàng hải ở bộ ngoại giao của Philippines. "Người Trung Quốc liên tục bảo chúng tôi kéo bỏ tàu đi," ông nói, ngụ ý con tàu Sierra Madre. Khi tôi hỏi ông ta là liệu nước ông không được trang bị tốt cho một cuộc so găng có thể, ông ta trả lời, "Chẳng phải điều đó hơi quá rõ ràng?" Asuque nói thêm rằng vì tình thế mà Philippines đã phải chọn việc đưa xung đột với Bắc Kinh ra trước thế giới bất cứ khi nào có thể. Nếu Trung Quốc chọn dùng vũ lực, ông giải thích, cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ kẻ yếu thế.
Nước này đã dùng phương pháp tương tự trong việc theo đuổi một vụ kiện chống lại Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển. LHQ không có quyền lực buộc Trung Quốc thi hành bất cứ phán quyết nào. Thế nhưng ở vị trí nước yếu hơn, Philippines đang dựa vào việc sỉ nhục quốc tế để buộc Trung Quốc tuân thủ hiệp ước mà họ đã thông qua vào năm 1996. "Chúng tôi được lợi mọi đằng và chẳng có gì để mất," Harry Roque, giáo sư luật của Đại Học Philippines nói với tôi. Ông là ngưòi góp phần thuyết phục chính quyền theo đuổi vụ kiện chống Trung Quốc.
Tại Vịnh Oyster ở bờ biển trung tây của Palawan, chính quyền Philippines mới đây đã động thổ xây dựng một căn cứ hải quân mới với những hy vọng muộn màng nhằm đẩy lui anh chàng hàng xóm khổng lồ và quả quyết. Chỉ trong năm ngoái đây thôi, Manila đã nhanh chóng tậu hai tàu khu trục qua sử dụng từ Ý, hàng loạt máy bay trực thăng tiêm kích và các loại khác,và một hạm đội tàu tuần duyên. Tổng thống Benigno Aquino đệ Tam thường xuyên nhắc đến việc mua sắm này là một nỗ lực nhằm bảo đảm cho nước ông ít ra là có khả năng ngăn cản tối thiểu. Chẳng có gì nghi ngờ là ông ta nhắm đến Trung Quốc.
Quan trọng nhất, hồi tháng Tư, Philippines đã ký một thỏa thuận phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Một tháng sau khi thỏa thuận,trong một bài diễn văn ở West Point, Tổng thống Hoa Kỳ Obama nhấn mạnh thông điệp của thỏa thuận. "Hãy để tôi nhắc lại một nguyên tắc mà tôi đưa ra từ đầu nhiệm kỳ của tôi: Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân lực, đơn phương nếu cần, khi những lợi ích cốt lõi cần đến--khi công dân chúng ta bị đe dọa, khi đời sống chúng ta bị lâm nguy, khi an ninh của các đồng minh của chúng ta bị nguy hiểm."
Sẽ có ý cho rằng thỏa thuận và những lời bình luận của Obama sẽ làm nản lòng Trung Quốc, và đó là nhận định chung không thắc mắc ở Hoa Kỳ--thế nhưng ở Thái Bình Dương, giá trị ngăn chặn của thỏa thuận có vẻ ít chắc chắn hơn. Tất nhiên, một cựu cố vấn an ninh quốc gia người Philippine nói với tôi rằng bởi vì chuyện gan dạ--mục tiêu là hất cẳng Hoa Kỳ vì Trung Quốc coi biển Đông là ao nhà của họ--có vẻ như là động lực chính đằng sau những động thái quả quyết mới đây của Trung Quốc. Họ có thể bây giờ coi Philippines là một mục tiêu hấp dẫn hơn. Bây giờ Manila có sự hậu thuẫn công khai của Hoa Kỳ, tìm một cách nào đó để hạ nhục Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh chứng tỏ điều lớn hơn. Suy nghĩ này được tỏ tường sinh động trong những lời bình luận gần đây của Thiếu Tướng Chu Thành Hổ, giáo sư của Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Nói chuyện với đài truyền hình ở Hương Cảng vào tháng Sáu, ông ta cảnh báo các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á là Hoa Kỳ đã trở thành một con hổ giấy. Ông ta liên hệ phản ứng của Washington đến khủng hoảng Ukraine với "rối loạn cường dương."
Từ quan điểm của Trung Quốc, kịch bản hoàn hảo có thể là lực lượng vũ trang còn thiếu kinh nghiệm của Philippines liều lĩnh sử dụng các vũ khí mới có, dẫn tới một cuộc trạm chán quân sự giới hạn. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc phô trương ưu thế và có thể đưa ra yêu sách chủ quyền mới và mạnh hơn với các rạn san hô trong vùng--có lẽ trong vùng biển giàu dầu mỏ. Hoa Kỳ có thể khó mà đáp trả trong trường hợp nguy cấp như vậy. Đối với một số người giới tinh hoa ở Trung Quốc, cơ hội lột trần Hoa Kỳ chỉ là một đồng minh không tin cậy ở Thái Bình Dương thật là cám dỗ.
Nếu những nguy cơ về việc hạ nhục Hoa Kỳ trong việc hậu thuẫn (hay là thất bại hậu thuẫn) một nước yếu hơn như Philippines là cao thì nguy cơ đối với Trung Quốc cũng là đáng kể. Lịch sử hải quân của Trung Quốc kể từ thế kỷ 19 có đầy những thất bại, thoạt tiên là chống lại những cường quốc Châu Âu và kế tiếp là chống lại một Nhật Bản đang lên. Nhật Bản đánh bại anh hàng xóm của họ trong một trận quyết định vào năm 1895. Bất cứ sự thất bại nào với Philippines sẽ là một sự bẽ mặt mà nó có thể gây mất ổn định Đảng Cộng sản một cách tiềm tàng. Và Washington có thể lật tẩy Bắc Kinh, bảo vệ Philippines, nếu giả sử Trung Quốc cố đuổi binh lính Philippines ra khỏi tiền đồn rỉ sét Sierra Madre. Điều này có thể cho thấy Trung Quốc hóa ra là một con hổ giấy. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét