Pages

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Kinh tế Nga “khủng hoảng toàn diện”, người dân lao đao

TTO - Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Kudrin, từng là cố vấn thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, vừa lên tiếng khẳng định nền kinh tế nước này đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng toàn diện”. 

Theo báo Moscow Times, ông Kudrin nhấn mạnh: “Tôi có thể nói rằng chúng ta đã hoặc đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Trong năm 2015 người dân Nga sẽ cảm nhận rất rõ ràng tác động của cuộc khủng hoảng này”.


Ông Kudrin cho rằng chính phủ Nga chưa xử lý tình hình một cách nhanh chóng. Trước đó, chính Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulykayev cũng mô tả nền kinh tế Nga bị một “cơn bão hoàn hảo“ tấn công. Đó là sự kết hợp giữa giá dầu giảm, cấm vận phương Tây và các nhà đầu tư rút vốn. 


Đồng ruble giảm giá khiến nền kinh tế Nga lao đao - Ảnh: Reuters
Nguy cơ doanh nghiệp vỡ nợ
Cựu Bộ trưởng Kudrin dự báo hàng loạt công ty vừa và lớn tại Nga sẽ vỡ nợ trong năm 2015.
Các hãng xếp hạng tín dụng phương Tây sẽ hạ bậc tín dụng Nga xuống mức “rác”. 
Cựu Bộ trưởng Kudrin dự báo hàng loạt công ty vừa và lớn tại Nga sẽ vỡ nợ trong năm 2015. Các hãng xếp hạng tín dụng phương Tây sẽ hạ bậc tín dụng Nga xuống mức “rác”. Trong năm nay, phần lớn các hãng xếp hạng tín dụng đều đã hạ bậc Nga xuống chỉ còn một mức trên mức “rác”.

“Đồng ruble có thể sẽ ổn định trở lại trong quý 1-2015, nhưng tỷ lệ lạm phát sẽ tăng vọt lên 12-15%. Nếu giá dầu duy trì ở mức 60 USD/thùng, GDP sẽ giảm 4% hoặc hơn. Kể cả giá dầu có tăng lên 80 USD/thùng thì GDP cũng sẽ giảm 2%” - ông Kudrin bi quan.


Trước đó Ngân hàng Trung ương Nga cũng dự báo nếu giá dầu không tăng trong năm 2015, kinh tế Nga sẽ suy giảm gần 5%. Theo khảo sát của Reuters, 11 nhà kinh tế hàng đầu phương Tây cho rằng GDP Nga có thể giảm 3,6% trong năm 2015 và đồng ruble sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá.


Thậm chí chuyên gia kinh tế Vladimir Miklashevsky thuộc ngân hàng Danske Bank ở Đan Mạch cho rằng GDP Nga có thể sụt tới 7,9% trong năm 2015. 


Hôm qua, chính phủ Nga đã chi 500 triệu USD để giải cứu ngân hàng Trust Bank, một ngân hàng cỡ trung đang khủng hoảng vì đồng ruble giảm giá. Theo AFP, một số nhãn hiệu phương Tây đã bắt đầu ngừng bán hàng ở Nga.


Hãng Apple đã dừng bán hàng qua mạng ở Nga. Opel và Chevrolet cũng ngừng cung cấp hàng cho các đại lý. Truyền thông Nga cho biết Zara, Topshop và Calvin Klein đang cố giảm tình trạng bán hàng bị lỗ ở Nga. Dự báo sẽ có nhiều nhãn hiệu phương Tây đóng cửa tại Nga.


Mới đây Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ giúp đỡ Nga trong hoàn cảnh khó khăn. Bộ Thương mại Trung Quốc đề xuất tăng cường giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ với Nga.


Người dân Nga đổ xô đi mua hàng hóa do lo sợ đồng ruble giảm giá khiến giá hàng hóa tiếp tục gia tăng - Ảnh: NYT
Tiền tiết kiệm bốc hơi

Tình trạng đồng ruble sụt giá đã đẩy cuộc sống nhiều người dân Nga rơi vào tình cảnh khó khăn. Cặp vợ chồng mới cưới Yekaterina Zorkina và Nikolai Zorkin mở tài khoản tiết kiệm bằng đồng ruble từ đầu năm 2013 với hi vọng mua được một căn hộ để ổn định cuộc sống.

Hàng loạt ngân hàng ở thủ đô Matxcơva cho biết rất nhiều người trong những ngày qua đã đổ tới mua ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD và đồng euro.
“Nhu cầu là cực lớn. Mọi người mang hàng bao tiền ruble tới để mua ngoại tệ. Tình hình rất điên loạn” - báo Wall Street Journal dẫn lời bà Kamila Asmalova, một giám đốc ngân hàng Sberbank ở Matxcơva, kể.
Trong hai năm họ đã tiết kiệm được 800.000 ruble (13.000 USD) và định vay tiền mua nhà. Nhưng do đồng ruble sụt giá mạnh, giá trị tài khoản tiết kiệm của họ đã sụt đi đáng kể.
“Ngân hàng nói với chúng tôi rằng sẽ không cho vay mua nhà cho tới năm 2015. Chúng tôi định mua ngoại tệ nhưng tiền mất giá nhiều quá, không mua được bao nhiêu” - cô Yekaterina than thở.


Anh Nikolai bức bối: “Giờ chúng tôi cũng chẳng thể rút tiền từ máy ATM. Vậy là số tiền tiết kiệm của chúng tôi cứ chết dí trong tài khoản và ngày càng mất giá”.


Bà Maria Semyonova, sống ở Nizhy Novgorod, cách Matxcơva khoảng 300 km, cho biết gia đình bà đã cắt giảm các khoản chi tiêu mua quà năm mới và vé xem ca nhạc. Bà lo lắng về việc phải trả tiền nhà và tiền chi tiêu cho con cái trong thời gian tới.


“Tôi chẳng mong được thưởng cuối năm. Tôi còn tính bán vé xem hòa nhạc mới mua vì vào lúc này, tiền quan trọng hơn hòa nhạc” - bà than thở. Trước đó, nhiều người dân Matxcơva đã đổ xô đi mua hàng hóa do lo ngại đồng ruble sẽ tiếp tục giảm giá, đẩy giá hàng hóa tăng cao. 



NGUYỆT PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét