Pages

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

'Tư duy phong kiến và bảo thủ trỗi dậy'

Phong cảnh văn hoá của năm 2014 có gì đặc biệt?
Ngoài những sự kiện chấn động và gây tranh cãi, từ ca sĩ Lệ Rơi tới hoa hậu Kỳ Duyên, có một dịch chuyển trong xã hội đáng được lưu ý, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo thủ.
Hồi giữa tháng 10, trong một chương trình ca nhạc làng nhàng của VTV3, một ban nhạc pop làng nhàng đã làm khán giả phẫn nộ.

Cơn thịnh nộ quanh chiếc khăn Piêu

Lý do là bởi để phục vụ cho ca khúc về Tây Nguyên của mình, họ đã sử dụng chiếc khăn Piêu vốn được người Thái đội trên đầu như một chiếc khố.
Ngay lập tức, cộng đồng mạng dậy sóng. Nhẹ thì người ta lên án ban nhạc cùng với nhà đài là thiếu hiểu biết, vô văn hoá, phản cảm. Nặng thì người ta cho là văn hoá Thái bị chà đạp, miệt thị.
Một bài báo trên Tuần Việt Nam cho biết, chiếc khăn Piêu là “kết tinh văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái, với những hoa văn tinh tế “được đúc kết từ cuộc sống - lao động - sản xuất - đấu tranh sinh tồn của cả tộc người.” Một vật dụng “vừa gần gũi vừa thiêng liêng” với người Thái.
Bài báo cũng khẳng định các chân lý “ai cũng biết thức ăn không thể để trên mặt ghế”, và “không thể ngồi lên một cái gối”, để minh chứng cho sự lố bịch khăn khố kia, và tất nhiên, lên tiếng yêu cầu các cơ quan quản lý có các “biện pháp xử lý thoả đáng”.
Chỉ trong hai ngày, dòng trạng thái trên Facebook của tác giả bài báo được 400 lượt chia sẻ (share), bản thân bài báo trên VietnamNet nhận được 23 nghìn like.
Một số bình luận trái chiều kiểu “Thoái mái đi, ở các nước khác người ta còn lấy quốc kỳ làm bikini kia kìa” bị chìm nghỉm trong biển người phẫn nộ cũng như các ca thán về sự xuống cấp văn hoá trong xã hội.
Các nhà chức trách không để đợi lâu - một tuần sau, VTV3 bị phạt 15 triệu.

'Suy nghĩ phong kiến'

Điều mà nhiều người cho rằng là sự phản ứng chính đáng của một cộng đồng thiểu số, dễ tổn thương, với tôi, là một thái độ bảo thủ, cứng nhắc và một suy nghĩ phong kiến.
Tư duy phong kiến quy định những tên nào thì không được nhắc tới, màu sắc nào thì ai được dùng, và các vật thể nhất định thì phải sử dụng ra sao, nếu không muốn bị quy trọng tội là “phạm huý”.
Tưởng đã được vượt qua từ lâu trong xã hội Việt Nam hiện đại và toàn cầu hoá, suy nghĩ phong kiến này nay lại lớn mạnh.
Một ví dụ khác là thông tư “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, nôm na là quy định cấm các doanh nghiệp lấy tên danh nhân, được Bộ VH-TT&DL ban hành vào đầu tháng 10.
Trong trường hợp đầu, tư duy phong kiến cho rằng vị trí mang khăn Piêu trên người của ban nhạc pop kia là không thể chấp nhận.
Khăn piêu thường được người Thái dùng để đội trên đầu
Không rõ có ổn không nếu gắn mấy cái khăn Piêu làm thành một cái khăn choàng khoác vai, hay nếu Pierre Cardin lấy hoạ tiết này dùng cho khăn tắm. Liệu trong trường hợp này, sự nổi tiếng của nhà thiết kế sẽ hoá giải được mục đích sử dụng?
Trong trường hợp sau, tư duy phong kiến cho rằng nếu để cho một cafe mang tên Nguyễn Trãi, nhưng bên trong lại xẩy ra toàn các hoạt động cờ bạc, cá cược, ví dụ vậy, thì sẽ mang tiếng tới tài năng và phẩm chất đạo đức của đại nhân sĩ này.
Hẳn các nhà chức trách cũng lấy làm phiền lòng khi con đường mang tên danh nhân này, cũng như nhiều đường phố khác, vẫn không tránh được mùi xú uế, và rác rưởi bẩn thỉu ở nhiều đoạn, nhưng chẳng nhẽ lại bỏ hết tên riêng đi, và quay ra đánh số các phố giống như Hoa Kỳ làm ở New York, hay Myanmar làm ở Yangoon?

'Tránh xúc phạm sách vở'

Cũng với triết lý này, cuối tháng 10, trang www.2sao.vn của công ty VietnamNet bị phạt 55 triệu VND và tước giấy phép 3 tháng vì đã đăng bài viết “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" với nhiều hình danh nhân được học sinh vẽ xuyên tạc, lúc thì một Phan Bội Châu đeo tai nghe to tướng làm DJ, lúc thì Karl Marx và Engels đang ôm nhau nhảy ballet, hay cùng nhau chụp selfie (phải nói là hai hình này khá thông minh).
Tương tự, cuối năm 2013, quán cafe Cộng cũng gây ồn ào một đợt bởi vẽ lên tường hình Lenin và Karl Marx đội mũ giấy chóp nhọn, tay cầm cốc rượu.
Ngoài ra, người ta phản ứng là thực đơn của quán được chế từ cuốn “Lê-nin toàn tập”, mà “chủ quán còn ghi trực tiếp tên đồ uống bằng bút dạ to lên trang sách, tạo nên sự nhem nhuốc làm người đọc thấy sự thiếu tôn trọng một tài sản tri thức có giá trị trên toàn thế giới”.
Hồi đó, quan điểm của Sở Văn hoá Hà Nội là phải xử lý quyết liệt, “vì cái này còn liên quan tới cả vấn đề an ninh và chính trị.”
Mà nếu như ngày xưa người ta phải tránh xa màu vàng vốn dành cho vua, hay màu đỏ dành cho quan lớn, thì ngày nay, chớ có làm điều gì “bậy bạ” với sách.
Đấy là bài học lớn cho đạo diễn Lê Hoàng và hoa hậu Triệu Thị Hà vào mùa hè năm nay, người đã phạm chuyện tày đình là kê ghế lên sách, và ôi thôi, chuốc lấy một cơn thiên lôi khủng khiếp của những người tự cho mình có vai trò canh đền thờ văn hoá Việt.

Kiểm soát cực đoan?

Chúng ta hãy hình dung một thế giới mà trong đó mỗi sản phẩm văn hoá, mỗi phát ngôn, mỗi bức hình, đều phải được thông qua bởi những người có khả năng liên quan, để không ai có nguy cơ bị xúc phạm.
Nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết thì phải được Hội Phụ nữ kiểm chứng là thể hiện đủ tinh thần hy sinh của phụ nữ Việt. Phim về một đại gia buôn gỗ thì phải được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản duyệt kịch bản để bảo đảm không bêu riếu họ. Tiệm nha khoa mang tên Obama (tôi đã nhìn thấy tận mắt ở Hà Nội tiệm này với hình tổng thống Mỹ cười tươi treo trước cửa) thì phải được Lầu Năm góc chứng nhận chất lượng kỹ thuật làm trắng răng của mình.
Trong thế giới đó, mặc một cái T-shirt có chân dung Che Guevara dính đầy dầu mỡ, chẳng may đi ngang qua đại sứ quán Cuba thì khéo tạo ra một khủng hoảng ngoại giao nhỏ.
Đùi có xăm một hình thánh giá mà lang thang ở bờ biển ở một xóm đạo thì rất có thể bị trưởng thôn giữ lại. Vào dịp Giáng Sinh, các trung tâm thương mại sẽ bị kiện đồng loạt vì các ông già Noel giấy bồi cưỡi tuần lộc được thể hiện ngô nghê như bị mắc hội chứng down, mà rất có thể đơn kiện đến cả từ các Giáo dân lẫn nhưng người bị down, ai cũng cho rằng mình bị bêu riếu.
Nghe thì thấy hài hước, nhưng thực ra chuyện này không vui vẻ chút nào. Thái độ bảo thủ này khá nguy hiểm.
Ở một mức cao hơn, nó có thể trở thành cực đoan, khủng bố, như những gì đang xẩy ra với công ty Sony Pictures và bộ phim “The Interview” họ vừa làm xong, một phim hài liên quan tới Kim Jong-un và bị chính quyền Bắc Hàn lên án là “xúc phạm tới danh dự của lãnh đạo” nước này.
Tuần trước, hệ thống mạng của công ty này đã bị đánh sập, vô vàn thông tin mật bị phát tán. Các tin tặc cũng tuyên bố sẽ đe doạ an ninh của các rạp chiếu phim và tính mạng khán giả, cảnh báo “cả thế giới sẽ đắm chìm trong sợ hãi" nếu bộ phim vẫn được công chiếu. Sony phải huỷ toàn bộ lịch chiếu.
Chính quyền Bắc Triều Tiên phủ nhận liên quan nhưng hoan nghênh vụ tấn công là một “hành động chính nghĩa”.
Tôi hy vọng là tài khoản Facebook và thư điện tử của tôi sẽ không bị tấn công, nếu như bài viết này có được lên mặt báo. Bởi dẫu sao chúng ta cũng không sống ở Bắc Triều Tiên, nơi chính quyền thường xuyên cầm thước vào nhà dân kiểm tra xem ảnh các lãnh tụ trên tường có bị lệch không.
Thay vì các hành động cấm đoán, những quyết định trừng phạt như của vua chúa ngày xưa, chúng ta cần có những thảo luận đa chiều về chất lượng nghệ thuật, và để công chúng là người quyết định cuối cùng số phận của các sản phẩm văn hoá và nghệ thuật.
Gu nghệ thuật tồi, như trường hợp của ban nhạc pop trong chương trình VTV3 trên kia, luôn là một thảm hoạ, nhưng không phải là một tội phạm.
Thay vì ngăn chặn tự do biểu đạt và tự do sáng tạo bởi một tư duy phong kiến bám vào hình thức, lẫn lộn giữa cái bên ngoài và giá trị bên trong, tất cả các cộng đồng, dù Thái hay Kinh, dù Phật giáo hay Cao Đài, nên vị tha, bao dung, tự tin, và hài hước hơn.
Văn hoá lấy sức mạnh từ những nguồn đó, chứ không phải từ việc lập ra các đội dân quân đi tuần trên mặt báo và TV, sẵn sàng rút còi ra thổi phạt.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, hiện đang làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét