Pages

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Việt Nam đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế

mediaMột công ty sản xuất giầy ở Hà Nội - REUTERS/Kham
    Kinh tế Việt Nam hiện thuộc hàng năng động trong khối ASEAN, là một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là kể từ sau khi Trung Quốc thi hành chính sách nâng lương lao động khiến nhiều doanh nghiệp ngoại quốc phải chạy đi tìm đất khác. Nhìn về Việt Nam, trang quốc tế của nhật báo kinh tế Les Echos số ra hôm nay có bài đáng chú ý : « Việt Nam cam kết đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế ».







    Tờ báo đăng hình Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên diễn ra vào hôm qua (02/12/2014) ở Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây được xem là kênh đối thoại chính thức giữa chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.
    Tờ báo cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại với các doanh nghiệp và công bố kế hoạch 5 năm với tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, thì ông Dũng đã mang đến cho các doanh nghiệp những thông tin lạc quan : Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dao động từ 5 đến 7% ; thâm hụt ngân sách sẽ được giữ dưới mức 5% GDP…
    Les Echos nhận định, Thủ tướng Việt Nam hiện tại muốn phát triển Việt Nam thành « nước kinh tế thị trường » có hệ thống luật pháp hiệu quả và độc lập ; muốn tự do hóa nhiều hơn nữa thị trường lao động và bất động sản. Tờ báo cũng nhắc lại việc vừa rồi Quốc hội Việt Nam đã thông qua những văn bản pháp luật có liên quan, làm cơ sở cho việc cải cách kinh tế của chính phủ. Như vậy, tờ báo nhấn mạnh : « Luật thì đã có, nhưng còn phải chờ đợi nghị định hướng dẫn ».
    Tờ báo cho biết thêm, người đứng đầu chính phủ Việt Nam tuyên bố quyết tâm cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định sẽ tăng cường quan hệ đối tác công-tư trong các dự án lớn, kể cả lĩnh vực công nghệ cao.
    Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết với các nhà đầu tư sẽ tiếp tục cải tổ lĩnh vực này. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 1990, số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là 12000, và hiện tại chỉ còn có 2000. Cũng nhân diễn đàn này, ông Dũng cho biết hy vọng sẽ ký được thỏa thuận tự do thương mại với Liên Hiệp Châu Âu vào năm tới.
    Les Echos cho rằng, những cam kết cải cách mạnh mẽ đó « đã làm ngạc nhiên các nhà doanh nghiệp có mặt ». Tờ báo dẫn lời luật sư Nicolas Audier tại Paris : « Phải chi ông ấy cũng phát biểu như vậy tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) ở Milano hồi tháng 10 rồi ». Tờ báo kết luận: « Thủ tướng tiết lộ kế hoạch 5 năm. Các nhà đầu tư thì sốt ruột chờ đợi ».

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét