Pages

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Việt Nam muốn xử lý dịch vụ taxi Uber

Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam đề nghị ba bộ khác can thiệp dịch vụ taxi Uber vì độ “an toàn”, “cạnh tranh bình đẳng” và “nghĩa vụ thuế”.
Dịch vụ Uber, loại dịch vụ tận dụng chức năng điện thoại di động thông minh hiện được sử dụng tại khoảng 45 nước và 200 thành phố trên toàn thế giới.
Mặc dù bắt đầu phổ biến, Uber cũng gây tranh cãi tại nhiều nước.

Tại Việt Nam hiện có hai thành phố là Hà Nội và Tp HCM sử dụng dịch vụ taxi Uber.
Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường.
Dịch vụ này do một công ty tại Hoa Kỳ vận hành giúp những người có phương tiện vận tải kết nối trực tiếp với người có nhu cầu đi lại.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được báo Giao thông của bộ này dẫn lời nói đã có các văn bản gửi các Bộ Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp xử lý loại dịch vụ taxi này.
“Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam, đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber để kinh doanh.
“Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra tính hợp pháp của hoạt động phần mềm Uber tại Việt Nam”, ông Trần Bảo Ngọc được dẫn lời.
"Dịch vụ tốt hơn hẳn'
Khi được hỏi về ý kiến cho rằng, dịch vụ Uber không chỉ thuận tiện cho người sử dụng mà còn có giá rẻ hơn taxi nên cần khuyến khích để tạo sự cạnh tranh, ông Ngọc nói mô tả điều ông gọi là “Về bản chất, loại hình Uber đang có giá rẻ là vì nó đang trốn thuế”.
“Ở đây rõ ràng là có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước với loại dịch vụ không nằm trong phạm vi quản lý. … loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại Nghị định 91, 93 và sắp tới là Nghị định 86”.
Trong khi đó Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật (TPHCM) cho biết rằng “theo quy định tại điều 66 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì loại hình vận tải mà Uber thực hiện kết nối được xem là "vận tải theo yêu cầu".
“Việc kinh doanh thông qua dịch vụ Uber của các chủ xe (tổ chức kinh doanh vận tải hoặc cá nhân) có đăng ký kinh doanh vận tải là không vi phạm pháp luật nếu họ tuân thủ đủ điều kiện có giao kết hợp đồng với khách hàng.”
Báo này dẫn lời bà Phạm Thị Thúy Hoa (quận Bình Thạnh, TPHCM) - người thường xuyên sử dụng dịch vụ của Uber đánh giá dịch vụ của Uber tốt hơn hẳn so với các hãng taxi hiện nay.
“Tôi cho rằng từ dịch vụ của Uber, các hãng taxi cũng nên thay đổi nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành để cạnh tranh với Uber. Nếu như dịch vụ của các hãng taxi đều tốt như Uber thì chắc chắn sẽ được khách hàng đón nhận,” bà Hoa nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét