Việt Nam hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông.
Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 05/12/2014, dẫn lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói:
“Việt Nam hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ lần đầu tiên thông qua một nghị quyết ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, và việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
"Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực đóng góp tích cực, hiệu quả, xây dựng nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực”.
Vào tháng trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua nghị quyết về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kết quả biểu quyết được chủ tịch Ủy ban này, Dân biểu Ed Royce, thông báo sau phiên điều trần hôm 20/11.
Nghị quyết, mang mã số H.Res-714 được ủy ban của Hạ viện Mỹ phê chuẩn với sự đồng thuận tuyệt đối.
Nghị quyết đồng thời kêu gọi các nước ASEAN cũng như đồng mình, đối tác của Hoa Kỳ và các bên có yêu sách thúc đẩy việc thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam gần đây tỏ ra gần gũi với Nga và cả Trung Quốc (sau căng thẳng vụ giàn khoan) và có ý kiến cho rằng Việt Nam đã phục hồi nguyên trạng thế “kiềng ba chân” với Nga và Trung Quốc như trước.
'Sáu đảo nhân tạo'
Mới đây báo Thanh Niên đăng hình ảnh mà họ gọi là "mới nhất" việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Gạc Ma ở Trường Sa.
"Từ khoảng cách 4-5 hải lý, bằng mắt thường cũng thấy tàu công trình đồ sộ của Trung Quốc đang hút cát - san hô ngoài biển, đưa theo đường ống có đường kính lớn, đổ lên để tạo mặt bằng cho toàn khu vực bãi Gạc Ma", phóng viên Thanh Niên tường thuật.
Giới quan sát cho rằng việc cơi nới Gạc Ma nằm trong kế hoạch xây đường băng của Trung Quốc.
Cuối tháng trước, Trung Quốc cũng đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch cải tạo cơi nới Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa sau khi bị Hoa Kỳ cảnh báo. Việt Nam trước đó cũng đã chính thức phản đối kế hoạch này.
Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng sáu đảo nhân tạo tại Biển Đông, trong đó Đá Chữ Thập được cho là sẽ trở thành đảo lớn nhất.
Vào đầu tháng này, Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, mô tả việc ông gọi là Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác ở xa lẫn gần, nhất là trong các vấn đề trên biển.
Bài viết đăng trên The Diplomat hôm 2/12 ghi nhận việc Việt Nam cử hai tàu chiến tên lửa lớp Gepard, Đinh Tiên Hoàng (HQ-11) và Lý Thái Tổ (HQ-12) đến thăm các cảng tại Indonesia, Brunei và Philippines hồi tháng 11 năm nay là "chưa từng có tiền lệ".
Cũng theo tác giả, bên cạnh Philippines, Việt Nam cũng đang tìm cách thắt chặt quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Singapore và Thái Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét