Pages

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Đảng tiếp tục không chấp nhận báo tư nhân

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói Đảng vẫn quyết kiểm soát chặt chẽ báo chí
Việc Đảng khẳng định tiếp tục siết chặt quản lý báo chí tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua sẽ ‘không có tác dụng’, một nhà báo từ trong nước nói với BBC.
Tại hội nghị toàn thể lần này, các ủy viên trung ương Đảng được cho là đã bàn thảo về đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết trong diễn văn bế mạc.

Nhân dân ủng hộ?

Ông Trọng nói rằng Trung ương Đảng đã một lần nữa khẳng định ‘không cho tư nhân sở hữu báo chí’, ‘không để lợi ích nhóm chi phối báo chí’, ‘phát triển báo chí đi đôi với quản lý’ và ‘không để báo chí chạy theo lợi nhuận thuần túy’.
Theo đề án này thì đến năm 2025, Nhà nước sẽ xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin Internet.
Trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đăng bài viết nói rằng việc này ‘được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận nhân dân’.
Trao đổi với BBC, nhà báo Trần Tiến Đức, người từng là Vụ trưởng Vụ Giáo dục-Truyền thông ở Ủy ban Quốc gia về Dân số và Gia đình, nói rằng cách làm của Đảng ‘sẽ không thành công trong tình hình hiện nay’.
Lý do theo ông Đức là ‘mạng xã hội phát triển mạnh mẽ với số lượng người theo dõi rất lớn’.
“Thật ra người dân không quan tâm nhiều đến báo chí đưa tin gì nữa mà họ sẽ tìm thông tin ở mạng xã hội hay các mạng truyền thông nước ngoài,” ông nói.
“Trừ trường hợp chính quyền chặn mạng xã hội thì mới hạn chế được,” ông nói thêm, “Nhưng trong thời điểm hiện nay thì hơi khó.”
Ông Đức dẫn ví dụ về việc ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đi Mỹ chữa bệnh vừa qua, đã có những trang trên mạng ‘đưa tin sớm hơn’ so với truyền thông chính thống của Việt Nam và tin họ đưa ‘cũng có phần chính xác’.

‘Không ai muốn quyền nói bị hạn chế’

Về việc Đảng tiếp tục không cho báo chí tư nhân ra đời, ông Đức nói điều này ‘không làm cho ai ngạc nhiên’.
“Chủ trương nhất quán xưa nay đều coi báo chí thuộc quyền quản lý của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông cho biết và nói rằng điều này ‘không phù hợp với Hiến pháp Việt Nam’ vốn quy định người dân có quyền tự do ngôn luận.
Truyền thông Việt Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng
“Xã hội người ta không bao giờ muốn quyền được nói của mình bị hạn chế,” ông nói.
Khi được hỏi có báo nào ở Việt Nam nằm trong tay các nhóm lợi ích và phục vụ cho nhóm lợi ích đó hay không như Trung ương Đảng đã nêu lên tại Hội nghị 10, ông Đức cho biết hiện nay ‘có nhiều tờ báo được nuôi hoặc bị các tập đoàn kinh tế ảnh hưởng’.
“Một tờ báo đại diện cho đoàn thể, hội đoàn hoặc tổ chức nào đó trong khi tuân thủ định hướng thì họ vẫn có cách nhìn nhận riêng của họ,” ông nói.
“Thực tế trên mặt báo có những tin không hoàn toàn phù hợp chỉ đạo của cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Tuy nhiên, ông Đức nói rằng việc Đảng đề cập đến nhóm lợi ích trong báo chí cũng có thể là nói đến ‘những nhóm xã hội cũng mong muốn có tiếng nói của mình mà bằng cách này hay cách khác có thể tìm được tiếng nói ở dạng nào đó trên báo chí chính thống’.
“Có thể một số nhà hoạt động trước nay có thể sử dụng diễn đàn chính thống để nêu quan điểm của mình đóng góp cho đất nước bây giờ họ không còn có thể lên tiếng nữa,” ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét