Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam

(TNO) Trong khoảng 10 năm qua, Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã bành trướng từ thị trường nội địa trở thành một thế lực toàn cầu dưới sự hậu thuẫn đắc lực của chính phủ Trung Quốc. Đây là điều không chỉ gây lo sợ cho các đối thủ sừng sỏ trên thương trường mà còn làm nhiều quốc gia quan ngại về những nguy cơ an ninh tiềm ẩn đối với mạng viễn thông toàn cầu.
Huawei bị cáo buộc là "cánh tay nối dài" của chính phủ và quân đội Trung Quốc - Ảnh: AFP

Nhiều cáo buộc cho rằng Huawei (cùng ZTE, một tập đoàn thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc) chính là những cánh tay nối tay của chính quyền và quân đội Trung Quốc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin trên toàn thế giới. Các thiết bị của Huawei, ZTE thậm chí còn được cho rằng có thể cho phép Trung Quốc can thiệp thậm chí vô hiệu hóa hệ thống viễn thông, của một quốc gia nào đó trong trường hợp xảy ra xung đột.

Kỳ 1: Khởi nguồn của “chó sói” Huawei

Được thành lập năm 1987, ban đầu là một nhà phân phối tổng đài điện thoại, Huawei giờ đây đã trở thành một công ty sản xuất thiết bị viễn thông toàn diện, đứng thứ hai trên toàn cầu về doanh thu.

Năm 2012 doanh thu của Huawei là khoảng 36 tỉ USD, vượt qua con số 35 tỉ USD của Ericsson, công ty từng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Do doanh thu từ điện thoại di động (ĐTDĐ), lĩnh vực mà Ericsson đã ngừng hoạt động đang chiếm ¼ doanh thu của Huawei, nên Ericsson vẫn tạm được coi là là nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều này được dự đoán có thế sẽ sớm thay đổi.

Huawei hiện cung cấp đủ loại sản phẩm và giải pháp từ mạng viễn thông, mạng lõi, các loại tổng đài, thiết bị mạng di động băng thông rộng đến các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động... Lãnh đạo Huawei từng tuyên bố mục tiêu của Huawei là trở thành số 1 trong cả ba lĩnh vực trong ngành thiết bị viễn thông gồm chuyển mạch, mạng cố định và mạng không dây. Các đối thủ được Huawei xác định gồm hầu hết các công ty sừng sỏ trong lĩnh vực này như Alcatel-Lucent, Cisco, Nokia Siemens, Ericsson và thậm chí là cả “đồng hương” ZTE.
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị tố cáo là mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia Úc và Mỹ - Ảnh: Reuters
Người sáng lập và hiện là chủ tịch của Huawei là Nhiệm Chính Phi, một cựu quân nhân của quân đội Trung Quốc (PLA). Khác với nhiều lãnh đạo của các tập đoàn và công ty lớn của Trung Quốc, Nhiệm xuất thân không phải là một “thái tử đảng” hay thuộc về một gia đình quyền thế. Nhiệm được cho là từng học tập tại Trường đại học Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh vào khoảng những năm 1960 trước khi phục vụ trong PLA.

Huawei nhiều lần khẳng định công ty này là một doanh nghiệp tư nhân, bản thân Nhiệm chỉ sở hữu trực tiếp 1,42% cổ phần, còn lại thuộc về công nhân viên của Huawei. Tuy vậy chủ nhân thực của Huawei là ai lại là một vấn đề phức tạp mà dư luận không dễ tìm được câu trả lời do những quy chế riêng của Huawei.

Theo quy định hiện tại cổ đông của Huawei được trả cổ tức hằng năm nhưng không được giao dịch cổ phiếu. Mặc dù có hàng nghìn nhân viên quốc tế nhưng Huawei quy định chỉ có công nhân viên Trung Quốc mới được quyền chia và sở hữu cổ phiếu. Số lượng cổ phần của Huawei là bao nhiêu cũng là một con số chưa từng được công bố. Chưa được lên sàn chứng khoán nên giá trị, tài sản thực sự của Huawei hiện tại cũng vẫn là một ẩn số.

Theo một số chuyên gia, cách truyền thông ra ngoài về chuyện Huawei “thuộc sở hữu của công nhân viên” dường như một cách đối phó với nghi vấn về vai trò của chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc đối với công ty này.

Thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách, hạ tầng viễn thông quốc gia của nước này là rất hạn chế. Nhận thức được điều này, chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược phát triển viễn thông trên 3 chân kiềng gồm: nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; khuyến khích các liên doanh và thúc đẩy nghiên cứu - phát triển (R&D). Năm 1988 đã có hàng chục nhóm nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó có cả các nhóm của PLA tập trung vào việc phát triển các thiết bị tổng đài. Đó là môi trường khi Nhiệm Chính Phi và một vài đồng sự thành lập Huawei.

Theo báo cáo về Huawei do Nathaniel Ahrens thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) công bố hồi tháng 2.2013, Nhiệm Chính Phi từng làm việc trong một cơ quan nghiên cứu của PLA, giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó chuyển đến một doanh nghiệp dầu khí nhà nước năm 1983. Cuối năm 1987, khi 43 tuổi, Nhiệm rời khỏi doanh nghiệp này và thành lập Huawei. 

Theo các thông tin chính thức, Huawei được thành lập ban đầu chỉ với số vốn khoảng hơn 20 nghìn NDT, tương đương 5.000 USD thời điểm đó. Tuy nhiên cũng có thông tin rằng đã có một khoản vay từ một ngân hàng nhà nước lên tới 8,5 triệu USD cho Huawei trong thời gian mới thành lập. Huawei, tất nhiên, đã phủ nhận sự tồn tại của khoản vay này.

Khi Huawei ra đời, Trung Quốc phụ thuộc 100% vào nguồn thiết bị viễn thông nhập khẩu và hầu hết các đại gia viễn thông quốc tế như Alcatel, Ericsson, Motorola, Nokia và Nortel đều đã có mặt tại Trung Quốc. Trong những năm đầu hoạt động, Huawei tập trung vào việc phân phối tổng đài và một số loại thiết bị khác nhập khẩu từ Hồng Kông.

Năm 1990, Huawei bắt đầu phát triển các tổng đài đơn giản. Cùng thời điểm đó cũng có khoảng ít nhất 200 công ty nội địa khác của TQ cũng có chung chiến lược này. Để sống sót và tạo sự khác biệt Huawei đã quyết tâm phát triển hệ thống tổng đài lớn, đòi hỏi công nghệ phức tạp. Đây cũng là dòng thiết bị mà không công ty nước ngoài nào muốn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. (còn tiếp)/Trường Sơn

'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam - Kỳ 2: Cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc ?


Cập nhật 31/01/2015.

(TNO) Theo báo cáo của CSIS, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ) đã bắt đầu chú ý đến Huawei. Sự hỗ trợ của chính phủ TQ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của Huawei.


Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị tố cáo là mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia Úc và Mỹ - Ảnh: Reuters

Năm 1993, Huawei tung ra tổng đài điều khiển C&C08, sản phẩm chính đầu tiên tự phát triển. Thiết bị này đã đưa Huawei tiến lên vị trí hàng đầu trong nhóm các công ty tương tự ở TQ. Sản phẩm này được triển khai khắp TQ và mặc dù thiếu chi tiết về các vụ mua bán nhưng tạp chí Kinh tế Viễn đông (FEER) đã loan tin rằng lúc đó Huawei đã nhận được một hợp đồng quan trọng cung cấp mạng viễn thông quốc gia đầu tiên cho quân đội TQ. FEER trích dẫn một nguồn tin từ Huawei nói rằng [hợp đồng] là không đáng kể so với toàn bộ hoạt động của Huawei nhưng là lớn “về mặt quan hệ”.


Vào thời điểm này các công thiết bị viễn thông nước ngoài đã thâm nhập vào vào thị trường viễn thông dành cho các tập đoàn, công ty, đô thị lớn tại TQ. Huawei nhìn thấy một cơ hội. Nhiệm Chính Phi - ông trùm quyền lực của Huawei - đã thực hiện theo chiến lược “dùng nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Đông. Năm 1992 khi Ericsson chỉ có vài nhân viên hoạt động tại Hắc Long Giang thì Huawei có tới 200 người len lỏi khắp các huyện, thị của tỉnh này.


“Huawei phải có tinh thần chó sói” là phương châm được ông Nhiệm truyền bá và quán triệt đến toàn bộ đội quân của Huawei. Theo đó, các nhân viên Huawei cần phải có sự nhạy bén cao độ, bản năng sinh tồn và tinh thần chiến đấu bằng mọi giá để đạt được mục đích.


Các chiêu bán hàng của Huawei được cho là không tuân theo chuẩn mực đạo đức thông thường và luôn gắn liền với chuyện tham nhũng, hối lộ. Tại nhiều tỉnh, Huawei thiết lập các liên doanh hoặc một hình thức đối tác tương tự với các cơ quan viễn thông địa phương để khuyến khích việc mua thiết bị Huawei và rót lại qua các khoản “cổ tức”.


Theo nhà nghiên cứu Cheng Li (Viện Brookings, Hoa Kỳ), “hoạt động kinh doanh này do Huawei thực hiện, mặc dù gây tranh cãi, nhưng đã không bị cấm. Qua những lợi ích được chia sẻ, các cơ quan địa phương đã giúp thúc đẩy bán hàng và bảo trì các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất”.


Năm 1994, ông trùm quyền lực của Huawei Nhiệm Chính Phi đã có cuộc gặp với ông Giang Trạch Dân, người sau đó đã trở thành Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản TQ. Trong cuộc gặp với ông Giang, ông Nhiệm được cho là đã đưa ra quan điểm về vai trò của công nghệ thiết bị tổng đài với an ninh quốc tế. Ông Nhiệm khẳng định “một quốc gia không có những thiết bị tổng đài của mình thì cũng giống như là không có quân đội riêng”. Ý kiến này của ông Nhiệm đã được ông Giang Trạch Dân ghi nhận.


Năm 1996, chính phủ TQ bắt đầu hỗ trợ một cách rõ ràng đối với các công ty viễn thông nội địa, chấm dứt chính sách nhập khẩu đặc biệt đối với thiết bị viễn thông. Cả chính phủ và quân đội TQ bắt đầu tung hô Huawei nhưng một “nhà vô địch quốc gia”.


Cũng trong năm 1996, cả Lưu Hóa Thanh, Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư và Ngô Bang Quốc, Phó thủ tướng TQ, đã có chuyến thăm rình rang đến trụ sở Huawei tại Thâm Quyến. Tháng 6.1996, Phó thủ tướng Chu Dung Cơ đi thị sát Huawei. Trong chuyến thăm này, ông Chu Dung Cơ đã bày tỏ kỳ vọng việc tổng đài điều khiển tự động của Huawei có thể thâm nhập thị trường quốc tế, ông Chu cũng đã yêu cầu giám đốc của 4 ngân hàng đi tháp tùng phải hỗ trợ cho Huawei về tài chính. Nhờ ảnh hưởng của ông Chu Dung Cơ, đến nửa cuối 1996, ngân hàng China Merchants bắt đầu hợp tác với Huawei.


Cùng thời gian này, Huawei đã có những bước tiến dài về mặt phát triển sản phẩm và doanh số bán hàng. Sản phẩm của Huawei đã vươn ra khỏi thị trường nông thôn. Theo FEER, Huawei đã giành được những hợp đồng lớn tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Quảng Đông, cũng như với cơ quan đường sắt quốc gia, nơi chịu trách nhiệm về phát triển hạ tầng tại thung lũng sông Hoàng. FEER nhận định điều này đã giúp Huawei tháo gỡ những vấn đề về tài chính.


Năm 1998, Ngân hàng Xây dựng TQ đã cho Huawei vay khoản tín dụng 3,9 tỉ NDT, chiếm khoảng 45% tổng các khoản tín dụng mở rộng trong năm đó của ngân hàng này. Đã có những thông tin cho rằng chính phủ TQ đã cung cấp các khoản vay này như một hình thức “trả nợ” cho một số cơ quan nhà nước đã mua thiết bị của Huawei mà không trả tiền. Việc các khoản vay này sau đó có được Huawei trả lại không vẫn là điều không rõ ràng nhưng nó có thể về bản chất đây là một sự “chuyển khoản” của chính phủ. Đây cũng được coi là một bằng chứng cho những quan ngại về ảnh hưởng của chính phủ TQ hiện tại đối với Huawei.


Một cửa hàng của Huawei tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Theo CSIS, mặc dù rất khó để có thể nắm rõ được bản chất sự hỗ trợ từ phía chính quyền TQ nhưng từ những thừa nhận của Huawei có thể thấy quan hệ của công ty này với chính quyền là một yếu tố có tính chất quyết định đối với Huawei. Đặc biệt, sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn khi vào giai đoạn đầu Huawei vẫn là một công ty còn vô cùng non yếu trong cuộc đấu với những đối thủ lớn.


Ông Nhiệm Chính Phi từng thừa nhận Huawei đã khá “ngây thơ” khi chọn lĩnh vực thiết bị viễn thông để lao vào trong thời kỳ mới thành lập. Theo ông Nhiệm, Huawei đã không chuẩn bị cho một sự cạnh tranh dữ dội như vậy vào thời kỳ trứng nước của mình. “Những đối thủ đều là những công ty quốc tế sừng sỏ với tài trị giá hàng chục tỉ USD. Nếu không có những chính sách bảo vệ (đối với công ty trong nước), Huawei đã không thể tồn tại lâu”, ông Nhiệm nói.


Năm 1996, Huawei đã có 20% thị phần tổng đài TQ, đứng thứ hai chỉ sau Shanghai Bell. Doanh thu từ thị trường nội địa cho Huawei lên tới 2,6 tỉ NDT, đưa Huawei vào danh sách 4 doanh nghiệp thiết bị viễn thông lớn nhất của TQ. Một vài năm sau đó Huawei đã vượt qua Shanghai Bell sau một chiến dịch giảm giá khốc liệt kết hợp với chiến dịch mua sắm địa phương của chính quyền TQ. Huawei tiếp tục từ những thành công này đầu tư vào lĩnh vực di động. Khi mạng GSM bắt đầu nhận được những khoản đầu tư lớn vào giữa đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Huawei đã ở vào vị trí thuận lợi với công nghệ của mình. 


(còn tiếp)/Trường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét