Pages

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Góp ý vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

Hải Ninh, phóng viên RFA

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
 Doisongphapluat


Mới đây, Uỷ ban thường vụ Quốc hội góp ý cho Dự thảo Luật Nghĩa vụ Quân sự ( sửa đổi). Một điểm được đưa ra trong dự thảo gồm kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 25 lên 27 tuổi. Sở dĩ có việc nới độ tuổi được nói nhằm đảm bảo công bằng trong quá trình tuyển chọn người nhập ngũ. Theo đó, những người đã tốt nghiệp đại học vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ với quốc gia.


Cần sự công bằng trong luật nghĩa vụ quân sự
Hoàng Thái, 25 tuổi, vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Hà Nội, chưa một lần phải trình diện chính quyền để đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh cho biết:
Hoàng Thái: Em chẳng để ý đâu, hình như bố em dàn xếp hết rồi ấy, nói em phải đi học hay gì đó. Bây giờ khi em đi làm rồi, nếu họ có gọi đi nhập ngũ nữa thì lấy giấy hợp đồng của công ty thôi.
Trường hợp của Thái không phải là hiếm ở Việt Nam. Từ lâu, nhiều thanh niên khi bước sang tuổi 18 đều viện cớ đi học đại học để trốn tránh “đi lính”. Theo luật hiện hành, những thanh niên trong độ tuổi từ 18-25 đều có khả năng bị gọi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng hai năm. Tuy nhiên, những thanh niên có giấy báo trúng tuyển một trường đại học thì thường được tạm hoãn. Theo dự thảo sửa đổi, chỉ những sinh viên đại học chính quy mới được hoãn nhập ngũ và độ tuổi “đi lính” được kéo dài lên 27 để những người đã tốt nghiệp đại học cũng có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự này.
Nếu trong hoàn cảnh đất nước mình chủ quyền lãnh thổ nó bị đe dọa như thế này và khả năng đe dọa lớn hơn có thể xảy ra mà thanh niên thì không muốn đi nghĩa vụ quân sự, điều đó là rất khó
Nguyễn Minh Thuyết
Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc né tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là một điều đáng ngại, thậm chí nguy hiểm. Do đó, những chỉnh sửa của pháp luật cần phải đảm bảo tính công bằng, và phục vụ được nhu cầu bảo vệ đất nước.
Nguyễn Minh Thuyết: Nếu trong hoàn cảnh đất nước mình chủ quyền lãnh thổ nó bị đe dọa như thế này và khả năng đe dọa lớn hơn có thể xảy ra mà thanh niên thì không muốn đi nghĩa vụ quân sự, điều đó là rất khó. Vì như vậy ai sẽ là người bảo vệ Tổ Quốc. Tôi cho rằng việc đi nghĩa vụ là phải công bằng, bình đẳng với mọi người, hiện nay cũng  phải nói thật có nhiều hiện tượng không công bằng trong việc đi nghĩa vụ quân sự, chính quyền phải báo đảm công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược, cho rằng việc đi nghĩa vụ là cần thiết và nhiều khi là cần thiết để giáo dục ý thức của thanh niên Việt Nam hiện nay.
Thanh niên Việt Nam đã qua hai năm ở lính cũng nghiêm chỉnh hơn, tử tế hơn thanh niên chưa ở lính. Tất nhiên đây không phải là 100% nhưng đây là quy luật xác suất.
Lê Văn Cương
Lê Văn Cương: Thanh niên Việt Nam đã qua hai năm ở lính cũng nghiêm chỉnh hơn, tử tế hơn thanh niên chưa ở lính. Tất nhiên đây không phải là 100% nhưng đây là quy luật xác suất. 100 thanh niên đi lính về thì bao giờ số người nghiêm chỉnh mà có ý thức trách nhiệm với xã hội hơn với 100 thanh niên không đi lính. Phải nói thẳng là như thế. Đấy là điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ở Việt  Nam, ý thức thượng tôn pháp luật nó chưa tốt. Cho nên là thanh niên vào lính bản thân họ có lợi mà gia đình họ cũng muốn và xã hội cũng có ích, được nhiều mặt. Bản thân họ cũng khác đi. Có đi học đại học được rèn luyện thì thanh niên VN khác thành niên của Mỹ, khác thanh niên của Đức lắm.
Kiến thức và nghĩa vụ quân sự
Tuy nhiên, có nhiều lo lắng đặt ra rằng đi lính sẽ bị thụt lùi với chúng bạn. Anh Đoàn Hiếu ở Hà Nội cho rằng việc yêu cầu người đã tốt nghiệp đại học đi thực hiện nghĩa vụ quân sự là vô lý. Vì rằng, sau khi hoàn thành hai năm trong quân đội, cơ hội của những người này ngoài xã hội là rất thấp, những kiến thức đã học được trong nhà trường bị mai một cũng như những thay đổi chóng mặt ở xã hội hiện đại cũng khiến những người đã “đi lính” bị choáng ngợp. Anh cũng lấy ví dụ về một người bạn cùng cơ quan, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở tuổi ngoài 20, anh bạn này về nhà với bệnh nghiện ngập nặng.
Việt Nam là một trong vài nước có thời gian phục vụ trong quân đội nhiều hơn 18 tháng. Ngoài Việt Nam còn có một số nước như Israel, nơi mà cả phụ nữ và nam giới đều bắt buộc phải đi lính, hay Hàn Quốc. Singapore cũng có luật yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quân sự đến năm 40 tuổi, thậm chí có trường hợp là 53 tuổi.
Nếu quân đội toàn những người trình độ thấp thì rất khó đạt được yêu cầu, vì vậy quân đội cũng cần có trình độ cao, tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp loại giỏi trung học phổ thông để nó thích ứng với yêu cầu hiện nay, nếu quân đội toàn những người trình độ thấp...thì cũng làm cho quân đội sút đi
Nguyễn Minh Thuyết
Dù vậy, những ý kiến đồng ý với việc kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam có vẻ nhiều hơn những ý kiến phản đối. Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng việc yêu cầu những người có trình độ đại học gia nhập quân ngũ cũng có lợi cho lực lượng này. Ông nói:
Nguyễn Minh Thuyết: Nếu quân đội chính quy hiện đội toàn những người trình độ thấp thì rất khó đạt được yêu cầu, vì vậy quân đội cũng cần có trình độ cao, tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp loại giỏi trung học phổ thông để nó thích ứng với yêu cầu hiện nay, nếu quân đội toàn những người trình độ thấp, những người không có công việc làm thì cũng làm cho quân đội sút đi.
Theo thông kê, hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học nhập ngũ là rất thấp, chỉ khoảng 5%. Vì thế, rất khó thực hiện mục đích hiện đại hoá quân đội. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, phải gọi 100% những người đã tốt nghiệp đại học đến độ tuổi 27 đi nhập ngũ thì mới phục vụ được mục tiêu hiện đại hoá quân đội
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét