Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Vượt qua sợ hãi đến mức nào thì đủ?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)
(Viết cho bạn vừa chạm đến nỗi sợ như tôi đã...)
Nhiều người hỏi tôi về mức độ sợ hãi và cách giải quyết nó, có lẽ, trong mắt nhiều người, tôi là người không biết sợ.
Thực tế không phải vậy,
Tôi là người hay nghĩ ngợi, hay tưởng tượng, nên nỗi sợ của bản thân tôi có lẽ mông lung và khác mọi người.
Tuy nhiên, ở từng giai đoạn của cuộc đời mình, tôi học được cách giải quyết nỗi sợ bằng cách đối diện với nó.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu làm việc với an ninh Bộ Công an và an ninh tỉnh Khánh Hoà vào năm 2009.
Vào giờ chuẩn bị cơm chiều, mẹ tôi gọi điện thông báo cho tôi biết rằng tôi có giấy mời làm việc tại công an phường Vĩnh Phước (nơi tôi đăng ký thường trú) vào 8h sáng hôm sau. Vừa nghe xong thì ngoài cửa nhà có ông thôn trưởng đến gọi. Tôi mời ông vào nhà, và được thông báo là tôi được mời đến trụ sở xã Vĩnh Thái. Nhìn đồng hồ đã 4h30 chiều, nên tôi thông báo là tôi từ chối buổi làm việc này. Ông thôn trưởng cứ ngần ngừ không chịu ra về, và tôi lịch sự nhắc lại rằng tôi sẽ đến làm việc vào một buổi khác.
Chưa đầy 10 phút sau, rất đông công an sắc phục và thường phục có mặt sẵn ở ngỏ nhà tôi tại khu Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái.
Tôi mời tất cả vào nhà, và họ cũng không giấu diếm thái độ rằng họ muốn tôi phải đi làm việc ngay.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, bạn Nấm (con gái tôi) lúc ấy chưa được 3 tuổi, đã phải bỏ bữa ăn chiều và uống tạm bình sữa để theo ba mẹ đến trụ sở công an tỉnh Khánh Hoà.
Tôi vẫn còn nhớ những gì anh Phú (an ninh Bộ công an) giải thích về Hoàng Sa – Trường Sa lúc đó.. Và cay đắng nhất là đến giờ sau từng ấy năm, thứ lý thuyết ấy vẫn không thay đổi chút nào, vẫn là khôn khéo, nhẫn nhịn, là tâm lý sống gần nước lớn… là thông tin về các chủ trương, dự án không đủ nên phản ứng tiêu cực…
Tôi thay đổi nhận thức, thay đổi cách đối diện vấn đề - nhưng những người vì nhiệm vụ phải đối mặt với tôi dường như không hề thay đổi.
Tôi không hề can đảm như nhiều người nghĩ, lúc đó tôi rất sợ. Sợ gia đình lo lắng, sợ họ hàng mất mặt, sợ ảnh hưởng công việc của người thân, sợ bị đi tù… Và đỉnh điểm của sự sợ hãi ấy đã khiến tôi tuyên bố từ bỏ cuộc chơi sau khi bị bắt giữ 10 ngày.
Tôi đóng blog, giữ nguyên lời hứa với an ninh và gia đình. Tôi viết thư chia tay mọi người.
Tôi thừa nhận với cả thế giới rằng tôi sợ - và tôi chọn cách im lặng để kéo dài sự sống của mình.
Có những mất mát mà chưa bao giờ tôi viết ra để những người quan tâm đến tôi biết rằng tôi đã phải trả giá khá đắt để học cách vượt qua sợ hãi mà tiếp tục lên tiếng.
Khi bị từ chối cấp hộ chiếu một cách tuỳ tiện. Tôi dùng chữ tuỳ tiện bởi sau này tôi phát hiện ra rằng, khi tôi đăng ký thủ tục, mọi thứ đều bình thường, cho đến khi ra cửa tôi gặp một nữ an ninh phòng PA24 (nay là PA92, đơn vị đã tổ chức bắt khẩn cấp tôi năm 2009) thì đến chiều phòng Quản lý xuất nhập cảnh gọi điện thông báo cho tôi biết, tôi bị cấm xuất cảnh theo chính đề nghị của phòng PA92.
Lúc này, tôi đối diện với những nỗi sợ hãi khác.
- Sợ mình không thể sống một cách tử tế cuộc đời mà mình muốn khi chọn cách im lặng.
- Sợ mình sẽ đối diện với câu hỏi sau này của con “tại sao biết mà không nói?”.
- Sợ nhất là bản thân mình tự chọn cách bịt mắt bịt miệng mình để tồn tại, sợ phải chứng kiến mình sống mỗi ngày như một con người khác…
Quay trở lại với việc đối diện nỗi sợ, tôi tăng cường khả năng đề kháng cho mình bằng việc học, đọc luật. Biết rõ điều mình mơ ước nhằm chọn cách tự bảo vệ bản thân hiệu quả để sống cuộc đời mình mong muốn.
Ngày trước nhiều người sợ tôi viết ra điều mình nghĩ, nay họ sợ tôi đi và biến điều mình viết thành hành động.
Họ sợ tôi từ trên mạng bước xuống đường.
Họ sợ chữ ký trên trang bauxite của tôi biến thành hành động kêu gọi mặc áo Stop Bauxite – No China.
Họ sợ chữ ký phản đối điều 258 BLHS của tôi biến thành hành động gặp gỡ các đại sứ quán, các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Và có lẽ điều họ sợ nhất là những người khác cùng học được cách đối diện và giải quyết nỗi sợ hãi như tôi đã từng.
Tôi không có cách vượt qua sợ hãi, tôi chỉ có thể đối diện nó thật điềm tĩnh, đón nhận nó bằng kiến thức, bằng sự quan sát.
Càng tỉnh táo, ôn hoà nỗi sợ càng dễ bị triệt tiêu.
Càng nhẹ nhàng điềm tĩnh càng có thêm sức mạnh nội lực.
Từ suy nghĩ, đến viết lách, đến trải nghiệm bằng hành động tôi thấy rõ, nỗi sợ không bao giờ có giới hạn. Quan trọng nhất là bạn học cách để đối diện và chế ngự nó.
Tin tưởng vào bản thân, nghĩ kỹ trước khi nói, bình tĩnh đón nhận mọi thử thách khi bản thân thật sự muốn thay đổi bạn sẽ thấy nỗi sợ không phải là gánh nặng lớn nhất như bạn nghĩ.
Hãy bước dần ra khỏi sự sợ hãi của bạn bằng hành động, đó là câu trả lời cụ thể nhất cho những người muốn thấy bạn sợ hãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét