Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Nha Trang: Tiểu thương đóng cửa, biểu tình phản đối đập bỏ chợ Đầm

Sáng ngày 30/1/2015, hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ Đầm đã nhất loạt bãi thương, tiến về khu ủy ban hành chính tỉnh Khánh Hòa để biểu tình, phản đối việc đập bỏ chợ cũ, làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Cali Today News - Chợ Đầm đã xây dựng hơn 40 năm nay do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, là trung tâm thương mại lớn nhất thành phố Nha Trang, từ lâu đã được rất nhiều du khách biết đến, nó như là một biểu tượng của thành phố biển này. Vào ngày 28/8/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Sông Đà-Nha Trang thực hiện Dự án Chợ Đầm Nha Trang. Theo đó, dự án này có quy mô 3 tầng với tổng diện tích hơn 21.000m2, bên cạnh đó còn có khu chợ tươi sống 1 tầng rộng hơn 1.400m2.
 
 Chợ Đầm tròn Nha Trang, một điểm đến quen thuộc của du khách có thể sẽ bị đập bỏ để xây dựng đài phun nước. Ảnh: Báo Cali Today
 
Cách đây vài tháng tại Sài Gòn, rất nhiều tiểu thương chợ Tân Bình cũng đã biểu tình để phản đối xây dựng Trung tâm thương mại. Trong lần đó, những người biểu tình cho rằng, họ là những người lập chợ, góp công trong việc tạo ra chợ Tân Bình, sở hữu khá nhiều ki-ốt nhưng chính quyền quận Tân Bình đã cấp phép đầu tư, xây dựng cho tư nhân, sau khi xây dựng xong bán lại cho tiểu thương. Như vậy, tiểu thương ở chợ Tân Bình vừa mất đi tài sản, lại còn phải trả tiền cho những thứ đã từng thuộc về mình. Chính vì các tiểu thương đã làm quá căng nên chính quyền quận Tân Bình phải xuống nước, giữ nguyên hiện trạng của chợ để bà con yên ổn kinh doanh.
 
Trường hợp của chợ Đầm Nha Trang cũng phần nào tương tự như chợ Tân Bình. Chính quyền cấp giấy phép đầu tư, xây dựng cho công ty Cổ phần Sông Đà-Nha Trang. Sau khi công ty này xây dựng xong sẽ bán lại những gian hàng (ki-ốt) trong chợ với giá đắt đỏ cho những tiểu thương ở đây.
Các tiểu thương kéo nhau đến khu hành chính tỉnh Khánh Hòa để phản đối. Ảnh VOV
 
Trên tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Ngô Thị Bình, một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm cho biết: “Bà con đang buôn bán bình thường, nếu xây dựng lại mà phải phá dỡ khu chợ Đầm tròn này là vô cùng đáng tiếc và lãng phí tiền của. Chúng tôi phản đối việc này. Phá bỏ khu chợ Đầm tròn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mấy trăm hộ gia đình. Đồng thời, để vào được chợ mới phải mất mấy trăm triệu, chúng tôi lấy đâu ra tiền. Tất cả tiểu thương khu chợ Đầm tròn kiến nghị giữ lại khu chợ này”.
 
Theo dự án, khu chợ Đầm tròn hiện tại sẽ được phá đi để xây dựng đài phun nước, theo nhiều hộ kinh doanh tại chợ, việc làm này vô cùng lãng phí. Thứ nữa, nếu các hộ kinh doanh di dời vào buôn bán ở khu chợ mới có thể sẽ gặp phải tình cảnh ế ẩm như đã xảy ra tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội và Sài Gòn. 
 
Cuộc biểu tình với biểu ngữ phản đối nhưng kéo dài không được lâu, bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào khoảng 8h30, khi Ủy ban nhân dân tỉnh cử người tiếp xúc và nhận đơn khiếu nại của các tiểu thương.
Ông Huỳnh Ngọc Bông-Chánh văn phong Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, kiêm người phát ngôn của tỉnh cho báo Tuổi Trẻ biết, sắp tới Chủ tịch tỉnh Khánh hòa sẽ có buổi tiếp dân và kết hợp giải thích luôn những kiến nghị trong đơn của các tiểu thương chợ Đầm.
 
Cũng theo ông Bông, trong lần biểu tình của các tiểu thương chợ Đầm muốn gửi đến cơ quan chức năng 3 vấn đề: Một là đơn của họ đã gửi đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết; Hai là dân kiến nghị không phá bỏ khu chợ Đầm tròn; Ba là có sự mập mờ, không công khai của chủ đầu tư.
 
Các tiểu thương tại chợ Đầm thắc mắc, vì sao chợ mới đã xây dựng gần cả năm nay mà đến thời điểm này mới tổ chức họp các tiểu thương. Ngay cả khi chợ chưa xây dựng xong nhưng chủ đầu tư đã huy động vốn, điều này đồng nghĩa với việc người có nhiều tiền sẽ chiếm được hết các vị trí đẹp trong khu chợ mới. Thậm chí có cả trường hợp người không kinh doanh trong chợ nhưng cũng nhảy vào để đầu cơ kiếm lời.
 
Về đơn khiếu nại, 300 tiểu thương trong khu chợ Đầm đã gửi đến cơ quan chức năng từ hồi 7/1/2015, với mong muốn giữ nguyên chợ Đầm để được yên ổn kinh doanh. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến họ cho rằng chính quyền muốn im lặng để tiếp tay cho công ty Sông Đà muốn làm gì thì làm.
 
Về phía công ty Sông Đà-Nha Trang, ông Lê Tất Dũng- phó Tổng giám đốc cho báo Tuổi Trẻ biết: “Việc xây dựng lại chợ Đầm là quy hoạch chung của tỉnh Khánh Hòa đã được Chính phủ phê duyệt. Mặc dù vậy, người dân đã phản đối, chúng tôi vẫn tiếp thu. Dự kiến ngày 2/2, chủ đầu tư sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh để có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện các hộ buôn bán ở chợ”.
 
Chẳng biết những yêu sách của bà con tiểu thương chợ Đầm có được kết cục như ở chợ Tân Bình hay không, khi công trình xây dựng chợ mới đang đi vào giai đoạn hoàn thành. Chúng ta phải chờ mới biết được chính quyền tỉnh Khánh Hòa xử trí ra sao.
 
Người Quan Sát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét