Pages

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Quy tắc ứng xử cho người Hà Nội có hiệu quả?

Chân Như, phóng viên RFA

000_Hkg10118126-622.jpg
Ảnh chụp tại Phố Cổ Hà Nội hôm 13/11/2014.
AFP PHOTO / HOANG DINH NAM


“Người dân Hà Nội ở nơi công cộng sẽ phải chấp hành nội quy, tôn trọng, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ”. Đó là một trong những quy định trong bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội đang được gấp rút hoàn thiện và sẽ thí điểm ngay năm 2015.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Cái nét của người Hà Nội xưa được khẳng định qua tính cách thanh lịch trong tiếng nói, trong cung cách ăn uống, qua trang phục, ấy vậy duyên cớ gì mà thành phố với ngàn năm văn hiến này lại sắp phải ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho người dân? Đó là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự tham dự của 3 bạn khách mời Hà Mi, Kim Tiến và Tiến Từ Từ.

Quyền con người và đạo đức

Chân Như: Xin chào các bạn, là người sống tại Hà Nội thì theo các bạn, phải chăng văn hoá ứng xử của người dân thủ đô đã đến mức báo động nên các lãnh đạo ngành mới phải cho ra Bộ quy tắc ứng xử này?
Trong xã hội người ta không tôn trọng quyền con người thì đạo đức đương nhiên là xuống cấp. Và tình trạng ở Hà Nội chỉ là một điển hình và đặc trưng cho việc đạo đức đang xuống cấp thôi.
-Kim Tiến
Kim Tiến: Về việc phía Hà Nội chuẩn bị ban bộ quy tắc ứng xử này, em cho rằng việc đạo đức xuống cấp không chỉ riêng ở TP Hà Nội mà là tình hình chung của đất nước. Trong xã hội người ta không tôn trọng quyền con người thì đạo đức đương nhiên là xuống cấp. Và tình trạng ở Hà Nội chỉ là một điển hình và đặc trưng cho việc đạo đức đang xuống cấp thôi.
Hà Mi: Khi em nghe đến bộ quy tắc ứng xử sẽ ban hành ở Hà Nội, em nhìn lại thì em nghĩ là đúng văn hoá ứng xử đã đến mức báo động. Theo em, nó thể hiện qua 3 điều. Thứ nhất thái độ của người cung ứng dịch vụ. Thứ hai thái độ của con người với môi trường: họ không biết bảo vệ môi trường như vất rác, làm ô nhiễm môi trường. Thứ ba, theo em nghĩ, là cách đối xử giữa con người với con người với nhau: Không còn thân thiện, không có nhiệt tình và tình cảm thân thiết con người với nhau như trước.
Tiến Từ Từ: Trước hết em không phải là người Hà Nội mà em chỉ mới sống ở Hà Nội khoảng 7 năm nay thôi. Theo em văn hoá ứng xử của người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã ở mức báo động rất lâu rồi chứ không phải bây giờ. Đầu tiên chúng ta có thể thấy được qua vấn đề giao thông. Việt Nam ta giao thông rất vô trách nhiệm, rất rối loạn. Còn việc chúng ta chia sẻ với nhau không gian chung như đến công viên chẳng hạn thì làm ồn hoặc đến các nơi công cộng làm to tiếng không biết ý tứ, cảm thấy rất khó chịu. Trên xe buýt cũng vậy, người ta làm ồn gọi điện rất to. Theo em thấy văn hoá ứng xử của người dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng nó ở mức báo động từ lâu rồi.
Chân Như: Kim Tiến thì cho rằng đây là tình trạng chung của cả nước nhưng ông chủ tịch TP Hà Nội lại cho rằng “Mong người Hà Nội ra đường trật tự như TP HCM” vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng văn hoá ứng xử xuống cấp trầm trọng tại thủ đô? Hà Mi lúc nãy em có đưa ra 3 điểm chính nhưng cũng chưa có đi vào chi tiết, em có thể bổ sung thêm được không?
Hà Mi: Như vừa trên em nói, theo em, văn hoá ứng xử của người dân thủ đô xuống cấp thể hiện qua ba mặt. Những người cung ứng sản phẩm cho khách hàng, ví dụ các bệnh viện, các cơ quan chính quyền hoặc những cửa hàng quán ăn, thái độ phục vụ của họ không được tốt. Em chưa vào TP HCM bao giờ nhưng em nghe họ rất chiều khách và phục vụ rất tốt; Còn ngoài này, những nơi như bệnh viện hoặc cơ quan chính quyền, thái độ phục vụ như kiểu mình cần họ chứ không phải họ cần mình, nên em rất không hài lòng.
Thứ hai thái độ văn hóa ứng xử với môi trường thì có rất nhiều người sẵn sàng vất rác xuống đường ngay cả những nơi họ; Ở trong những con kênh, con mương họ sẵn sàng vứt và gây ô nhiễm; Việc không chấp hành giao thông vượt đèn đỏ; Con người đối xử với nhau giống như trong các sự kiện, ví dụ cuối năm, họ sẵn sàng chen lấn không xếp hàng, vứt rác bừa bãi. Theo em nguyên nhân một phần do tính cách ở miền Bắc khác miền Nam. Miền Bắc họ không phát triển sản phẩm dịch vụ mà theo tính cách là “tích cóp” – Đây cũng một phần về văn hoá.
Một nguyên nhân quan trọng khác là hệ thống giáo dục. Điều này ảnh hưởng trên khắp toàn nước chứ không chỉ riêng Hà Nội. Hệ thống giáo dục không đề cao việc giáo dục đạo đức ngay từ khi còn nhỏ, trong khi đó các kiến thức khác quá nặng. Đấy là những nguyên nhân mà em bổ sung thêm.
Tiến Từ Từ: Theo em có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất quá trình đô thị hoá diễn ra quá nhanh khiến lượng người đổ về các thành phố lớn rất đông. Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng của các đô thị không theo kịp số lượng dân số tăng và kinh nghiệm quản lý đô thị cũng như quy hoạch đô thị của Việt Nam rất kém.
Nguyên nhân thứ hai nằm ở vấn đề pháp luật. Việt Nam ta đang có vấn đề ở thượng tầng xã hội. Em có thể nói một câu đơn giản đó là “thượng bất chính, thì hạ tắc loạn” tức là xã hội Việt Nam không có kỷ cương pháp luật gì cả. Người thừa hành pháp luật thường xuyên vi phạm và chà đạp lên pháp luật. Đã vậy chuyện người dân tôn trọng pháp luật- mức độ một tôn trọng pháp luật- mức độ hai tôn trọng lên quy tắc văn hoá, em nghĩ rất khó bởi vì chính người thừa hành pháp luật người ta đã không tôn trọng rồi thì làm sao người dân có thể tôn trọng được.
Nguyên nhân thứ ba em bổ sung thêm cho Hà Mi đó là vấn đề giáo dục Việt Nam. Nó nặng về các kiến thức sách vở nhiều mà ít kiến thức thực tế trong đó có kỹ năng ứng xử. Đôi khi việc giữa hai người với nhau nếu họ có kỹ năng ứng xử thì giải quyết rất đơn giản nhưng do không có kỹ năng ứng xử nên họ giải quyết với nhau bằng vũ lực đâm ra câu chuyện trở nên phức tạp. Từ đó, chúng ta thấy không chỉ thấy ở những người các bạn trẻ mà còn thấy rất rõ ở nhiều tầng lớp các lứa tuổi khác nhau, em nghĩ mọi người có thể đồng ý với em trong điều này.

Có khả thi?

Chân Như: Liệu Bộ quy tắc ửng xử có khả thi? Vì sao?


000_Hkg10113111-400.jpg

Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 29/10/2014. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM.
Hà Mi: Bộ quy tắc ứng xử có khả thi hay không thì em nghĩ là không. Thực ra các cơ quan truyền thông ra rả suốt ngày với khẩu hiệu, những banners và những chương trình thực tế rất nhiều từ bao năm nay với môi trường, với cách ứng xử nhưng thật sự nó có hiểu quả hay không? Cho dù có những banners đừng vứt rác bên cạnh thì người ta vẫn sẵn sàng nhổ toẹt ra đường , sẵn sàng vứt rác ra đường. Họ chẳng hề quan tâm đến những cái banners, khẩu hiệu treo đầy đường. Em nghĩ là không hiệu quả. Quan trọng là giáo dục chứ không phải đến lúc lớn rồi thì treo những cái đấy thì người ta có thể thay đổi được. Em thấy bộ quy tắc này nó không phải là cách hay và không khả thi vì nó chẳng gì là mới. Đó là suy nghĩ của em.
Kim Tiến: Như em nói ban đầu, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử đó là việc hết sức là buồn cười. Anh không thể nào bắt người ta vào khuôn phép trong khi anh không đưa ra những quy định hay điều luật cụ thể mà chỉ ban hành những quy tắc chung chung thì rất khó. Thâm chí, khi anh ban hành luật người ta còn không làm theo khi họ không muốn huống chi những quy tắc như vầy. Em nghĩ rằng việc ban hành bộ quy tắc ứng xử sẽ không đi đến đâu cả, sẽ cũng không giải quyết được vấn đề gì. Như anh nói vừa nãy, ông Thảo mong rằng việc ứng xử khi ra đường của người Hà Nội giống như TP HCM,em nghĩ ông cũng không nắm rõ trong TP HCM ra sao. Bản thân em sống cả hai nơi nên em biết rất rõ là tình hình văn hóa ứng xử ở đâu cũng như nhau do đạo đức xuống cấp, và có thể ông Thảo nghĩ rằng người Hà Nội là người thủ đô thì phải văn minh và lịch sự hơn. Nhưng em cho rằng cái việc ban hành quy tắc ứng xử buộc người Hà Nội như vậy đó là việc phân biệt đối xử giữa những người ở những nơi khác nhau trong một quốc gia. Em cho rằng bộ quy tắc ứng xử này không hợp lý và em cũng nghĩ rằng cũng sẽ không được người dân quan tâm. Nó chỉ như một trò cười để người dân được giải trí trong lúc đang nhiều tin tức rắc rối và nhiều tin quan trọng thôi.
Tiến Từ Từ: Thật ra bộ quy tắc này không khả thi vì hai lý do. Một là hình thức của bộ quy tắc này nó chung chung. Em có đọc qua một số sơ lược thì em thấy nó nói những điều rất chung chung và đằng nào nhà nước cũng không có chức năng ra những quy tắc như thế này. Nhà nước chỉ có chức năng ra quy tắc thuộc về luật. Người dân trong một quốc gia, trong một xã hội thì kỷ luật duy nhất người dân phải tuân theo đó là pháp luật, còn những quy tắc văn hóa, ứng xử đó là do quá trình sống kinh nghiệm của mỗi người tự túc học lẫn nhau thôi chứ nhà nước không có chức năng ra những luật như vậy.
Và nguyên nhân thứ hai khiến em kết luận là bộ quy tắc này không khả thi vì bản thân văn hóa ứng xử có vấn đề ở ngay chính quyền này. Chính quyền không tôn trọng pháp luật, người làm công chức coi người dân như người đi xin xỏ chứ không phải họ là những người phục vụ cho dân, cái đơn giản có thể nhận thấy như vậy.
Chân Như: Theo bạn thì phương pháp nào hữu hiệu nhất cho việc thay đổi văn hoá ứng xử tại Hà Nội?
Quan trọng là giáo dục chứ không phải đến lúc lớn rồi thì treo những cái đấy thì người ta có thể thay đổi được. Em thấy bộ quy tắc này nó không phải là cách hay và không khả thi vì nó chẳng gì là mới.
-Hà Mi
Kim Tiến: Phương pháp thì theo em nó nằm ở dân trí chứ không nằm ở việc bộ luật hay quy định. Khi dân trí được nâng cao thì ý thức tự nhiên cũng sẽ cao lên và quan trọng là làm sao đạo đức xã hội này không xuống cấp nữa. Chỉ mong là đừng xuống cấp nữa chứ đừng mong là nó tiến lên. Nguyên nhân sâu xa trong việc gây ra việc ứng xử giữa con người với con người xuống cấp là do sự vô cảm đồng thời sự không hiểu biết. Và xảy ra sự vô cảm là do giáo dục cũng như môi trường xã hội. Thực sự mà nói vấn đề bao quát hơn là do thể chế. Khi muốn xã hội tốt đẹp hơn nhà nước phải thay đổi cung cách quản lý, phương cách giáo dục và mỗi người tự ý thức về hoàn cảnh cũng như nơi mình sinh sống, ý thức được cái việc mình cư xử thể hiện được nhân cách con người của mình, tự nâng cao ý thức bản thân để xây dựng môi trường tốt hơn. Cái đó là do mỗi bản thân mỗi con người và nếu dân trí có thể nâng cao được thì em nghĩ việc ứng xử cũng sẽ khác hơn.
Hà Mi: Em cũng đồng tình với ý kiến của chị Tiến, em nghĩ nếu thay đổi thì phải thay đổi từ dưới lên trên tức là cho rằng tất cả mọi việc đều do ý thức của mỗi người, đấy là cách tiếp cận “khung cưởng”. Ngay cả bộ máy chính quyền phải tốt hơn thì giáo dục sẽ phải tốt hơn thì đến người dân họ sẽ tốt hơn và sẽ thay đổi và có môi trường lành mạnh để người ta có thể thay đổi. Đó là ý của em.
Tiến Từ Từ: Em đồng ý với ý kiến của bạn Hà Mi là chúng ta vừa tiến hành từ trên xuống và tiến hành từ dưới lên vì theo em điều kiện quan trọng tiên quyết để có thể giải quyết được vấn đề thay đổi văn hóa ứng xử cho người Việt Nam đó là chúng ta phải có một chính quyền đứng đắn và một pháp luật nghiêm minh. Có được như thế thì chúng ta không chỉ có thể cải thiện được vấn đề văn hóa ứng xử mà còn cho bất cứ một vấn đề nào trong xã hội Việt Nam. Bởi không có pháp luật nghiêm minh thì cho dù chúng ta có cố gắng như thế nào chăng nữa mà không đi qua ngả chính quyền thì cuối cùng như muối bỏ bể mà thôi.
Đầu tiên, theo em, chính quyền phải đứng đắn, pháp luật phải nghiêm minh, công chức phải gương mẫu làm những điều đó cho người dân tuân theo. Họ biết xã hội nay xuống cấp về mặt văn hóa xã hội nhưng họ không làm được. Họ làm ngơ bởi vì họ không có sự chính đáng nào, người dân không dành cho họ sự chính đáng nào nên họ không thể tiến hành bất cứ biện pháp nào được.
Điều thứ hai chúng ta có thể làm là giáo dục. Giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường- giáo dục tôn trọng con người cho trẻ em, học sinh, sinh viên; Dạy dỗ các bạn cách thức tổ chức cuộc sống cá nhân trong bạn bè.
Và tiếp theo, đó là xã hội phải tự do. Chúng ta phải tạo điều kiện cho tự do ngôn luận phát triển; Chỉ cần có hành vi văn hóa ứng xử kém thì với tự do ngôn luận, tự dưng xã hội sẽ biết đến điều đó và tự họ phải có sự điều chỉnh ngay hành vi của mình.
Chúng ta phải cho phép các hội đoàn được tự do thành lập. Nhà nước không thể làm được công việc quản lý văn hóa của từng người dân được mà hãy để cho từng hội đoàn của người dân họ làm việc đó. Khi sự tự quản trong xã hội cao lên, lúc đó nhà nước chỉ quản lý vấn đề pháp luật, những cái chung nhất trong xã hội thôi. Những cái ứng xử hằng ngày thì hãy để cho người dân tự tổ chức quản lý lẫn nhau.
Ngoài ra có những vấn đề chúng ta bắt buộc nhà nước phải tham gia, ví dụ như trật tự giao thông, phải có những quy tắc ứng xử giao thông rõ ràng và ai vi phạm sẽ bị nghiêm khắc trừng trị; Vệ sinh môi trường cũng vậy, ai xã rác chúng ta phải phạt. Các hạng mục trong quy tắc ứng xử - em nghĩ nhà nước không thể đảm đương hết được những việc đó.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Kim Tiến, Hà Mi và Tiến Từ Từ đã dành thời gian đến chia sẻ về đề tài này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét