Pages

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Trung Quốc ‘cảnh báo nguy cơ’ bị Việt Nam tấn công

NHA TRANG (NV) - Việt Nam có thể sử dụng tàu ngầm mua của Nga chặn đường tiếp vận cho các đơn vị đang trấn đóng ở Trường Sa, bắn hỏa tiễn vào các căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, Quảng Đông.

             Tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất. Loại tàu ngầm này được ví von là “hố đen trong 
        đại dương” vì rất khó phát giác khi chúng di chuyển bên dưới mặt nước. (Hình: RIA Novesti)

Đó là những nội dung được báo chí Trung Quốc đề cập sau khi có tin, Tập Đoàn Admiralty của Nga vừa hạ thủy tàu ngầm thứ năm - được đặt tên là Khánh Hòa, trong lô sáu tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua của Nga.

Năm 2009, Việt Nam và Nga ký thỏa thuận thực hiện “Dự án Varshavyanka”. “Dự án Varshavyanka” là tên gọi kế hoạch đặt mua 6 tàu ngầm loại Varshavyanka, lớp Kilo của Nga cho Hải Quân Việt Nam, với tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la.

Nga đã giao cho Việt Nam hai trong số sáu chiếc - hai chiếc này được đặt tên là Hà Nội, TP. HCM. Chiếc thứ ba (Hải Phòng) đang trên đường vận chuyển đến Việt Nam. Chiếc thứ tư đang được chạy thử. Chiếc thứ sáu đang được đóng. Nga cam kết giao đủ sáu chiếc tàu ngầm cho Việt Nam trong năm tới.

Ngoài việc cung cấp tàu ngầm, Nga còn nhận đào tạo đội ngũ sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải Quân Việt Nam. Hai bên đã cùng xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” tại Cam Ranh. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” đã bắt đầu huấn luyện 40 người để sử dụng những tàu ngầm Kilo của Nga.

Trong tin về sự kiện Nga mới hạ thủy chiếc tàu ngầm thứ năm trong lô sáu tàu ngầm đóng cho Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời Báo - một phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo, Trung Quốc, nhận định, các hỏa tiễn của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đang thủ đắc có thể bắn tới Trạm Giang, Quảng Đông, nơi Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc trú đóng.

Hỏa tiễn của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đang thủ đắc cũng có thể tác xạ vào các căn cứ của hải quân Trung Quốc tại đảo Hải Nam. Những tàu ngầm này cũng có thể phóng ngư lôi, đánh chìm các tàu vận tải trên đường tiếp vận cho những đơn vị đang trú đóng tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc từng cưỡng đoạt của Việt Nam, nay đã bồi đắp, mở rộng để biến thành các căn cứ quân sự.

Tuy nhiên, cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, để “phòng ngừa khả năng xảy ra xung đột,” Trung Quốc đã điều động ba tàu ngầm đến đảo Hải Nam và “nếu cần,” Trung Quốc có thể điều động tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân tới Biển Đông.

Báo chí Trung Quốc nói thêm rằng, hải quân Trung Quốc có “kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm của Nga,” “biết rõ các nhược điểm” nên nếu Việt Nam gây xung đột, Việt Nam sẽ phải trả giá đắt. (G.Đ)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét