Pages

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

VĂN QUANG - CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN NGOẠN MỤC CỦA BÀ ĐẠI BIỂU DÂN

Cho tới hôm nay 23-1-2015, chưa có kết luận chính thức về vụ bà Thu Nga, nữ đại biểu Quốc Hội bị bắt tạm giam vào ngày 07 tháng 1 -2015 vừa qua như tôi đã “thông tin sơ lược” trong kỳ báo trước.Tất nhiên công việc điều tra phải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên dư luận ở VN vẫn ngấm ngầm sôi nổi về chuyện này. Một bà đại biểu dân mà bị bắt và tạm giam là chuyện lớn khiến người dân bàn tán xôn xao.

Người dân thôn Xóm Mới (xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa) phẫn nộ về chuyện quan xã chia nhau ăn chặn bò heo của dân
Người dân thôn Xóm Mới (xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa) phẫn nộ về chuyện quan xã chia nhau ăn chặn bò heo của dân
Trong khi chờ đợi những tin tức chi tiết chính thức, mời bạn đọc nhìn qua về con đường nào đã đưa dẫn bà Nga tới đỉnh danh vọng và đỉnh giàu sang. Thật ra chuyện này không lạ với rất nhiều người VN qua các biến động của thời cuộc và có quá nhiều kẽ hở của luật pháp tạo ra quá nhiều cơ hội cho những người biết sử dụng hoặc lợi dụng nó. Ở bài này, tôi không nói về các vị có chức tước, có quyền hành dù chỉ là nhỏ nhoi cũng có thể lợi dụng để trục lợi.
Cụ thể như trường hợp các ông trưởng thôn cũng có thể “ăn bò, ăn heo, ăn dê” của dân dễ như ăn cháo.
Mới đây, tỉnh Khánh Hòa đã rót tiền hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các gia đình dân miền núi nhằm tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết số tiền hỗ trợ này chảy vào túi các quan xã…  Các ông này thuê người đứng tên ký, nhận bò giúp để thản nhiên đưa bò hỗ trợ cho dân về chuồng nhà mình. Ở 2 xã Khánh Trung và Cầu Bà thì hợp đồng ghi cấp lợn nái giống Yorkshire (48kg/con) nhưng thực tế dân chỉ được nhận lợn con. Tại xã Giang Ly, số bò này được nâng khống thêm 4 con bằng cách cấp “bò ảo” cho các gia đình dân có tên mà chẳng có bò, tiền chênh lệch khoảng 40 triệu được một số cán bộ xã chủ chốt chia nhau.
Hoặc ở Huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) 12 con dê hỗ trợ người nghèo bỗng dưng “đi lạc” vào trang trại của Bí thư Huyện uỷ, 6 tháng sau mới được phát hiện.
Những thủ đoạn ăn cắp vặt như thế xảy ra khắp nơi. Nói gì đến các quan ở những địa vị cao hơn không thèm ăn cắp vặt, ăn miếng lớn mà không cần phải làm gì. Những chuyện như thế xuất hiện thường xuyên trên báo chí. Ở đây, tôi chỉ nói đến những người dân biết cách kiếm tiền qua những cơ hội ấy trong một xã hội xáo trộn, kinh doanh loạn xạ. Trường hợp của bà Nga cũng không ngoại lệ. Hãy liếc qua tiểu sử sơ lược của bà.
12 con dê đi lạc vào nhà ông Huyện ủy – Biếm họa của báo Dân Trí
12 con dê đi lạc vào nhà ông Huyện ủy – Biếm họa của báo Dân Trí
Từ đâu đi lên, nhờ cái gì?
Bà Châu Thị Thu Nga sinh năm 1965 tại Thừa Thiên Huế, với trình độ chuyên môn là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh. Tôi không biết rõ bà học và đậu tiến sĩ ở đâu năm nào. Bà bước những bước rất vững chắc từ Phường Xã lên chứ không như những ông bà khác nhảy cái xoạch lên địa vị cao ngất ngưởng, có khi người dân chẳng hiểu ông bà đó từ đâu nhảy ra.
Bà Nga đã từng là đại biểu Hội đồng nhân dân phường trong thời gian 2004-2011, bà tiếp tục tham gia đại biểu dân cử ở cấp quận. Rồi cứ cái đà thăng tiến ấy, năm 2011, bà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (sẽ kết thúc vào năm 2016).
Bà Bà Châu Thị Thu Nga còn nhiều chức vụ khác nữa, bà cũng là đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội. Bên cạnh đó, bà Nga còn là thành viên Tổ chuyên gia liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà và thị trường bất động sản; Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản VN; Ủy viên Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị VN – CHLB Đức; Phó chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.Hà Nội. Các ông bà làm lớn thường được mời giữ nhiều chức vụ cho các cơ quan này… thêm phần long trọng, cũng là lẽ thường.
Công ty Housing Group của bà Châu Thị Thu Nga bán hàng trăm căn nhà trên giấy tại dự án B5 Cầu Diễn.
Công ty Housing Group của bà Châu Thị Thu Nga bán hàng trăm căn nhà trên giấy tại dự án B5 Cầu Diễn.
Sự nghiệp chính trị và thương mại cùng tiến song hành
Con đường chính trị của bà cũng song hành với đà mở rộng của Housing Group. Bây giờ hãy tạm kể là bà không lợi dụng chức vụ uy tín của một vị đại biểu dân nhưng dù bà có muốn hay không, các doanh nghiệp, các công ty lớn nhỏ, các mối giao dịch tư nhân cũng nhìn vào đó để đặt thêm niềm tin của mình trong các thương vụ mua bán. Nhờ vậy sự nghiệp kinh doanh của bà thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp của bà Nga liên tục công bố việc đầu tư vào hàng chục dự án, từ loại dành cho người có thu nhập trung bình đến cao cấp, văn phòng cho thuê, biệt thự nhà vườn, nhà liền kề, penthouse… Hãy kể vài dịch vụ lớn như chung cư B5 – Cầu Diễn, Thượng Đình Plaza, Khu nhà ở kinh doanh Phú Thượng – Tây Hồ, khu nhà ở 25 Vũ Ngọc Phan, Trung tâm Dịch vụ hỗn hợp phường Phương Mai, Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng Housing Group, Trung tâm chiếu phim và dịch vụ văn hóa thể thao (Quốc Oai)… Bằng ấy thứ cũng đủ làm người dân nhìn mỏi cổ và xếp vào loại đại phú gia rồi.
Bà Nga phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội
Bà Nga phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội
Cơn sốt giá nhà đất đưa bà lên như diều gặp gió
Thời kỳ 2006-2010 bà được cho là phất lên nhanh nhờ sốt giá đất đai… Thật ra vào thời kỳ này có vô số những ông bà đang túng thiếu méo mặt bèn nhảy vào buôn bán nhà đất phất lên cực kỳ nhanh chóng. Ở VN chưa có ngành nghề nào ở VN làm giàu nhanh và “khủng” bằng nghề này. Đang đi xe đạp, xe máy cũ, nhảy lên xe hơi vài tỉ, biệt thự hàng tá, nhà đất mênh mông chứ chẳng phải riêng mình bà Nga. Nhưng bà kinh doanh bạo hơn, phô trương thanh thế rất hùng dũng.
Với 3 xí nghiệp ban đầu, Housing Group phát triển hệ thống thành 5 công ty thành viên hầu hết hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nội thất gồm Công ty tránh nhiệm hữ hạn (TNHH) nội thất Housing, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Công nghiệp Đô thị, Công ty Xây lắp Housing, Công ty Truyền thông Housing, Công ty Đầu tư Xây dựng Bất động sản Á Châu. Ngoài ra, tập đoàn còn có sàn giao dịch bất động sản cùng một số chi nhánh tại các tỉnh thành và phát triển theo hướng đa ngành, mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.
Ngoài Hà Nội, công ty của bà Nga còn đầu tư các dự án tại các tỉnh, thành như Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng kết hợp nhà ở – Housing Garden (Đồng Văn, Hà Nam), Khách sạn Sing Hotel, Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định)…
Tuy nhiên, không ai học được chữ ngờ. Nếu buôn bán nhà đất vọt lên như hỏa tiễn thì ít năm sau nó rớt xuống cũng như máy bay phản lực gãy cánh . Một phần bởi sự phát triển lu bù, loạn xạ của chính những ông bà chủ khiến cung vượt cầu quá xa, kết luận là chính họ gánh chịu hậu quả. Nhà đất xuống giá, ứ đọng triền miên. Càng làm ăn lớn càng chết nhanh, chết mạnh. Có khi chết cũng không được. Nhiều đại gia nhà đất trở nên những con nợ và từ nợ nần chuyển sang lừa đảo, gian lận. Bà Nga rơi vào hoàn cảnh ấy.
Cú lừa đảo khổng lồ diễn ra như thế nào
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn do Housing Group liên danh với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội thực hiện, bắt đầu được các sàn rao bán từ giữa năm 2008 theo hình thức hợp đồng góp vốn có tính lãi suất. Với đơn giá từ 11-16 triệu đồng mỗi m2, công ty của bà Nga đã thu của mỗi khách hàng mức tối thiểu vào khoảng 400 triệu đồng (khoảng 30% giá trị căn nhà). Khách hàng ghi tên mua nhà tại trụ sở Housing Group (Thạch Thất) hoặc thông qua các đơn vị môi giới.
Tạm kể một nạn nhân trong số hàng ngàn nạn nhân. Anh Mạnh góp vốn mua căn nhà tại đây từ năm 2011 với giá 15 triệu đồng mỗi mét vuông. Ngoài khoản tiền 600 triệu đồng (30%) đặt mua căn nhà, anh còn nộp 100 triệu đồng cho đơn vị môi giới. Hợp đồng góp vốn được ký vào tháng 8/2011, ghi rõ thời gian khởi công dự án là năm 2010, hoàn thành vào quý IV/2015. Theo văn bản này, sau 12 tháng anh Mạnh không có nhu cầu góp vốn hoặc mua bán nhà ở phía Housing sẽ thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi.
Dự án trong mơ “đắp chiếu” dài dài
Đến đầu năm 2012, anh Mạnh đi kiểm tra thấy dự án vẫn “đắp chiếu” nên cùng nhiều nhà đầu tư khác gửi đơn rút vốn. Sau 4 lần gửi đơn, đến tháng 9/2013, anh mới nhận được đơn phúc đáp của công ty, cho biết chỉ hoàn vốn nếu dự án dừng thực hiện hoặc có văn bản của cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công.
Cũng từ năm 2012, như anh Mạnh, nhiều người đã lên công ty, gọi điện thoại, thậm chí đến tận nhà riêng để gặp bà Nga nhưng không được. Anh Mạnh phân trần: “Đa số người mua nhà đều phải đi vay mượn. Đến nay nhà chưa có mà tiền không đòi được nên cuộc sống các gia đình bị đảo lộn, anh em lục đục”. Hi vọng của khách hàng này hoàn toàn sụp đổ hoàn toàn khi tối 7/1 vừa qua bà Nga bị bắt.
Anh Tuấn, một khách hàng mua nhà cho biết thêm: “Không dưới chục lần, chúng tôi đến trụ sở Housing Group để gặp bà Nga nhưng chẳng bà ấy luôn tìm cách trốn tránh. Đến nay bà ấy bị bắt thì coi như hy vọng đòi tiền hoặc đòi nhà đều càng mờ mịt”. Sau khi nghe tin bà Nga bị bắt, anh Tuấn gọi điện thoại cho những khách hàng khác để cùng nhau tìm cách giải quyết nhưng ai nấy đều chán nản. Khách hàng này cho hay:
“Lần cuối cùng chúng tôi gặp được bà Nga thì bà này thừa nhận không còn tiền để thực hiện tiếp dự án hoặc thanh toán cho nhà đầu tư. Giờ bà ấy bị bắt, tôi càng thấy không còn hy vọng”.
Theo kết quả thanh tra về hoạt động kinh doanh của Housing Group công bố vào tháng 10 vừa qua, số tiền thu được tại dự án B5 Cầu Diễn là 377 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty mới sử dụng một phần nhỏ để đầu tư vào đây. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng cho biết, Housing cũng như đơn vị liên danh đều không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.
Người mua nhà biểu tình đòi quyền lợi
Người mua nhà biểu tình đòi quyền lợi
Bị cáo có thể bị tù nhưng dân có đòi lại được gì đâu
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, trường hợp bà Nga bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án B5 Cầu Diễn, những người mua nhà được xác định là bị hại trong vụ án hình sự này.
Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Những người bị hại có quyền “đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường”.
Tuy nhiên, việc người bị hại trong vụ án sẽ được bồi thường bao nhiêu lại phụ thuộc vào số tiền hoặc tài sản do Cơ quan điều tra thu hồi được trong khi điều tra. Nhiều vụ án tương tự, khả năng để các nạn nhân lấy lại tiền là rất khó khăn. Còn tiền đâu mà đền. Còn ít đất ít nhà bỏ hoang, dù có bán rẻ cũng chẳng ai dám mua. Chưa biết vụ án này sẽ đi tới đâu và liệu có thêm quan chức nào ở các cơ quan địa phương nhúng tay vào góp sức cho bà đại biểu dân hay không. Việc xét xử sẽ ra sao còn đang ở phía trước.
Một luồng dư luận khác cũng lại được hâm nóng. Đó là chuyện lúng túng trước những sai phạm của của các đại gia và đại quan, không dám xử  đúng luật.
Nhiều dự án do Housing Group làm chủ đầu tư hoặc góp vốn thì hầu hết vẫn là bãi đất trống sau gần chục năm khởi công.
Nhiều dự án do Housing Group làm chủ đầu tư hoặc góp vốn thì hầu hết vẫn là bãi đất trống sau gần chục năm khởi công.
Nhà của quan cứ ngang nhiên xây không phép
Đã một tháng trôi qua từ vụ các biệt phủ xây không phép trên núi cấm Hải Vân bị báo chí phanh phui, dư luận đang theo dõi TP Đà Nẵng sẽ xử lý thế nào. Vụ này tôi cũng đã đưa tin và cũng chờ kết quả “xử lý” của các cơ quan chức năng.
Dư luận được trấn an khi những người có trách nhiệm tuyên bố sẽ làm “đến nơi đến chốn” nếu các “biệt phủ: này có dấu hiệu sai phạm. Để có đầy đủ chứng cứ, nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã được lập để đi xác minh.
Cuối cùng con số mà báo chí lấy được từ chính lực lượng thanh tra Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng là có không dưới 20 căn nhà rường, biệt thự được xây dựng kiên cố trong năm năm qua, trong khi các gia chủ không hề có một mẫu giấy cấp phép “lận lưng”. Như vậy là sai phạm quá rõ ràng, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng.
Trong suốt năm năm qua, cũng đã có những biên bản xử phạt, yêu cầu tháo dỡ những biệt phủ xây trái phép trên đất rừng. Thế nhưng những biên bản ấy chỉ dừng lại ở chỗ phát hiện chứ không hề đi đến quyết định cuối cùng: dẹp bỏ việc xây trái phép.
Chỉ trên 1 tờ báo, đã có 254 ý kiến phản hồi của bạn đọc về chuyện “Ðà Nẵng bó tay với biệt thự trái phép”, tất nhiên không ai có thể chấp nhận chuyện luật pháp nhẹ tay với người này nhưng mạnh tay với người khác.
Dư luận vô cùng kinh ngạc trước việc một biệt thự xây dựng trái phép công khai và liên tục suốt thời gian dài giữa thanh thiên bạch nhật ngay chân núi Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng.
Kinh ngạc trước hết bởi mức độ “hoành tráng” về quy mô của ngôi biệt thự. Chính xác phải gọi đó là “một khu nhà” bởi bao gồm những “ba căn nhà gỗ của đồng bào dân tộc thiểu số và 4-5 căn nhà khác” (theo mô tả của ông Nguyễn Xuân Hoài, đội trưởng đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu).
Kinh ngạc tiếp theo là tuy quy mô hoành tráng xa hoa như vậy nhưng lại được… xây lụi, tức xây dựng không phép trên đất không được phép xây dựng nhà ở. Và kinh ngạc nữa là khu nhà kín cổng cao tường như biệt phủ ấy có vẻ như “vô chủ”, bởi lẽ theo những cá nhân có trách nhiệm “gác cổng” xây dựng ở địa phương thì tuy công trường xây dựng ồ ạt hối hả với hàng chục công nhân như vậy song nhiều lần đến gọi cổng nhưng không ai tiếp, gọi điện thoại nhưng chủ nhân không tiếp, chỉ có… mấy con chó becgiê chạy ra “nghênh tiếp” mà thôi (?!).
Thật sự khu “biệt phủ” đó không phải vô chủ: chủ nhân của nó là gia đình ông Phan Như Thạch, thiếu tướng, giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (đã có quyết định nghỉ, chờ chế độ hưu trí).
Sự xuất hiện thông tin chủ nhân ngôi “biệt phủ” khiến dư luận đi từ kinh ngạc sang bất bình. Họ đặt ngay câu hỏi có phải vì chủ nhân khu biệt phủ ấy là “sếp to” nên việc xây dựng trái phép mới diễn ra một cách công khai và liên tục như vậy? Nếu chủ nhân là người dân thấp cổ bé họng liệu có dám và có “được” xây dựng trái phép như vậy không?
Hỏi và có ngay câu trả lời: hoàn toàn không. Bởi cách khu biệt phủ của tướng Thạch chừng 500m là cái chòi của người dân (ông Nguyễn Như Tiến và bà Lê Thị Hay) vừa được dựng lên để làm quán đã bị cưỡng chế tháo dỡ ngay lập tức với cùng lý do là xây dựng trái phép.
Một góc biệt phủ xây trái phép của gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch.
Một góc biệt phủ xây trái phép của gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch.
Kiểm tra rồi nhưng… chưa có hướng xử lý
Chiều 12-12, ông Võ Văn Thương, chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực mà gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch xây dựng biệt thự trái phép dưới chân núi Hải Vân (thuộc P.Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Tuy nhiên khi đến hiện trường kiểm tra, đoàn cán bộ không xuống xe mà chỉ ngồi trên xe hơi rồi chạy ngang qua sát ngôi biệt thự. Quan to thời nay đi “thăm dân cho biết sự tình” thường thích ngồi trên xe hơi cho “oách” chăng?
Ông Võ Văn Thương cho phóng viên báo chí biết: “Do trời mưa nên tôi chỉ đi ngang kiểm tra vậy thôi. Sau khi báo đăng chúng tôi cũng lên hiện trường đi ngang qua kiểm tra như vậy. Khi nào UBND quận Liên Chiểu có báo cáo rồi tính sau. Bây giờ UBND quận Liên Chiểu chưa có báo cáo cụ thể, đầy đủ nên chưa có hướng xử lý như thế nào. Lúc nào UBND quận Liên Chiểu có báo cáo thì TP sẽ có ý kiến chỉ đạo cụ thể. Bây giờ phải kiểm tra tính pháp lý đất đai nên chưa trả lời được đâu”.
Tại sao phải xin ý kiến?
Trong cuộc họp tìm hướng xử lý diễn ra sáng 12-1, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng “đang báo cáo xin ý kiến của Thường trực Thành ủy”. Vậy là trái bóng trách nhiệm lại một lần nữa được “đá lên” qua chân các vị lãnh đạo cao hơn.
Người dân ngạc nhiên đặt câu hỏi: “Xin ý kiến gì nữa” khi mọi sai phạm đã quá rõ ràng, chính chủ nhân của các “biệt phủ” này cũng đã đánh tiếng thừa nhận họ “sai phạm”, “làm nhà khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép”.
Vậy thì cứ theo luật mà thực thi, chứ sao lại phải loay hoay “xin ý kiến”. Sự thiếu quyết liệt này để rồi có lặp lại vết “xe đổ” của những năm trước đó, tức là phát hiện nhưng không xử lý?
Nên nhớ những nhà dân từng bị chính quyền tháo dỡ vì xây trái phép trên núi cấm Hải Vân những năm trước đó, bây giờ các ông ăn nói thế nào với họ đây?
Đừng để người dân tự hỏi, nếu rơi vào trường hợp của họ, liệu vấn đề xử lý có phải đẩy lên tới cấp thành phố? Và vì sao vi phạm rành rành ra thế mà không thể xử ngay, cứ phải xin ý kiến cấp này, cấp khác…!?
Chẳng lẽ cùng một lỗi vi phạm nhưng lại có những cách xử khác nhau?
Mới có tin UBND TP Đà Nẵng, vừa mới có chỉ đạo “hướng xử lý” biệt thự “lụi” của Thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) và quần thể biệt thự xây dựng lấn đất rừng của một người tên Quang tại khu vực rừng Nam Hải Vân.
- Bạn Nguyễn tấn Thi nêu ý kiến:
Việt Nam không có luật à? Cứ chiếu theo luật mà xử khi người dân xây trái phép cần gì phải xin ý kiến?
- Bạn Lê Văn Đăng lại nêu ra ý kiến phân biệt giữa “dân đen” và “dân đỏ”:
Xây dựng không phép, trái phép và không đúng quy hoạch thì ra thông báo tự tháo gỡ, nếu không tự tháo gỡ thì cứ đưa máy xúc đến mà cưỡng chế, đó là nguyên tắc làm việc công bằng, không có ngoại lệ! Tại sao hành xử với dân “đen” (dân thường) thì có xin ý kiến ai đâu, tại sao với dân “đỏ” (quan chức) lại phải xin ý kiến cấp này cấp nọ, làm như vậy là không công bằng.
- Bạn Hiền viết gọn lỏn: “Chán! Không muốn bình luận nữa!”.
Chán thật. Tôi cũng vậy, bình luận thêm là thừa.
Văn Quang – 23-1-2015

1 nhận xét:

  1. Nếu Chánh quyền không tham nhũng để bao che thì thằng nào dám đổ gạch ,cát chứ đừng nói Xây cất Biệt thự. Luật pháp có đấy Nhưng chỉ là Luật rừng đối với dân thấp cổ bé họng mà thôi . Nó Ăn hết của dân kg từ một thứ gì .con chó cái Doan phát biễư như thế đấy Nhưng cách giải quyết ra sao ? ĐCSVN ĐÚNG LÀ TAI HỌA CHO DÂN .CHẾT CẢ LÒ CẢ Ổ TỤI BAY ĐI CHO ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH.

    Trả lờiXóa