Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Việt Nam nhảy múa thận trọng với các siêu cường

Quan hệ quân sự Việt – Mỹ đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhưng cuộc bàn luận về mối liên minh gắn bó hơn nữa giữa Washington và Hà Nội đã không nhận ra sự khác biệt tinh tế về địa chính trị và lịch sử. Quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã sang trang vào đầu thập niên 2000, khi cả hai nước bước ra khỏi những hệ lụy của cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai nước bắt đầu tích cực tìm kiếm những phương cách mới để làm việc với nhau.

H1

Các quan chức quốc phòng và quân sự cao cấp của Mỹ bây giờ đến thăm Việt Nam thường xuyên hơn. Năm 2011, hai nước đã ký một bản ghi nhớ, thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Vào tháng 10 năm 2014, chính quyền Obama công bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là, từ nay Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trên cơ sở từng trường hợp, một bước tiến gần như không thể tưởng tượng chỉ một vài năm trước đây. Với việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã bắt đầu đặt nền móng cho mối quan hệ mua sắm quốc phòng song phương, dự kiến sẽ tiến triển trong vài năm tới.

Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cản trở mối quan hệ.

Trung Quốc luôn luôn ẩn hiện bao trùm lên tiến trình quyết định chính sách đối ngoại của Việt Nam và Hà Nội lo lắng về việc Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào với việc quân sự Mỹ-Việt xích lại gần nhau.

Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia ở tuyến đầu trong khối ASEAN có quyền lợi trong việc duy trì an ninh trên biển và tự do hàng hải trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi đón chào các lợi ích từ sự quan tâm trở lại của Mỹ, các nhà lãnh đạo của Việt Nam nhận thức rất rõ rằng Trung Quốc coi nhiều vấn đề trong việc tái cân bằng của Mỹ như một nỗ lực ngăn chặn [Trung Quốc]. Việt Nam muốn tránh bị mắc kẹt giữa hai cường quốc và nhiều quan chức tại Hà Nội kín đáo chỉ ra tình hình ở Ukraine như hệ quả của một chính sách đối ngoại bất cân đối.

Với mỗi bước tiến tới việc thúc đẩy quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, Việt Nam phải tìm cách trấn an Bắc Kinh.

Các mô hình phức tạp của quan hệ Việt Trung trở nên rõ ràng từ sự cố giàn khoan dầu vào giữa năm 2014, đã làm quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Khi đối phó với Trung Quốc, Việt Nam thường chỉ kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài sau khi đã cạn kiệt mọi giải pháp. Nhiều tuần sau sự bế tắc, Hà Nội và Bắc Kinh đã phải xúc tiến nối lại quan hệ. Nhưng điều đó không ngăn Việt Nam đệ trình một tuyên bố vào cuối năm 2014 yêu cầu Tòa án Trọng tài Thường trực tại Hague xem xét quyền lợi của Việt Nam khi cứu xét vụ kiện pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc. Để ứng phó, Bắc Kinh cố gắng vừa trấn an vừa gây áp lực lên Hà Nội, đã không lãng phí thời gian cử một thành viên cao cấp của Bộ Chính trị [Trung Quốc] sang Việt Nam. Ông tuyên bố trong chuyến đi rằng, quan hệ Việt – Trung nên đi vào ‘con đường đúng’ và phê phán việc sử dụng chính sách ‘ngoại giao la làng’.

Ngoài ra, cũng có sự bất đồng xung quanh ý định của Mỹ trong việc thúc đẩy hợp tác quân sự và thắt chặt quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Câu chuyện thông thường được giới chức Mỹ đưa ra là Hoa Kỳ không quan tâm đến việc khai thác các vết nứt trong vấn đề đối ngoại của Việt Nam vì lợi ích riêng của mình. Nhưng một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam bị bất ngờ bởi những gì họ mô tả như Hoa Kỳ mong muốn tiến nhanh trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Với lợi ích chiến lược chung, hai bên tiếp tục cố gắng để xác định một mẫu số chung. Washington đã trở nên quen dần với sự kiên nhẫn cần thiết để mở rộng liên kết quân sự với Hà Nội, trong khi những tiếng nói tiến bộ hơn ở Hà Nội muốn thấy sự hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ trong những năm tới.

Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang và sẽ lo lắng về việc lao vào bất kỳ loại cam kết nào trong tương lai. Sự không tin tưởng này bắt nguồn chủ yếu không phải từ các xung đột lịch sử, mà vì sự giải thích của Hà Nội về lịch sử tham gia vào Đông Nam Á của các siêu cường.

Ví dụ, nhiều người ở Việt Nam xem việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, khi đó thuộc về chính phủ Việt Nam Cộng hòa được Mỹ hỗ trợ, như là hệ quả việc rút quân của Mỹ khỏi chiến trường Việt Nam và tái lập quan hệ với Trung Quốc hai năm trước đó. Tương tự như vậy, các cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở bãi Đá Gạc Ma năm 1988 là hệ quả của những gợi ý của Liên Xô từ trước về việc rút khỏi vịnh Cam Ranh và, một lần nữa, Mỹ thuận theo. Cảm giác này sẽ khó sớm phai mờ.

Trong khi Việt Nam hiểu được nhược điểm của mình đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn mơ hồ về chính sách an ninh chung của Mỹ trong khu vực. Điều này biểu hiện trong chính sách quốc phòng “Ba Không” của Việt Nam: không liên minh quân sự, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, và không dựa vào bất cứ nước nào để chống lại những nước khác.

Quan hệ quốc phòng Việt Mỹ hiện có rất nhiều tiềm năng và có khả năng gia tăng trong năm nay khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Nhưng có một số thách thức mà hai bên cần phải tập trung trong tương lai không xa, chẳng hạn như sự khẳng định của Hà Nội về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương và mong muốn có được thiết bị quân sự của Mỹ, các lời kêu gọi liên tục của Washington cho việc tham gia hoạt động lớn hơn giữa hải quân hai nước và gia tăng tiếp cận hàng năm cho các tàu hải quân Mỹ đến cảng Việt Nam.

Nhưng trong trường hợp thiếu vắng một viễn cảnh rộng lớn, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đi đến thỏa thuận trong vấn đề tăng cường hợp tác và đàm phán ở cấp chiến thuật trong tương lai trước mắt.

(Theo Phuong Nguyen - Anh Ba Sàm)


Phương Nguyễn là chuyên viên nghiên cứu tại Hội đồng Sumitro về Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, DC.
Tác giả: Phuong Nguyen - East Asia Forum
Người dịch: Trần Văn Minh
21-01-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét