Pages

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Vietnam Airlines 'cần phải cạnh tranh'

Vietnam Airlines nói việc các phi công báo ôm đã ảnh hưởng đến lịch bay của hãng
Vietnam Airlines nên chấp nhận tính cạnh tranh trên thị trường và có chính sách đãi ngộ nhân sự tốt hơn, thay vì kiến nghị Bộ Giao thông can thiệp vào vụ hơn 100 phi công xin nghỉ ốm.
Ý kiến trên được Tiến sỹ Kinh tế Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 15/1.

Trước đó, trong buổi họp báo hôm 12/1, Vietnam Airlines cho biết đã có đến 117 lượt phi công của hãng thông báo ốm.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, được các báo trong nước dẫn lời nói 90% số phi công nghỉ ốm nằm trong các đội bay Airbus, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận y tế.
"Số lượng này gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, Vietnam Airlines coi đây là sự việc nghiêm trọng và là hiện tượng bất thường", ông cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, cho rằng đây là "hiện tượng lãn công tập thể", đã có "sự chuẩn bị trước".
"Các phi công này có thể muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác", ông Thanh nói tại buổi họp báo.
Trong tin đăng hôm 12/1, Thông tấn xã Việt Nam dẫn ý kiến một số phi công từ Đoàn bay 919, thuộc Vietnam Airlines, cho rằng mức lương hiện tại của Vietnam Airlines là quá thấp so với các hãng khác và thấp hơn các phi công nước ngoài đang làm việc tại hãng.
Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020, theo TTXVN.
Hãng này cũng kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc chuyển nơi khác.
Động thái trên đã khiến một số phi công Việt Nam đang công tác tại Vietnam Airlines phản ứng giận dữ.
Hôm 15/1, một phi công trong Đoàn bay 919 viết trên tài khoản Facebook cá nhân: "Cục Trưởng và ông [Phạm Ngọc] Minh, ông [Phạm Viết] Thanh đã chính trị hóa một vấn đề dân sự thành quốc phòng".
"Chúng tôi là công dân Việt Nam, Vietnam Airlines là một công ty thuê chúng tôi làm việc, chúng tôi có quyền đi hay ở, việc chúng tôi lương bao nhiêu, phải đền bù phí đào tạo hay không, đó việc của pháp luật và tòa án xét xử."
"Các ông đang ngồi trên cả pháp luật, ngồi trên cả hiến pháp".

'Chấp nhận cạnh tranh'

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 15/1, Tiến sỹ Phạm Thế Anh cho rằng việc Bộ Giao thông can thiệp vào trường hợp của Vietnam Airlines là "không nên".
"Nó vi phạm quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi làm việc của người lao động", ông nói.
"Đó là quyền của công dân được quy định trong hiến pháp."
Cũng theo ông Thế Anh, việc người lao động chọn nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn là điều bình thường.
"Nơi nào chính sách đãi ngộ tốt hơn thì người ta có thể chuyển đổi, đó là thị trường lao động tự do," ông nhận định.
"Đây cũng là hoạt động bình thường của nền kinh tế thị trường."
"Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau để thu hút lao động tốt, và để thu hút lao động tốt thì phải có chế độ đãi ngộ tốt."
"Có thể có ràng buộc khi ký kết hợp đồng lao động giữa các phi công và Vietnam Airlines . Vì theo thông tin Vietnam Airlines cung cấp thì các phi công được chính Vietnam Airlines đào tạo."
"Nếu Vietnam Airlines cung cấp chi phí đào tạo lao động và các phi công có cam kết phục vụ trong khoảng thời gian nhất định nào đó, sau khoảng thời gian cam kết thì họ có quyền tự do chọn nơi lao động."
"Những nếu việc lựa chọn nơi làm việc mới nằm ngoài cam kết giữa người lao động với Vietnam Airlines thì Bộ Giao thông Vận tải không nên can thiệp."
"Nếu chúng ta đã xác định Vietnam Airlines là công ty cổ phần hoạt động theo kinh tế thị trường thì họ phải chấp nhận cạnh tranh, trả mức thù lao của thị trường và hoạt động một cách hiệu quả để chiết giảm các chi phí khác."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét