Pages

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

NGỌC ANH CHUYỆN HƠN 40 NĂM TRƯỚC

Trong giấc mơ, nàng thấy nàng nắm tay một người. Hai đứa đang chạy, hai cánh tay dang thẳng ra như đôi cánh cò trắng, mái tóc nàng bay phất phới.
Nền đất màu nâu tươi như không chạm đôi bàn chân, lung linh lay động như có dát những miếng vàng sáng chói. Ánh nắng mặt trời soi sáng con đường đất lót đầy lá vàng, đổ ánh sáng trong như pha lê màu mật ong vàng óng.

Hồi đó nàng còn nhỏ lắm.
Nhớ đâu đang giữa lớp đệ ngũ trường Gia Long.
Năm đó, là một năm buồn thảm, năm Mậu Thân. Trước đó nàng như con chim se sẽ giữa bầy se sẽ chíu chít bay ra bay vô căn nhà hạnh phúc, có ba, có má, có chị em một nhà chộn rộn suốt ngày.
Một buổi sáng mùa Xuân, năm Mậu Thân, pháo nổ tưng bừng trời đất, từ nửa đêm trừ tịch, Ba nói “tiếng pháo mừng Tết nhiều quá, lớn quá, dzui quá.”
Ðêm Giao Thừa ba bày bàn thờ Thiên ngoài sân. Bàn thờ nhỏ, thấp chủn, có trải mặt bàn thẳng thớm. Chị Hai biểu chị Ba chưng bông, nhỏ còn nghe chị Hai thì thầm, “Mày có tháng hông? có thì hỏng được chưng bông bàn Thiên à nghen cưng.”
Hỏng nhớ chị Ba trả lời cái gì, hay háy hó gì đó.
Nhớ cả nhà, mấy chị em cứ chộn rộn chạy ra chạy vô, chẳng biết để làm gì. Mọi chuyện hình như trôi chảy cách tự nhiên qua bàn tay sắp đặt của ba má.
Những tấm màn cửa sáng láng do chị Hai may từ mấy bữa trước phất phơ sau khung sắt. Bàn thờ tổ tiên ông bà có hai trái dưa hấu tròn vo, trên có dán miếng giấy đỏ. Lư hương chưn nhang sáng trưng, bình bông vạn thọ vàng rôm, hai bên bàn thờ hai chậu mồng gà đỏ tươi như chờ đón một năm may mắn an lành.
Ngoài trời đã thấy tối hù, văng vẳng tiếng pháo.
Khi bàn thờ sắp dọn sẵn sàng ngoài sân, đã có bình bông vạn thọ thơm ngay ngáy nồng mũi, trái dừa tươi vạt mặt, dĩa mứt bí mứt dừa, mấy phong mứt mãng cầu trong giấy kiếng trắng đỏ trong vắt, dĩa trái cây, chưn nhang, cặp đèn cầy màu đỏ lấp lánh cháy giữa màn đêm, trong khoảng sân nhỏ tráng xi măng trước cửa nhà. Ba dựng hai cây mía, chăm chút cả buổi trời cho hai ngọn cây giao đầu vào nhau, thiệt đều đặn phía sau bàn thờ. Rồi ba mặc quần áo trang trọng.
Sắp đặt xong đâu đó xong xuôi, nhớ, không khí thơm ngát mùi nhang khi ba đốt mấy cây nhang. Ba khấn vái trước bàn thờ, để “Tống Cựu Nghinh Tân.” Mấy má con lấp ló đứng nơi cửa, ngóng nghe tiếng pháo lẹt đẹt rồi tưng bừng vang rân từ đầu cư xá cho tới cuối xóm nhà lá tuốt trong, nhấp nháy thiệt đẹp, rồi Má thúc hối bầy con tám đứa mặc quần áo mới, theo ba má qua chùa hái lộc Giao Thừa.
Ngoài con đường trước cửa nhà, nghe tiếng nói tiếng cười lao xao. Mấy đứa con trai hàng xóm đốt đì đẹt những dây pháo nhỏ. Mấy chị em vừa đi vừa né vừa giỡn. Qua Giao Thừa, đã là Tết rồi. Ba má sẽ vui cười, sẽ không la không rầy rà, vì kiêng cữ ba ngày Tết, sướng thiệt, tha hồ cắn hột dưa và xả rác.
Ba má qua ngôi chùa nhỏ gần nhà, để xin xâm và hái lộc.
Ngôi chùa có cái vườn đầy bông, quẩn quanh mấy con đường nhỏ xíu lót đá sỏi trắng thiệt dễ thương. Dưới vài gốc cây có kê miếng ván nhỏ, đề thơ nữa. Lâu quá không nhớ những câu thơ đó là gì. In như là:
Những cánh hoa nầy rất mỏng manh
Ngày mai cho gió cuốn xa cành
Và ngày mai nữa ai đi dạo
Sẽ gặp hồn tôi trên cỏ xanh (*)
Nhớ mình rất thích cảnh trí của ngôi chùa nầy. Thích đứng ngắm nghía tượng Phật Bà bằng thạch cao trắng, giống giống tượng Ðức Mẹ ở cái sân nhỏ trồng nhiều bông hồng xéo xéo nhà mình do hàng xóm Công Giáo dựng nên.
Cả hai khuôn mặt Phật Bà, và Ðức Mẹ đều mang một vẻ đẹp hiền hậu từ bi.
Những ngày Tết trôi đi, thanh bình.
Qua mùng Hai, mùng Ba thì báo và đài phát thanh đăng tin có biến động ở ngoài Trung, Việt Cộng phá vỡ bình an của những ngày hưu chiến ăn Tết, tấn công những tỉnh miền Trung, gây chết chóc, thê thảm cho hầu hết dân xứ Huế và vài thành phố khác. Nàng đọc tin trên báo, biết hầu hết nhà nào ở xứ Huế cũng có khăn tang, buồn ơi! Và Saigon cũng súng nổ, Việt Cộng cũng đột nhập vào quấy phá nhưng đã bị quân đội cùng cảnh sát Quốc Gia tiêu diệt để lấy lại an bình trong một thời gian ngắn.
Sau Tết, trở lại trường học, lớp của mình có thêm một cô học trò mới ngoài Huế vô, từ trường Ðồng Khánh tị nạn Cộng Sản. Thêm một thầy dạy Toán, từ Quảng Trị vào. Lớp xôn xao về cô Huế nhỏ đẹp như tiên sa, với làn da mịn màng trắng hồng như vỏ hột gà, mái tóc “demi gạc-son” ngổ ngáo chớ không phải là mái tóc thề e ấp dưới vành nón lá bài thơ, ngộ ghê.
Cô nhỏ Huế Ðồng Khánh mới tinh chuyển sang trường Gia Long Saigon được bầu ngay “hoa hậu lớp chiều.” Tuổi học trò không biết lo phiền chút nào.
Những ngày nầy, Ba có vẻ trầm ngâm hơn.
Rồi một buổi sáng còn Xuân, một đoàn lính trang bị như vừa từ trong rừng rậm miền xa về thành phố với lá cây rừng ngụy trang trên chiếc nón sắt. Những người lính trẻ lắm, gương mặt đen đúa phong sương, dầy dạn. Toán lính đều bước âm thầm tiến vô cư xá, băng ngang trước nhà mình. Nàng hé cửa sổ, ngó ra ngưỡng mộ. Lần đầu tiên nhìn thấy những người lính trận mà nào giờ chỉ biết qua báo chí.
Ba nàng sửa soạn phim cho cái máy chụp hình, rồi bước ra sân, ngắm nghía qua ống kính, chụp hình đoàn lính. Buổi chiều, khi từ sở làm về, ba đã có trong tay những tấm hình thiệt đẹp đưa cho má và mấy chị em coi.
Toán lính ấy là Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên, đóng quân ngay trong cư xá. Nàng biết rõ, vì ngày hôm sau, có một người lính trong đoàn tới nhà kiếm ba. Sau đó, hai người, một già một trẻ, nói chuyện thấy tương đắc lắm. Mơ với mấy chị em, chỉ núp ló sau tấm màn mỏng ngay cửa buồng, đâu dám bước ra.
Ba cho Mơ một tấm chân dung của người lính trẻ đã tới làm quen với ba, biết anh ấy tên Minh. Trong hình, anh đứng hơi nghiêng, nón ngụy trang lá cây, khuôn mặt đẹp trai, oai lắm, dù sạm đen gió bụi. Lưng anh lính đeo súng, với những trái lựu đạn lủng lẳng. Giày và áo quần lính lấm bùn đất ngó dơ lắm. Hôm sau, anh lính ấy đem tới nhà cái áo lính sạch, nhờ may lại miếng huy hiệu có hình Trâu Ðiên bị sút chỉ.
Mơ chưa nói với anh một câu, dù là chào hỏi.
Anh tới, là Mơ chạy vội vô buồng, để rồi từ đó, ghé mắt dòm ra. Vậy mà, tấm hình của anh, Mơ đã ép vô trang tập giấy học trò theo Mơ dài hết bậc trung học. Cho tới ngày bỏ nước ra đi.
***
Một thời gian ngắn sau đó, toán lính Trâu Ðiên rút đi, lúc nào không biết. Khi nàng đi học về, đã thấy trong cư xá vắng lặng.
Mơ dõi theo tin chiến sự hằng ngày, đọc ké tờ báo của má ba mua tháng. Biết được những người lính Trâu Ðiên đó đã trở ra miền Trung, nơi đang có những trận đánh máu chảy thây phơi. Mỗi ngày, nàng đều hé cuốn tập, nhìn hình người lính chiến đã xa khuất tầm mắt học trò.
Sau Tết, thời gian hai tháng trôi qua đầy lo sợ ngay tại thành phố.
Một hôm ba về nhà, thì thầm với má về mấy người bạn đồng nghiệp của ba bị giết chết. Mơ loáng thoáng nghe về chuyện những lá cờ màu đỏ máu lạ hoắc treo lên tường trong ban đêm, đến sáng có người leo lên gỡ xuống, bị những viên đạn từ trong nhà nào đó nã ra, chết tươi.
Rồi một ngày mùa Xuân vẫn còn, thành phố yên bình, Saigon bỗng nhiên chìm trong khói lửa, Cộng Sản từ phương Bắc tràn vô Nam giết người.
Buổi sáng, trời còn mát, xóm trong dân chúng gánh gồng túa ra, hớt hải chạy ngang qua nhà:
“Cháy… cháy… tản cư bà con ơi!”
Mơ leo lên nóc nhà với chị, ngó vô xóm trong, ngó phía chân trời, thấy khói bốc lên, rồi lửa bừng lên màu đỏ khé ở xa xa, hướng mặt trời mọc.
Ba thay quần áo, nhét khẩu súng vô cái bao có dây chéo mặc lót bên trong áo sơ mi trắng, sửa soạn cái máy chụp hình, đeo lên vai, nói má đưa mấy nhỏ tản cư qua nhà thờ trước, ba tới sau.
Ba đi về hướng lửa cháy, ngược hướng nhà thờ.
Cả nhà chộn rộn, má lo cho mỗi đứa một bọc quần áo, bọc gạo, rồi mấy má con dắt díu nhau chạy qua nhà thờ lánh nạn. Trên trời máy bay trực thăng của lính Cộng Hòa quần quần kêu gọi mọi người mau tản cư qua vùng an ninh, tạm thời là nhà thờ bên kia con đường Lục tỉnh.
Ai có ngờ, buổi sáng hôm đó, là buổi sáng cuối cùng của năm Mậu Thân.
Ba có trở về nhà, bằng một thể xác còn hơi nóng, và dòng máu chảy hoài chảy hết thân thể. Hơn bốn mươi năm sau đó, nhà Mơ không còn cúng lễ Giao Thừa nữa. Mùa Xuân đã đi theo ba về miền miên viễn. Lần đầu tiên con nhỏ hiểu chiến tranh là tàn nhẫn.
Rồi một ngày, anh Minh “Trâu Ðiên” nghỉ phép, ghé thăm ba, để chảy nước mắt trên khuôn mặt gân guốc phong trần, thắp nén nhang cho ba trên bàn thờ, rồi từ giã má: “Ðời lính, sống chết gang tấc bác ơi, làm sao cháu lập gia đình!”
Mơ núp ló bên trong tấm màn cửa, ngó theo. Tấm hình của anh do ba chụp ngày Tết Mậu Thân, Mơ vẫn để trong cuốn tập, ngày ngày đi học mang theo để luôn luôn được nhìn thấy anh.
***
Hoàng là bạn thân của chị Ba. Từ trên Ðà Lạt sương mù xuống Saigon học.
Anh mang một gốc dạ lý hương từ nhà, cột sau xe Honda, đem tới nhà cho má. Má nàng trồng trước sân, mùa sau đã thành bụi, trổ bông thơm cả cư xá.
Hoàng tới như một giấc mơ trong chuyện cổ tích, có chàng hoàng tử, hôn lên môi nàng công chúa đang yên ngủ.
Năm 16 tuổi trái tim nàng bị cắn một phát đau nhói.
Tình yêu đẹp như chiếc bánh sinh nhật đầu tiên hình trái tim với chùm bông hồng tươi thắm màu đỏ, nằm ngoan trên mặt chiếc bánh sinh nhật do Hoàng đem tới.
Thuở đó nàng hay mặc áo dài trắng, mái tóc dài thường thắt hai bính thả buông trước ngực, đong đưa theo bước chân. Tâm hồn nàng thì chúi vào những trang sách mộng mơ, cuộc đời chưa thoáng buồn lo, dù ba vừa nằm xuống.
Sau đám tang ba độ hai tháng, một hôm Mơ và chị Ba cùng anh Hoàng, ba đứa trở về mái nhà xưa để dọn dẹp.
Căn nhà hạnh phút gần tan hoang chỉ sau mấy tháng bỏ đi, khi ba chết. Nệm giường, nệm ghế đều bị rọc tưa ra. Chỉ còn lại ba tấm hình chân dung của ba chị em treo trên tường còn nguyên trong khung. Chị Ba thu dọn rác rưởi, vừa làm vừa hát lâm râm… “về đây bên mái lá tàn hoang vu, về đây với tiếng hiu hắt lạnh lùng, ôi lãng du quay về điêu tàn…”
Hoàng đến nhà chơi gần như mỗi ngày, bằng chiếc xe Honda cũ xì. Nhiều khi là đưa chị Ba đi chơi hay đi làm về. Hai người ấy luôn đi có đôi, thân nhau lắm. Ai nấy đều tưởng hai anh chị sẽ đi tới hôn nhân. Mà thiệt tình, trong đôi mắt ngây thơ, con nhỏ cũng tưởng y như mọi người.
Cho tới một ngày anh muốn kèm mình học, bất cứ môn nào mình cần, lý do năm thi, cần học nhiều hiểu rõ. Trong các môn, mình kém sinh ngữ, nhất là Pháp văn. Vì cô giáo quá nghiêm khắc, nên tới giờ học Pháp văn là cái đầu của mình tự nhiên đờ ra, không nhớ gì hết, ngu tới nước…!!!
Nghe Hoàng đề nghị dạy kèm cho mình môn sinh ngữ hóc búa nhức đầu nầy, Mơ mừng lắm. Lúc đó, Mơ vẫn còn đi học bằng xe đưa rước. Lớp đệ nhị ra trước một tiếng lớp đệ nhứt. Trong khi xe đưa rước còn chờ vài chị lớp đệ nhất, mình có một tiếng đồng hồ trống, thường bu quanh mấy xe đậu đỏ bánh lọt.
Mấy nhỏ bạn còn nhắc nhau “ăn đậu cho nhiều, thi đâu… đậu đó.”
Tin chớ, vì mấy xe đậu đỏ bánh lọt bên hông trường Gia Long, mé chùa Xá Lôi nầy lúc nào cũng đông nghẹt.
Một bữa, Hoàng ngỏ ý muốn tới trường gặp mình. Sợ ghê lắm, nhưng không hiểu sao vẫn gật đầu. Mỗi khi Hoàng tới, hai má nàng nóng ran, đỏ ửng lên, tim đập náo loạn, còn bị bạn bè chọc.
Từ đó, mỗi tuần 1-2 ngày, Hoàng tới đón Mơ bên hông trường GL. Hoàng thường đưa nàng tới quán cà phê Hân bên Ða Kao. Quán cà phê nho nhỏ, trang hoàng những tranh ảnh rất đẹp, và thường có phát thanh nhạc do Khánh Ly và Lệ Thu ca thật hay. Ở đó cũng thường có mấy cuốn tạp chí bằng tiếng Pháp, anh thường đọc, hay dịch cho mình nghe. Tình cảm cứ êm đềm và trong vắt như những giọt sương mai. Chưa có cái nắm tay nhau.
Ngồi sau yên chiếc xe Honda của Hoàng, mình khép nhẹ tà áo trắng, bàn tay nắm lấy chiếc yên xe. Gió thổi ào hai bên chỉ dám nép mình phía sau lưng anh nhè nhẹ trong mùi hương con trai rất lạ lùng.
Một lần anh đưa mình đi chơi Biên Hòa, lên núi Bửu Long. Lúc trèo đèo ngang suối, anh dùng hai bàn tay bốc ngang eo, đưa mình qua suối. Một cảm giác như cháy bỏng, ngọt ngào xuyên qua tà áo dài.
Rồi một ngày, tình yêu vừa tới, đã vụt bay, như chiếc bong bóng xinh đẹp, vuột khỏi bàn tay nhỏ, bay lên cao mất dạng. Ai có ngờ, buổi sáng đó, là buổi sáng cuối cùng, với người yêu đầu đời. Cuộc đời giống như bánh xe quay tiến về phía trước, chợt sút dây sên, kéo lại sửa chữa chút chút, bánh xe lại tiếp tục quay về phía trước.
Ðối với nàng, Ðà Lạt là một giấc mơ cứ trở đi trở lại, mơ hồ như vòm trời mưa bụi lất phất bay, phủ mờ cảnh vật, mơ hồ như giấc mơ. Rẫy vườn nhà Hoàng ở Ðơn Dương, cách Lạc Lâm mười bảy cây số, và cách Ðà Lạt bao xa? Nàng chưa từng được biết.
Cứ mỗi lần cây dạ lý trổ nụ trắng cành, rồi thả hương ngây ngất là nàng lại trở về cơn mơ cũ, với mùi hương dạ lý từ đất Ðơn Dương cắm ngập hồn nàng từ thuở thanh xuân.
Trong giấc mơ nàng thường không có trọng lượng, nhẹ tênh, bay bềnh bồng theo những đám mây trắng, trên bầu trời rất trong rất xanh, nhiều tầng mây lớp lớp. Ngó xuống bên dưới những ô vuông xinh xắn, đủ màu xanh, xanh đậm, xanh tươi, xanh pha màu vàng của bông cúc, xanh pha màu bạc của phấn trắng, xanh pha màu cỏ non, màu cải trời, màu bông bí… những luống cải lúc nào cũng ướt đẫm sương.
“Anh sẽ đem em về đây, xây căn nhà nhỏ bên suối, phía sau nhà có cái thác nhỏ rì rào quanh năm. Mỗi buổi sáng mình sẽ cùng nhau đón mặt trời mọc, đẹp lắm em, buổi chiều, mặt trời lặn, anh chắc không nơi nào đẹp bằng ráng chiều Ðơn Dương trên rẫy. Buổi tối mình đón trăng lên. Anh sẽ đưa em về rẫy nhà anh, rẫy vườn đang chờ bàn tay anh, anh sẽ đem em về với anh…”
Nàng ứa nước mắt, ngay cả trong giấc mơ.
Giấc mơ nào cũng có màu xanh của rẫy từ làng Ðơn Dương qua tới làng Lạc Lâm. Nàng chưa bao giờ đặt chân tới. Có một lần, nàng đi con đường đèo quanh co từ Nha Trang qua Ðà Lạt, không gian trên lối khúc khuỷu bốc một mùi, mùi rẩy, mùi đất. Chiếc xe jeep ngừng trên một con dốc cao.
Trời mưa lất phất.
Những hạt mưa bay xiên, như sương, lạnh giá buốt phả vào mặt, phủ ướt mái tóc dài. Nàng đứng thẳng, nhìn đồi, nhìn núi, nhìn thông, nhìn dốc cao, nhìn lũng thấp, nhìn mây… Lòng tự hỏi Ðơn Dương ở hướng nào?
Lòng thê thiết!
Anh đang ở đâu?
Vườn rẫy, ngôi nhà của chúng ta, dòng thác phía sau… suốt chiều dài cuộc đời nàng, những giấc mơ thỉnh thoảng trở về bay lượn trên bầu trời Ðơn Dương. Ngôi nhà đó, nay chắc đã mục rã? Rẫy vườn đó, bàn tay anh có còn vun xới? Chiều chiều, anh có ngồi ngắm ráng chiều rực rỡ sau những rặng thông?.
Những giấc mơ bay lượn, tưởng chừng mới đêm qua trên bầu trời Ðơn Dương, một nơi nàng chưa bao giờ đặt bàn chân lên đất…
Hơn bốn mươi năm trôi qua như một giấc mơ.
Tấm hình người lính trẻ đã thất lạc vào đêm cuối cùng trên quê hương khói lửa. Nhớ anh, nàng không còn tấm hình ép trong tập, để lâu lâu hé nhìn.
Hình ảnh người yêu đầu đời mãi bay lượn trong giấc mơ, và đêm Giao Thừa hạnh phúc cuối cùng… như là một chuyện cổ tích ở xứ nào đã xa lắc xa lơ nửa vòng trái đất.
Con đường trong giấc mơ, hai đứa nắm tay nhau chạy, phơi phới như ngọn gió xuân ấm áp, cũng chỉ là một chuyện cổ tích thần tiên trong giấc mơ của nàng.
Hơn bốn chục năm đã trôi qua… không thể mưa hoài. Ðất trời đang mang một màu tươi mới đón gió Xuân, và lòng nàng thì vẫn nhớ, y như hơn bốn chục năm trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét