Pages

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Nhật hạ gục Trung Quốc trên biển bằng cách nào?

(VnMedia) - Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản là một lực lượng hải quân có năng lực cao mặc dù đó là một nhánh nhỏ nhất trong quân đội Nhật. Hải quân Nhật Bản hiện đại hơn về kỹ thuật, kinh nghiệm hơn và được đào tạo bài bản hơn đối thủ chính của họ là Lực lượng Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, về lâu về dài, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản – đội quân thực thi pháp luật trên biển của Tokyo, sẽ mất đi lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực thực hiện chương trình vũ trang cho hải quân, làm thay đổi thế cân bằng trên biển theo thế nghiêng về phía Bắc Kinh. 



“Xét từ khía cạnh quân sự, Tokyo đang ngày càng trở thành bên yếu hơn trong cuộc cạnh tranh, ganh đua Trung-Nhật”, giáo sư thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân – ông Toshi Yoshihara, đã đưa ra nhận định như vậy trong bản báo cáo năm 2014 của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS). “Nhật Bản nhận thấy chính mình đang bị bóp nghẹt giữa một bên là sức mạnh quân sự tiềm tàng của Trung Quốc – sức mạnh đang thúc đẩy Trung Quốc tăng cường dọa dẫm trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và một bên là khả năng của Trung Quốc trong việc chặn con đường tiếp cận của các nước đến với các tài nguyên chung toàn cầu trong trường hợp sự răn đe thông thường không có tác dụng”, ông Toshi Yoshihara phân tích.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng từ mức 28% trong tổng chi tiêu quân sự của toàn khu vực năm 2010 lên mức 38% năm 2014 với con số là 129,4 tỉ USD. Ngược lại, Nhật Bản, bất chấp việc Bắc Kinh đang muốn gióng lên hồi chuông báo động về sự nổi lên của chủ nghĩa quân sự Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe thì chi tiêu quân sự của nước này giảm từ mức chiếm 20% tổng mức ngân sách quân sự của khu vực năm 2010 xuống còn chưa đầy 14% trong năm 2014. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Tokyo là 47,7 tỉ USD, bằng khoảng 1/3 do với chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh sự sụt giảm dần về sức mạnh quân sự của Tokyo đâu là chiến lược tốt nhất để Lực lượng Bảo vệ Hàng hải Nhật Bản có thể đối đầu với Trung Quốc trong những năm tới?

Theo ông Toshi Yoshihara, đó chính là khái niệm hành động chống tiếp cận với đặc điểm Nhật Bản. Nói tóm lại, Nhật Bản nên cho Trung Quốc một liều thuốc của riêng mình và cạnh tranh với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của quân đội Trung Quốc mặc dù có ít bằng chứng thực tế cho thấy Hải quân Trung Quốc đang đặt ưu tiên cao cho một chiến lược như thế. Một khái niệm hành động A2/AD mang đặc điểm Nhật Bản sẽ tính đến vai trò của Tokyo như là một người giữ cổng ở vùng lãnh hải mở của Thái Bình Dương và sẽ tập trung quanh việc khai thác lợi thế địa lý hàng hải của Nhật Bản so với Trung Quốc bằng cách khéo léo triển khai Lực lượng Bảo vệ Hàng hải dọc dãy đảo Ryukyu, giam chân quân đội Trung Quốc ở Biển Hoa Đông cho đến khi Hải quân Mỹ và các hải quân của các nước đồng minh khác có thể triển khai ở mức độ cao nhất trong khu vực.

Mục tiêu hành động ngắn hạn sẽ là tạo ra một tình thế bế tắc về quân sự cho đến khi các lực lượng đồng minh mạnh hơn có thể chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm với Nhật Bản. “Trong khi dãy đảo Ryukyus nằm hoàn toàn trong khái niệm khu vực chống tiếp cận của quân đội Trung Quốc, vị trí chiến lược của quần đảo này cho phép Nhật Bản có cơ hội giành lại ưu thế so với Trung Quốc. Bằng cách triển khai các đơn vị chống tiếp cận và chống xâm nhập dọc quần đảo, lực lượng của Nhật Bản có thể đóng sập cánh cửa quan trọng không cho tàu nổi, tàu ngầm và lực lượng không quân Trung Quốc đi vào vùng biển khơi Thái Bình Dương”, ông Toshi Yoshihara nhấn mạnh.

Ông Bernard D. Cole trong cuốn sách của mình mang tên Các Chiến lược Hải quân ở Châu Á – Vượt Vùng Biển Động đã đưa ra lập luận rằng, “mặc dù không chính thức công bố” nhưng Nhật Bản “về cơ bản” đã sẵn sàng cả về ý định và mục đích để theo đuổi một chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) dù chưa phải là toàn diện. Nhân tố trụ cột trong chiến lược A2/AD của Tokyo là chiến tranh ngầm dưới biển – một chiến lược hứa hẹn sẽ là công cụ A2/AD hiệu quả trong bối cảnh năng lực chống tàu ngầm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa còn nghèo nàn như một báo cáo gần đây về các điểm yếu trong quân đội Trung Quốc đã vạch ra.

Tàu ngầm sẽ là lực lượng chiến đấu chính của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Trong năm 2010, Hải quân Nhật Bản thông báo rằng họ sẽ tăng hạm đội tàu ngầm từ 16 đến 22 tàu. Xương sống của hạm đội mới sẽ là 10 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện Soryu, 5 trong số này đã được đưa vào hoạt động và số còn lại sẽ được đưa vào biên chế chiến đấu năm 2019. Tàu ngầm Soryus là một trong những loại tàu ngầm diesel tối tân nhất về kỹ thuật cũng như lớn nhất thế giới. Lực lượng Bảo vệ Hàng hải Nhật Bản còn sở hữu 11 tàu ngầm diesel lớp Oyashio.

Hồi năm ngoái, tạp chí Defense News từng cho biết, để đối phó với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc, Nhật Bản tập trung vào ba chương trình cơ bản: phát triển các tàu sân bay trực thăng cỡ lớn, chế tạo thế hệ tiếp theo của lớp tàu ngầm 3.300 tấn Soryu và xây dựng các tàu khu trục Aegis đời mới.

Các sách lược này được củng cố hơn với kế hoạch triển khai 20 máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1, thay thế cho những chiếc P-3C cũ, cùng máy bay trực thăng săn ngầm được cải tiến SH-60K.

Chuyên gia nhận định, khi đi vào hoạt động, những vũ khí mới sẽ góp phần tạo nên một hạm đội mạnh mẽ hơn, giúp tăng cường vai trò của Nhật Bản, không chỉ đơn thuần là "lá chắn" mà còn trở thành "lưỡi giáo" của Hải quân Mỹ./Kiệt Linh (theo The Diplomat)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét