Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

The Economist: Nguyễn Bá Thanh - Một phút huy hoàng rồi chợt tắt?

Người dân nhỏ lệ khóc ông trên khắp nẻo đường ở thành phố lớn thứ ba của Việt Nam. Vào ngày 13 tháng Hai, Nguyễn Bá Thanh, người con gốc Đà Nẵng mà nhiều người ở thành phố này xem như là anh hùng, đã qua đời vào tuổi 61. Trong tuần qua, nhiều dòng người khóc thương nối nhau đến viếng ông.

 


Ông Thanh nổi danh từ khi còn là bí thư Đảng lâu năm tại Đà Nẵng. Ông là một người hấp dẫn lạ thường, nhất là khi so với khuôn thước của quốc gia độc đảng này. Đa số các quan chức người Việt chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng đơn điệu, nhưng ông Thanh nổi tiếng là người dám đuổi nhân viên và công khai giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai. Người dân Đà Nẵng xem ông là một nhà lãnh đạo cứng rắn, sâu sát và làm việc không mệt mỏi để biến thành phố của họ thành một trong những địa phương sôi động và thịnh vượng nhất Việt Nam. Một doanh nhân ngoại quốc từng gặp ông Thanh vài lần tại văn phòng kể lại việc ông thường bắt đầu cuộc họp bằng cách khuỳnh vai trừng mắt nhìn khách của mình như nhân vật thủ lĩnh mafia trong phim truyền hình Tony Soprano; một nhà ngoại giao Mỹ từng gọi ông là "kẻ độc tài".

Theo một số nguồn tin thì ông nhúng tay quá sâu vào việc quản lý vụn vặt trong chính quyền Đà Nẵng - ví dụ như đích thân lựa chọn bài hát biểu tượng cho thành phố. Khi ông được đề bạt vào chức vụ cấp nhà nước của Đảng, ông nắm việc lãnh đạo bộ phận chống các vụ tham nhũng tai tiếng. Người ta hi vọng rằng ông có thể mang lại sinh lực cho chiến dịch kéo dài nhằm xóa bỏ nạn hối lộ của chính phủ.

Điều mỉa mai là một người không thể nào thăng tiến lên những chức vụ cao như thế trong hệ thống chính trị của Việt Nam mà không dính dáng đến tham nhũng. Đối thủ của ông Thanh nhắm vào những cáo buộc rằng chính quyền của ông hoạt động được nhờ tham nhũng; có tin đồn rằng ông cực kỳ giàu có. Nhưng không như các đồng chí đảng viên khác vốn có xu hướng lạm dụng quyền lực của mình, ông được lòng công chúng bằng lôi kéo giới đầu tư ngoại quốc và xây dựng các công trình công cộng quan trọng.

Bất cứ ai đến thăm Đà Nẵng đều có thể thấy được di sản của ông, đấy là một thành phố duyên hải với gần một triệu dân nằm khoảng giữa thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của cả nước. Thành phố nhìn ra hướng biển Đông, trước đây rải rác những làng chài ngái ngủ, giờ thì chật kín những khu nghỉ dưỡng. Sân bay thành phố được mở rộng mạnh vào năm 2011: Có những chuyến bay thẳng từ Đà Nẵng đến nửa chục thủ đô các nước châu Á. Một loạt các cao ốc và đường xá mới xây - kể cả một chiếc cầu hình rồng thật sự phun lửa - chen nhau dưới nền trời của thành phố. Đà Nẵng liên tục đứng đầu trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp Tỉnh - một khảo sát thường niên nhằm xếp hạng khả năng quản lý kinh tế trên khắp 63 tỉnh thành Việt Nam.

Mặc dù ông Thanh đã giúp thay đổi quê mình, vị thế ngôi sao của ông chìm tắt khi ông vươn đến cấp bậc nhà nước. Năm 2013 ông chuyển ra Hà Nội để trở thành người lãnh đạo công tác chống tham nhũng của Đảng. Nhưng ông không bao giờ được ghi công trực tiếp về bất kỳ vụ điều tra lớn nào trong vị trí của mình, và ông đã không giữ được một chỗ trong Bộ Chính trị cao cấp của Đảng. Một học giả tại Hà Nội nói rằng có lẽ ông Thanh có tính chủ nghĩa cá nhân quá cao đối với văn hoá chính trị đồng thuận của thủ đô. Một giả thiết khác cho rằng ông là nạn nhân của một cuộc tranh giành quyền lực trong đó các thành phần trung thành với người ủng hộ ông nhiều nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối đầu với các thành phần trung thành với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bên cạnh đấy còn là việc ông Thanh có ít kinh nghiệm với cách làm việc quan liêu của Đảng Cộng sản. Điều đáng lưu ý là ông đã điều hành những thay đổi trong đó tăng thêm số lượng Đảng viên được quyền bầu cho chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Đấy là một bước đi xa rời rất nhiều so với việc tiếp nhận tiến trình dân chủ. Nhưng một số người cho rằng việc này cũng đủ để khiến cho giới bảo thủ ở Hà Nội nghi ngờ.

Cái chết của ông lại dấy lên những ngờ vực hoàn toàn khác. Chính thức mà nói thì chứng ung thư đã giết ông sau khi vật lộn suốt chín tháng. Nhưng dựa trên rất ít bằng chứng, một số blogger viết về chính trị lại cho rằng có thể ông đã bị đầu độc. Điều này nghe có vẻ rất khó tin nhưng lời đồn đãi này lại quá mạnh đến nỗi chính quyền phải làm một việc hiếm có là công khai bác bỏ nó. Mối hoài nghi này cho thấy ông Thanh, mặc dù không làm được việc gì tại Hà Nội, vẫn là một tên tuổi đáng kể trong nền chính trị Việt Nam. Và đấy có thể là một điều nguy hiểm.

Câu hỏi hiện giờ là liệu có thành viên trẻ hơn nào trong Đảng sẽ tiếp bước ông, nếu không thì một nhà độc tài dân tuý hay một quan chức tàn nhẫn nhưng hiệu quả. Về phong cách, ông Thanh không có ai sáng giá để thừa kế mình, và chắc hẳn cũng không có ai xuất hiện từ các tỉnh trước khi Đảng thay đổi hàng ngũ lãnh đạo cao cấp vào năm 2016. Nhưng không người Việt nào sẽ sớm quên tấm gương của ông, đặc biệt là tại Đà Nẵng, với chiếc cầu rồng của ông vẫn đang phun lửa.

nbt02.jpg

Diên Vỹ chuyển ngữ
Nguồn: The Economist
(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét