Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Trần Nhật Minh - Quan chức và hình ảnh trước truyền thông

Trần Nhật Minh
Xuất hiện trước công chúng thân thiện, giản dị nhưng cũng đầy lịch lãm sẽ làm khoảng cách giữa quan chức và người dân gần gũi hơn, tạo nên sự tin cậy.
Dịp giáp Tết Ất Mùi vừa qua, Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2 - Đài TNVN) thực hiện cuộc toạ đàm trực tiếp chủ đề: "Tai nạn giao thông ngày Tết: Nỗi ám ảnh kinh hoàng". Khách mời là một Phó chủ tịch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Trình độ và tư cách của ông quá đủ cho chủ đề nóng dư luận đặc biệt quan tâm này. Sắp đến giờ phát sóng, lãnh đạo vì trăm công nghìn việc "alo" thông báo có thể đến muộn.
Cũng không sao, nhà đài đã có phương án dự phòng. Vị khách mời thứ 2, một đồng nghiệp cấp trưởng phòng của báo bạn Tiền Phong cũng có thừa thông tin và lập luận để "lấp" chỗ trống của vị quan chức. Cuối cùng thì vị lãnh đạo đĩnh đạc với comple, caravat kèm theo cả thư ký cũng kịp dự buổi phát sóng.

Chỉ có điều ông xuất hiện tại phòng thu của đài quốc gia với một thái độ không xứng với tầm vóc của một chính khách. Ông bực tức khi biết thư ký đã thông báo nhầm thành chương trình truyền hình VOV. Ngay lập tức, trước mặt toàn bộ ekip thực hiện chương trình, ông hạch sách, rồi tháo vội chiếc caravat lia về phía thư ký.
Chiếc phong bì thù lao khách mời dành cho ông cũng bị chung số phận. Hành xử của ông khiến toàn bộ ekip sững sờ, trong khi vị thư ký thì lúng ta lúng túng như "gà mắc tóc" không biết xử sự ra sao trước sự tức tối của lãnh đạo.
Cuối cùng buổi trực tiếp cũng suôn sẻ với những phát biểu hùng hồn của ông về trách nhiệm của nhà chức trách trong việc thi hành công vụ đảm bảo an toàn giao thông...Lời nói thì như thần nhưng cung cách hành xử, lời nói trước đó thì thật khó chấp nhận đối với người đại diện một ủy ban lớn của Chính phủ. Nó thể hiện một thái độ thiếu văn hóa, điều không nên có ở một người bình thường chứ chưa nói ở cương vị lãnh đạo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cổ vũ ĐT Đức thi đấu tại World Cup 2014 (Ảnh: Getty)
Người viết mấy dòng này chợt nhớ tới hình ảnh Thủ tướng Đức Merkel bình dị như một cổ động viên bình thường hoà vào đám đông trên khán đài cổ vũ đội tuyển quốc gia Đức thi đấu; vào phòng thay đồ chúc mừng các cầu thủ đoạt chức vô địch thế giới.
Và gần đây là hình ảnh gần gũi dung dị của ông Ted Osius, tân Đại sứ Mỹ khi ông cùng các bạn trẻ Việt Nam đạp xe trên đường Trường Sa và Hoàng Sa, rồi ghé thăm những khu chợ, trò chuyện cởi mở với các bạn trẻ và báo giới tại một quán cà phê bình dân ở thành phố Hồ Chí Minh...
Một điều dễ thấy là ở nhiều nước, giới lãnh đạo luôn hành xử, lập ngôn một cách rất chuẩn mực phù hợp với chức phận của mình. Không lên gân, không tỏ ra "khác biệt"...bởi chung quy thì lãnh đạo cũng chỉ là một nghề, bình đẳng như bao vị trí nghề nghiệp khác.
Trong khi đó, một bộ phận quan chức, lãnh đạo nước mình lại thường tỏ ra quan cách, xa rời dân chúng. Ngồi xem đá bóng, xem biểu diễn nghệ thuật lúc nào cũng ngự chỗ vip, đi đâu cũng "tiền hô hậu ủng" tuỳ tùng, thư ký, trợ lý, còi ủ, xe dẫn đường ầm ĩ, trông hãnh tiến và thiếu sự thân thiện, chân tình. Lập ngôn thì trái ngược hẳn với hành động.
Làm lãnh đạo không chỉ cần năng lực điều hành công việc, mà cần thể hiện tác phong gần gũi và thuyết phục. Không hề hình thức mà những tác phong đó thể hiện chức phận "đầy tớ" của dân. Hống hách, quan cách chỉ có ở những vị coi việc làm quan là để oai phong, thu hái bổng lộc, tiến thân, mà quên đi bổn phận, trách nhiệm của mình.
Xuất hiện trước công chúng thân thiện, giản dị nhưng cũng đầy lịch lãm sẽ làm khoảng cách giữa quan chức và người dân gần gũi hơn, tạo nên sự tin cậy. Niềm tin trước hết đến từ lời nói, cử chỉ, hành xử đúng mực.
Hãy bắt đầu công việc làm quan chức bằng cách xây dựng một hình ảnh gần gũi với người dân, đương nhiên hình ảnh đó phải xuất phát từ cái tâm, cái tình đối với đồng bào mình, chứ không phải trong bộ cánh tô vẽ, đánh bóng, phô diễn hình ảnh một cách giả tạo./.
Trần Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét