Pages

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Triều Tiên ‘phù phép’ tàu vận tải né lệnh trừng phạt quốc tế

(PLO) - Một công ty vận tải của Triều Tiên, từng cố giấu máy bay chiến đấu dưới một chuyến hàng chở đường, đã tiếp tục tìm cách né lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc bằng cách đổi tên hầu hết tàu thuyền của mình.

Công ty Quản lý Hàng hải Đại dương (OMM) đặt trụ sở tại Bình Nhưỡng đã được “lật tẩy” đến từng chi tiết trong báo cáo của các chuyên gia giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức tham vấn trên bản báo cáo vào ngày 26-2, đồng thời cũng nói rằng chính phủ Triều Tiên vẫn “cố chấp” giữ nguyên chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của mình, bất chấp các nghị quyết của Hội đồng.
Vào năm ngoái, Hội đồng đã áp đặt lệnh trừng phạt lên công ty OMM sau khi chính quyền Panama bắt giữ 1 tàu của công ty này đang chở những thiết bị quân sự không được khai báo từ Cuba về Triều tiên vào năm 2013. Trong vụ việc lần đó, nhà chức trách Panama đã phát hiện 2 chiến đấu cơ Cuba, tên lửa và đạn dược dưới chuyến tàu chở đường cát mang tên Chong Chon Gang.




Tàu Chong Chon Gang giấu các thiết bị máy bay chiến dấu dưới các lô hàng đường cát (Ảnh: AP)

Ủy ban quản lý lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an khi đó cho biết, hành động của OMM đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà LHQ áp dụng chống lại các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Đại sứ Mỹ Samantha Power tại Liên Hiệp Quốc từng cho rằng, chỉ có cách đóng băng tài sản toàn cầu của OMM mới khiến công ty này không thể hoạt động nữa.
Nhưng trong các báo cáo mới đây, vài tháng sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng, 13 trong số 14 tàu của OMM đã thay đổi chủ sở hữu và người quản lý, “xóa trắng hiệu quả” công ty này trong dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. 12 chiếc “được báo là vẫn ở lại, đi đến hoặc được phát hiện gần các cảng ở nước ngoài,” và không chiếc nào bị đóng băng bởi các nước thành viên.
Báo cáo đã khám phá ra tầm hoạt động toàn cầu của công ty vận tải này. Được biết, OMM dùng người và tổ chức pháp nhân ở hơn 10 quốc gia: Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, Malaysia, Peru, Nga, Singapore và Thái Lan. Bản báo cáo khuyên lệnh trừng phạt cần cập nhật gấp thêm 34 cơ quan đại diện pháp nhân của OMM và tất cả 14 tàu vừa đổi tên nên được xử phạt.


13 trên 14 chiếc tàu chở hàng của OMM đã được đổi tên hàng loạt (Ảnh: AFP)
Báo cáo cũng cho biết các nhà ngoại giao, quan chức và đại diện thương mại của Triều Tiên vẫn tiếp tục "đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện buôn bán thuận lợi các mặt hàng bị cấm, bao gồm vũ khí, trang thiết bị liên quan và các mặt hàng hỗ trợ tên lửa đạn đạo." Nhóm chuyên gia cảnh báo rằng vài nước thành viên của LHQ vẫn không thực hiện các nghị quyết hội đồng, để Triều Tiên tiếp tục các hành động vi phạm.
Triều Tiên cũng phải đối mặt với lệnh cấm vận hàng hóa xa xỉ, nhưng nước này vẫn có thể đem về hàng hóa xa xỉ từ nhiều nước, bao gồm cả sự giúp đỡ của các sứ quán ngoại giao. Một số mặt hàng còn được dùng cho đèo trượt tuyết sang trọng Masik Pass của Triều Tiên vào năm 2013. Trung Quốc nói rằng các thiết bị nâng đường trượt họ cung cấp là có thể chấp nhận vì “trượt tuyết là môn thể thao phổ biến cho mọi người” và các thiết bị trượt tuyết không bị ngăn cấm đặc biệt.



Tàu của Triều Tiên cập tại bến cảng Panama (Ảnh: AP)
Trong trường hợp khác, chiếc du thuyền được thấy bên cạnh lãnh đạo Kim Jong Un vào 2013 đã được xác định là có nguồn gốc từ nhà máy Anh quốc Princess Yachts International.
Các chuyên gia cho biết, họ đã mở cuộc điều tra đầu tiên với những máy bay không người lái của Triều Tiên, sau khi xác 3 chiếc máy bay được tìm thấy ở Hàn Quốc vào cuối 2013, đầu 2014. Những máy bay này được dùng để trinh sát các cơ sở quân sự của Hàn Quốc và chúng chứa các thành phần “có nguồn gốc từ ít nhất 6 quốc gia”.
Triều Tiên phản đối rằng lệnh trừng phạt của LHQ gây hại cho công dân nước này, nhưng báo cáo thấy rằng họ không tìm thấy sự cố nào “gây hậu quả trực tiếp đến tình trạng thiếu viện trợ nhân đạo”. Báo cáo khuyên rằng Ủy ban trừng phạt nên miễn trừ hoàn toàn lệnh cấm vận đối thực phẩm, thuốc men hoặc các nhu cầu thiết yếu khác vì lý do nhân đạo. /Bích Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét