Pages

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Trung Quốc - Achentina hợp tác chế tạo máy bay tiêm kích

mediaTổng thống Achentina, C. Kirchner (trái) và thủ tưởng TQ, Lý Khắc CườngReuters
Theo tuần báo trên mạng Hoa Kỳ Defense News, Trung Quốc và Achentina có thể hợp tác cùng chế tạo máy bay tiêm kích. Hai bên đã đồng ý lập nhóm công tác thảo luận việc chuyển giao công nghệ quân sự.





Dự án này thể hiện rõ quyết tâm của Achentina hiện đại hóa lực lượng không quân, sau khi Anh Quốc đe dọa ngăn cản Thụy Điển bán tiêm kích Saab Gripen cho Buenos Aires.
Trong chuyến công du Trung Quốc, 02-05/02/2015 của Tổng thống Achentina, hai nước đã thông báo lập nhóm công tác thảo luận về việc chuyển giao công nghệ quân sự, trong đó có công nghệ chế tạo máy bay tiêm kích. Trung Quốc đã ủng hộ lập trường của Achentina trong cuộc chiến Falkland-Malouines và thường so sánh với các tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Theo tuần báo Defense News, hai nước có thể hợp tác chế tạo loại tiêm kích FC-1/JF-17 hoặc J-10. Cả hai loại máy bay này đều do tập đoàn máy bay Thành Đô chế tạo.
Tiêm kích JF-17 do Pakistan chế tạo với sự hỗ trợ của Trung Quốc, một biến thể của tiêm kích FC-1.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội của Achentina, mà còn có tầm quan trọng chính trị đặc biệt đối với Trung Quốc, tạo dựng uy tín và mở cửa cho các dự án bán máy bay cho các nước khác. Do vậy, Bắc Kinh sẽ cung cấp các điều kiện tài chính thuận lợi và rất chú ý tới khâu bảo trì và huấn luyện.
Tuy nhiên, vấn đề hậu cần và hỗ trợ sau khi chuyển giao công nghệ của Trung Quốc thường gây nghi ngại, nhưng dường như Achentina không có sự lựa chọn nào khác vì Anh Quốc tìm mọi cách ngăn cản các dự án mua máy bay của phương Tây. Nga cũng có thể là đối thủ cạnh tranh, nhưng bị mất uy tín trong khâu hỗ trợ sau khi chuyển giao công nghệ.
Tháng 10/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Achentina thông báo ý định mua 14 tiêm kích Saab Gripen thay thế cho máy bay Dassault Mirage III/5 ; loại tiêm kích này đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Falkland – Malouines năm 1982 (tranh chấp giữa Anh và Achentina về chủ quyền đối với quần đảo này)
Ngay lập tức, Luân Đôn đã bóp chết ý định này. Mặc dù tiêm kích Saab Gripen do Thụy Điển sản xuất, nhưng sử dụng khoảng 30% các thiết bị và công nghệ của Anh. Do vậy, việc xuất khẩu tiêm kích Saab Gripen sang các nước phải có sự chấp thuận của Luân Đôn.
Anh Quốc đã đưa ra quyền phủ quyết này kể từ sau cuộc chiến Falkland-Malouines, nhưng chưa bao giờ sử dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét