Pages

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Trung Quốc nhận chìm hồ sơ Biển Đông tại Hội nghị Quốc phòng ASEAN

Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất, Hà Nội, 12/10/2010Ảnh: Reuters
Theo tiết lộ của báo mạng Nhật Bản The Diplomat vào hôm nay, 18/02/2015, Trung Quốc lại gây sức ép để ngăn chặn các cuộc thảo luận đa phương về Biển Đông. Trong cuộc họp cấp chuyên viên diễn ra vào tuần trước, chuẩn bị cho Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng – ADMM Plus, dự trù vào tháng 11 tới đây, Bắc Kinh đã bác bỏ một đề nghị của ASEAN muốn đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự.


Hội nghị mang tên tắt tiếng Anh là ADMM+ là một cơ chế tập hợp Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 đối tác gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand. Cho đến nay, cơ chế này đã họp được hai lần, vào năm 2010 tại Hà Nội, và vào năm 2013 tại Brunei. Cuộc họp tới đây sẽ diễn ra tại Malaysia vào tháng 11/2015.
Theo chuyên san quốc phòng IHS Jane’s, nhân một cuộc họp cấp chuyên viên vào tuần trước, các nước ASEAN đã đề nghị đưa hồ sơ vào chương trình nghị sự Hội nghị ADMM+ tới đây, cụ thể là thảo luận về việc thực thi Bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC đã ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như về bộ Quy tắc Ứng xử đang được gợi lên.


Tuy nhiên, đề nghị của phía ASEAN đã bị Trung Quốc bác bỏ, và điều đó có nghĩa là nếu sắp tới đây, Bắc Kinh không thay đổi ý kiến, thì vấn đề Biển Đông sẽ không được đề cập đến tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào tháng 11.


Đây là một điều hết sức mỉa mai đối với một cơ chế từng đề ra mục tiêu thảo luận giữa các thành viên về những biện pháp thực tế để hợp tác trên biển, nhằm giảm bớt căng thẳng và dự phòng xung đột.


Theo nhận định của The Diplomat, thái độ của Bắc Kinh nhận chìm hồ sơ Biển Đông đã củng cố thêm thái độ trong khu vực về thực tâm của Trung Quốc trong việc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử.


Lý do rất đơn giản, Bắc Kinh không muốn bị một văn bản chính thức trói tay trong tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông.


Mặt khác, Trung Quốc cũng không muốn « quốc tế hóa » tranh chấp Biển Đông, để có thể bắt chẹt các nước Đông Nam Á nhỏ yếu hơn đang tranh chấp với mình, dưới chiêu bài thương thuyết song phương./Trọng Nghĩa (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét