Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Tự do báo chí : Việt Nam vẫn tụt hạng trên thế giới

mediaViệt Nam đứng hàng 175 trên 180 quốc gia theo bảng xếp hạng của Phóng viên không biên giới @rsf
Hiện tượng quyền tự do báo chí càng lúc càng bị thu hẹp tại Việt Nam trong năm 2014 với một loạt những vụ bắt giữ, sách nhiễu giới viết blog đã được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans frontières RSF) – trụ sở tại Pháp - tổng kết trong bản báo cáo thường niên 2015 về tình hình tự do báo chí trên thế giới. Bản phúc trình kèm theo bảng xếp hạng, đã được chính thức công bố vào hôm nay, 12/02/2015 tại Paris.






Trong bảng xếp hạng quyền tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thứ tự từ cao đến thấp, Việt Nam bị xếp thứ 175, nằm trong số nước có tình trạng tự do ngôn luận tồi tệ nhất, chỉ hơn được Trung Quốc (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Triều Tiên (179) và Erythrea đội sổ.
Vấn đề đối với Việt Nam là thứ hạng trên trường quốc tế của Việt Nam về tình hình tự do báo chí liên tục tuột giảm trong thời gian những năm gần đây, từ hạng 165 trên 173 nước vào năm 2010, đã tiếp tục xuống dốc trong những năm sau, tới mức 174 trên 180 vào năm ngoái 2014, để xuống thêm một hạng vào năm nay.
Nhận xét chung của Phóng viên Không Biên giới không khoan nhượng : « Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch đàn áp từ một vài năm nay. Chính quyền đã sử dụng cả một kho luật lệ đều hơn nhau về tính tùy tiện, với lời lẽ lúc nào cũng mơ hồ, như trong điều 258 của Bộ luật Hình sự, phạt án tù đối với mọi hành động « lợi dụng các quyền tự do dân chủ », cho phép chính quyền « biện minh bằng pháp luật » chủ trương bịt miệng các tiếng nói bất đồng ».
Về tình hình trong năm 2014, Phóng viên Không Biên giới nêu bật các vụ tiếp tục bắt giam các công dân-nhà báo và blogger, bên cạnh một yếu tố đặc biệt đáng quan ngại là nạn bạo hành của công an nhắm vào giới blogger. Phóng viên Không Biên giới tố cáo hiện tượng : « Nhà chức trách câu kết với giới côn đồ để tiến hành các vụ sách nhiễu. Bản chất của các đối tượng bị nhắm, và tính chất thô bạo của các cuộc tấn công, phản ánh một chiều hướng cứng rắn hơn của chiến dịch đàn áp ».
Trong những bảng xếp hạng trước đây, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã từng xếp Việt Nam vào diện « Nhà tù lớn thứ hai, sau Trung Quốc, đối với các công dân mạng », tức là giới blogger, trong lúc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được liệt vào danh sách những kẻ thù của Internet.
Tuy nhiên, phải nói là tình hình không tốt đẹp tại Việt Nam không phải là một trường hợp cá biệt. Nhận định chung của Phóng viên Không Biên giới trong bản báo cáo 2015 là đã có một« sự suy thoái thô bạo » của quyền tự do báo chí trên thế giới trong năm 2014. Theo tổ chức này, đấy là hậu quả của hành động của các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại vùng Cận Đông, hay các phần tử Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Christophe Deloire, Tổng thư ký của Phóng viên Không Biên giới nhận định : « Đã có một sự suy thoái toàn cầu, bắt nguồn từ những nguyên do rất khác nhau, với sự tồn tại của các cuộc chiến tranh thông tin, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước vốn xử sự như những bạo chúa trong lãnh vực thông tin ».
Đối chiếu hai bảng xếp hạng của Phóng viên Không Biên giới trong hai năm 2014 và 2015, giới quan sát sẽ thấy ngay hiện tượng thụt lùi toàn cầu và nghiêm trọng của quyền tự do báo chí trong năm qua : 2/3 trong số 180 quốc gia và lãnh thổ trong danh sách lần này của Phóng viên Không Biên giới đều tụt hạng so với lần trước.

Không có nhận xét nào: