Pages

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Vẫn còn hy vọng cho tự do dân chủ tại Việt Nam

Người công nhân trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay theo quan điểm của chúng tôi là họ đang bị bóc lột một cách rất là thậm tệ
Người công nhân trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay đang bị bóc lột một cách rất là thậm tệ
AFP
Trong không khí cuối năm chuẩn bị cho một mùa xuân mới, xã hội nao nức chờ đón những niềm hy vọng mang đến tài lộc cho gia đình thì những người có tư tưởng đấu tranh vì tự do dân chủ cho đất nước lại kỳ vọng vào một mối hy vọng khác trong năm 2015, đó là niềm hy vọng tự do dân chủ cho dân tộc. Mặc Lâm tìm hiểu ý kiến của một vài khuôn mặt được nhiều người biết nhất để có một bức tranh tạm gọi là đầy đủ về niềm tin của họ vào ngày 30 Tết trước giờ giao thừa của xuân Ất Mùi sắp tới.

Đấu tranh dân chủ tại Việt Nam từ nhiều năm qua mặc dù bị ngăn cấm bằng mọi cách, nhưng những bông hoa nhỏ bé ấy vẫn không ngưng nở trong từng ngôi nhà, thậm chí tại các phòng giam hay những vùng đất xa xôi cách trở với đất nước. Những bông hoa không thể bị vùi dập ấy tuy khác tính cách, hoạt động, hội nhóm nhưng điểm chung vẫn là niềm hy vọng khát bỏng một nền tự do dân chủ thật sự cho đất nước.

Đấu tranh cho người lao động

Lê Thị Công Nhân

Những khuôn mặt mà chúng tôi có cơ hội nói đến hôm nay rất đa dạng. Từ đấu tranh cho tự do báo chí, đến tự do được bày tỏ quyền biểu tình của mình. Từ tranh đấu vì nhân quyền bị chà đạp đến đòi hỏi được tự do thành lập hội nhóm xã hội dân sự. Từ đấu tranh cho dân oan đến sự quan tâm cho tự do tôn giáo…trong tất cả các hoạt động đấu tranh ấy có một nhóm đấu tranh cho người lao động đáng chú ý, đó là tổ chức Lao Động Việt mà luật sư Lê Thị Công Nhân là đại diện tại Việt Nam.

Tổ chức Công đoàn của nhà nước mặc dù đầy dẫy trong các công ty nước ngoài nhưng phía sau nó là những bi kịch của một đất nước đem nhân công giá rẻ ra để mặc cả trên thương trường, vì vậy tiếng nói của người lao động không thể cất lên trước nguồn lợi mà nhà nước tận thu. Lý do này là điểm phát suất của Lao Động Việt, luật sư Lê Thị Công Nhân cho biết:

-Người công nhân trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay theo quan điểm của chúng tôi là họ đang bị bóc lột một cách rất là thậm tệ. Trên nền tảng bản thân người lao động Việt Nam chịu đựng nhiều sự khổ sở, đa phần họ có trình độ nhận thức cũng như trình độ giáo dục không được cao và một hoàn cảnh cuộc sống tương đối khó khăn thì họ mới đi làm công nhân. Khi đi làm công nhân dưới một nền kinh tế ở quy mô nhỏ lẻ và trình độ công nghệ rất là kém như vậy cùng với quan điểm của một đảng chính trị độc quyền lãnh đạo, luôn luôn đem lao động giá rẻ ra là một trong những yếu tố để hấp dẫn đầu tư thì người lao động Việt Nam đã hoàn toàn không nhận được bất cứ sự bảo đàm vể mặt pháp lý khi có những tranh chấp những mâu thuẫn phát sinh.

Nguyễn Bắc Truyển

Nếu luật sư Lê Thị Công Nhân quan tâm đến người lao động thì một luật sư khác là anh Nguyễn Bắc Truyển lại quan tâm sâu sắc về tự do tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Hòa Hảo. Là một cựu tù nhân lương tâm, sau khi ra tù anh Truyển vẫn bị sách nhiễu hầu như mỗi ngày tuy nhiên người cựu tù này vẫn tin rằng ánh sáng dân chủ sẽ soi rọi Việt Nam trong một ngày không xa nữa:

-Tôi là một cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, cái niềm tin vào dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam trong tương lai phải nói rằng đối với tôi cho đến giờ này mặc dù đã trải qua thời gian tù đày, bị quản thúc và hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng nền dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam sẽ đến và không còn lâu nữa đâu anh. Bởi vậy ngày hôm nay tôi mới tiếp tục ở lại Việt Nam trong khi điều kiện đi nước ngoài vẫn có thể đi được nhưng tôi vẫn xin được ở lại Việt Nam để tiếp tục cho công cuộc của mình.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có hứa với quốc tế rằng trong năm 2015 sẽ ban hành bộ luật về tôn giáo. Tôi nghĩ rằng cái bộ luật đó nó cũng giải quyết một phần nào về niềm tin tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung. Chúng ta hãy chờ đợi trong năm 2015 họ sẽ thực hiện lời hứa như thế nào.

Phạm Thanh Nghiên

Một cựu tù nhân lương tâm khác là cô Phạm Thanh Nghiên, cô gái bé nhỏ luôn ốm đau thể xác nhưng tinh thần lại mạnh mẽ và ý chí vô cùng sắc đá. Thanh Nghiên cũng là một thành viên của nhiều hội nhóm xã hội dân sự nên biết khá rõ những hoạt động của nó trong thời điểm phôi thai hiện nay.

Phong trào thành lập các nhóm xã hội dân sự mặc dù đã đặt câu hỏi khó cho chính quyền vì cho phép hay cấm đoán đều có mặt tiêu cực của nó. Thế nhưng tự thân các hội nhóm ấy vẫn chưa hoàn hảo, vẫn còn khá nhiều rào cản mà họ phải vượt qua. Phạm Thanh Nghiên nhận xét về các hội nhóm mà cô có dịp tiếp xúc, làm việc như sau:

-Theo tôi từ khoảng cuối năm 2013 đến nay thì cũng có một số các hội, nhóm các tổ chức xã hội dân sự ra đời mang lại sự đa dạng, những khởi sắc cho phong trào dân chủ Việt Nam. Tuy nhiên với sự đánh giá của cá nhân tôi, cũng với danh nghĩa là thành viên của tổ chức xã hội dân sự như Mạng lưới blogger Việt Nam, hay là Hội Cựu tù nhân lương tâm chẳng hạn, tôi thấy sự đa dạng của các hội nhóm của xã hội dân sự mang lại nhưng nó cũng có những hạn chế của nó. Thí dụ như các hội nhóm đưa ra những mục đích hết sức khiêm tốn và thật sự chúng ta phải nhìn nhận thẳng là các hội nhóm ấy chưa ngồi lại với nhau thật sự để có những hành động mang tính cụ thể.

Tôi nói đến hành động vì chỉ mới đưa ra những tuyên bố chung, hay thông cáo hoặc những phản đối chung, sau đó đứng tên chung với nhau về mặt hình thức mà thôi chứ còn để thể hiện được cái quan điểm chung, tiến tới cái cụ thể về hành động thì tôi nghĩ rằng các tổ chức xã hội dân sự cần phải ngồi lại với nhau để có được những hành động mang tính cụ thể hầu đưa ra những giải pháp tích cực hơn cho sự phát triển con đường tự do cho Việt Nam.

Trần Đức Thạch

Khác với những người đấu tranh chung tổ chức, ông Trần Đức Thạch, một cựu tù nhân lương tâm khác lại chưa hề biết tới một tổ chức hay hội nhóm nào. Tuy nhiên sự đấu tranh của ông không hề cô độc vì ông biết sau lưng mình là cả một dân tộc đồng hành. Niềm tin vào dân chủ sẽ tới vẫn cháy bỏng khi ông thổ lộ với chúng tôi:

-Tôi tin, tôi rất tin bởi vì ngày xưa tôi bị bắt thì tôi chỉ là một thành viên đấu tranh độc lập tức là theo ý nghĩ của mình là sống đời lương thiện thì mình cất lên tiếng nói như thế chứ không liên quan đến một tổ chức hay một đoàn thể gì cả. Tôi hoàn toàn không biết ai. Khi tôi bị bắt thì bên ngoài bảo tôi mất tích vì họ cô lập tôi như thế.

Tôi tin rằng dân tộc này, đất nước này nhất là dân tộc này đã biết được những vấn đề gì đang xảy ra. Người ta chịu đựng thì chịu đựng nhưng mà hết chịu đựng rồi thì người ta sẽ vùng lên. Tôi hiểu lịch sử nước mình để lại nhiều trang sử rất oanh liệt cho nên tôi sống được, tồn tại được sau những vùng cấm rất là khắc nghiệt như vậy nhờ vào vững tin phía sau mình còn lại cả dân tộc đang đứng phía sau lưng mình.

Một chế độ được lòng dân thì nó sẽ tồn tại, mà một chế độ không được lòng dân thì thể nào nó cũng sụp đổ. Tôi thấy tình trạng đó ngày càng rõ. Bây giờ một chính quyền sống nhờ dân nhưng xa rời dân rồi hành hạ dân thì chính quyền đó dứt khoát phải sụp đổ. Hiện nay phong trào dân chủ, phong trào đấu tranh đòi quyền sống, đòi quyền làm người ở khắp đất nước đang lan rộng. Một tương lai Việt Nam thay đổi sẽ là có thật chứ nó không phải là ảo tưởng nữa đâu anh!

Trần Anh Kim

Đối với ông Trần Anh Kim, vừa được tự do vài tuần lễ trước Tết, tuy vẫn còn dư âm của chấn song nhưng tiếng nói của ông vẫn vượt qua tất cả để nói lên một điều: dân chủ là lối thoát duy nhất cho đất nước:

-Trước tiên phải nói là rất tin tưởng vào lực lượng trẻ là một, thứ hai là lực lượng trí thức. Bây giờ thì người ta vẫn liên lạc với tôi và tình hình nó như thế này, họ khống chế chặt chẽ tôi nhưng không thể khống chế được vì tôi đã nói rồi, càng khống chế thì tôi càng nói lớn. Đi dâu thì người dân người ta cũng chán lắm rồi, họ chưa muốn lên tiếng chứ họ chán lắm rồi!

Trở lại với luật sư Lê Thị Công Nhân, bà giải thích cách mà Lao Động Việt đang nhắm tới rất có ý nghĩa cho công cuộc bảo vệ người công nhân khi trang bị kiến thức và lòng tin của họ thay vì thúc đẩy sự bạo động dễ dẫn tới những đổ vỡ khó tiên đoán:

-Chúng tôi cố gắng để nâng cao nhận thức về những quyền lợi, giá trị đương nhiên của một người công nhân, người lao động phải có. Đi kèm với nó chúng tôi đương nhiên phải cố gắng tuyên truyền cho họ những nhận thức về nhân phẩm, nhân quyền, dân chủ để tự bản thân họ sẽ có những biến đổi từ trong suy nghĩ, hành động của mình thì mới có thể làm việc tốt hơn và bản thân họ có thể tự thành lập được những nhóm hoạt động trực tiếp.

Mặc dù tôi khẳng định đó không phải là một mục tiêu một tham vọng chính trị của Lao Động Việt. Bởi vì chính trị ở đây tôi nói theo nghĩa rộng chứ không phải những người công nhân sẽ trở thành những chính khách hoặc là họ thành lập những chính đảng của riêng mình. Điều đó tôi không dám nói trước trong tương lai bởi vì đó cũng là cái quyển của công dân đương nhiên, bản thân một người công nhân thì họ cũng là một công dân họ hoàn toàn có cái quyền đó khi thời điểm có thể tạm gọi là chín muồi và bản thân họ thấy điều đó là cần thiết. Hiện giờ trước mắt Lao động Việt của chúng tôi hoàn toàn chú tâm đến cái mục tiêu lớn nhất đó là phải thành lập cho được những công đoàn độc lập do người công nhân người ta trực tiếp thành lập và duy trì những hoạt động của nó.

Nguyễn Văn Hải

Nói tới tù nhân lương tâm ở hải ngoại hiện nay, hai khuôn mặt được chú ý nhất có lẽ là TS Cù Huy Hà Vũ và nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Cả hai đều bị tống xuất khỏi Việt Nam để họ không thể hoạt động đấu tranh được nữa. Tuy nhiên mỗi người trong họ đều có cách riêng để tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. Nói với chúng tôi, blogger Điếu Cày cho biết:

-Ở trong cuộc đấu tranh này tôi vẫn nhớ một câu nói sâu sắc của luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Đừng bao giờ ảo tưởng rằng những người quan liêu bảo thủ sẽ tự nguyện trao cho nhân dân quyền dân chủ, tất cả tùy thuộc vào sự đấu tranh. Cho nên những anh em trong nước khi họ đấu tranh thì họ không cô đơn đâu vì bây giờ bằng truyền thông họ đã liên kết lại với nhau thành những mạng lưới và khi anh em bị đàn áp đã thông tin rất nhanh ra hải ngoại. Báo chí hải ngoại cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ anh em ngay từ khi chúng manh nha có biện pháp đàn áp cứng rắn đối với anh em trong nước.

Mức độ truyền thông đã khác hẳn những năm trước và anh em trong nước không cô đơn, ngay cả khi chúng tôi ra ngoài này chúng tôi cũng kêu gọi là anh em trong nước hãy vững tin rằng anh em bên ngoài vẫn có các tổ chức quốc tế, các chính phủ, bà con hải ngoại vẫn một lòng giúp đỡ để thúc đẩy phong trào tự do dân chủ trong nước.

Những ngày cuối năm tuy lo toan, vất vả cho gia đình nhưng trong lòng những người đã tự chọn cho mình con đường gian truân đầy chông gai ấy chắc sẽ nhận được phần thưởng mà trong năm mới họ ao ước: Tự do dân chủ cho Việt Nam.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét