Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Cha, con và chức vụ

Một trong những đặc điểm của thời phong kiến là quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”. Giờ cái “văn hóa” đó biến tướng từ chủ nghĩa lý lịch thành chủ nghĩa thân hữu với hiện tượng “một người làm quan, đưa cả họ cùng vào làm quan”.

Cha làm tổng giám đốc một tập đoàn vừa mới cổ phần hóa, Nhà nước vẫn còn giữ trên 50% cổ phần, liệu cha có thể cử con ruột làm giám đốc một trong những công ty con của tập đoàn đó được chăng?


Không được. Luật Doanh nghiệp, điều 65, cấm chuyện đó.

Thậm chí khi mối liên hệ không trực tiếp đến như thế thì luật vẫn cấm. Ví dụ một bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu một tổng công ty thì bộ trưởng, thứ trưởng không thể cử vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột làm giám đốc hay tổng giám đốc cái tổng công ty này (điều 100).

Bộ trưởng, thứ trưởng cũng không thể cử con đẻ làm thành viên hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị một công ty mà bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Quy định về người có liên quan cũng được thể hiện khá rõ và nhất quán ở các luật khác. Ví dụ theo Luật Kế toán, chồng làm giám đốc một công ty có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì không thể cử vợ làm kế toán trưởng công ty của mình.

Ở đây có một số vấn đề cần nói. Quy định là thế nhưng dường như vẫn có những trường hợp vi phạm luật mà không thấy ai nói, không thấy cơ quan quản lý nhắc nhở, không thấy công luận lên tiếng giám sát.

Nỗ lực tách bạch công tác quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp nhằm tránh xung đột lợi ích. Một khi bộ hay tỉnh thành có trong tay những doanh nghiệp lớn, phải lo chuyện lời lỗ, chuyện phát triển thì làm sao trông mong họ công tâm với doanh nghiệp thuộc thành phần khác cũng do họ quản lý về mặt nhà nước.

Thế nhưng ở đây sự xung đột lợi ích bị đẩy lên một mức bất thường. Khi người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu lại cử người có quan hệ ruột thịt của mình điều hành doanh nghiệp thì vấn đề không còn là bộ hay ngành lo cho doanh nghiệp của mình, tạo ra sân chơi không bình đẳng với doanh nghiệp khác. Nó còn là vi phạm pháp luật vì lúc đó chính lợi ích của doanh nghiệp nhà nước này bị xem nhẹ, miễn sao chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Vấn đề thứ hai là đối với việc bổ nhiệm người thân trong cơ quan nhà nước thì hình như luật pháp chưa tiên liệu hết. Ngày xưa hiếm khi thấy các lãnh đạo cao cấp bổ nhiệm con cái vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước vì họ ý thức rất rõ đó là “xung đột lợi ích”. Ngày nay chuyện đó không phải là hiếm.

Người ta có thể lập luận, nếu người được bổ nhiệm có năng lực thật sự thì sao? Không lẽ chỉ vì là con của lãnh đạo nên phải chịu thiệt thòi, không được đưa vào các vị trí quan trọng?

Không phải vô cớ mà Luật Doanh nghiệp có những quy định ngặt nghèo về người có liên quan như thế. Bởi đối với bộ máy có sử dụng ngân sách nhà nước, tức tiền đóng thuế của người dân, vấn đề quan trọng nhất là không để có khe hở có thể bị lợi dụng. Hơn nữa, người có thực tài có thể thi thố trong các lĩnh vực không liên quan đến người thân của mình. Cho dù có công tâm đến mấy mà xảy ra chuyện cha bổ nhiệm con thì khó lòng điều hành bộ máy cho công bằng, làm cho cấp dưới tâm phục khẩu phục.

Đến đây có thể nói chủ nghĩa thân hữu, chủ nghĩa gia đình đã dần bộc lộ. Một trong những đặc điểm của thời phong kiến là quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”. Giờ cái “văn hóa” đó biến tướng từ chủ nghĩa lý lịch thành chủ nghĩa thân hữu với hiện tượng “một người làm quan, đưa cả họ cùng vào làm quan”.

Chủ nghĩa lý lịch dù tệ hại nhưng còn có thể biện minh do hoàn cảnh lịch sử - chủ nghĩa thân hữu thì không còn cách nào biện minh. Nó sẽ làm bộ máy suy yếu dần vì không còn yếu tố cạnh tranh để tài năng được bộc lộ; chỉ còn sự bao che cho yếu kém hay ranh mãnh.

Nguyễn Vạn Phú

(TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét