Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abé gặp nhau bên lề Thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh, Trung Quốc, 10/11/2014(Ministry of Foreign Affairs of Japan)
Nhân chuyến công du Nhật Bản bốn ngày, bắt đầu từ ngày mai 22/03/2015 của tân Tổng thống Indonesia, Tokyo sẽ ký với Jakarta một thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Đây được xem là một bước tiến mới trong trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm củng cố chặt chẽ hơn các quan hệ về quốc phòng và an ninh với khu vực Đông Nam Á, làm đối trọng với thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ngay sau khi lên cầm quyền, đương kim Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cho thấy ngay là ông xem Đông Nam Á là một trọng điểm trong chính sách đối ngoại của ông, với chuyến công du ngoại quốc đầu tiên vào tháng Giêng 2013 dành cho ba nước có trọng lượng trong ASEAN là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Từ đó đến nay, chính sách Đông Nam Á của Tokyo càng lúc càng được Nhật Bản cụ thể hóa, với thành tố an ninh, quốc phòng đặc biệt được quan tâm.
Trong lãnh vực này, vào lúc quan hệ với Bắc Kinh đã gặp khó khăn, với Trung Quốc không ngần ngại gây sức ép trên Nhật Bản trong tranh chấp ngoài Biển Hoa Đông, Tokyo không ngần ngại giúp đỡ hai nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc lấn lướt trên Biển Đông là Philippines và Việt Nam.
Có rất nhiều yếu tố phản ánh rõ nét đà dấn thân sâu hơn của Nhật Bản vào Đông Nam Á về phương diện an ninh quốc phòng. Đó là quyết định cung cấp tàu tuần tra biển Việt Nam và Philippines, việc tổ chức các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp đầu tiên với Philippines dự trù trong những tháng tới đây, và các tuyên bố của giới quân sự Nhật Bản, không loại trừ khả năng mở rộng vùng tuần tra từ Biển Hoa Đông sang Biển Đông.
Chính trong bối cảnh kể trên mà Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản Indonesia mang ý nghĩa một sự phát triển vì lẽ Indonesia là nước lớn nhất trong khối Đông Nam Á, một tác nhân nặng ký mà Trung Quốc phải ít nhiều kiêng dè.
Theo các nguồn tin từ cả Tokyo lẫn Jakarta, thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản Indonesia bao hàm hai lãnh vực chính là huấn luyện quân sự và công nghệ quốc phòng. Đây là một bước nhẩy vọt vì lẽ cho đến nay, hai nước chỉ mới có một thảo thuận quốc phòng duy nhất liên quan đến trao đổi sinh viên quân sự.
Theo ông Armanatha Nasir, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, thỏa thuận quốc phòng sắp được ký kết sẽ liên quan đến vấn đề xây dựng năng lực, hợp tác quốc phòng, và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ». Một số quan chức cũng nói đến khả năng chia sẻ thông tin tình báo.
Đối với Nhật Bản, quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Indonesia có thể cho phép các tập đoàn vũ khí Nhật Bản chen chân vào một thị trường rất có tiềm năng, cạnh tranh trực tiếp với Hàn Quốc, và cả với Trung Quốc, nước cho đến nay đã cung cấp tên lửa và một số thiết bị quân sự khác cho Indonesia.
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản-Indonesia cũng là một bước tiến trong chiến lược hạn chế bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh, vì Trung Quốc cho đến nay đã có một mối quan hệ quân sự khá phát triển với Indonesia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét