Pages

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Giáo hội và Phật tử cử hành tang lễ Hòa thượng Thích Như Đạt

Ỷ Lan, thông tín viên RFA tại Paris

thichnhudat-622.jpg

Chư tăng, Phật tử đưa pháp thân Hòa thượng Thích Như Đạt về nơi an nghỉ.
Courtesty IBIB



Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội bị Nhà nước Việt Nam cấm hoạt động, vừa viên tịch tại Huế hôm 26.2 vừa qua, thọ thế 87 tuổi, hạ lạp 58 năm tu.

Hoà thượng Thích Như Đạt là hàng giáo phẩm cao cấp thứ hai sau Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, giữ chức vụ này được một năm hơn, ở thời kỳ Giáo hội có nhiều sóng gió.
Để biết rõ hơn về con người của Hòa thượng Thích Như Đạt, về lý do qua đời, thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự Do Được gọi điện thoại viễn liên về Huế phỏng vấn ông Lê Công Cầu, Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo.
Ỷ Lan: Xin chào Huynh Trưởng Lê Công Cầu. Đại lão Hòa thượng Thích Như Đạt, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa viên tịch tại Huế. Là Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo, xin Huynh Trưởng cho biết về sự ra đi của Ngài như thế nào? Vì bệnh tình hay già yếu?
Lê Công Cầu: Bệnh tình của ngài diễn tiến một cách quá nhanh, nhưng mà ngài không chịu đi khám chi cả. Ngài cứ nói Phật lực gia hộ, ngài không tin vào bệnh viện cũng như thuốc men của thế gian.
Nhưng môn đồ hiếu quyến cũng như đại diện Viện Hoá Đạo bẩm với ngài rằng, sinh mạng của ngài không còn của ngài nữa, mà là của Phật giáo Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nên ngài phải đi khám để tiếp tục sống mà hoàn thành sự nghiệp của mình. Khi đó ngài mới chịu chấp nhận đi khám bệnh.
Ngày mồng 3 tháng chạp (22.1.2015) chúng tôi đưa ngài vào bệnh viện Pháp Việt ở Saigon, một bệnh viện hàng đầu của Việt Nam để điều trị. Tại bệnh viện Pháp Việt Saigon sau 5 ngày theo dõi điều trị, họ kết luận ngài bị ung thư dạ dày không có phương thức cứu chữa.
Tôi thật ra trên tâm lý là muốn giấu ngài, nhưng ngài biết tất cả hết. Ngài cười và nói thôi thì về. Và trong suốt quá trình đau ốm, chưa bao giờ ngài có một tiếng rên rỉ, một tiếng than thở nào hết. Rất ung dung, rất tự tại cho đến giây phút lâm chung.
Khi về Tu viện Long Quang, Huế, ngài ung dung đi vào trên võng, và ngài cười rồi sau đó tuyên bố: “Kể từ nay không ăn không uống, không thuốc men chi hết. Chỉ cầu Gia trì lực của chư Bồ tát. Long thiên, Hộ pháp, và xin sống thêm một thời gian nữa để được đi sau Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Bởi vì nếu đi trước Đức Tăng Thống thì không ai lo cho Đức Tăng Thống vì Đức Tăng Thống quá cô đơn”.
Ngài nói như vậy, thưa chị, ai cũng chảy nước mắt hết.
Ngày mồng 7 âm lịch (Tết, 25.2.2015), Ngài gọi tất cả đồ chúng và Phật tử ngồi xung quanh ngài, ngài vẫn nằm trong tư thế Niết Bàn của Đức Phật và im lặng không nói gì cả. Cho đến 6 giờ sáng mồng 8 (26.2.2015) thì ngài thâu thần thị tịch, vẫn trong tư thế Niết Bàn của Đức Phật.
thichnhudat2-305.jpg
Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt, Viện trưởng Viện Hoá đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ỷ Lan: Tang lễ của Ngài tại Huế cử hành ra sao? Có gặp khó khăn gì không?
Lê Công Cầu: Cho đến ngày hôm nay tang lễ của ngài đã làm một cách yên thắm. Đã có hàng ngàn người, đoàn thể, tổ chức đến phúng viếng. Vòng hoa đã chất đầy khu vườn.
Chúng tôi đã treo những bảng rất lớn: “Tang lễ Đại lão Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Nhưng tang lễ của ngài cũng có nhiều chướng duyên.
Chướng duyên thứ nhất, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ không thể ra tham dự tang lễ của ngài như dự kiến. Bởi vì ngài không có Chứng Minh Thư của Nhà nước cho nên người ta từ chối không bán vé máy bay.
Một số các đơn vị cũng như một số Phật tử cũng đã bị hăm doạ cho nên không giám đến Tu viện Long Quang. Nhưng tại Tu viện Long Quang vẫn diễn ra Tang lễ của ngài một cách rất thanh tịnh và trang nghiêm.
Ỷ Lan: Hoà thượng Thích Như Đạt là hàng giáo phẩm cao cấp thứ hai của Giáo hội sau Đức Tăng Thống, với chức vụ Viện trưởng Viện Hoá Đạo trong vòng hơn một năm, thời gian Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trải qua nhiều sóng gió. Huynh Trưởng có thể cho biết đôi lời về công hạnh của Ngài trong chức vụ này?
Lê Công Cầu: Khi Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ban hành Giáo chỉ số 10, Hoà thượng Thích Như Đạt được suy cử vào chức Viện trưởng Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì ngài thường xuyên vào ra Saigon dù sức khoẻ của ngài đã cao trên tám mươi tuổi, để bảo đảm công việc Phật sự cho Đức Tăng Thống không biết mệt mỏi.
Và ngài cũng là người đầu tiên trình với Đức Tăng Thống nên yêu cầu Văn Phòng II Viện Hoá Đạo đăng bạ pháp lý Văn phòng II Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Văn Phòng II tại hải ngoại, để có pháp lý.
Ngài cùng với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã quyết tâm làm thế nào kêu gọi đồng bào Phật tử trong và ngoài nước xây dựng cho bằng được Chùa Phật Quang tại Trung tâm của người Việt tị nạn tại miền Nam California để làm ngôi nhà chung cho Phật giáo thông nhất Văn Phòng II tại hải ngoại, và cũng là ngôi nhà đầu tiên trên danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chứ không còn phải ăn nhờ ở đậu.
Trong thời gian ngắn ngủi tuy một năm thôi, nhưng dấu ấn của ngài để lại rất sâu đậm trong giai đoạn khó khăn nhất về vấn đề nhân sự.
Ngài đã khéo léo tổ chức lại guồng máy của Viện Hoá Đạo tại quốc nội cũng như ban hành những quyết định theo lệnh của Đức Tăng Thống để ổn định tình hình Văn phòng II và Hội đồng Điều hành các quốc gia châu lục trên thế giới. Đó lá công hạnh lớn nhất của ngài.
Ỷ Lan: Lập trường của Ngài về công cuộc đấu tranh cho nhân quyền, tự do tín ngưỡng của Gíao hội có khác gì với các vị tiền nhiệm ? Quốc tế chưa biết nhiều về Ngài, nhưng hình ảnh Ngài đối với Phật giáo đồ trong nước thì ra sao ? Người ta nghĩ gì về Ngài?
Lê Công Cầu: Thưa chị, thứ nhứt lập trường của ngài đối với công cuộc đấu trang chống nội xâm và ngoại xâm của Cộng sản thì ngài rất quyết liệt. Phải làm cho bằng được.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì hai chữ cuối cùng của ngài trong Di Huấn là hai chữ THỐNG NHẤT. Do đó, ngài đã đặt nặng vận mạng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bởi vì ngài quan niệm rằng, không có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Phật giáo Việt Nam xem như không còn nữa.
Bởi vì tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc là những tổ chức khác, dù được Nhà nước thừa nhận rằng là đó là Giáo hội hợp pháp và duy nhất, nhưng đó lá công cụ thừa sai của Đảng và Nhà nước mà thôi, ngài không chấp nhận.
Cho nên ngài cương quyết cũng như ngài Đệ Ngũ Tăng Thống duy trì cho bằng được pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dù phải hy sinh thân mạng. Đó là quan điểm của ngài.
Cái thứ hai nữa, về công hạnh của ngài, thì đệ tử của ngài trong và ngoài nước quá sức đông, mà chính tôi cũng không biết rõ. Đến hôm nay tang lễ của ngài về hàng trăm người tôi mới biết là ân đức của ngài sách tấn lớp hậu bối rất lớn, và Phật tử đã quy y với ngài thì cũng là hàng chục ngàn người. Hôm nay họ về đây, uy lực ngài quá lớn, nhiếp phục được tất cả đồ chúng, nhiếp phục luôn cả những tổ chức chống đối lại ngài.
Bằng chứng rõ ràng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Nhà nước cũng đã đến phúng điều ngài, rồi đại diện của Tăng Đoàn Dị giáo cũng đã đến thăm viếng trong những ngày ngài đau ốm. Như vậy mình thấy uy đức của ngài trùm lên tất cả mọi tổ chức nhân danh Phật giáo và trùm lên tất cả những đoàn thể nhân dân.
Ảnh hưởng của ngài trên toàn quốc tôi không dám nói, nhưng tại tỉnh Thừa thiên - Huế, khi nhắc tới Hoà thượng Như Đạt thì ai cũng thấy đó là bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam.
Ỷ LanXin cám ơn Huynh trưởng Lê Công Cầu
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét