Pages

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Năm 2015 – năm không êm ả với người Việt Nam!

(VNTB) - Thế là cả dân tộc đã bước vào mùa xuân mới, ai cũng chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng năm nay với người VN sẽ không êm ả!

Cuối năm 2014 và đầu 2015, tình hình chính trị nước ta đã có những biến động bất thường. Người nào không quan tâm thì sẽ nghĩ tôi nói tào lao! Nhưng thực sự đã có những diễn biến chẳng hòa bình chút nào.

Điều đầu tiên tôi muốn nói, là về sự dịch chuyển quyền lực từ 16 ông vua và gần 200 "quan đại thần": Từ khi lập quốc (chế độ CSVN), chưa bao giờ Ban chấp hành TW được quyết về nhân sự khóa sau. Mọi chức vụ đều do Bộ chính trị (BCT) khóa trước sắp đặt. Nhưng nay thì khác, phải qua hội nghị TW mới "chốt" được quy hoạch BCT, ban bí thư và Ban chấp hành TW khóa tới.

 
Hội trường Diên Hồng - nơi họp của Quốc Hội Việt Nam nhưng liệu có "Diên Hồng" thực hay không?

Việc này nói lên điều gì? Đó là quyền lực không còn hoàn toàn nằm trong tay Bộ chính trị và cá nhân Tổng bí thư nữa, mà đã có một sự chuyển dịch và phân chia!

Sự chuyển dịch này khởi đầu từ vụ kỷ luật đồng chí X không thành mấy năm trước, cho đến hội nghị TW vừa rồi càng thêm rõ nét. Ở một thể chế độc tài (dù là cá nhân hay nhóm), đặc thù của nó là tập quyền, nên mọi sự chia sớt quyền lực đều là dấu hiệu cho thấy nền độc tài đó có dấu hiệu sụp đổ.

Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập, đó là cuộc đấu đá tranh giành quyền lực ở nhóm lãnh đạo chóp bu. Trước mỗi kỳ đại hội thì chuyên này diễn ra là lẽ thường, bởi khi một đảng đã cầm quyền mà không phải lo cạnh tranh (Điều 4 Hiến pháp đã quy định) thì vấn đề cương lĩnh và đường lối không còn quan trọng đối với mỗi kỳ đại hội nữa. Mà trọng tâm nằm ở công tác nhân sự (mặc dù theo thông báo đây chỉ là vấn đề phụ). Vậy nên việc tranh giành đấu đá không có gì lạ .

Nhưng nếu như sự đấu đá ở các kỳ đại hội trước chỉ là chuyện thâm cung bí sử trong hậu trường, chỉ những người ở vị trí cơ mật mới biết được, thì nay nó được trưng ra cho bàn dân thiên hạ mục sở thị ! Trang blog Chân dung quyền lực là một ví dụ điển hình, mặc dù đó chỉ là một công cụ của lãnh đạo nào đó dùng để triệt hạ đối phương, nhưng dù sao nhờ blog này mà những "ông chủ ngây ngô" phần nào thấy được cuộc sống xa hoa vương giả và những khối tài sản kếch xù cua "bọn đầy tớ". Trang này tuy "nói xấu, xuyên tạc" nhưng nói có sách, mách có chứng. Nếu ai có cảm quan chính trị một chút thì đều biết rằng blog này là công cụ của "đồng chí X".

Nhưng tại sao đồng chí ấy lại chĩa mũi dùi vào cấp phó thứ nhất của mình?

Theo tôi bởi một lẽ: Trong "5 con trâu" rường cột hiện hành chỉ một con trụ lại được khóa sau (vì khi đại hội tất cả đều đã 67 tuổi) đương nhiên người ở thế thượng phong nhất sẽ ở lại, và không thể tiếp tục làm "Tổng lý nội các" thêm một nhiệm kỳ nữa, sẽ phải chuyển sang một vị trí cao hơn và ít thực quyền hơn. Nên để duy trì quyền lực thì cần có một Thủ tướng chỉ đóng vai "Đổng lý văn phòng nội các". Nhân tố miền Trung giảo hoạt và nhiều tham vọng chắc chắn không phải người phù hợp nên cần phải loại bỏ cũng là điều dễ hiểu. Cuộc "so găng" này ai thắng ai bại thì dân ta cũng chẳng được lợi gì, nhưng điểm nhấn của nó là tính chất lộ liễu hiếm thấy. Đây chắc chắn không phải là một điềm lành cho chế độ.

Nội dung thứ ba, tôi muốn đề cập trong bài viết này là vở tuồng chống tham nhũng của Đảng. Nhiệm kỳ vừa qua có làm được một số đại án tham nhũng, nhưng nó chỉ "đại" về số tài sản tham nhũng thôi. Còn về kết quả xử lý lại "tiểu" vì vụ nào khi đụng tới gót chân của một UVTW là lập tức thắng gấp. Vụ việc ở Báo Người cao tuổi vừa qua hay chuyện của tướng Phạm Quý Ngọ là những ví dụ điển hình cho thấy giới lãnh đạo Hà Nội bảo vệ “đồng chí” của mình còn hơn bảo vệ con ngươi. Đảng chống tham nhũng như vậy thì chẳng phải chỉ diễn tuông hay sao?

Mới đây ông tướng 4 sao của ngành công an kiêm nhiệm thêm vị trí Phó trưởng ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng thay "đồng chí HỐT" vừa qua đời, chắc chắn công chúng sẽ còn được coi nhiều vở tuồng hay!!!

Nội dung cuối tôi muốn đề cập, là tự do ngôn luận và báo chí. Đây là một chương đen tối nhất của chính quyền Hà Nội, nhân danh định hướng dư luận chống lại các thế lực thù địch nói xấu, xuyên tạc..., chính quyền đã bóp nghẹt tự do ngôn luận đến mức tối đa (có thể). Ô hay, trình độ nhận thức của dân Việt Nam đã rất cao rồi (ít nhất là thể hiện qua lượng bằng cấp) , đâu còn u mê như mùa thu năm Ất dậu cách nay 70 năm, sao còn phải định hướng dư luận làm gì? Nếu mình tốt thực sự thì những kẻ nói xấu, xuyên tạc mình sẽ tự động trở thành lố bịch trong con mắt dân chúng. Hơi đâu mà phải đôi co, cãi chày cãi cối! Chỉ có mình xấu thực sự nên mới sợ và căm ghét sự thật. Bắt bỏ tù một Nguyễn Quang Lập hay Nguyễn Hữu Vinh, họ tưởng sẽ bóp nghẹt được tiếng nói tự do dân chủ hay sao? Họ đã lầm! Những việc trấn áp đó chỉ làm tăng thêm tinh thần phản kháng của dân chúng mà thôi, giống như cái lò xo càng nén bật càng mạnh. Cái sự bắt bớ giam cầm người dân bằng một điều luật hết sức mơ hồ (Điều 258) cho thấy sinh lực của chế độ đã suy yếu. Trước đây để trấn áp những tiếng nói bất đồng, họ thường dùng Điều 79 (Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền) hoặc Điều 88 (tuyên truyền chống Nhà nước) thì nay ít sử dụng.

Nói tóm lại, 2015 sẽ là một năm đầy khó khăn cho chế độ. Tuy bề ngoài xem ra rất mạnh, nhưng ẩn chứa trong nó những mâu thuẫn nội tại chỉ chờ dịp nổ tung. Nổ khi nào thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn, mà trách nhiệm trả lời thuộc về 90 triệu dân Việt Nam (trong đó bao gồm cả 4 triệu đảng viên Cộng sản).

Đỗ Việt Dũng

(Việt nam Thời báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét