Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

PHẠM TRẦN - 39 NĂM MỘNG DU HẠI NƯỚC

“Ngày nay, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi cảnh bị áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, để sống một cuộc đời no cơm, ấm áo, ngày mai được bảo đảm, một cuộc đời văn minh, hạnh phúc….Có chủ nghĩa xã hội, Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hoá, khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh; do đó bảo đảm cho đất nước ta vĩnh viễn độc lập, tự do và ngày càng phát triển phồn vinh.”
(Trích Báo cáo Chính trị của Bí thư thứ nhất đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, do, ngày 14 tháng 12 năm 1976)

Ông Lê Duẩn tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư khi đảng đổi tên thành Đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ ngày 20 tháng 12, 1976 cho đến khi qua đời ngày 10 tháng 7, 1986.
Sau khi ông Duẩn trinh bày, Đại hội IV biểu quyết chấp thuận Báo cáo rồi ra Nghị quyết với nội dung tương tự:
“Ngày nay, nước nhà đã hoàn toàn độc lập thì Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là một. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, có cuộc sống văn minh, hạnh phúc. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân ta quyền làm chủ đầy đủ, mới làm cho Tổ quốc ta độc lập, tự do vững chắc và ngày càng giàu mạnh.
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành quả vĩ đại của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta, có lịch sử hết sức vẻ vang, có tiềm lực dồi dào, có tiền đồ xán lạn, là một tiền đồn bất khả xâm phạm của hệ thống xã hội chủ nghĩa, là nhân tố quan trọng của hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Đông Nam châu á và trên thế giới.”
Bây giờ nhìn lại sau 39 năm ngày Lê Duẩn đưa ra lập luận cực kỳ bảo thủ “dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một” và Nghị quyết cũng khẳng định“Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là một” thì đảng CSVN đã đưa đất nước đi về đâu trong thế giới không còn Đế quốc Cộng sản nữa ?
Trước mắt, Việt Nam đang đứng sau nhiều nước trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương từ kiến thức đến nghề nghiệp và khả năng lao động.
NHỮNG CON SỐ XẤU HỔ
Báo Giáo Dục ngày 11/12/2014 viết: “Theo thống kê mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.”
Tuy nhiên trình độ học vấn và khả năng thực tế của những người được phong hàm Tiến sỹ không phù hợp với tiêu chuẩn của các nước có nền giáo dục tân tiến và truyền thống. Bằng Tiến sỹ của Việt Nam có đem rao bán cũng khó kiếm được người mua.
Trong lĩnh vực sáng chế, bài báo cho biết: “Một thống kê khác của Bộ KHCN cho thấy, trong 5 năm (2006 – 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng kí tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng kí tại đây.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.”
Bái báo kết luận: “Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực, nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.”
Năng suất lao động VN cũng bị xếp vào nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, tại sao ?
Báo Lao Động trích lời ông Vũ Quang Thọ – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) nói ra những nguyện nhân: “Thể lực, sức khỏe LĐVN hạn chế; chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung, các trường nghề nói riêng còn kém; chế độ đãi ngộ hiện nay mà tập trung là chính sách tiền lương chưa hợp lý…, trong đó trước hết là chúng ta thua do còn ít được sử dụng công nghệ cao.
Theo ông Thọ, hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất ở nước ta hiện nay nói chung là đã quá lỗi thời, lạc hậu. Có những máy móc, thiết bị từ thời Liên Xô mà các nước đã thay thế từ lâu, nhưng đến nay chúng ta vẫn phải dùng. Bởi chưa tiếp cận được công nghệ cao nên kỹ năng, tay nghề bậc cao của LĐVN còn thấp, dẫn đến năng suất lao động còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực là chuyện đương nhiên.”
Về tiền lương công nhân Việt Nam mỗi tháng trung bình của năm 2012 là 3,8 triệu đồng tương tứng ứng 181 đôla Mỹ.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tiền lương toàn cầu 2014-2015 thì: “ Con số này chỉ cao hơn so với Lào (119), Campuchia (121) và Indonesia (174). Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan, chưa bằng một phần ba của Malaysia và chỉ bằng khoảng một phần hai mươi của Singapore (hơn 3.500 đôla.”
THUA CẢ CAO MIÊN-LÀO
Song song với những con số không vui này, Việt Nam còn phải đương đầu với đe dọa qua mặt của Kampuchia (Cao Miên).
Báo Đất Việt viết trong số ra ngày 13/10/2014: “ Trên thực tế nhiều bằng chứng như tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI (Foreign Direct Invesment,đầu tư trực tiếp từ nước ngoài), công nghiệp ô tô, thậm chí nông nghiệp như lúa gạo… đều cho thấy Việt Nam đang thua kém Campuchia.”
Điều này cũng được Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng cảnh giác tại phiên họp về cải cách thủ tục hành chính ngàyy 25/3 (2015) tại Hà Nội. Ông nói: “Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”
ASEAN-6 gồm 10 nước của ASEAN là: Brunei,Cao Miên, Nam Dương (Indonesia), Lào, Mã Lai Á (Malaysia), Myanma (Burma,Miến Điện), Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam. 6 nước trong khu vực Á châu-Thái Bình Dương gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan (New Zealand).
Báo Đất Việt viết tiếp: “Đáng ngạc nhiên hơn, Campuchia đã vui mừng đón chiếc ôtô “Angkor EV 2014″ tự sản xuất đầu tiên. Chiếc ô tô lấy tên ngôi đền cổ Angkor của Campuchia này được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek địa phương thiết kế.
Đây được coi là thành tựu lớn của ngành chế tạo còn non trẻ của Campuchia, đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Thái Lan…
Còn tại Việt Nam, thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
Các dự án đó được chuyển sang các nước lân cận sản xuất rồi nhập khẩu xe về Việt Nam với giá đắt.”
Dưới tiêu đế “Kinh tế Việt Nam không sáng tạo bằng Lào”, báo Đất Việt cảnh báo tiếp: “Việt Nam đang bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học thấp hơn so với Lào.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) công bố báo cáo Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) của 22 nền kinh tế châu Á, bổ sung Mỹ và Phần Lan (nhằm mục đích so sánh).
Báo cáo này đo khả năng sáng tạo của các nước – yếu tố quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức.
Theo đó, trong bảng xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 16 trên 24 nước. Khả năng sáng tạo được đánh giá chỉ ở mức trung bình, với cả “Đầu vào” và “Đầu ra” đứng ở nửa cuối danh sách. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.”
Như vậy, Lãnh đạo đảng và Nhà nước Việt Nam có đỏ mặt tiá tai không hay còn muốn đọc tiếp bài trên báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) ngày 29/01/2015 ?
Bài báo mở đầu: “Người Việt Nam có “thành tích” uống bia đứng đầu khối ASEAN, nhưng lại có năng suất lao động đứng hàng cuối trong khối ASEAN và đứng bét bảng so với các nước châu Á – Thái Bình Dương.”
Trích báo cáo của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, báo NNVN cho biết: “Theo VBA, năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng 3% so với năm 2013, đạt 3,1 tỷ lít. Còn theo Eurowatch, thì trong hai năm 2012 và 2013, mỗi năm, bình quân một người dân Việt Nam uống hết 32 lít bia. Tức là mỗi năm cả nước tiêu thụ 3 tỷ lít bia, tương đương 3 tỷ USD.
Mức tiêu thụ bia của người Việt Nam đứng đầu ASEAN và đứng thứ ba châu Á, chỉ thua Trung Quốc và Nhật Bản. Đó là chỉ nói riêng về bia. Nếu tính cả rượu, thì con số đó chắc chắn còn nhiều hơn nữa.”
CÓ LÝ DO GÌ TỒN TẠI?
Báo NNVN cho biết: “Lượng bia tiêu thụ trong nước lên đến 3,1 tỷ lít trong năm 2014, chứng tỏ người Việt Nam càng ngày càng uống bia khỏe hơn (năm 2012 và 2013 mỗi năm có 3 tỷ lít), trong lúc nền kinh tế suy thoái, có đến 67.800 doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động trong năm 2014.
Người Việt Nam có “thành tích” uống bia đứng đầu khối ASEAN, nhưng lại có năng suất lao động đứng hàng cuối trong khối ASEAN và đứng bét bảng so với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì năng suất lao động của một lao động cùng ngành nghề của Việt Nam chỉ bằng 2/5 một lao động Thái Lan, bằng 1/5 một lao động Malaysia và bằng 1/15 một lao động Singapore. Chỉ có khoảng 20% lao động của Việt Nam là được đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, còn lại, 80% là lao động phổ thông, lao động trình độ thấp.”
Với những con số xấu hổ như thế, nhất là đối với nhân dân hai nước láng giềng luôn luôn đi sau Việt Nam là Kampuchia (Cao Miên) và Lào thì đảng Cộng sản Việt Nam có còn xứng đáng được dân tín nhiệm nữa không?
Ông Lê Duẩn đã chết 29 năm và đảng Cộng sản Việt Nam đã có thêm 6 đời Tổng Bí thư gồm Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng mà Việt Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít thì đảng CSVN còn hãnh diện gì với mớ tư duy mơ hồ cố đấm ăn xôi để “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa” ?
Thiết nghĩ những con số u ám về khả năng sáng tạo và xây dựng đất nước đã xóa tan lời mộng du của ông Lê Duẩn năm 1976 cho rằng “Có chủ nghĩa xã hội, Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hoá, khoa học tiên tiến.”
Và tất nhiên, Ban Chấp hành Trung ương IV cũng đã qúang gà khi nói rằng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân ta quyền làm chủ đầy đủ, mới làm cho Tổ quốc ta độc lập, tự do vững chắc và ngày càng giàu mạnh.”
Nhưng nhân dân Việt Nam 90 triệu người sống trong chế độ độc tài hà khắc của đảng CSVN đã được thực thi quyền làm chủ đất nước của mình từ bao giờ?
Tại sao nhân dân đứng lên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và đánh đập ngư dân Việt Nam ở Biển Đông từ 2007 đến 2012 đã bị Công an đàn áp, bắt tù và hù họa?
Và cũng tại sao đảng lại cấm dân không được tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh trong các trận chiến chống quân Trung Quốc xâm lược ở Hòang Sa, mặt trận biên giới 6 tỉnh phiá Bắc và trận chiến Trường Sa năm 1988?
Thái độ qụy lụy và hành động không minh bạch từ năm 1999 về lãnh thổ và biển đảo của Lãnh đạo CSVN với Trung Quốc cũng sẽ có ngày được bạch hoá với lịch sử và quốc dân.
Lãnh đạo đảng cũng cần phải sờ lên gáy xem các quyền tự do dành cho dân ghi trong các Hiến pháp từ 1946 đến 2013 đã được thi hành như thế nào, hay chỉ hình thức, phù phiếm trong bàn tay phù thủy của cường quyền và bạo lực ?
Xét từ tư duy lấy Chủ nghĩa xã hội Cộng sản làm nền tảng xây dựng đất nước của Đại hội đảng IV, đảng CSVN đã không ngừng hủy họai đất nước và con người Việt Nam trong mọi lĩnh vực từ luân thường đạo lý đến xây dựng xã hội và kiến thiết đất nước.
Chưa bao giờ nhân dân Việt Nam bị làm nô lệ cho tư bản nước ngoài dưới dạng làm thuê như hiện nay. Cũng chưa bao giờ tài nguyên, khoáng sản của đất nước, trong đó có Bauxite bị đào bới đem bán cho nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc nhiều như thời đảng Cộng sản cầm quyền.
Càng nguy hiểm hơn, nhà nước Việt Nam cũng đã không kiểm soát được số hàng lậu, kể cả hàng hoá độc hại của Trung Quốc tràn vào Việt Nam mỗi ngày làm tê liệt Doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều ngàn người Trung quốc nhập cư bất hợp đang lập xóm, lập phố hay đang làm công cho các cơ xưởng của người Tầu trên đất nước Việt Nam cũng không được kiểm soát nghiêm ngặt.
Ở Biển Đông, trên thực tế Việt Nam đã mất quyền làm chủ ở Hòang Sa và một phần quan trọng ở Trường Sa.
Tất cả những thay đổi này đều xẩy ra cho nhân dân Việt Nam từ khi có kết luận của ông Lê Duẩn và Đại hội đảng IV, cốt lõi là phải bảo vệ Chủ nghĩa xã hội Cộng sản bằng mọi giá.
Và mặc dù sau đó, trong giai đọan chuyển tiếp giữa hai Tổng Bí thư đảng Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh (1985-1986),
chủ trương “đổi mới” nhằm “xoá bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp” thời Lê Duẩn “sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường” nhưng vẫn phải ”có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Từ đó đến nay, đảng CSVN đã làm theo đường lối của Trung Quốc nhất quyết “không đổi mới Chính trị” để bảo vệ quyền cai trị độc tôn và độc tài cho mình mà thôi. Đảng cũng chống “đa nguyên đa đảng”, chống tư nhân ra báo và độc quyền báo chí, truyền thông.
Giờ đây, ở thời điểm năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Tuyên giáo Trung ương vẫn ra bài tập huấn cho cán bộ, đảng viên chuẩn bị Đại hội đảng XII với tư duy tuyệt đối trung thành với Cương lĩnh thoái trào 1991 (được bổ sung, phát triển năm 2011), tiếp tục “lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng (Cộng sản) Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” xây dựng đất nước.
Thật khôi hài là trong Cương lĩnh này, đảng CSVN vẫn còn mơ màng viết rằng: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Lập luận này có khác gì cơn mộng du của Lê Duẩn và Ban Chấp hành Trung ương IV đã ghi vào Nghị quyết năm 1976: “Nhất định giai cấp công nhân sẽ đánh bại mọi thế lực phản động và sớm muộn sẽ vĩnh viễn loại trừ chủ nghĩa tư bản ra khỏi đời sống xã hội.”
Cũng tại Đại hội IV, ông Lê Duẩn và đảng CSVN đã huyênh hoang “ai thắng ai” sau cuộc chiến Việt Nam, nhưng sau 39 năm, rất tiếc ông Lê Duẩn đã không còn sống để thấy Thế giới Cộng sản đã tan rã và một bộ phận không nhỏ nhân dân Việt Nam không còn muốn liên hệ máu thịt với đảng nữa. -/-
Phạm Trần
(03/015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét