Pages

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Quyền bình đẳng cho phụ nữ 20 năm qua

Hải Ninh, phóng viên RFA

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon tại Hội nghị toàn cầu về Phụ nữ ngày 10 tháng 3, 2015 tại New York

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon tại Hội nghị toàn cầu về Phụ nữ ngày 10 tháng 3, 2015 tại New York
 UN Women / J. Carrier



Tiến trình phát triển quyền bình đẳng cho phụ nữ trong vòng 20 năm qua diễn ra với tốc độ chậm không thể chấp nhận được. Đây là kết luận trong báo cáo của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc- UN Women. Báo cáo này đánh dấu kỷ niệm 20 năm Hội nghị Toàn cầu lần thứ tư về Phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995. Trong tạp chí phụ nữ tuần này, Hải Ninh sơ lược đôi nét báo cáo vừa nêu và tìm hiểu đánh giá về phát triển phụ nữ ở Việt Nam trong 20 năm qua.


Năm 1995, tại Bắc Kinh, 189 quốc gia cùng thông qua một Cương lĩnh Hành động. Đây là một tuyên bố toàn diện về những vấn đề liên quan tới phụ nữ, trong đó, nó nhắc đến các vấn đề như lạm dụng quyền con người tới nghèo đói. Công ước cũng kêu gọi chính phủ các nước tham gia thực hiện hàng loạt các hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và nâng cao quyền bình đẳng cho giới nữ.
Theo khảo sát mới công bố của Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc UN Women đối với 167 quốc gia, sau 20 năm, không một nước nào đạt được bình đẳng giới. Với tốc độ này, báo cáo nhận định, sẽ phải mất 81 năm nữa các nước mới có thể đạt được bình đẳng giới trong các lĩnh vực như sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế và khoảng nửa thế kỷ nữa để có thể tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong quốc hội các nước.
Báo cáo này cũng cho thấy một số khu vực có tiến triển, chẳng hạn như nhiều nước đã đưa ra luật chống phân biệt và chống bạo lực đối với phụ nữ và các trẻ em gái. Trẻ em gái chiếm gần đến một nửa ở các trường tiểu học. Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cũng tăng đáng kể trong khi đó tỷ lệ tử vong sau sinh giảm tới 45% kể từ năm 1990.
Tuy nhiên, báo cáo của UN Women cũng cho biết mặc cho việc phụ nữ ngày càng có trình độ hơn, họ vẫn nắm giữ những công việc không mấy hứa hẹn trong khi đó vấn đề khoảng cách về tiền lương là một vấn nạn trên toàn cầu. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tồn tại ở tất cả các nước, có những nơi tệ nạn này lên tới mức nguy hiểm. Thêm vào đó, phụ nữ không hề được quyền bình đẳng trong giới lãnh đạo ở cả khu vực nhà nước và tư nhân.
Ba vấn đề cần quan tâm
Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng cho phụ nữ được đánh giá có những tiến bộ đáng kể song những tiến bộ này không giúp cải thiện nhiều đời sống của phụ nữ. Ông Monjurul Kabir, đứng đầu bộ phận phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức UN Women, đưa ra ba vấn đề về phụ nữ đáng quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Ông cho biết:
Monjurul Kabir: Số lượng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở Việt Nam đứng vào hàng lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, nó cũng lại tạo ra những thách thức trong việc nâng cao năng lực của phụ nữ trong nền kinh tế. Bởi vì dù phụ nữ tham gia nhiều vào lực lượng lao động, nó không dẫn đến việc họ có được nhiều lợi ích về kinh tế cũng như họ không tham gia nhiều vào chính trị. Đó là một vấn đề mà UN Women cùng làm việc với chính phủ Việt Nam.
Ông Kabir cũng cho biết bạo lực đối với phụ nữ cũng là một vấn đề đáng ngại ở Việt Nam. Ông nói:
Monjurul Kabir: Việt Nam vấn đề bạo lực đối với phụ nữ vẫn diễn ra. Các số liệu thống kê cho biết khoảng 58% phụ nữ có gia đình ở Việt Nam chịu cảnh bạo hành ít nhất một lần trong đời. Chúng ta cũng có số liệu cho thấy khoảng 34% phụ nữ bị cảnh hành hạ về thể xác và tình dục. Vì thế, dù Việt Nam có tiến triển về việc giảm tỷ lệ chênh lệch về giáo dục, khiến nhiều trẻ em gái được đi học, điều đó không làm giảm tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành trong gia đình.
Việc có ít phụ nữ đại diện trong quốc hội là một điểm mà Việt Nam cần cải thiện. Ông cho biết:
Monjurul Kabir: Việt Nam còn nhiều thách thức trong vấn đề phụ nữ gia nhập vào chính trị ở cấp cao. Ví dụ, ở quốc hội Việt Nam có khoảng 24.4% phụ nữ có mặt, đây là một con số khá lớn so với các nước trên thế giới, tuy nhiên nó lại ở mức thấp nhất trong lịch sử của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi muốn cổ vũ cho việc tăng cao tỷ lệ này trong cuộc bầu cử năm 2016 tới. Bởi vì, nếu ngày càng nhiều phụ nữ có mặt trong quốc hội có nghĩa là phụ nữ ngày càng có nhiều quyền lợi hơn. Tôi không nói rằng đàn ông không cổ vũ cho các quyền của phụ nữ tuy nhiên tôi nghĩ rằng ta có thể làm tốt hơn thế và Việt Nam có thể làm tốt hơn thế.
Đây là một thực tế mà ngay cả giới chức ở Việt Nam cũng phải thừa nhận. Trong một bài phỏng vấn với phóng viên của đài Á châu Tự do gần đây, tiến sĩ Vương Thị Hạnh, giám đốc trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ ở Hà Nội, cho biết tỷ lệ phụ nữ giữ các chức vụ chủ tịch hay phó chủ tịch vẫn còn ít. Bà cũng bày tỏ ý kiến của nhiều dư luận trong nước về việc có nhiều phụ nữ trong các vị trí cho tiếng nói quyết định nhiều hơn.
Ông Kabir nhận định rằng tình trạng này cho thấy một sự trái ngược khi mà phụ nữ hiện diện trên mọi mặt trong cuộc sống ở Việt Nam. Cùng lúc đó, vai trò của họ thường không được thừa nhận một cách chính thức hoặc không hề được công nhận. Ông nói:
Monjurul Kabir: Nó phản ánh một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà nhiều đất nước khác trên thế giới khi mà phụ nữ tham gia rất nhiều hoạt động ở trong nhà hay ngoài xã hội. Tuy vậy, rất nhiều hoạt động của họ không dẫn tới các giá trị về kinh tế. Khác hẳn với nam giới, họ luôn được trân trọng trong các nỗ lực hay vai trò của họ. Tuy vậy, nhiều khi ta coi công việc của phụ nữ là chuyện hiển nhiên.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thể Bình, giám đốc tổ chức Nhân quyền cho Việt Nam trụ sở tại Hoa Kỳ, cho rằng thể chế của Việt Nam là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất bình đẳng nam nữ vẫn duy trì. Bà nói:
Nguyễn Thể Bình: Tôi nghĩ nó là thật sai lầm khi nói rằng chủ nghĩa cộng sản giúp phụ nữ một điều gì trong xã hội. Tôi nghĩ là thực tế nó lợi dụng phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo cấp thấp để tạo ra một cái sự viễn tưởng rằng có chút bình đẳng giới trong xã hội. Trên thực tế là những phụ nữ được đứng vào trong vị trí đó không có quyền lực và khả năng để đưa ra quyết định cuối cùng. Bộ Chính trị Trung Quốc và Việt Nam phần lớn là bao gồm toàn đàn ông. Và vì thế họ sử dụng phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cấp thấp là để thao túng hệ thống bởi vì những người
phụ nữ này thường mềm mại và hiền hoà hơn nên cũng dễ thuận theo những sự lũng đoạn. Tôi tin rằng không hề có quyền lực nào của phụ nữ trong xã hội cộng sản.
Tại Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ là Hội phụ nữ lại thường bị cáo buộc là đàn áp phụ nữ bằng việc áp đặt lên phụ nữ những tiêu chuẩn truyền thống. Hiền Nga, một phụ nữ trẻ hoạt động năng nổ trong các phong trào về quyền phụ nữ ở Việt Nam, cho biết:
Hiền Nga: Cái việc phải dịu dàng, đảm đang, cho lo việc nhà, và bên cạnh đấy thì vẫn phải là tiến thân được trong con đường sự nghiệp. Trong khi đó, họ không vận động ch  o các giá trị (của phụ nữ). Đúng là phụ nữ làm lãnh đạo thì được khuyến khích nhưng họ không có chính sách tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong giới lãnh đạo.
Tuy nhiên, ông Kabir thuộc cơ quan của Liên Hợp Quốc về phụ nữ UN Women khẳng định rằng Việt Nam có nhiều điểm mạnh có thể phát triển và Việt Nam có thể khắc phục những điểm còn hạn chế hiện tại. UN Women cũng đánh giá Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong những mục tiêu phát triển quyền phụ nữ trong năm 2016 và nhiều năm tới.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở của trang tạp chí, xin mời quý vị gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook cá nhân tạiwww.facebook.com/haininhrfa. Hải Ninh xin chào tạm biệt
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét