Nhân các trang mạng tại Việt Nam đang rộ lên cuộc tranh luận ‘Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây’, tôi muốn chia sẻ một cái nhìn từ Anh Quốc về cách đánh giá những gì là lịch sử và đâu là huyền thoại.
Ở châu Âu, kể từ thời của Charles Darwin (1809-1882) coi nguồn gốc loài người không bắt đầu từ Kinh Thánh nữa, khoa học lịch sử và khảo cổ cũng tách khỏi các huyền thoại, thần tích.
Kỷ nguyên Ánh Sáng coi lịch sử là một bộ môn khoa học cần có các bằng chứng, tư liệu cụ thể về khảo cổ, di truyền, niên đại.
Cùng lúc, châu Âu không bác bỏ huyền thoại, các truyện truyền kỳ, dân gian, nhưng chủ yếu coi chúng là đối tượng của niềm tin, và để cho văn nghệ sỹ tiếp tục tưởng tượng, sáng tác mà không cần ai can thiệp, đòi hỏi phải giống với hiện thực ngày nay.
Cách nhìn này có thể giúp ta giải quyết rất nhiều vấn đề dư luận Việt Nam đang gặp phải.
Tìm một huyền thoại chính xác?
Ví dụ trong cuộc tranh luận về Thánh Gióng hiện nay, có tờ báo nói vì ‘Thánh Gióng là nhân vật có tính cách lịch sử’ nên sách giáo khoa phải rất chính xác.
Vấn đề là ở chỗ cho dù có một nhân vật chống ngoại xâm nào đó để tổ tiên người Việt xây dựng thành nhân vật Thánh Gióng hay vị thần ở Sóc Sơn, nhiều chi tiết về sự tích về Thánh Gióng không thể là chuyện lịch sử.
Ta hãy xem qua một số chi tiết.
Về địa lý, chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân, một quốc gia bộ lạc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, là điều khó xảy ra.
Người Ân không thể và chẳng có lý do chính trị, kinh tế gì để điều quân từ khu vực nay là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ‘bay qua đầu’ rất nhiều bộ lạc khác xuống tận làng Phù Đổng nằm ở vùng đầm lầy cửa sông Hồng cách xa 2000 km.
Về mặt niên đại, một số bài báo ở Việt Nam nay đã bác bỏ điều phi lý rằng 18 đời vua Hùng kéo dài 2.622 năm (một vua trị vì 145 năm) và đồng ý rằng thời đại này tương ứng với văn hóa đồ đồng Đông Sơn, kéo dài khoảng 400 năm và kết thúc năm 258 trước Công nguyên.
Như thế, sự tích Thánh Gióng, cứ cho là dựa trên chuyện một vị anh hùng có thật thời Hùng Vương thứ 6, hoàn toàn không cùng thời nhà Thương Ân.
Đơn giản là triều đại này đã bị nhà Chu xóa sổ năm 1046 hoặc 1122 trước Công nguyên, vài trăm năm trước khi vua Hùng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam thời vua Chu Trang Vương (696 - 682 trước Công nguyên).
Nhưng vì sao câu chuyện này cứ kéo dài trong văn hóa và cả giáo dục Việt Nam?
Rất có thể một quan niệm vừa cả tin, vừa cố chấp khiến không ít người muốn áp đặt những chuyện cổ dân gian trở thành ‘khoa học lịch sử’.
Ngoài ra, nhu cầu chính trị khiến người ta muốn tạo dựng ra tính chính danh cho quốc gia bằng cách cố chứng minh một ‘lịch sử dân tộc’từ thời tối cổ kéo dài xuyên suốt và thuần khiết suốt hàng nghìn năm tới nay.
Ví dụ Ấn Độ tự hào có tới 7000 năm lịch sử, Trung Quốc có 5000 năm lịch sử, Việt Nam cũng phải có ít nhất 4000 năm.
Trong khi đó, tại Anh có di tích còn sừng sững từ thời kỳ đồ đá như Stonehenge (5000 tuổi) nhưng không ai nhận rằng lịch sử Anh có từ khi đó.
Thậm chí, trong bài trên ancient-origins.net gần đây, giới khảo cổ tìm ra bằng chứng người tại đảo Isle of Wright đã từng buôn bán lúa mạch với châu Âu và đem phương thức trồng cấy vào Nam đảo Anh cách đây 8000 năm, sớm hơn 2000 năm so với các suy đoán trước đó.
Nhưng cũng không vì vậy mà Anh Quốc đột nhiên tuyên bố họ có lịch sử 8000 năm.
Lịch sử có niên đại tại Anh là 1500 năm trở lại đây, và chủ yếu tính từ cuộc xâm lăng của La Mã sau đó tới các dòng di dân Viking, Anglo-Saxon kéo đến, hòa huyết với người Celt, rồi tới các dòng họ như Lancaster và York tranh giành quyền bính vào thế kỷ 13-14.
Người ta cũng phân biệt lịch sử của các nền văn minh với lịch sử các quốc gia vốn chỉ hình thành về sau này.
Nếu gộp cả các di chỉ đồ đá vào thì tuổi của văn minh Ấn Độ có thể đạt 9000 năm (Indian civilisation '9,000 years old', BBC News 16/02/2002) nhưng các bộ tộc khi đó sống ra sao, tin vào cái gì là chuyện đã quá cách xa xã hội Ấn Độ ngày nay.
Cũng mới đây, người ta phát hiện ra tranh hang động ở vùng quê Sulawesi có tới 40 nghìn năm, cho thấy loài người có khả năng sáng tạo nghệ thuật rất sớm chứ không phải là hội họa Indonesia có tuổi lâu như thế.
Thời xưa rộng lớn hơn ta tưởng
Trên khắp thế giới, các bộ tộc thời cổ đại giao lưu, giao chiến, sáng tạo và di chuyển trên những không gian rộng hơn biên giới quốc gia thời nay và xuyên qua hàng nghìn năm nên phải có các phương tiện đa ngành, từ khảo cổ đến ảnh vệ tinh, nghiên cứu di truyền...rất công phu mới có thể đưa ra một vài kết luận hạn chế nào đó.
Chỉ dựa vào một số huyền thoại hẳn không đủ mà còn dễ ngộ nhận và bị nhãn quan văn hóa thời nay hay chủ nghĩa dân tộc làm sai lệch.
Nhưng thế giới ngày nay cần làm gì với các huyền thoại như Thánh Gióng?
Bỏ đi tư duy chứng thực thô sơ, ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của câu chuyện cổ tích này.
Tổ tiên nhóm nay là Việt có va chạm với bộ lạc Ân hay không thực ra không quan trọng nếu ta hiểu đây là biểu tượng của các cuộc chiến người vùng phía Nam Dương Tử chống lại các nhóm du mục từ phía Bắc tràn xuống vốn xảy ra liên tiếp trong lịch sử Đông Á.
Bên Nam Á cũng thế, các bộ tộc thiện chiến hơn từ vùng nay là Trung Á đã kéo xuống chinh phục bình nguyên sông Hằng, tạo ra các sử thi như Mahabharata.
Chuyện Thánh Gióng gắn liền với giai đoạn chuyển từ văn minh thạch khí sang kim khí nên huyền thoại dùng lửa (tre ngà), dùng vũ khí có được khi đã biết rèn sắt (gậy và ngựa sắt) để chống giặc lại rất dễ hiểu và hoàn toàn có logic.
Nhân loại thời xưa có nhiều điều chung hơn ta tưởng, các mô típ về lũ lụt hay đại hồng thủy, các vị thần núi thắng quái vật biển, các cột chống trời, cây thần, ngọn tháp nối đất trời đều có từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia...sang cả Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Sáng nay đi làm qua Leicester Square ở trung tâm London tôi thấy hãng kim cương Swarovski dựng rạp to để quảng cáo cho đôi hài của Cinderella.
Một bài trên BBC News gần đây tìm lại sự tích cô Lọ Lem mà ở Việt Nam là Tấm Cám, ở châu Âu là Cinderella và cho thấy nó có mặt khắp vùng từ Đông Á, xuyên qua Uzbekistan sang tận châu Âu.
Thấy Cinderella đi guốc cao gót kiểu châu Âu gắn kim cương ta không nên bắt cô Tấm phải đổi hài cho sang, cho đúng mà nên lấy làm thú vị về những chuyện cổ tích từ thời rất xa xăm nhưng kết nối chúng ta trong cộng đồng nhân loại.
Đó là cách để các huyền thoại sống mãi theo dòng riêng của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét