Pages

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Trung Quốc thể hiện bá quyền với các tranh chấp ở Biển Đông


BienDong.Net: Còn rất xa Trung Quốc mới xét lại lập trường kiên quyết của nước này tại Biển Đông, thay vào đó nước này dường như đang quyết tâm củng cố vị trí của mình ở Biển Đông bất chấphậu quả có thể gây tổn thất cho các nước khác trong khu vực. Các hình ảnh vệ tinh mới nhất được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS) công bố cho thấy hoạt động xây dựng rộng lớn của Trung Quốc tại các khu vực đang xảy ra tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa, nơi mà Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền.

Trong khi Việt Nam là quốc gia giành quyền kiểm soát nhiều nhất các tính năng địa lý đang xảy ra tranh chấp ở quần đảo Trường Sathì Trung Quốc lại là quốc gia có khả năng, tham vọng (và gặp nhiều trở ngại về khoảng cách địa lý) nhất trong các nước có tuyên bố chủ quyền tại quần đảo này. Do sự bất đối xứng sức mạnh tương đối lớn giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á, Trung Quốc có đủ khả năng đơn phương áp đặt tiến độ và quỹ đạo của các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Mặc dù là một nước tham gia tranh chấp tương đối muộn, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường vị thế của mình thông qua việc cải tạo các tính năng địa lý có tính chiến lược cao như mở rộng diện tích bãi Đá Chữ Thập gấp mười lần so với kích thước ban đầu.
Bãi Đá Chữ Thập là một công sự quân sự kiên cố với khoảng hai trăm lính Trung Quốc đồn trú. Trong thời gian tới, Trung Quốc dự kiến xây dựng một đường băng tại bãi đá này. Đây là một khúc mở đầu quan trọng có thể dẫn đến thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) trên thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng với ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, điều này sẽ mở đường cho Trung Quốc thống trị bầu trời trên toàn bộ chuỗi đảo ở tây Thái Bình Dương.
Một số nhà phân tích lập luận rằng Trung Quốc chỉ đơn giản củng cố vị thế của mình tại các tính năng địa lý mà nước này chiếm được kể từ những thập niên cuối của thế kỷ 20. Vì vậy, các nhà phân tích này cho rằng không có lý do gì phải lo lắng khi Bắc Kinh đang củng cố thay vì mở rộng sự hiện diện của mình tại quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm được bằng vũ lực sau một cuộc đối đầu với Philippines năm 2012. Mặc dù bãi cạn Scarborough nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ) 200 hải lý của Philippines, Trung Quốc tăng cường khẳng định chủ quyền bằng cách liên tục ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận các nguồn tài nguyên thuỷ sản phong phú tại đây.
Khi nói đến tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc không nhắc đến chiến lược "ngoại giao ngoại vi" của mình. Có rất ít bằng chứng cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chiến lược "ngoại giao ngoại vi" mà ông công bố đầu năm 2014, trong đó Bắc Kinh phản đối "chủ nghĩa bá quyền", cam kết "phát triển hoà bình", và "bảo vệ hòa bình thế giới cùng với tất cả các nước khác”.
Tranh chấp ở Thái Bình Dương
Tương tự như Vịnh Ba Tư, khu vực dễ xảy ra xung đột nhưng đại diện cho một trong những Tuyến Đường biển (Sea Lines of Communications - SLOCs) quan trọng nhất trên thế giới và sở hữu một nguồn tài nguyên hoá thạch khổng lồ, Biển Đông ngoài nguồn tài nguyên hoá thạch còn có nguồn tài nguyên thuỷ sản phong phú. Nguồn tài nguyên thuỷ sản này là nguồn sinh kế chủ yếu của hàng chục triệu người sống ở các vùng ven biển khu vực Đông Nam Á. Điều này có thể biến Biển Đông thành một SLOC đa dạng về tài nguyên và có ý nghĩa kinh tế chiến lược hơn vùng Vịnh Ba Tư.
So với vùng Vịnh Ba Tư, phạm vi và mức độ cạnh tranh hàng hải ở Biển Đông phức tạp hơn rất nhiều. Ở vùng Vịnh Ba Tư, Iran đại diện cho một chủ nghĩa xét lại đơn độc, đối mặt với hạm đội hải quân Mỹ được hỗ trợ bởi liên minh vũ trang mạnh mẽ của thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC), đặc biệt là Ả - Rập Xê - út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ngược lại, ma trận cạnh tranh tại Biển Đông có nhiều yếu tố tác động và đa chiều hơn, trong đó nhiều nước trong và ngoài khu vực cùng cạnh tranh về các nguồn tài nguyên quý giá và/hoặc các mục tiêu chiến lược tại vùng biển này. Với việc nguồn lợi thủy sản và biển trong khu vực suy thoái nhanh chóng do các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp quy mô lớn (chủ yếu là do các tàu cá Trung Quốc), động lực bảo tồn nguồn tài nguyên đang cạn kiệt ở Biển Đông đạt đến một mức độ mới.
Cuộc khảo sát ngư nghiệp toàn diện tại Biển Đông của Trung Quốc gần đây đã phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của nước này đối với đời sống của hàng triệu ngư dân Trung Quốc đang phụ thuộc vào quyền tiếp cận "không bị cản trở" đối với nguồn tài nguyên biển giàu có tại Biển Đông. Cuộc khảo sát này cho thấy trữ lượng thủy sản tại các khu vực tranh chấp tại Biển Đông đạt khoảng 73 triệu đến 172 triệu tấn các loài cá và sinh vật khác sống ở độ sâu trung bình 200 - 100m. Không có các cuộc bầu cử dân chủ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chủ yếu dựa vào kết quả kinh tế để tạo tính hợp pháp và ngăn chặn biến động xã hội. Vì vậy, bên cạnh sự cần thiết phải xoa dịu các cử tri có quan điểm dân tộc cứng rắn trong quân đội và dân sự, ĐCSTQ rõ ràng đã có những cân nhắc chính trị đối nội đằng sau các hành động gây hấn tại Biển Đông được thúc đẩy bởi nhu cầu chiếm giữ nguồn tài nguyên thuỷ sản phong phú tại đây.
Mặc dù các ước tính trữ lượng dầu khí ở Biển Đông của Trung Quốc có nhiều mâu thuẫn với các nguồn đánh giá đáng tin cậy khác, Bắc Kinh vẫn tiến hành các dự án thăm dò trong khu vực. Gần đây nhất, Bắc Kinh tuyên bố đã phát hiện mỏ khí gas Lăng Thuỷ 17 - 2 (Lingshui 17 - 2), cách cực nam của đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 150 km về phía nam. Việc Trung Quốc rút dàn khoan HD - 981 ra khỏi lãnh hải của Việt Nam nhiều khả năng nhằm tránh gây đổ vỡ mối quan hệ song phương với Hà Nội, nhưng Trung Quốc rõ ràng đang gia tăng các hoạt động thăm dò tại các vùng biển tranh chấp khác.
ASEAN ở đâu?
Một số nước thành viên ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, và Indonesia, quan ngại về các hành động và ngôn từ biện minh của Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc bổ nhiệm ông Vương Nghị, một chuyên gia về Châu Á, làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu năm 2013 đã dấy lên hy vọng về mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN.
Ông Vương Nghị đã trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán cấp cao liên quan đến Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DoC) năm 2002, và thể hiện kỹ năng ngoại giao khi đảm nhiệm vai trò đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản. Như được đề cập trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2013 về vai trò của chiến lược "ngoại giao ngoại biên" đối với lợi ích lâu dài của Trung Quốc, việc bổ nhiệm ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao cho thấy ông Tập Cận Bình có thể nghiêm túc trong việc kiểm soát các tranh chấp lãnh thổ với các nước lân bang.
Tuy nhiên, cho đến nay, ông Vương Nghị đã thể hiện quan điểm "diều hâu" tương tự như quan điểm cứng rắn của các quan chứcTrung Quốc khác trong các cơ quan dân sự, quân sự của nước này. Điều này có thể do Bộ Ngoại giao Trung Quốc có ít ảnh hưởng trong việc định hình chính sách ngoại giao ngoại biên của Bắc Kinh.
Không muốn thua kém các đồng nghiệp (có lòng tự hào dân tộc) làm việc tại các cơ quan nhà nước khác, các nhà ngoại giao Trung Quốc thể hiện quan điểm cứng rắn đối với các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của nước này tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đã qua rồi những ngày mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc có tiếng nói lý trí, ôn hoà trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt là dưới thời của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Vương Nghị đã chọc tức nhiều thành viên ASEAN khi khiển trách các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, vì đã tham gia "xây dựng trái phép trong ngôi nhà của người khác [Trung Quốc]”. Ông Vương Nghị đi xa đến mức trâng tráo tuyên bố rằng Trung Quốc "không chấp nhận chỉ trích của các nước khác khi Trung Quốc chỉ xây dựng các cơ sở trong sân nhà mình”, và Bắc Kinh có "đủ mọi quyền để tiến hành các hoạt động hợp pháp và chính đáng [trong đường chín đoạn của Trung Quốc]”.
Còn rất xa tình hình cảng thẳng trên biển gữa Trung Quốc và các nước láng giềng mớiđược cải thiện, ông Vương Nghị có tiếng nói ngày càng giống cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Chì, một người chuyển đổi từ quan điểm trung lập sang diều hầu. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum - ARF) tại Hà Nội năm 2010, ông Dương Khiết Chì tự nhận đã gây sốc các nước Đông Nam Á bằng tuyên bố thô lỗ trong khi nói chuyện với người đồng cấp Singapore rằng "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế".
Trung Quốc cũng phản đối những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thiết lập một thoả thuận đa phương cho các tranh chấp tại Biển Đông. Trung Quốc không chỉ phản đối xử lý các tranh chấp trên qua toà trọng tài quốc tế, chính thức tẩy chay các thủ tục tố tụng trọng tài đang diễn ra tại Hague, mà còn ngăn chặn nỗ lực của ASEAN trong việc thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct - CoC) nhằm quản lý các tranh chấp hàng hải tại khu vực.
Tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ASEAN Defense Senior Officials' Meeting Plus) tổ chức tại Kuala Lumpur đầu năm 2015, Trung Quốc phủ quyết lời kêu gọi đưa vấn đề CoC vào chương trình nghị sự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ASEAN Defense Ministers Meeting Plus - ADMM) diễn ra vào cuối năm 2015. Khi nói đến các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc, chủ yếu nhờ vào ảnh hưởng kinh tế to lớn của mình đối với nhiều nước Đông Nam Á, đã trở thành một thành viên danh dự có quyền phủ quyết trong ASEAN.
Phản ánh những lo ngại ngày càng tăng đối với mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, các quan chức Philippines gần đây đã quyết định trục xuất 18 công dân Trung Quốc đang làm việc tại Tổng Công ty Điện lưới Quốc gia Philippines (National Grid Corporation of the Philippines - NGCP). Các kỹ thuật viên người Trung Quốc làm việc dưới sự uỷ quyền của Công ty Cổ phần Điện lưới Nhà nước Trung Quốc (State Grid Corporation of China - SGCC),và điều khá ngạc nhiên là công ty SGCC nắm tới 40% cổ phần của công ty NGCP.
Sau nhiều tháng liên tục cảnh báo về khả năng Trung Quốc phá hoại các ngành có vai trò chiến lược như sản xuất điện, Chính quyền Philippines ngầm nhắc đến vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia như một cơ sở để từ chối gia hạn thị thực cho các công dân Trung Quốc nêu trên.
Nhìn chung, rõ ràng là Trung Quốc đang tự tin, quyết tâm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông. Và cho đến nay, có vẻ chưa có một chiến lược đối phó hiệu quả nhằm kiểm soát các bước đi chiến lược của Bắc Kinh tại vùng biển này.
BDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét