Pages

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Tuấn Khanh - Đích đến của mọi tên gọi

Dư Luận Viên, thật ra đó không phải là chuyện mới, từ ngàn xưa vốn đã ghi lại những câu chuyện về loại người này.

Trong những câu chuyện về Đức Phật, có chuyện ghi lại rằng khi đạo Phật được lòng người và phát dương ở Ẩn Độ, một vùng đất đầy những tín ngưỡng thần linh khác nhau và lâu đời, rất nhiều người ở tôn giáo khác đã hết sức tức giận Đức Phật. Một ngày nọ khi đang ngồi dưới gốc Bồ Đề thuyết pháp, bất ngờ một người trong số đó tiến đến gần và bất ngờ nhổ vào mặt Đức Phật. Mọi đệ tử đều bất ngờ và tức giận, nhưng ngay lúc đó, Đức Phật chỉ điềm đạm hỏi rằng “ngươi còn muốn làm gì nữa không?”. Tên Dư Luận Viên thời cổ đại đó đã bỏ đi.

Câu chuyện đó, có thể coi như một chứng cứ cho sự có mặt sớm sủa của một loại Dư Luận Viên trên hành tinh này - loại người cực đoan và chỉ muốn hành động khiêu khích, buông thả bản năng nông cạn của mình để chống lại sự tự nhiên và lẽ sống. Những kẻ đó chỉ mong chờ sự phản ứng từ nạn nhân của chúng: hoặc là sợ hãi, hoặc là đáp trả để chúng có thể tự kích thích và hưng phấn với bản năng vô lương của mình.

Khi còn ở trường trung học, phải mất nhiều năm nhìn ra thế giới bên ngoài mái trường xã hội chủ nghĩa, tôi mới nhận ra rằng chỉ có những chế độ độc tài mới sản sinh những loại Dư Luận Viên – mà tên gọi thì rất khác nhau. Thời Phát-xít Đức thì có Thanh Niên Quốc Xã, thời Mao Trạch Đông thì có Hồng Vệ Binh, thời Nga Sô thì có đoàn thanh niên Komsomol… tất cả những thành phần tích cực của thể loại này là những kẻ chỉ điểm bậc nhất, những tên cực hữu khát máu. Ở Đức thì chúng bức hiếp và tố cáo người Do Thái, ở Trung Quốc thì đánh đập, hành hạ trí thức, ở Nga thì chụp mũ gián điệp với bất kỳ ai dám có ý kiến khác biệt…

Và có thể vì thế, mà trong bài trả lời báo chí ngày 17/3, Tướng CA Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã dứt khoát phủ nhận có liên quan chuyện thành phần Dư Luận Viên xuất hiện trong lễ tưởng niệm Trung Cộng thảm sát và chiếm đảo Gạc Ma (14-3-1988). Dù sự nhố nhăng của đám người cờ đỏ sao vàng đó có thể được gọi là thành công trong việc phá sự trang nghiêm của lễ tưởng niệm, nhưng tính hạ cấp của hành động cũng như chủ trương khiến các nhà lãnh đạo cấp trên phải ngại ngùng, từ chối không liên quan. Về cơ bản, một nhà nước văn minh và pháp quyền không thể nào nhìn nhận mình đang nuôi dưỡng một lực lượng cực hữu điên cuồng như vậy.

Tuy nhiên, những Dư Luận Viên đó có lý của mình. Họ có đặc quyền ngu dốt trước lễ tưởng niệm này vì chưa bao giờ việc mất đảo, hy sinh này được vào sách giáo khoa lịch sử, dù người dân đã đóng không biết bao nhiêu tiền thuế để cải cách. Thậm chí việc tưởng niệm hay nhắc lại sự kiện này trong nhiều năm vẫn bị coi là nhạy cảm trên báo chí, truyền hình. Bao giờ những mất mát đau thương này thành bài học con trẻ. Mà không phải chỉ có Gạc Ma, mà mọi điều minh bạch về cuộc chiến 1979, về Hoàng Sa trở thành chuyện quốc gia không úp mở? Dù là Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh, dù là Việt Nam Cộng Hòa hay Cộng Sản thì đất đai và dân tộc cũng chỉ là của người Việt mà thôi.

Gamzatov, nhà thơ xứ Daghestan, từng viết rằng “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”. Dường như câu nói này đang ứng vào hiện tại của đất Việt hôm nay. Khi xương máu và giang sơn của tiền nhân để lại bị coi thường, thì giá trị tổ quốc trở thành mờ nhạt, vô nghĩa. Rất nhiều quan chức cộng sản vô thần ra sức góp tiền xây chùa, làm từ thiện để mong tạo phước cuối đời cho mình, thì cũng là lúc một lũ vô đạo mang cờ quạt chính danh nhảy múa diễu cợt trước vong linh người đã hy sinh cho đất nước.

Đừng hy vọng những Dư Luận Viên đó ngại ngùng và từ bỏ hành động của mình. Trong thời đại duy lợi và cơ hội, đó là những hoàn cảnh đẹp nhất để họ giới thiệu mình như một công cụ và háo hức xin được nhìn nhận thân phận. Tổ tiên hay đồng bào cũng chỉ nằm dưới gót giày của họ. Thậm chí nếu cho một cơ hội, họ có thể lau dọn tất cả tội ác của kẻ xâm lược bằng lưỡi của mình. Trong thời đại Viking ờ Bắc Âu, khi một tộc trưởng bị kẻ khác đánh bại và giành danh hiệu, tất cả những chiến binh của kẻ bị đánh bại đều đến trước ông chủ mới làm lễ để thề trung thành và nguyện phục vụ cho đến chết. Rất nhiều chiến binh coi đó là cơ hội của mình để thăng tiến và được nhìn nhận. Thời đại nào cũng vậy, luôn có những kẻ xông lên để giới thiệu mình. Và dù là Chiến Binh hay Hồng Vệ Binh hay Dư Luận Viên, đó cũng chỉ là tên gọi mới của một loại nô lệ.

Tuấn Khanh

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét