Pages

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Asean lo về TQ nhưng ngại đối đầu?

Các ngoại trưởng Asean được cho là đã nêu lên quan ngại về việc Trung Quốc xây đắp trên Biển Đông
Các nỗ lực xây dựng đảo của Trung Quốc có thể ‘phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định’ ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp, hãng tin AFP dẫn nội dung thông cáo của lãnh đạo các nước Asean đang tham dự cuộc họp thượng đỉnh vào hôm nay, thứ Hai ngày 27/4.
Thông cáo chung này, vốn chưa được công bố, được soạn thảo nhân danh các lãnh đạo của 10 quốc gia Asean đang có cuộc họp thường niên tại Malaysia.

‘Phá hoại hòa bình’

“Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của một số nhà lãnh đạo về hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông, vốn đã làm xói mòn lòng tin và sự tin tưởng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định,” thông cáo viết.
Hãng tin AP cho rằng tại hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo Asean nhiều khả năng sẽ nêu quan ngại về việc Trung Quốc xây lấn đảo trên Biển Đông. Ngoài ra họ cũng thúc đẩy việc cho ra đời một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc.
Thông cáo của Malaysia, nước chủ tịch hội nghị và năm nay đang giữ chức chủ tịch luân phiên Asean, kêu gọi các ngoại trưởng trong khu vực ‘xử lý khẩn cấp vấn đề’ theo cơ chế đối thoại được thiết lập giữa Asean và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh ở Kuala Lumpur diễn ra dưới bóng đen của những hình ảnh vệ tinh mới được công bố, theo đó cho thấy quy mô của hoạt động xây lấn đảo trên Biển Đông do phía Trung Quốc tiến hành.
Những hình ảnh này cho thấy các đội tàu Trung Quốc đang đổ một lượng cát lớn trên những bãi san hô mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Hôm 26/4, Philippines đã kêu gọi các nước Asean ‘đứng lên đối đầu’ với Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây lấn đảo trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo những người đồng cấp trong khu vực rằng Trung Quốc đang muốn quyền ‘kiểm soát trên thực tế’ đối với tuyến đường hàng hải huyết mạch.

Sẽ có đoàn kết?

Asean trước nay vẫn chia rẽ trước các tranh chấp trên Biển Đông
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman sau đó đã gạt sang một bên khả năng sẽ có tuyên bố chung mạnh mẽ của Asean trên vấn đề này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 26/4, Ngoại trưởng Anifah Aman cho biết 10 nước thành viên của Asean sẽ tránh đối đầu với Trung Quốc cũng như ‘bất cứ hành động nào có tác dụng ngược hay gây chia rẽ chúng tôi’.
Mặc dù liên tục lên tiếng về một Asean đoàn kết, khối này trước giờ vẫn không phản ứng mạnh mẽ trước Trung Quốc do Bắc Kinh có ảnh hưởng thương mại và ngoại giao to lớn đối với khối và vì không phải nước Asean nào cũng có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, theo hãng tin AFP.
Trong khi đó, AP dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng ‘khoảng cách ngày càng lớn giữa con đường ngoại giao và tình hình thực tế trên biển’ đòi hỏi Asean và Trung Quốc phải khẩn cấp cần hướng đến việc sớm thực thi một bộ quy tắc ứng xử.
Trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tại các ngoại trưởng Asean nhóm họp hôm 26/4 trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã ‘bày tỏ lo ngại về những hoạt động bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở Biển Đông’ và cho rằng hành động này của Trung Quốc đã ‘làm thay đổi nguyên trạng, làm suy giảm lòng tin, gây căng thẳng khu vực’.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các ngoại trưởng Asean đã nhất trí ‘tiếp tục tăng cường đoàn kết và tiếng nói chung, phát huy vai trò lớn hơn’ trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực.

‘Tuyên bố chung sẽ kiềm chế’

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đắp quy mô lớn trên Biển Đông
Trao đổi với BBC về khả năng các lãnh đạo Asean ra tuyên bố chung lên án việc làm của Trung Quốc, Cựu thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng nói: “Tôi tin chắc sẽ có tuyên bố nhưng lời lẽ sẽ rất kiềm chế, hạn chế vì cần có sự đồng thuận.”
“Các ngoại trưởng đã lên tiếng thì cấp cao chắc chắn sẽ đề cập vấn đề này.”
“Có thể sẽ không có đề cập một cách thống nhất nhưng sẽ có những đề cập rất mạnh vấn đề Trung Quốc xây cất trên Biển Đông và sẽ có kêu gọi các nguyên thủ cần có lập trường để lên án chuyện này,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông dự đoán rằng lập trường của Asean sẽ ‘chung chung’ và ‘khó có đồng thuận quyết liệt’.
“Khó khăn là cần sự nhất trí của một số thành viên do nguyên tắc của Asean là đồng thuận,” ông giải thích, “Một số nước muốn cứng rắn, quyết liệt hơn nhưng chắc tuyên bố sẽ không ra được những gì ghê gớm lắm.”

'Việt Nam không chủ trương đối đầu Trung Quốc'

Khi được hỏi về lời lẽ kêu gọi đoàn kết của Asean, với kinh nghiệm ngoại giao của mình, ông Phụng nói: “Họ cũng phải nói đoàn kết nhưng chỉ đến mức gọi là hài hòa, không va chạm, không gây phức tạp cho Trung Quốc.”
Về phía Việt Nam, ông nói Hà Nội mong muốn các nhà lãnh đạo Asean ra tuyên bố ‘rất rộng [nhằm] lên án, phê phán Trung Quốc’.
Khi được hỏi về sự khác biệt về cách tiếp cận giữa Việt Nam và Philippines đối với mâu thuẫn với Trung Quốc tại diễn đàn Asean, ông Phụng cho rằng Hà Nội ‘không chủ trương đối đầu với Trung Quốc’.
“Chúng tôi đánh giá cao và rất coi trọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc,” ông nói.
“Philippines có lập trường của họ, bức xúc của họ. Chúng tôi cũng vậy,” ông nói. “Vấn đề là làm sao tránh đối đầu xung đột.”
“Các nước Asean không phải nước nào cũng xông ra phê phán, đối đầu Trung Quốc (như Philippines) nên phải tính toán về mặt sách lược, chiến lược rất cẩn trọng,” ông nói thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét