Pages

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Bốn tháng – Ba tai nạn: Quân đôi Nhân dân có bảo vệ được Tổ Quốc không?

Tìm kiếm hai phi công lái Su -22 đang mất tích
                                           Tìm kiếm hai phi công lái Su -22 đang mất tích

Tháng Bảy 2014 tai nạn tại Sư đoàn 371

Bảy giờ 45 phút sáng ngày 7 tháng Bảy năm 2014, trực thăng rơi ở Hòa Lạc cách Hà Nội khoảng 40 km về phía tây, 19 chiến sĩ tử vong, một bị thương nặng.

Chiếc trực thăng lâm nạn là Mi-171 số hiệu 01 thuộc Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân. Cất cánh vừa được 15 phút để huấn luyện nhảy dù, thì mất liên lạc và rơi cách nơi cất cánh 3 Km.

Báo chí Việt Nam ca ngợi phi công dũng cảm, thông minh cố đưa chiếc trực thăng rơi vào khoảng trống, tránh tổn thất cho dân.

Bốn tháng – ba tai nạn tại Sư đoàn 370

Vụ thứ nhất, tháng Giêng, 2015

Lúc 7 giờ 15 sáng 28 tháng Giêng 2015, chiếc trực thăng loại UH-1 số hiệu 912 thuộc Trung đoàn 917, sư đoàn 370, bay huấn luyện đã rơi tại ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, T/P Hồ Chí Minh, cất cánh mới được 8 phút.

Hậu quả, máy bay bị cháy toàn bộ, tổ bay gồm bốn người đã hy sinh: Thượng tá chỉ huy Đỗ Văn Chính, Thượng tá Trần Văn Đức, Thiếu tá Lê Hoàng Quân, Trung úy Nguyễn Viết Cường.

Báo chí đưa tin bốn chiến sỹ đã hy sinh dũng cảm trong khi làm nhiệm vụ, được phong Huân chương bảo vệ Tố quốc, Huy chương chiến sĩ vẻ vang, đồng thời thăng quân hàm.

Vụ thứ hai, tháng Ba, 2015

Lúc 9 giờ 30 sáng 26 tháng Ba 2015, một trực thăng quân sự, thuộc Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, đang lượn để chuẩn bị đáp xuống phi trường trên đảo Phú Qúy, Bình Thuận, thì bất ngờ gãy đôi.

Đại tá Nguyễn Văn Hạnh chính ủy Sư đoàn cho biết: Đây không phải là máy bay rơi, mà là máy bay gặp sự cố trên không phải hạ cánh khẩn cấp nên gây ra tai nạn.

Dân trên đảo kể lại: Thấy trực thăng bay giật lùi, đuôi cắm thẳng xuống, đầu ngỏng lên trời, rồi bỗng nhiên đứt đôi, cánh quạt vẫn quay tít, nửa thân sau của trực thăng quăng ra khỏi điểm rơi đến 200 m. Sáu người được đưa ra khỏi máy bay, đều mặc đồ dân sự kể cả phi công (máy bay quân sự tập luyện sao lại mặc đồ dân sự). May mắn, không ai tử nạn.

Vụ thứ ba, tháng Tư, 2015

Hai máy bay Sukhoi 22, thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, cất cánh vào sáng 16 tháng Tư, từ sân bay Phan Rang, trong bài luyện tập bình thường trên vùng trời đảo Phú Qúy, Bình Thuận, đã đột nhiên mất tích trên mành hình radar.

Thông tin ban đầu cho hay, phi công Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng, và phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) lái máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó.

Báo chí loan tải cả hai sỹ quan phi công đều thuộc loại giỏi, nhiều kinh nghiệm, trong lúc luyện tập nhào lộn đã va chạm vào nhau. Đã sáu ngày sau khi tai nạn, thời tiết không đến nỗi xấu, không xa đất liền, tọa độ được xác định, mà tin tức về hai viên phi công vẫn bặt vô âm tín.

Vài câu hỏi

Tại sao chưa đầy 6 tháng mà có đến 4 máy bay bị rớt trong huấn luyện đều thuộc Sư đoàn 370? Có ai đặt câu hỏi về khả năng và trách nhiệm của những người chỉ huy sư đoàn này.

Cứ mỗi tai nạn, chỉ thấy báo chí chú ý vào công việc ủy lạo cho những người thiệt mạng, phong quân hàm, tặng huân huy chương, chế độ đãi ngộ, gởi vòng hoa phúng viếng, tang chay mà không hề có thông tin nào về việc điều tra, tìm kiếm nguyên nhân, và bài học.

Mọi thông tin bị vùi lấp trong màn xương mù mờ đặc nhân danh bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Rồi sau đó mọi chuyện rơi vào quên lãng. Hòa cả làng. Chẳng ai bị kỷ luật. Không ai chịu trách nhiệm. Không một cải cách gì. Tai nạn tiếp theo tai nạn.

Phải chăng do hậu cần và bảo trì? Không đủ kinh phí mua phụ tùng thay thế hay do tham nhũng? Hay máy bay đã qúa cũ mà vẫn mang ra sử dụng? Phải chăng do huấn luyện, giờ bay và kinh nghiệm? Phải chăng cường độ luyện tập và sử lý tình huống? Phải chăng ý thức chấp hành kỷ luật quân đội? Trình độ của những thợ sửa chữa bảo trì và phi công v.v? Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là khả năng tác chiến nếu chiến tranh xảy ra.

Ngày nay, chiến thắng trong một cuộc chiến hiện đai, nhất là cuộc chiến trên biển, không còn chỉ tùy thuộc nhiều vào ý chí và lòng dũng cảm. Khoa học, kỹ thuật, và kinh nghiệm, luyện tập đóng góp một phần đáng kể.

Những tai nạn máy bay liên tiếp vừa qua bộc lộ Không quân Việt Nam chưa sẵn sàng đương đầu với Hồng quân Trung Quốc. Hiển nhiên, Trung Quốc sẽ theo dõi và khai thác triệt để những điểm non kém này.

Quân đôi Việt Nam trở về với hiện thực, không qúa ảo tưởng về danh tiếng của đạo quân “anh hùng” “bách chiến bách thắng” đã từng thắng Pháp, Mỹ. Con đường canh tân của Quân đội Nhân dân Việt Nam để bảo vệ Tổ Quốc hình như vẫn còn rất gian nan phía trước. Cách hành xử của những nhà chính trị Việt Nam trong những thập kỷ qua đã đưa đất nước vào thế vô cùng yếu. Nếu chiến tranh nổ ra, một lực lượng không quân trong vòng chưa tới một năm đã có đến bốn lần tai nạn lớn kiến mọi người nghi ngờ khả năng bảo vệ Tổ Quốc của đạo quân này.

© Trần Hồng Tâm

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét