Pages

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Bùi Văn Phú - Hà Nội mùa này

image
                      Thủ đô Hà Nội có nhiều hàng cây xanh từ bao đời qua (ảnh Bùi Văn Phú)

Thủ đô Hà Nội những ngày qua xôn xao việc nhiều cây xanh bị đốn hạ. Đến nay đã có bao nhiêu cây bị chặt thì không rõ.

Theo kiểm tra mới đây, con số cây xanh ở thủ đô là 120 nghìn, giới chức lãnh đạo thành phố có dự án chặt và thay 6700 cây và trong những ngày qua có thông tin nói từ 1 đến 2 nghìn cây đã bị đốn hạ.

Cả nghìn cây xanh đã bị chặt, như thế thu hồi cũng được nhiều gỗ, hàng vạn mét khối gỗ chứ không ít. Tại sao chặt, gỗ đem đi đâu, xử lý ra sao và những loại cây nào được trồng thay thế là điều đang khiến người dân thủ đô bức xúc.

Dĩ nhiên chuyện chặt cây được giới chức năng đưa ra với những lý do hết sức chính đáng, như cây đã hư mục, cây nghiêng ngả có thể đổ, cây sắp chết, hay cây nào làm cản trở công việc phát triển đô thị và cây nào không phù hợp với cảnh quan đô thị sẽ bị chặt bỏ.

Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội cách đây 20 năm. Đi tắc-xi từ sân bay về khu phố cổ, được người bạn giới thiệu cho biết một loại cây xanh là những hàng xà cừ thân to xù xì, lá xanh che khuất bóng mặt trời. Những ngày ở thủ đô tôi còn biết đến cây sấu có quả chua chua, biết hàng hoa sữa thơm thơm, cây hoa ban tim tím, hoa phượng đỏ. Từ đó tôi yêu thích thủ đô vì ngoài nét cổ kính, ở đây còn có nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Hà Nội xanh hơn so với Sài Gòn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những ca từ: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu…” là một bức tranh mầu sắc tuyệt vời vẽ lên nét đẹp của Hà Nội.

Vì thế khi nghe tin nhiều cây xà cừ bị đốn, tôi ngạc nhiên. Có lẽ dưới con mắt của các quan thủ đô ngày nay thì xà cừ không còn hợp với mỹ quan đô thị nên đưa ra quyết định không cần có tính khoa học hay quan tâm đến việc bảo vệ không gian xanh.

Dù nhìn dưới nhãn quan nào, mỹ quan hay cảnh quan thì việc đốn cây là cơ hội hái ra tiền cho tham quan vì ở Việt Nam cứ có dự án là có cơ hội cho quan ăn bớt, ăn xén.

Theo điều tra của báo Dân Trí, những hàng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh dự định sau khi chặt đi được thay bằng cây vàng tâm. Nhưng thực tế, hàng trăm cây được trồng vào đó là cây gỗ mỡ, giá 300,000 đồng một cây, còn vàng tâm thứ thiệt giá đến 10 triệu đồng một cây, đắt gấp ba chục lần hơn. Khác biệt về giá cả tái trồng hơn trăm cây trên con đường này thôi đã lên đến bạc tỉ và số tiền đó chạy đi đâu nếu không phải là vào túi cán bộ, quan chức.

Và loại cây gỗ mỡ sẽ là những tổ sâu. Cứ tưởng tượng mai đây cây này lớn lên che phủ những con đường, dưới tàn cây xanh bóng mát, học sinh tung tăng đến trường, những cặp tình nhân thong thả bên nhau. Một cơn gió thoảng qua, từ trên cây những con sâu bằng ngón tay rớt xuống, đậu trên tóc, trên vai, trên nón, trên áo của nữ sinh, của thiếu nữ đang dung dăng thả bộ thì đường phố bỗng nhiên sẽ là những cảnh chạy hoảng loạn. Khi đó sẽ còn đâu hình ảnh thơ mộng, tình tứ như đã in đậm trong kí ức người dân Hà thành.

Những ngày qua, xem hình ảnh trên mạng thấy nhiều cây đã được đốn ngã thì ruột không có dấu hiệu sâu mọt, cũng không thấy nghiêng ngả hay cản trở gì cho công việc phát triển đô thị.

Chuyện chặt cây hàng loạt, chặt bừa bãi khiến dư luận xôn xao lên tiếng và cư dân thủ đô đã có những cuộc biểu tình phản đối, đòi bảo vệ cây xanh.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu đặt ra nhiều câu hỏi cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về qui trình đưa đến quyết định chặt cây.

Ca sĩ một thời của thủ đô là Ái Vân từ phương xa cũng tỏ ra vô cùng đau xót nhìn hình ảnh những hàng cây gục ngã dưới lưỡi cưa điện, để trơ ra cốt lõi xanh tươi như còn rướm máu.

Nhắc đến qui trình chặt cây, cách đây mấy năm giới chức Đại học Berkeley muốn chặt 44 cây sồi để xây dựng một cơ sở huấn luyện thể thao cho sinh viên.

Khi cáo thị đưa ra, có những tổ chức bảo vệ cây và tổ dân phố không đồng ý nên phản đối bằng cách kiện đại học ra tòa, dựa vào chứng cớ các cây đó có lịch sử lâu đời cả trăm năm, hay những cây sồi được trồng trong khu vực chôn cất người da đỏ xưa vì thế là đất thiêng cần được bảo vệ. Cũng có luận điểm đưa ra quan ngại đến sự an toàn của cơ sở thể thao vì khu vực nằm trên một đường đất nứt có nguy cơ động đất.

Dăm bảy người khác phản đối bằng cách làm nhà trên cây và sống trên đó trong nhiều tháng.

Vụ việc kéo dài hai năm từ 2006 đến 2008 với 40 nghìn trang tài liệu do các bên liên quan cung cấp cho tòa án. Đài truyền hình địa phương CBS-5 thực hiện một cuộc thăm dò 500 cư dân Berkeley với kết quả 43% tán đồng việc đại học chặt cây và 41% phản đối. Con số như thế là ngang ngửa khi sai số của cuộc thăm dò là 4.6%.

Tranh cãi trước toà kéo dài 9 tháng, cuối cùng chánh án đưa ra quyết định cho phép đại học tiến hành việc chặt cây để xây dựng trung tâm thể thao. Khi đó cảnh sát mới thi hành quyết định đưa người sống trên cây xuống, trước khi hàng cây sồi bị chặt.

image
              Sống trên cây là một cách phản đối chặt cây ở Đại học Berkeley (ảnh Bùi Văn Phú)

Ở California ngoài cây sồi còn nhiều loại cây được xếp vào loại cần được bảo vệ. Sau vườn nhà tôi, cạnh bờ rào có hàng thông xanh và một cây nhiều cành chỉa vào vườn, có lúc sát mái nhà, lá rơi làm nghẽn máng nước. Nhiều lúc bực mình muốn đốn nó đi, nhưng vì là cây thuộc quyền quản lí của nhà nước nên tôi không được tự ý cắt tỉa. Tự ý tỉa cây của nhà nước sẽ bị phạt vài trăm đô, chặt đi bị phạt vài nghìn đô là ít. Nếu cây tạo ra những nguy hiểm phải báo cho thành phố để nhân viên đến xem xét và tỉa cây.

Trong vụ việc chặt cây hàng loạt ở Hà Nội, giới chức năng cho biết dự án đưa ra đã lâu, đã có nhiều buổi họp bàn, tính toán kỹ, nhưng không thấy có những ý kiến phản đối.

Tuy nhiên khi sự việc đã xảy ra, người dân lên tiếng bức xúc thì ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, chiều 20/3 có tổ chức họp báo mà lại không trả lời 21 câu hỏi được giới truyền thông nêu lên. Ông chỉ tóm gọn việc chặt cây là “vì những nhà tài trợ nôn nóng”. Điều ông Hùng nói ra bị các nhà tài trợ phản đối và cho biết họ không yểm trợ tài chánh để thành phố chặt cây xanh.

Thành phố đã quyết định tạm đình chỉ việc chặt cây. Đến ngày 25/3 Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản trả lời những câu hỏi báo chí đã đưa ra mà theo báo Thanh Niên thì “nội dung trả lời vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề, thậm chí cơ quan này còn cắt xén ý, đổi nội dung câu hỏi”.

Xét cho cùng, cũng như ở nhiều cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, tính minh bạch chưa được thể hiện trong cơ quan hành chính thủ đô.

Liên quan đến việc chặt cây, một dấu chỉ khác phản ánh chế độ toàn trị tại Việt Nam qua việc hôm 25/3 hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Chứ, ra công văn ngăn cấm giáo sư, sinh viên của trường đưa ra những phát biểu liên quan đến việc chặt cây xanh ở Hà Nội. Công văn ghi rõ: “Sự việc đã được cơ quan Công an thành phố Hà Nội (PA83) thông báo cho Nhà trường và đề nghị xử lý các cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin”.

Dư luận quá bất bình với việc chặt cây ở thủ đô nên Ban Thanh tra Chính phủ đã nhập cuộc điều tra vụ “thảm sát cây xanh”. Hy vọng khi có kết quả người dân sẽ nhận diện được ai đã đưa ra những quyết định sai trái, ai là người “thiếu trí tuệ” nhất trong dự án này.

Hà Nội mùa này vắng những cây xanh / Cái nóng buổi trưa thân em như thiêu đốt lửa / Hoa sữa thôi rơi khi em tôi về giờ tan lớp / Vì đường Cổ Ngư xưa chẳng còn bóng cây nào…


Xin phép nhạc sĩ Trương Quí Hải để chế lời ca khúc vang danh của ông, bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, như tâm tình của một người yêu Hà Nội gửi niềm tưởng nhớ đến những hàng cây xanh của thủ đô đã bị thảm sát trong thời gian qua.

Bùi Văn Phú

(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét